Giá bánh mì rung lên hồi chuông cảnh báo ở Thổ Nhĩ Kỳ

Lạm phát hàng năm ở Thổ Nhỹ Kỳ có thể lên tới ít nhất là 35%. Con số chính thức sẽ được cơ quan thống kê của nước này công bố vào ngày 3/1 tới.

Hàng dài người chờ mua bánh mì giá rẻ trong cái lạnh mùa đông đã trở thành cảnh tượng phổ biến trên khắp đất nước Thổ Nhĩ Kỳ trong những tuần gần đây khi giá mặt hàng thực phẩm thiết yếu nhất này đã tăng vọt, và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng.

Giống như ở nhiều quốc gia phương Đông khác, bánh mì là thực phẩm quan trọng trong ẩm thực Thổ Nhĩ Kỳ. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng giá bánh mì và các sản phẩm bánh tương tự luôn quan trọng đối với người dân.

Đối với người dân thuộc các nhóm thu nhập thấp và trung bình, bánh mì và giá bánh mì càng trở nên quan trọng hơn khi sức mua của họ đã giảm trong bối cảnh đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ (TRY) lao dốc và lạm phát gia tăng.

Lạm phát có thể lên tới 35%

Thổ Nhĩ Kỳ dựa vào lúa mì nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ bánh mì và các sản phẩm bánh tương tự trong nước và duy trì động lực xuất khẩu trong lĩnh vực này.

Hạn hán càng làm tăng nhu cầu nhập khẩu lúa mì của nước này trong năm nay. Do đó, tác động tổng hợp của sự gia tăng giá lúa mì toàn cầu và sự mất giá của đồng Lira đã thúc đẩy hàng loạt đợt tăng giá trong lĩnh vực này.

Nhập khẩu lúa mì đã trở thành một điểm yếu mang tính cơ cấu đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh sản xuất trong nước thiếu hụt.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã trợ cấp nhập khẩu lúa mì trong nhiều năm và dành nhiều ưu đãi nhằm khuyến khích xuất khẩu bột mì. Chính sách này có vẻ bền vững khi giá đồng tiền mạnh tăng với tốc độ hợp lý, nhưng điều đó đã thay đổi khi giá đồng USD đã vượt quá 10 TRY trong tháng 11.

Lạm phát tiêu dùng hàng tháng ở Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ đạt mức 15% vào tháng 12, và sẽ đưa tỉ lệ lạm phát hàng năm lên ít nhất 35%. Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ (TUIK) sẽ công bố số liệu chính thức vào ngày 3/1 tới.

121-1640311468.jpg
Hàng dài người chờ mua bánh mì giá rẻ trong cái lạnh mùa đông ở Thổ Nhỹ Kỳ. Ảnh: New York Times

TUIK ấn định tỉ trọng 26% cho thực phẩm trong cuộc khảo sát lạm phát tiêu dùng hàng tháng, trong đó bánh mì đóng góp 2,5% và các sản phẩm bánh nướng tương tự khác góp 5%.

Dữ liệu của TUIK cho thấy mức tăng giá bánh mì hàng tháng đã đạt trung bình 1,6% kể từ năm 2018, vượt xa mức lạm phát tiêu dùng trung bình hàng tháng là 1,3% trong cùng thời kỳ.

Mức tăng hàng tháng mạnh nhất (7,1%) xảy ra vào tháng 11, làm tăng gấp đôi lạm phát tiêu dùng hàng tháng là 3,5%.

Triển vọng cho tháng 12 và các tháng tiếp theo thậm chí còn ảm đạm hơn sau sự sụt giá chóng mặt của đồng Lira trong tháng qua. Giá đồng USD tăng 70% so với đồng TRY vào ngày 17/12, từ 10 TRY vào ngày 16/11.

Giá đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã tăng trở lại ồ ạt kể từ ngày 20/12 nhờ kế hoạch của Ankara nhằm bảo vệ các khoản tiền gửi bằng đồng TRY trước sự biến động của đồng tiền, nhưng chi phí đầu vào nhập khẩu sớm hơn với giá ngoại hối cao hơn đã được tính vào chi phí hàng hóa và dịch vụ trong ngắn hạn.

Tương lai nào cho lúa mì, bột mì Thổ Nhĩ Kỳ?

Theo TUIK, tỉ lệ tự cung lúa mì của Thổ Nhĩ Kỳ - mức sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu trong nước - là 89,5%, có nghĩa là khoảng trống 10,5% còn lại được bù đắp thông qua nhập khẩu.

Diện tích trồng lúa mì của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị thu hẹp hơn 1/4 xuống còn 9,2 triệu ha trong thập kỷ qua. Sản lượng lúa mì năm nay ước tính là 17,7 triệu tấn - giảm gần 14% so với 20,5 triệu tấn năm 2020 và là mức thấp nhất trong 14 năm qua.

