Những điểm cần lưu ý đối với điều tra viên khi tham dự phiên toà xét xử các vụ án tham nhũng

(Pháp Lý) - Thực tiễn quá trình xét xử các vụ án tham nhũng cho thấy, trong một số trường hợp cụ thể, Hội đồng xét xử sẽ triệu tập Điều tra viên thụ lý vụ án để làm rõ những nội dung còn nhiều vướng mắc có liên quan đến vụ án. 

Khi tham dự tại phiên tòa, một số vụ việc ĐTV gặp khó khăn trong việc giải thích, lập luận bảo vệ quan điểm cũng như kết luận của Cơ quan điều tra bởi xuất phát từ những đặc điểm đặc trưng mang tính riêng biệt của tội phạm tham nhũng. Bài viết này, tác giả chỉ ra những điểm cần lưu ý đối với Điều tra viên trong Công an nhân dân khi tham dự phiên tòa xét xử các vụ án tham nhũng, làm cơ sở để nâng cao hiệu quả hoạt động tranh tụng của Điều tra viên đối với các vụ án này trong thời gian tới. 

2-1640835395.jpg
Phiên tòa xét xử 2 cựu chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến trong vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ

Dưới góc độ khoa học Luật Tố tụng hình sự (TTHS), mô hình tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay là mô hình tố tụng hình sự pha trộn, trong đó có sự kết hợp giữa tố tụng thẩm vấn và tố tụng tranh tụng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, mô hình tố tụng hình sự ở Việt Nam vẫn mang đậm dấu nét của tố tụng hình sự thẩm vấn, nghĩa là quá trình tố tụng phải trải qua các giai đoạn khác nhau từ Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Và điểm “sắc nét” của quá trình này được thể hiện chính tại phiên tòa xét xử.

Nghị quyết số 49-NQ/TW (NQ 49) ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị đã nêu rõ một trong những mục tiêu cụ thể về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đó là: “…hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, đảm bảo tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người…”. Và để đạt được mục tiêu này, nhiều nhiệm vụ cải cách tư pháp đã được đặt ra, trong đó có nhiệm vụ “Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng đảm bảo tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”. 

Trên cơ sở tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại NQ 49, Điều 296 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2015 cũng đã quy định rõ: “Trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể triệu tập Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án”. Nội dung được thể hiện tại điều luật cho thấy rõ việc triệu tập Điều tra viên (ĐTV) đến phiên tòa có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình giải quyết vụ án. Bởi lẽ, khi phiên tòa được xét xử công khai, yếu tố tranh tụng diễn ra một cách minh bạch thì bất kỳ một tình tiết, tài liệu, nội dung còn vướng mắc nào cũng cần phải được làm rõ một cách khách quan nhất. Ví dụ như trong trường hợp bị cáo phản cung, không thừa nhận những lời khai mà mình đã khai trước đây tại Cơ quan điều tra (CQĐT) hay Luật sư bào chữa cho bị cáo phản đối kết luận điều tra của CQĐT đề nghị truy tố theo tội danh mà CQĐT đã viện dẫn là không có cơ sở thì lúc này, ĐTV phải dựa trên những luận cứ khoa học, tài liệu, chứng cứ đã thu thập được nhằm giải thích và lập luận một cách chặt chẽ để bảo vệ quan điểm và kết luận của CQĐT. 

Đối với những trường hợp ĐTV không có mặt theo triệu tập của Hội đồng xét xử (HĐXX) hoặc có mặt nhưng không lập luận, giải thích được; hoặc giải thích nhưng vẫn không rõ ý, không bảo vệ được quan điểm và và kết quả của quá trình điều tra thì HĐXX có quyền ghi nhận như là một tài liệu của vụ án để xem xét, sau đó đưa ra phán quyết cuối cùng trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tránh việc gây bất lợi cho bị cáo. 

