Xiang Zikui – một phụ nữ sống ở Thâm Quyến – từng làm việc ở một trong các công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc cho biết đã bị sốc khi có thông tin bị sa thải trong chiến dịch cải tổ ở iQiyi, được ví là Netflix của Trung Quốc.
Công ty này, thuộc sở hữu của Baidu, chịu trách nhiệm điều hành một trong những nền tảng phát video trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc, đã cắt giảm 30% nhân lực tại một số bộ phận chi phí cao vào đầu tháng này trước dịp Tết Nguyên đán.
Trang SCMP dẫn nguồn tin thân cận cho biết, những nhân viên sa thải đã được đề nghị bồi thường dựa trên số năm làm việc và tiếp tục hỗ trợ một tháng lương.
Mặc dù cả hai công ty không phải là đối tượng của cuộc trấn áp ngành công nghệ Trung Quốc nhưng việc cắt giảm nhân sự phản ánh môi trường làm việc tổng thể đang trở nên khó khăn hơn đối với các công ty công nghệ trong bối cảnh quy định chặt chẽ hơn, giám sát nội dung nhiều hơn và không khoan nhượng đối với các hành vi độc quyền.
"Việc sa thải được xem như xu hướng chung của ngành công nghệ. Hiện nay có nhiều quy định chặt chẽ hơn đối với các trò chơi điện tử, quảng cáo trực tuyến và mọi thứ liên quan đến quyền riêng tư. Điều này khiến tôi cảm thấy ngành công nghiệp đang rơi vào tình trạng thắt cổ chai", ông Xiang nói.
Theo SCMP, cuộc cải tổ đối với ngành công nghệ Trung Quốc đang ngày càng rõ rệt và có phần bất ngờ sau một thập kỷ tăng trưởng mạnh bởi các quy định lỏng lẻo và nguồn vốn huy động dễ dàng.
Trong cuộc khảo sát do nền tảng tìm kiếm của Lagou thực hiện, chưa đầy 1/2 nhân viên ở các công ty công nghệ của Trung Quốc hy vọng nhận được tiền thưởng cuối năm nay. Một báo cáo khác của Lagou cũng công bố trong tháng này cho biết, nhu cầu tìm kiếm nhân tài ở các công ty công nghệ lớn đã giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi nhiều nhân viên của các công ty công nghệ lớn cho biết công việc hàng ngày của họ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi quy định của chính phủ thì một số người đang xem xét tình hình hiện tại để định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Feng Xing – một kỹ sư phần mềm ở Thành Đô và hiện đang làm việc tại một công ty nhà nước cho biết công ty của anh vừa tuyển dụng được nhiều nhân sự mới đến từ các công ty công nghệ lớn.
Thay đổi để thích nghi với quy định mới
Theo Feng, một yếu tố khác đang nảy sinh là các nhà tuyển dụng hầu hết không muốn tuyển dụng những người ở độ tuổi trên 35 tuổi hoặc có nguy cơ bị sa thải trong các đợt cắt giảm chi phí, trừ khi những đối tượng này ở vị trí quản lý cấp cao.
Một số ngành công nghiệp khác cũng bị ảnh hưởng từ cuộc trấn áp công nghệ lần này của chính phủ Trung Quốc. Kelly Huang, 30 tuổi từng làm việc trong nền tảng phát trực tiếp hàng đầu của Trung Quốc cho rằng cuộc trấn áp ngành công nghệ của Bắc Kinh gần như đã dập tắt mong muốn tham gia vào ngành công nghiệp phát trực tuyến của mọi người. Động thái này hoàn toàn trái ngược với vài năm trước khi cô vào công ty làm việc.
"Các nền tảng phát trực tuyến được đánh giá chịu ảnh hưởng nặng nề từ quy định mới của chính phủ Trung Quốc. Trước đây, ngành này được đánh giá kiếm được rất nhiều tiền nhưng hiện nay tốc độ tăng trưởng doanh thu giảm hơn. Vì vậy, đang có sự xáo trộn đối với những người trong ngành này", Kelly Huang nói.
Chính phủ Trung Quốc đã thắt chặt các quy định gần đây đối với nền tảng phát trực tuyến vì phát hiện rất nhiều thông tin xấu, bẩn và không phù hợp. Trong tuần này, Huang Wei, còn được biết đến với tên Viya, là một người bán hàng livestream (phát video trực tiếp) nổi tiếng đã nhận khoản tiền phạt kỷ lục 1,34 tỷ nhân dân tệ từ cục thuế địa phương vì tội trốn thuế.
"Tôi sẽ không nhắc đến cuộc cải tổ nhân sự của công ty trong thời điểm này. Tuy nhiên tất cả mọi người đều đang cố gắng", Kelly Huang cho biết. "Trọng tâm của công ty là làm thế nào để tìm ra các nguồn doanh thu mới và tăng trưởng cận biên để lấp đầy khoảng trống do thất thoát doanh thu từ các lĩnh vực hiện tại".
Mặt khác, khi các công ty công nghệ bị ảnh hưởng bởi cuộc trấn áp mạnh tay của chính phủ Trung Quốc vào năm 2021 thì bản thân người dùng cũng phải thay đổi hành vi để thích nghi với quy định mới.
Vào năm nay, giới chức trách Trung Quốc cũng đã cấm trẻ dưới 18 tuổi chơi điện tử hơn 3 tiếng/ tuần. Bắc Kinh cũng hạn chế trẻ tham gia các trò chơi điện tử nhằm giảm nguy cơ nghiện trò chơi điện tử và tăng cường các nội dung tích cực đến giới trẻ Trung Quốc. Các nhà chức trách cho biết rằng những hạn chế được đưa ra nhằm giúp ngăn chặn những người trẻ tuổi nghiện trò chơi điện tử. Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Xuất bản Âm thanh-Video và Kỹ thuật số Trung Quốc, năm 2020, doanh thu từ trò chơi nội địa của Trung Quốc tăng hơn 20% lên 278,7 tỷ nhân dân tệ (tương đương 43 tỷ USD), với gần một nửa dân số nước này đang chơi game./.
Theo toquoc.vn
Nguồn bài viết: https://toquoc.vn/nam-2021-buoc-ngoat-cai-to-lon-voi-cac-ga-khong-lo-cong-nghe-trung-quoc-20211224165404467.htm
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nam-2021-buoc-ngoat-cai-to-lon-voi-cac-ga-khong-lo-cong-nghe-trung-quoc-a254278.html