Thi hành án phạt tù đối với phạm nhân tù chung thân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay

Trong những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới, chủ trương cải cách tư pháp, hoạt động thi hành án hình sự nói chung, thi hành án phạt tù đối với phạm nhân tù chung thân nói riêng đã có nhiều đổi mới về chế độ, điều kiện, khả năng tiếp cận phục hồi… Để có cơ sở đề xuất giải pháp bảo đảm quyền của phạm nhân tù chung thân phù hợp với chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước và các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, bài viết tập trung vào đánh giá thực trạng pháp luật, việc tổ chức thực hiện pháp luật về chế độ, điều kiện, khả năng tiếp cận phục hồi cho phạm nhân tù chung thân ở Việt Nam, đề xuất những giải pháp bảo đảm quyền cho phạm nhân tù chung thân ở Việt Nam.

1. Thực trạng quy định pháp luật về chế độ, điều kiện, khả năng tiếp cận phục hồi cho phạm nhân tù chung thân ở Việt Nam

Thứ nhất, Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự với tư cách là công cụ pháp lý quan trọng trong việc bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân đối với phạm nhân tù chung thân(1).

Thứ hai, Bộ luật hình sự (BLHS) hợp nhất năm 2017, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2019(2) đã bổ sung nhiều quy định thể hiện tính nhân đạo đối với phạm nhân tù chung thân như: Quy định giảm hình phạt tử hình(3), giảm mức hình phạt đã tuyên đối với người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án tù chung thân(4); BLHS năm 2017 bổ sung quy định hoàn toàn mới về tha tù trước thời hạn có điều kiện(5). Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của phạm nhân, bảo đảm cho phạm nhân tù chung thân có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.

Thứ ba, phạm nhân tù chung thân là một trong những đối tượng điều chỉnh của Luật Đặc xá(6), thể hiện là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, vừa nghiêm minh trong xét xử người phạm tội, đồng thời khoan hồng, nhân đạo đối với những phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt, rèn luyện tiến bộ để trở về với cộng đồng, hướng thiện, thành người có ích cho xã hội.

4-1640021820.jpg

Quang cảnh Phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021

2. Thực trạng thực hiện pháp luật về chế độ, điều kiện, khả năng tiếp cận phục hồi cho phạm nhân tù chung thân ở Việt Nam 

Ưu điểm

Thứ nhất, chế độ giam giữ phạm nhân tù chung thân được thực hiện đúng các quy định của Luật Thi hành án hình sự và quy định pháp luật có liên quan về thủ tục, trình tự, thời gian đưa người bị kết án tù chung thân đi chấp hành và công khai thông báo nơi tiếp nhận phạm nhân tù chung thân. Việc thực hiện đúng quy định đã khắc phục cơ bản tình trạng kéo dài thời gian giam giữ người bị kết án tù chung thân mà bản án đã có hiệu lực pháp luật ở các trại tạm giam, nhà tạm giữ.

Thứ hai, công tác phân loại, tổ chức giam giữ phạm nhân được quy định cụ thể và tổ chức thực hiện nề nếp bảo đảm giữ nghiêm kỷ luật, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh cho việc chấp hành án của phạm nhân tù chung thân. Do đó, thời gian qua, đã giảm dần các hoạt động gây rối trật tự, chống người thi hành công vụ trong các trại giam. Các biểu hiện trốn trại đã giảm; số phạm nhân vi phạm nội quy, quy chế giam giữ được phát hiện kịp thời. Trong các trại giam không có hiện tượng gây rối, chống đối tập thể.