Thực tiễn quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự các vụ án hình sự cho thấy, mỗi một vụ án đều có những tình tiết, đặc điểm và cách thức giải quyết khác nhau, nhất là đối với những vụ án tham nhũng bởi sự khác biệt giữa tội phạm tham nhũng và những loại tội phạm khác. Tội phạm tham nhũng hiện nay đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng về tài sản chung (tài sản của Nhà nước, của tập thể, doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; các cơ quan, tổ chức ngoài khu vực của nhà nước…), làm thoái hóa, biến chất một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên, đồng thời làm suy giảm lòng tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng cũng như hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước. 

Ngày 01/01/2018, khi BLTTHS năm 2015 có hiệu lực thi hành, phiên tòa đầu tiên áp dụng quy định tại Điều 296 BLTTHS chính là phiên tòa xét xử vụ án Tham ô tài sản, Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Trên cơ sở yêu cầu của Luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh – Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC cũng như để làm rõ một số nội dung còn vướng mắc trong quá trình điều tra vụ án, HĐXX đã quyết định triệu tập ĐTV thụ lý vụ án này đến phiên tòa để làm rõ tình tiết “không thành khẩn khai báo” mà CQĐT đã kết luận đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Việc triệu tập ĐTV tham dự tại phiên tòa đã giúp HĐXX vụ án này có những căn cứ để nhìn nhận, đánh giá chính xác về kết luận của CQĐT, nhằm làm sáng tỏ vụ án một cách khách quan nhất.

Xuất phát từ đặc điểm đặc trưng của tội phạm tham nhũng, khi tham dự phiên tòa xét xử các vụ án tham nhũng, ngoài việc chuẩn bị về mặt tâm lý cũng như rèn giũa kỹ năng cần thiết khi tham dự phiên tòa, ĐTV khi có mặt tại phiên tòa xét xử các vụ án tham nhũng cần chú ý một số nội dung sau:

Một là, do chủ thể của tội phạm tham nhũng là chủ thể đặc biệt, cụ thể đó là những người có chức vụ, quyền hạn, giữ những vị trí, cương vị nhất định trong các cơ quan, tổ chức của Nhà nước. Hầu hết các đối tượng phạm tội tham nhũng đều là những người có trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, am hiểu về pháp luật, về các nghiệp vụ quản lý kinh tế, luôn biết cách lách qua những “kẽ hở” của pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội. Mặt khác, các đối tượng này thường có nhiều mối quan hệ xã hội sâu rộng, nhất là những mối quan hệ với các cán bộ, lãnh đạo trong các cơ quan, tổ chức của Nhà nước, trong đó có các cơ quan bảo vệ pháp luật. Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng thường lợi dụng những mối quan hệ này để che giấu hành vi phạm tội và trong trường hợp bị phát hiện thì các đối tượng cũng lợi dụng những mối quan hệ này để can thiệp, chi phối vào hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. 

Do đó, khi tham dự phiên tòa xét xử các vụ án tham nhũng, ĐTV cần nêu cao tinh thần đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng với tội phạm. Mặt khác, ĐTV phải luôn vững vàng ý chí, không được “dao động” trước những ý kiến tranh luận của bị cáo, của Luật sư bào chữa cho bị cáo; đồng thời phải có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng để không bị lôi kéo, mua chuộc bởi những cám dỗ từ lợi ích vật chất tầm thường.

Hai là, hành vi phạm tội tham nhũng thường được ngụy trang, che giấu bởi các yếu tố về nghiệp vụ kinh tế, tài chính trong từng lĩnh vực kinh tế cụ thể và hành vi phạm tội thường được diễn ra trong một quy trình khép kín, có sự thống nhất, liên kết, bao che giữa các đối tượng có cùng trách nhiệm quản lý tài sản chung. Với sự thống nhất cao về mục đích vụ lợi, các đối tượng dễ dàng biến tài sản chung thành tài sản của một nhóm người có liên quan phục vụ cho mục đích các nhân. Do đó, trong quá trình điều tra cũng như khi tham dự phiên tòa, ĐTV thụ lý vụ án cần phải am hiểu về pháp luật kinh tế cũng như phải có những kiến thức nhất định về nghiệp vụ quản lý kinh tế trong từng lĩnh vực kinh tế cụ thể như tài chính, ngân hàng, xây dựng cơ bản, bảo hiểm xã hội… thì mới có thể giải thích, bảo vệ quan điểm của mình về những vướng mắc mang tính nghiệp vụ kinh tế cần làm rõ tại phiên tòa xét xử. Nếu ĐTV không có kiến thức sâu về những vấn đề này thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều tra cũng như cần phản biện, trả lời những vấn đề nghiệp vụ chuyên môn trước tòa. 

