Tăng trưởng ấn tượng bất chấp đại dịch
Năm 2021 là năm cực kỳ khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam bởi chịu tác động mạnh mẽ từ làn sóng dịch Covid-19 nhất là đợt lần thứ 4. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ghi nhận mức độ tăng trưởng ấn tượng về mọi phương diện, từ chỉ số cho tới thanh khoản, số lượng người tham gia.
Đáng chú ý, chỉ số VN- Index lần lượt lập đỉnh mới 1200 - 1300 - 1400 - 1500 điểm. Theo đó, trong tuần cuối tháng 11, chứng khoán Việt Nam xác lập kỷ lục mới khi chỉ số VN-Index lần đầu tiên vượt qua mốc 1500 điểm bất chấp tâm lý tiêu cực trước thông tin về đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong đó có biến chủng nguy hiểm mới Omicron lây lan ở nhiều nước.
Bên cạnh những phiên tăng điểm ấn tượng, thị trường chứng khoán cũng chứng kiến thanh khoản tăng kỷ lục trong năm 2021. Như ngày, 20/11 thị trường ghi nhận phiên giao dịch kỷ lục với 56,3 nghìn tỷ đồng (2,4 tỷ USD) giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng. Cùng với đó, theo số liệu Trung tâm Lưu ký Việt Nam công bố, chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam đã mở mới hơn 1 triệu tài khoản chứng khoán, cao hơn tổng số tài khoản đã được nhóm này mở trong cả 4 năm 2017 - 2020 cộng lại.
Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, chuyên gia tài chính PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, năm 2021 đối với thị trường tài chính chứng khoán Việt Nam là một năm tương đối bất ngờ. Thứ nhất, đối với thị trường chứng khoán có nhiều phiên tăng điểm mạnh và đã tạo ra được những cột mốc mới trong năm 2021. Cho thấy tốc độ phục hồi và phát triển của chứng khoán rất mạnh mẽ.
Thứ hai, đối với thị trường trái phiếu, tiếp tục đà phát triển của trái phiếu năm 2020 đến năm 2021 trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phát triển rất mạnh mẽ. Mặc dù, thị trường này trong năm qua vẫn tồn tại một số hạn chế, cần phải chấn chỉnh của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, về cơ bản trái phiếu doanh nghiệp vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tốt.
Về lâu dài, ông Thịnh cho rằng đây là một kênh huy động vốn hiệu quả để giúp cho các doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển. Đối với thị trường trái phiếu Chính phủ trong năm 2021 cũng khá sôi động.
Cùng với sức tăng trưởng “nóng” của thị trường chứng khoán Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam năm 2021 cũng chứng kiến nhiều điểm sáng tích cực ở quí I và từ cuối quí III đến nay.
Từ cuối quý III/2021 đến nay, tình trạng “sốt đất” lại tái diễn khi giá đất tăng đột biến ở một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM… các phiên đấu giá có mức trúng chênh lệch hàng trăm tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Trong khi đó, đối với bất động sản nhà ở, dù gặp khó khăn do dịch bệnh có những giai đoạn thị trường bị tổn thương và người mua sụt giảm mạnh. Nhưng, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường bất động sản đã khôi phục với nhu cầu mua gia tăng. Các doanh nghiệp bất động sản cũng đã thích nghi và sẵn sàng tổ chức hoạt động bán hàng. Nhiều nơi bắt đầu mở bán với những giao dịch khả quan và lượng khách tìm mua căn hộ cũng đang gia tăng. Nhìn chung, thị trường bất động sản nhà ở vẫn rất tốt và khả quan.
Đối với bất động sản du lịch, mặc dù hoạt động du lịch - nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nhất là trong giai đoạn tháng 6, tháng 7 đến nay. Tuy nhiên, các sản phẩm bất động sản du lịch vẫn duy trì trạng thái sôi động, thu hút hoạt động đầu tư, bởi các nhà đầu tư vẫn đánh giá cao tiềm năng phát triển của kinh tế du lịch ở Việt Nam.