Thứ ba, các chế độ, chính sách ăn, mặc, học tập, sinh hoạt, chữa bệnh và hoạt động giáo dục, cải tạo, hướng nghiệp, đào tạo nghề cho phạm nhân có nhiều đổi mới, được thực hiện đúng quy định(7) thể hiện ý nghĩa nhân văn, tạo môi trường thuận lợi để phạm nhân tù chung thân học tập, rèn luyện và cải tạo tiến bộ. Phạm nhân tù chung thân có chế độ thăm gặp, nhận quà, nhận thư, gọi điện thoại cho người thân không khác với phạm nhân tù có thời hạn; phạm nhân được tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống, sinh hoạt; được mua hàng thiết yếu bằng sổ lưu ký, giá cả được niêm yết công khai, đáp ứng thêm nhu cầu sinh hoạt của phạm nhân, không có tình trạng phạm nhân tù chung thân bị suy kiệt sức lực. Hàng năm các trại giam đều tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân để thông báo kết quả cải tạo và bàn biện pháp phối hợp trong giáo dục, cải tạo phạm nhân nên có tác dụng tốt. Các trại giam đều rất quan tâm đến mở lớp đào tạo nghề, truyền nghề, cấp chứng chỉ cho phạm nhân để tạo cơ hội tìm việc làm, ổn định cuộc sống nếu phạm nhân có điều kiện ra tù(8); Các trại giam thường xuyên tổ chức hoạt động giáo dục bổ trợ, tổ chức các phong trào thi đua chấp hành hình phạt tù, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ văn nghệ, thể dục, thể thao để đáp ứng nhu cầu tinh thần, văn hóa, thông tin cho phạm nhân nên kết quả cải tạo tốt(9). Công tác phòng, chống dịch bệnh được tổ chức nề nếp; các trại giam được đầu tư hệ thống nước sạch; phạm nhân nặng được điều trị tại bệnh xá hoặc bệnh viện (phòng chữa bệnh riêng trong bệnh viện của địa phương)(10).

Thứ tư, tổ chức bộ máy thi hành án phạt tù được kiện toàn theo hướng tinh giản về số lượng, nâng cao chất lượng và trình độ của cán bộ, chiến sĩ làm công tác trại giam; cơ sở vật chất các trại giam được chú trọng về quy mô và trang thiết bị(11); từng bước được thực hiện phù hợp quá trình hội nhập quốc tế. Công tác thanh tra, kiểm tra các trại giam được thực hiện thường xuyên để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, chú trọng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của phạm nhân tù chung thân theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục thời gian mà Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Thi hành án hình sự quy định.

Thứ năm, công tác tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân tù chung thân được quan tâm thực hiện. Nhiều cơ quan, ban ngành, tổ chức đoàn thể xã hội và nhân dân đã tích cực tham gia vào các hoạt động quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù có cuộc sống ổn định, làm ăn chân chính(12).

Khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân

- Khó khăn, vướng mắc

Thứ nhất, một số quy định pháp luật chưa thống nhất nên quá trình áp dụng còn lúng túng. Nhiều trại giam lúng túng trong việc giam giữ đối tượng chuyển giới và xác định giới tính đối với phạm nhân có vấn đề về giới tính không rõ ràng; về phạm nhân đình chỉ chấp hành án và việc bàn giao người được tạm đình chỉ ốm nặng điều trị tại bệnh viện cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người được tạm đình chỉ về cư trú; về quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo với một số đạo mới xuất hiện; quyền kết hôn giữa phạm nhân tù chung thân với người bị kết án tử hình, quyền hiến xác, v.v…

Thứ hai, công tác tái hòa nhập cộng đồng chưa được nhiều địa phương quan tâm trong việc bố trí chỗ ở, ổn định cuộc sống, việc làm, tâm lý…

Thứ ba, công tác đặc xá chưa được làm thường xuyên; số lượng đặc xá nhiều và không có quy định pháp lý ràng buộc về điều kiện sau khi được hòa nhập xã hội nên chưa thể hiện được tính nghiêm minh, nhất là so với hình thức tha tù trước thời hạn có điều kiện. 

