Cuộc chiến ít được chú ý
Tình báo kinh tế và gián điệp công nghiệp được hiểu là các hoạt động thu thập thông tin, bao gồm các sản phẩm trí tuệ (thông tin về công nghệ, ý tưởng, kỹ thuật, công thức sản phẩm, cách tính toán một quy trình)... cũng như thông tin về hoạt động của doanh nghiệp (dữ liệu khách hàng, giá cả, doanh số, công tác nghiên cứu phát triển, đấu thầu, thị trường)... của đối thủ cạnh tranh, cho mục đích kinh tế - thương mại một cách bất hợp pháp.
Lịch sử tình báo kinh tế có khởi điểm từ thế kỷ 17 mà nạn nhân đầu tiên là Trung Quốc - nước từ lâu nổi tiếng với bí quyết sản xuất gốm sứ, bị một tu sĩ người Pháp lấy được và cung cấp cho một số nước châu Âu. Cùng với sự cạnh tranh gay gắt trên mọi lĩnh vực, tình báo kinh tế có vai trò ngày càng lớn và đa dạng trong thời đại phát triển như vũ bão của kỹ thuật và công nghệ.
Muốn sở hữu công nghệ mới nhưng không muốn đầu tư nhiều là nguyên nhân khiến cho lực lượng tình báo kinh tế ngày càng đông đảo; sự cạnh tranh quyết liệt để giành thị phần của các công ty là một trong những nguyên nhân chính khiến hoạt động tình báo kinh tế bùng nổ. Từ sản xuất vũ khí, dược phẩm, vận tải, nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, giáo dục... đến các ngành công nghiệp kỹ thuật cao... đều là mảnh đất màu mỡ của tình báo kinh tế.
Trong vòng 4 năm 2002-2005, chỉ tính riêng tại Mỹ, mỗi năm các tập đoàn kinh tế lớn phải chịu tổn thất khoảng 40 tỷ USD do các hoạt động gián điệp gây ra. Theo Bộ Ngoại giao và Trung tâm Phản gián Quốc gia Mỹ, trong những năm gần đây đã có 446 vụ thu thập thông tin công nghệ bất hợp pháp từ 173 công ty của Mỹ, trong đó chỉ có 58 công ty thông báo sự việc cho FBI biết, bởi chính nhân viên của họ đã “dính chàm” trong các phi vụ làm ăn bất minh với nhân viên tình báo kinh tế nước ngoài. Ước tính trung bình một công ty công nghệ thông tin bị 67 vụ theo dõi với thiệt hại hơn 10 triệu USD mỗi vụ.
Những vụ án bạc tỷ
Thường các vụ gián điệp kinh tế, gián điệp công nghiệp xảy ra theo 2 cách. Thứ nhất, một nhân viên bất mãn của công ty âm mưu tiếp cận những thông tin quan trọng của công ty đó với mục đích riêng, hoặc để vụ lợi bất chính, hoặc để phá hoại công ty với mục đích trả thù. Thứ hai, một đối thủ hoặc chính phủ nước ngoài tìm kiếm những thông tin vì các lợi ích kỹ thuật hoặc tài chính.
Trong cách thức thứ 2, những “kẻ nằm vùng” hoặc “nội gián” đóng một vai trò rất quan trọng. Một số nước thường thuê người làm nội gián hơn là dùng nhân sự trong cơ quan tình báo của họ. Những đối tượng thường được thuê mướn cho công việc này là những nghiên cứu sinh, sinh viên hoặc các đại diện doanh nghiệp.
Trong thực tế, Mỹ là nơi xảy ra những vụ án gián điệp có giá trị kinh tế lớn nhất trong lịch sử do sự phát triển của kinh tế và khoa học kỹ thuật hàng đầu tại đây. Ngày 6-11-2007, Tòa án Liên bang Hoa Kỳ tuyên phạt Gary Min, cựu nhân viên của đại gia hóa chất DuPont, mức án 18 tháng tù giam và 30.000 USD tiền phạt.
Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 10-2005, khi Victrex – đối thủ cạnh tranh của DuPont – mời Min về làm cho mình trong dự án nghiên cứu về phim polyme tốc độ cao mà DuPont cũng đang tập trung tiến hành. Min, hay còn gọi Yonggang Min, đã làm việc cho DuPont 10 năm. Min nhận lời mời của Victrex và trước khi rời DuPont đã lấy trái phép hơn 22.000 bản tổng kết và khoảng 16.706 tài liệu khác nhau từ thư viện dữ liệu của DuPont.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, giá trị của các tài liệu bị mất cắp lên đến hơn 400 triệu USD. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì, DuPont chỉ khai báo trong đơn kiện rằng họ chỉ bị thiệt hại chừng 75.000 USD. Chính nhờ điều này, Min chỉ bị tuyên phạt 18 tháng tù giam và 30.000 USD, thay cho mức phạt tối đa 10 năm tù giam và 250.000 USD. Min khai trước tòa rằng đã ăn cắp những tài liệu trên với ý định phục vụ cho công việc mới của mình tại Victrex, nhưng Victrex khẳng định họ chưa hề nhìn thấy các tài liệu đó, và đã rất hợp tác trong việc giúp cảnh sát bắt giữ Min.
Sự phát triển của internet và các mạng lưới máy vi tính đã mở rộng phạm vi và mức độ của các vụ gián điệp kinh tế. Theo ước tính của giới chuyên môn, mỗi ngày trên thế giới có tới 50.000 công ty bị xâm nhập mạng lưới máy tính với mục đích gián điệp kinh tế, và tầm mức này tăng gấp đôi mỗi năm. Nổi bật trong lịch sử là các vụ tấn công trên thế giới ảo được các nước phương Tây gọi là “Chiến dịch Ánh ban mai” (Operation Aurora).