Đáng chú ý nhất là phân khúc Bất động sản công nghiệp, bất chấp Covid-19, hầu hết các khu công nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất. Giá thuê mặt bằng không biến động nhiều so với năm trước, không chịu nhiều tác động từ thị trường bất động sản bên ngoài quanh các khu công nghiệp. Theo kết quả theo dõi của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong quý IV, thậm chí giá cho thuê bất động sản công nghiệp còn tăng cao.
Bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2022
Nhận định về xu thế của thị trường Bất động sản năm 2022, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho rằng, có nhiều yếu tố vĩ mô, vi mô sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi tốt hơn trong năm 2022-2023.
Theo đó, Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6-6,5% trong năm sau, thậm chí, nếu thực hiện tốt các chương trình phục hồi, GDP có thể tăng 6,5-7%. Kinh tế chuyển biến tích cực sẽ giúp sức cầu bất động sản bật tăng.
Mặt khác, triển vọng của thị trường còn đến từ các yếu tố khác như chiến lược phát triển nhà ở 2021-2030 đang được hoàn thiện; đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là một trong ba đột phá chiến lược, đầu tư công được thúc đẩy; các vấn đề pháp lý đang được tháo gỡ dần, tốc độ đô thị hoá tăng nhanh.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý đến việc thời gian qua, nguồn vốn tín dụng đổ vào bất động sản cũng dồi dào. Theo đó, đến hết quý III, vốn tín dụng bất động sản tăng khoảng 6% so với cuối năm 2020. Tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 19% tổng dư nợ nền kinh tế, trong đó, cho vay nhà ở chiếm 64%, còn lại là tín dụng kinh doanh bất động sản.
Vốn tư nhân và vốn FDI cũng đổ mạnh vào thị trường này, khi hết tháng 11, tổng vốn ngoại đăng ký mới đã đạt gần 2 tỷ USD, đứng thứ ba trong nhóm các lĩnh vực. Doanh nghiệp bất động sản cũng đang xếp thứ nhất trên thị trường phát hành trái phiếu với 436.000 tỷ đồng, tính đến hết tháng 11/2021.
Theo ông Lực, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Giá cổ phiếu nhóm bất động sản đang tăng cao hơn bình quân toàn thị trường, là điểm sáng trên thị trường chứng khoán trong năm 2022.
Dự báo về thị trường Bất động sản năm 2022, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng thị trường sẽ vẫn có sự suy yếu về nguồn cung, bởi vì chính sách dù có những sự cải thiện nhưng chưa kịp thích ứng và chưa cải thiện kịp thời. Đặc biệt, lĩnh vực này liên quan đến rất nhiều nhóm luật, mà các luật thì không thể sửa trong ngày một ngày hai. Từ đó dẫn đến các dự án tiếp tục có sự khó khăn và về căn bản, nguồn cung trên thị trường vẫn bị vướng mắc, mất cân đối. Cùng với đó, khi nền kinh tế suy yếu thì chắc chắn cầu cũng bị yếu, do thu nhập giảm sút. Tuy nhiên, điểm sáng là đối với bất động sản và chứng khoán có sự đặc biệt vì thu hút nhà đầu tư lớn. Trong năm 2021 cũng đã ghi nhận các giao dịch về nhà ở không cao, nhưng các giao dịch về những dòng sản phẩm để đầu tư thì rất cao.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản
Việt Nam.
Chứng khoán sẽ giữ vững đà tăng trưởng trong năm 2022
Còn đối với thị trường tài chính chứng khoán năm 2022, theo Báo cáo mới đây của Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam ghi nhận chỉ trong vòng 2 năm, VN-Index đã tăng gần 300% và đà tăng trưởng của thị trường dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong năm 2022 tới đây.