Thứ tư, công tác quản lý giam giữ có nơi còn buông lỏng công tác kiểm tra, kiểm soát nhà giam, buồng giam nên hiện tượng trốn trại, phạm tội mới trong trại, nhất là tai nạn, thương tích do đánh nhau vẫn xảy ra; hiện tượng cất giấu, sử dụng trái phép thiết bị liên lạc, ma túy, đồ vật cấm còn diễn biến phức tạp.

Thứ năm, chất lượng công tác giáo dục, cải tạo còn thấp; phương pháp giáo dục chưa phù hợp.

Thứ sáu, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, việc quy hoạch, thiết kế, xây dựng các khu giam, buồng giam và các công trình phục vụ giam giữ còn bất cập; công cụ hỗ trợ phục vụ giam giữ còn thiếu so với nhu cầu thực tế; một số thiết bị chưa bảo đảm.

Thứ bảy, trình độ nghiệp vụ, pháp luật của cán bộ quản giáo chưa cao, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.

- Nguyên nhân 

Thứ nhất, nguyên nhân khách quan do số lượng người bị kết án hình sự nhiều, tính chất tội phạm nguy hiểm tạo áp lực cho công tác quản lý, giam giữ, cải tạo.

Thứ hai, nhu cầu bảo đảm quyền của phạm nhân tù chung thân ngày càng cao, pháp luật chưa phù hợp.

Thứ ba, thời gian ở trong tù nhiều, gia đình có nhiều thay đổi, biến động nên phạm nhân tù chung thân có tâm lý bất ổn, nhiều lo lắng cho gia đình, người thân.

Thứ tư, sự phối hợp giữa các cơ quan chưa thống nhất, đồng bộ trong quá trình tiếp nhận phạm nhân ra tù về hoà nhập với địa phương, cộng động; chính quyền địa phương chưa xác định đúng trách nhiệm, thiếu chủ động và có tâm lý ỷ lại cơ quan công an nên thiếu chỉ đạo sâu sát của chính quyền địa phương.

Thứ năm, các trại giam bị áp lực và lúng túng đối với phạm nhân tù chung thân mắc bệnh hiểm nghèo như HIV và các dịch bệnh khác.

 Thứ sáu, việc thực hiện nội quy trong các trại chưa có sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo; các đơn vị triển khai còn chậm, chưa đồng bộ, sâu rộng tới cán bộ làm nhiệm vụ và phạm nhân; chưa đề ra được những hình thức, phương pháp phù hợp để tổ chức thực hiện Nội quy trại giam… Nếu tình trạng này còn tái diễn trong thời gian tới sẽ là một trong những nguy cơ hiện hữu ảnh hưởng trực tiếp tới công tác đảm bảo an toàn trại giam, không quản lý và giáo dục được người phạm tội trở thành những công dân có ích cho xã hội khi trở về tái hòa nhập với cuộc sống cộng đồng, không thực hiện được nhiệm vụ của công tác tổ chức quản lý nhà nước về thi hành án phạt tù(13).

3. Giải pháp bảo đảm quyền cho phạm nhân tù chung thân ở Việt Nam

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người của phạm nhân tù chung thân. Để hiện thực hóa chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với phạm nhân tù chung thân trong quá trình chấp hành án tù, cần đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hướng hoạt động phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật hình sự nhân đạo đến phạm nhân, gia đình phạm nhân và toàn xã hội. Có như vậy, phạm nhân mới tự giác cải tạo, chữa bệnh, học nghề mới và tìm cơ hội để hoà nhập xã hội và có được sự cảm thông từ phía gia đình và xã hội. Đổi mới tư duy, xóa bỏ thành kiến, kỳ thị đối với phạm nhân tù chung thân. Xóa bỏ rào cản tâm lý của phạm nhân tù chung thân về tội lỗi họ mắc phải để định hướng tương lai tốt đẹp cho họ.

Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh vấn đề có liên quan. Hiện nay, các đạo luật liên quan đến thi hành án hình sự, pháp luật đặc xá đã có hiệu lực và phát huy hiệu quả trên thực tế. Tuy nhiên, thời gian tới cần xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện pháp luật về thi hành án hình sự, có sự điều chỉnh cần thiết đến đặc thù của phạm nhân tù chung thân.

Thứ ba, đổi mới chế độ, điều kiện, khả năng tiếp cận phục hồi. Việc đào tạo nghề cho phạm nhân tù chung thân cần bảo đảm để phạm nhân sử dụng nghề đó trong quá trình lao động cải tạo trong trại, đồng thời, có thể sử dụng nghề đó tại địa bàn sinh sống nếu được hòa nhập xã hội. Các trại giam cần phối hợp với các doanh nghiệp tham gia giáo dục - dạy nghề và sử dụng phạm nhân khi họ được đặc xá, tha tù.

Thứ tư, tăng cường công tác giám sát. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, phát hiện kịp thời những vi phạm trong quá trình giam giữ, chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót và sai phạm trong công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân và kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm.

Thứ năm, kết nối phạm nhân tù chung thân với xã hội. Cần phát huy vai trò của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế, quan tâm đến gia đình, người thân của phạm nhân tù chung thân để người tù thấy rằng, Đảng và Nhà nước đã không chỉ thực hiện đầy đủ quyền lợi của phạm nhân tù chung thân còn quan tâm, bảo đảm quyền lợi cho gia đình họ. Đây chính là biện pháp bảo đảm về tâm lý để người tù thấy họ không bị xã hội bỏ rơi, gia đình họ không bị xa lánh để họ yên tâm học tập và cải tạo. Các trại giam nên tạo nhiều điều kiện cho phạm nhân tù chung thân cập nhật thông tin của địa phương, đất nước, thế giới để không bị lạc hậu. Đối với những phạm nhân cải tạo tốt, nên tạo điều kiện khen thưởng bằng các cuộc gặp gỡ người thân thông qua các bữa ăn cùng thân nhân.

(1) Khoản 2, Điều 14 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

(2) Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã sửa đổi và bổ sung nhiều quy định liên quan đến thực hiện các chế độ của phạm nhân theo hướng nhân đạo hơn, bảo đảm tốt nhất quyền của phạm nhân trong quá trình chấp hành án (không có sự phân biệt tù chung thân và tù có thời hạn) trong việc bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm (Điều 27); quy định việc tiếp nhận người chấp hành án phạt tù (Điều 28); quy định cụ thể về các đối tượng được giam giữ riêng (Điều 30); quy định về xếp loại chấp hành án phạt tù (Điều 35) và quy định về người được tạm đình chỉ vì lý do bị bệnh nặng hoặc có dấu hiệu tâm thần phải trưng cầu giám định y khoa (Điều 37), quy định về tái hòa nhập cộng đồng (Điều 45); quy định về phạm nhân được nhận tiền qua đường bưu điện (Khoản 4, Điều 52). Luật Thi hành án hình sự năm 2019 cũng đã bổ sung 1 mục gồm 16 điều để quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện (Mục 3 Chương III gồm 16 điều từ Điều 57 đến Điều 72).

(3) Khoản 3, Điều 40, BLHS năm 2017.

(4) Quy định về thời hạn đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu đối với người được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới theo hướng quy định thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu dựa trên sự phân hóa tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội mới; bổ sung quy định về trường hợp xét giảm án đối với người bị kết án tử hình đã được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp không thi hành án tử hình, thời gian đã chấp hành hình phạt để xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm.

(5) Điều 66, BLHS năm 2017 quy định cụ thể về điều kiện phạm nhân tù chung thân có thể được tha tù trước thời hạn: (a) Phạm tội lần đầu; (b) Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù; (c) Có nơi cư trú rõ ràng; (d) Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩavụ bôì thươǹ g thiêṭ hại và án phí; (đ) Đã chấp hành được ít nhất 15 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn. Trường hợp người phạm tội là thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, người từ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì thời gian đã chấp hành 12 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn. 