Sản lượng suy giảm chủ yếu là do hạn hán nghiêm trọng ở các khu vực phía đông, đông nam và miền trung của đất nước.

Trong khi sản lượng sụt giảm làm tăng nhu cầu nhập khẩu, chi phí nhập khẩu lúa mì tăng, cả do giá đồng Lira giảm và giá lúa mì toàn cầu tăng trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Do đó, giá lúa mì, bột mì và bánh mì đã tăng mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như giá nhiều mặt hàng khác.

Tính đến giữa tháng 12, các tiệm bánh ở Istanbul đã bán một ổ bánh mì nặng 220 gram với giá 3 TRY, nghĩa là 13,6 TRY cho mỗi kg bánh - tăng hơn 50% trong một tháng.

Vùng đô thị Istanbul từ lâu đã có một doanh nghiệp bán bánh mì với giá trợ cấp. Giá trợ cấp hiện ở mức 1,25 TRY mỗi ổ bánh (tương đương gần 2.500 VND), tức là chưa bằng 1/2 giá thị trường.

Mặc dù doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng 10% thị phần, nhưng những chiếc bánh mì giá rẻ có ý nghĩa rất lớn đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp và đông thành viên.

Tuy nhiên, Thị trưởng Istanbul Ekrem Imamoglu đã thừa nhận rằng vùng đô thị này đang phải vật lộn để duy trì mức trợ giá. Đề cập đến một cuộc đấu thầu bột mì do chính quyền thành phố tổ chức vào đầu tháng này, ông nói, “Một bao bột mì trị giá 127 TRY vào năm 2021, nhưng hiện tại giá thầu thấp nhất mà chúng tôi nhận được là 325 TRY mỗi bao. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để tiếp tục cung cấp bánh mì giá rẻ nhưng chất lượng cho người dân Istanbul”.

Trên mặt trận nhập khẩu, Hội đồng ngũ cốc Thổ Nhĩ Kỳ (TMO) thuộc sở hữu nhà nước đóng vai trò quan trọng khi cung cấp lúa mì với giá trợ cấp cho các nhà sản xuất bột mì trong nước. Họ phải chi trung bình 340 USD, tương đương khoảng 4.000 TRY, cho 1 tấn lúa mì nhập khẩu, rồi bán lại với giá khoảng 2.500 TRY cho các nhà sản xuất bột mì.

Chính sách giá này nhằm ngăn chặn tình trạng giá bánh mì tăng vọt trong nước và khuyến khích các nhà sản xuất bột mì thúc đẩy xuất khẩu. Khoản tiền bù lỗ lấy từ ngân sách trung ương.

122-1640311468.jpg
Công nhân làm việc tại lò bánh mì Hasan Topal’s ở Istanbul, Thổ Nhỹ Kỳ. Ảnh: New York Times

Riêng bột mì đã chiếm 30% giá thành của bánh mì. Mỗi bao bột mì 50 kg đến tay các tiệm bánh với giá 160-170 TRY vào cuối tháng 5 khi vụ thu hoạch lúa mì bắt đầu. Vào đầu tháng 12, giá cả ở mức 300-320 TRY, bất chấp chính sách bù giá của TMO.

Và với sự gia tăng chi phí của các nguyên liệu đầu vào khác, chủ yếu là năng lượng, việc giá bánh mì tăng hàng tháng là gần như không thể tránh khỏi.

Nhưng trong khi các nhà sản xuất bột mì có thể tự do điều chỉnh giá của họ phù hợp với chi phí gia tăng, các lò sản xuất bánh mì lại bị cấm làm như vậy. Giá bánh mì ở mỗi địa phương được xác định trên cơ sở phê duyệt của một loạt các cấp chính quyền, từ địa phương đến trung ương. Và các lò bánh mì thường phải vật lộn để đảm bảo giá bánh không tăng, ngay cả khi chi phí mà họ phải chịu đã tăng lên.

Để có bánh mì rẻ hơn, Thổ Nhĩ Kỳ cần tăng nguồn cung lúa mì trong nước lên khoảng 30 triệu tấn/năm, điều mà nước này có tiềm năng thực hiện bằng cách hỗ trợ các nhà sản xuất.

Sự gia tăng này cũng sẽ có lợi cho các nhà xuất khẩu bột mì và các sản phẩm khác như mì ống và bánh quy. Đặc biệt, các sản phẩm bột mì và mì ống xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm vị trí đáng kể trên thị trường nước ngoài trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nếu vẫn tiếp tục dựa dẫm vào lúa mì nhập khẩu, thì tương lai của ngành này sẽ rất bấp bênh.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/gia-banh-mi-rung-len-hoi-chuong-canh-bao-o-tho-nhi-ky-a537856.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/gia-banh-mi-rung-len-hoi-chuong-canh-bao-o-tho-nhi-ky-a254264.html