Bên cạnh đó, quá trình điều tra, ĐTV cần làm rõ vai trò, vị trí của từng đối tượng trong vụ án, việc ăn chia tài sản chiếm đoạt được giữa các đối tượng được thực hiện như thế nào, tài sản sau khi chiếm đoạt được các đối tượng sử dụng vào mục đích gì. Việc làm rõ những nội dung này cần phải được thể hiện bằng những chứng cứ “vật chất” nhằm tránh việc các đối tượng phản cung tại phiên tòa xét xử gây bất lợi cho ĐTV thụ lý vụ án cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho HĐXX xác định được thiệt hại do tội phạm gây ra để có cơ sở đưa ra phán quyết cuối cùng về mức bồi thường thiệt hại đối với từng đối tượng một cách chính xác và khách quan nhất. 

Ba là, khi nhận được yêu cầu tham dự phiên tòa của HĐXX, ĐTV cần phải xác định cụ thể việc có mặt tại tòa để làm rõ những nội dung, vấn đề gì? Quá trình chứng minh vấn đề này trên thực tế có gặp phải vướng mắc gì không? Bị can thành khẩn hay không thành khẩn khai báo đối với nội dung này? Tài liệu, chứng cứ đã thu thập được để làm rõ nội dung này? Tất cả những nội dung vừa nêu, ĐTV cần phải chuẩn bị thật kỹ càng bởi lẽ, tội phạm tham nhũng thường hoạt động có tổ chức, hành vi phạm tội thường diễn ra qua nhiều khâu, nhiều công đoạn khác nhau nên cần phải xác định rõ từ trước để tạo được sự tự tin, chủ động của ĐTV khi tranh tụng tại phiên tòa. Trong trường hợp ĐTV không được HĐXX cung cấp những nội dung cụ thể khi đến phiên tòa làm việc thì vấn đề mấu chốt và mang tính chất quyết định ở đây đòi hỏi ĐTV thụ lý vụ án cần xem lại toàn bộ hồ sơ vụ án lưu tại Cơ quan Công an, đồng thời nhìn nhận lại toàn bộ quá trình diễn biến vụ án để xác định những điểm “yếu” trong hồ sơ vụ án mà HĐXX có thể xoáy sâu vào, qua đó củng cố tài liệu và dự liệu trước những nội dung, câu hỏi mà HĐXX có thể yêu cầu làm rõ tại phiên tòa.

Có thể thấy rằng, trong quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng, ĐTV là người được tiếp xúc đầu tiên với vụ án, với người thực hiện hành vi phạm tội cũng như trực tiếp tiến hành các hoạt động điều tra từ những giai đoạn đầu tiên khi tiếp nhận nguồn thông tin về tội phạm. Do đó, hơn ai hết, ĐTV là người nắm rõ nhất từng tình tiết, từng diễn biến của nội dung vụ án. Chính vì thế, sự có mặt của ĐTV tại phiên tòa xét xử đóng một vai trò hết sức quan trọng, giúp các chủ thể khác có mặt tại phiên tòa (HĐXX, VKS, Luật sư…) hiểu một cách tường tận hơn nội dung, diễn biến của vụ án. Từ đó, giúp HĐXX nhận định đúng bản chất  của sự việc, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng có thể khắc phục, sửa đổi, bổ sung kịp thời các vấn đề có liên quan đến vụ án, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong TTHS theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại NQ 49./

ThS Lại Sơn Tùng 
ThS Phạm Thị Hồng Nhung
    


    
 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-diem-can-luu-y-doi-voi-dieu-tra-vien-khi-tham-du-phien-toa-xet-xu-cac-vu-an-tham-nhung-a254330.html