(6) Đặc xá là một trong những chế định pháp lý được quy định tại Điều 88, 91, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, được thể chế hóa trong Luật Đặc xá năm 2007 và nay là Luật Đặc xá năm 2018 và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

(7) Ngày 9/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 133/2020/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Quy chế dân chủ trong trại giam; quy định hoạt động hòa giải, Ban Tự quản phạm nhân; ban hành 04 tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù, quy định xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù và phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, cơ quan Tuyên giáo, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam và một số cơ quan tổ chức nghiên cứu khoa học về giáo dục, ban hành các thông tư liên tịch hướng dẫn về giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, dạy văn hóa, dạy nghề cho phạm nhân và triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phổ biến pháp luật cho phạm nhân; phối hợp công tác giáo dục phạm nhân nữ, phạm nhân ở độ tuổi trưởng thành và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng; tổ chức học xóa mù chữ cho số phạm nhân không biết chữ.

(8) Số phạm nhân cải tạo kém chiếm tỷ lệ 9,51% năm 2011, đến năm 2018 còn 5,54%. Số phạm nhân được giảm án, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, đặc xá ngày càng tăng. Tính đến năm 2018, có 46/54 trại giam thành lập Trung tâm dạy nghề cho phạm nhân, chú trọng nghề may mặc, xây dựng, mộc, cơ khí, thêu ren, thủ công mỹ nghệ, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản.

(9) Từ năm 2011 đến tháng 5/2018 có 3 đợt đặc xá, tha thù trước thời hạn cho 44.397 phạm nhân; năm 2021 có 3.026 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 03 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, 06 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, có đủ điều kiện được hưởng đặc xá.

(10) Có 50/54 trại giam xây phòng chữa bệnh riêng cho phạm nhân tại trung tâm y tế cấp huyện và bệnh viện cấp tỉnh.

(11) Trong thời gian qua, các trại giam đều đang trong quá trình đầu tư, cải tạo nâng cao để bảo đảm về điều kiện giam giữ theo Luật Thi hành án hình sự (02m2/01phạm nhân). Nhiều trại giam đầu tư xây dựng hệ thống nước thải sinh hoạt, hệ thống thủy lợi, kênh mương, hồ chứa nước, buồng giam, nhà ăn tập thể, phòng học được mở rộng phục vụ sinh hoạt; phạm nhân tù chung thân được xem truyền hình, gặp gỡ gia đình, liên hệ với người thân qua điện thoại thường xuyên hơn; chế độ ăn, mặc, ở, chăm sóc sức khỏe… được bảo đảm giúp cho phạm nhân tù chung thân yên tâm cải tạo và phấn đấu để được đặc xá, tha tù.

(12) Điển hình như mô hình “Quỹ hoàn lương của thành phố Hồ Chí Minh”, “Quỹ doanh nhân với an ninh trật tự” của Thanh Hóa, Đồng Nai và nhiều mô hình khác của Đà Nẵng, Bắc Ninh, Nam Định…

(13) Một số vấn đề đặt ra trong công tác tổ chức cho phạm nhân thực hiện nội quy trại giam trong tình hình hiện nay http://congan.travinh.gov.vn/ch26/278.prttự” của Thanh Hóa, Đồng Nai và nhiều mô hình khác của Đà Nẵng, Bắc Ninh, Nam Định…

Theo noichinh.vn

Nguồn bài viết: https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/202112/thi-hanh-an-phat-tu-doi-voi-pham-nhan-tu-chung-than-dap-ung-yeu-cau-cai-cach-tu-phap-o-viet-nam-hien-nay-310455/

Link nội dung: https://phaply.net.vn/thi-hanh-an-phat-tu-doi-voi-pham-nhan-tu-chung-than-dap-ung-yeu-cau-cai-cach-tu-phap-o-viet-nam-hien-nay-a254243.html