Chiến dịch này là các vụ tấn công gián điệp diễn ra trên mạng internet từ giữa năm 2009 đến hết năm 2009, được Google vạch trần lần đầu tiên vào ngày 12-1-2010. Những cuộc tấn công trong “chiến dịch Ánh ban mai” có đích đến là vài chục công ty, tổ chức toàn cầu. Trong đó Adobe Systems, Juniper Networks và Rackspace công khai thừa nhận họ bị tấn công, trong khi giới nghiên cứu cho rằng các đại gia như Yahoo, Symantec, Northrop Grumman và Dow Chemical cũng chịu chung số phận. Theo ước tính của hãng Cyber Diligence, chiến dịch này gây thiệt hại cho mỗi công ty nạn nhân khoảng 100 triệu USD.
Một lịch sử đầy trách nhiệm
Ngay từ năm 1947, trong cơ cấu Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đã hình thành Ban Tình báo kinh tế theo Luật An ninh quốc gia Hoa Kỳ. Nhân viên của Ban Tình báo kinh tế được tuyển chọn từ các học viên và cộng tác viên khoa học xuất sắc nhất của các trường đại học và các viện nghiên cứu khoa học, trước hết là các cơ quan nghiên cứu kinh tế.
Ban Tình báo kinh tế duy trì quan hệ chặt chẽ với các chuyên gia kinh tế trong các hãng và công ty, các tổ chức phi chính phủ, ủy viên hội đồng quản trị của các công ty đa quốc gia có chi nhánh tại gần như tất cả các nước trên thế giới.
Theo tiết lộ của Robert Gates, cựu Giám đốc CIA, các cơ quan tình báo của Mỹ có 3 nhiệm vụ trong lĩnh vực tình báo kinh tế. Trước hết là cung cấp các cứ liệu thông tin nhằm hỗ trợ cho các cơ quan lập pháp hoạch định chính sách của Mỹ trong quá trình soạn thảo các quyết sách.
Tiếp đến là kiểm soát các xu hướng phát triển khoa học, công nghệ và kỹ thuật có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, như sự phát triển công nghệ vũ trụ, công nghệ “tàng hình”, công nghệ máy tính, công nghệ laze, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, trước hết là công nghệ gen...
Nhiệm vụ thứ ba là hoạt động phản gián để bảo vệ nền kinh tế Mỹ chống lại các đối phương tiềm tàng và giám sát các đối tượng đội lốt hoạt động kinh tế để làm gián điệp.
Hiện nay, CIA đang chú ý phát triển hoạt động tình báo kinh tế nhằm hỗ trợ đắc lực cho các doanh nhân Mỹ tranh giành thị trường quốc tế. Đô đốc Stanfeel Tener, lãnh đạo của CIA dưới thời Tổng thống Jimmy Cater, đã từng có nhận xét rất chí lý rằng, trong một kỷ nguyên mà sức mạnh kinh tế ngày càng có vai trò quan trọng hơn, cần phải thiết lập quan hệ gắn bó giữa các cơ quan tình báo kinh tế với các hãng và công ty kinh doanh.
Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng đã từng xác định chức năng của tình báo kinh tế trong Sắc lệnh ban hành năm 1994: “Để dự báo chính xác nguy cơ đối với nền dân chủ và sự thịnh vượng của Mỹ, cộng đồng tình báo phải theo dõi xu hướng phát triển chính trị, kinh tế, xã hội và quân sự ở những nơi trên thế giới mà ở đó Mỹ có nhiều lợi ích nhất.
Tình báo kinh tế sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng là trợ giúp các nhà hoạch định chính sách tìm hiểu các xu hướng phát triển kinh tế. Tình báo kinh tế có thể trợ giúp đắc lực các chuyên gia đàm phán thương mại của Mỹ, đồng thời loại trừ các mối đe dọa tiềm tàng đối với các công ty của Mỹ từ các cơ quan tình báo nước ngoài và do các hoạt động thương mại không công bằng”.
Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), có đại diện của ít nhất 23 quốc gia đã từng bị phát hiện có dính líu tới hoạt động tình báo kinh tế nhằm vào các mục tiêu Mỹ. Số vụ gián điệp kinh tế nước ngoài ở Mỹ bị phanh phui ngày càng tăng. Ngày càng nhiều chi nhánh của các công ty nước ngoài tại Mỹ giành được các hợp đồng quốc phòng trong các lĩnh vực nhạy cảm ở Mỹ.
Theo chiến lược mới, để bảo vệ các bí mật thương mại, Mỹ sẽ đưa ra 5 biện pháp: tập trung vào các nỗ lực ngoại giao để bảo vệ các bí mật thương mại ở hải ngoại và gây sức ép ngoại giao; hỗ trợ khu vực công nghiệp tư nhân bảo vệ bí mật thương mại; tăng cường các chiến dịch thực thi pháp luật trong nước; cải thiện luật pháp trong nước; và tuyên truyền cảnh báo đến mọi doanh nghiệp.
Theo cand.com.vn
Nguồn bài viết: https://cand.com.vn/Tu-lieu-antg/nuoc-my-va-cuoc-chien-tinh-bao-kinh-te-i639166/
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nuoc-my-va-cuoc-chien-tinh-bao-kinh-te-a254293.html