Theo Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam tiềm năng tăng giá của thị trường đến từ 3 lý do chính. Thứ nhất, Việt Nam dự kiến đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối quý 1/2022. Đây sẽ là yếu tố đảm bảo cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế và khôi phục hoạt động sản xuất…
Ngoài ra, Việt Nam còn nhiều động lực khác để củng cố thêm cho tăng trưởng kinh tế như: Chính phủ vẫn còn dư địa tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa mở rộng; xuất khẩu phục hồi trở lại và tiếp tục hưởng lợi từ các hiệp định FTA; vốn đầu tư FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam.
Thứ hai, định giá VN-Index vẫn nằm ở vùng hấp dẫn đặc biệt khi so sánh với các nước trong khu vực cũng như định giá lịch sử trong quá khứ
Hiện thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang có sự hấp dẫn hơn thị trường khác khi: các doanh nghiệp niêm yết có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận vượt trội hơn, trong khi P/E thị trường ở mức trung bình thấp và định giá hấp dẫn hơn tương đối so với hầu hết các thị trường khác.
Thứ ba về mặt kỹ thuật, VN-Index vẫn tiếp tục vận động trong một xu hướng tăng dài hạn kể từ tháng 3 năm 2020 nhờ yếu tố kinh tế hồi phục và định giá vẫn trong vùng hấp dẫn. Xu hướng tăng dài hạn của VN-Index vẫn đang tiếp diễn và chưa bị vi phạm trong suốt 11 tháng 2021 bất chấp khó khăn kinh tế và dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực.
Sang năm 2022, các yếu tố như chính sách tiền tề, tài khoá tiếp tục mở linh hoạt và mở rộng, lãi suất cho vay duy trì ở mặt bằng thấp, tăng trưởng kinh tế mạnh trên nền tảng thấp của 2021 và định giá hấp dẫn cho cả năm 2022 thì khả năng cao VN-Index sẽ vẫn tiếp tục di chuyển trong kênh tăng giá dài hạn.
VFCA dự báo chỉ số VN-Index năm 2022 chỉ đạt mốc 1.650, tăng 10% so với mốc cao nhất đã đạt được trong năm 2021 là 1.500. Mức tăng này là khiêm tốn so với mức tăng 37% của VN-Index trong năm 2021.
Trong đó, có thể sẽ không còn chứng kiến sự thăng hoa của cả thị trường mà sẽ là câu chuyện của sự tăng trưởng phân hóa mạnh mẽ và sâu hơn giữa các nhóm ngành và cổ phiếu. Các nhóm ngành cơ bản hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế như: sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng được dự báo sẽ là điểm đến ưa thích của dòng tiền trong năm 2022
Tuy nhiên, VFCA cũng cho rằng năm 2022 thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đầu tiên là rủi ro về biến chủng mới của COVID-19. Đầu tháng 12/2021 chủng virus mới đã bắt đầu lan đến một số nước Đông Nam Á và nếu xuất hiện ở Việt Nam thì đây sẽ là một rủi ro đối với nền kinh tế vừa mới bắt đầu hồi phục sau một quý 3 ảm đạm.
Mặt bằng giá cao và tính đầu cơ rất mạnh cũng làm tăng yếu tố rủi ro trên thị trường ở thời điểm hiện tại. Các biến động của thị trường trở nên nhanh và mạnh hơn, dễ xảy ra các phiên điều chỉnh giảm sốc cụ thể như nhịp điều chỉnh giảm đầu năm 2021 thị trường giảm 196 điểm trong một tuần hay nhịp điều chỉnh tháng 7/2021 giảm 183 điểm trong một tuần.
Đây đều là những nhịp điều chỉnh nhanh, mạnh và gây sốc cho nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm. Mặt khác, mặt bằng giá của cổ phiếu hiện cao hơn rất nhiều so với những thời điểm đầu sóng tháng 3/2020 nên việc thị trường giảm điểm sẽ mang lại những biến động rất lớn về giá trị tuyệt đối, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Đinh Chiến
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nam-2022-dien-bien-cua-thi-truong-tai-chinh-chung-khoan-bat-dong-san-se-ra-sao-a254295.html