Khuyến cáo được đưa ra tại tọa đàm “Rủi ro phòng vệ thương mại khi tham gia các FTA - Nhìn từ vụ việc Mexico điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam” ngày 13/12.
THÀNH VIÊN ĐẦU TIÊN CPTPP ĐIỀU TRA CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ VỚI THÉP MẠ VIỆT NAM
Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh Mexico khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam từ tháng 10/2021.
Đây là vụ kiện phòng vệ thương mại đầu tiên của Mexico nhằm vào hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và cũng là vụ việc phòng vệ thương mại đầu tiên một nước thành viên Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) điều tra Việt Nam sau khi Hiệp định này có hiệu lực, với quãng thời gian điều tra khá dài, khoảng 10 tháng (tương đương 210 ngày), có thể gia hạn thêm theo quy định của Mexico.
Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, từ khi CPTPP có hiệu lực từ 14/1/2019, kim ngạch xuất khẩu nói chung của Việt Nam sang thị trường Mexico tăng trưởng mạnh mẽ, trong 10 tháng đầu năm đạt 2,5 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng với sản phẩm thép, trong 3 năm gần đây, đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc. 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thép sang Mexico đã vượt con số 700 nghìn tấn, với giá trị gần 800 triệu USD.
Số liệu từ Hiệp hội Thép cho thấy, xuất khẩu thép của Việt Nam sang thị trường này chiếm 6% về lượng, 8% về giá trị trong 10 tháng đầu năm 2021, tăng gấp đôi so với năm 2020, lần lượt là 3% và 4%.
Bên cạnh đó, Mexico là thành viên của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) gồm Mỹ, Canada và Mexico, do đó, thông qua thị trường Mexico, không gian xuất khẩu sản phẩm thép của nước ta được mở rộng rất nhiều. Điều đó cho thấy, Mexico là điểm đến, là một thị trường rất tiềm năng cho xuất khẩu thép Việt Nam.
Cũng vì thế, khi chúng ta thâm nhập sâu vào thị trường này cũng như các thị trường FTAs, việc đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại là điều dễ hiểu.
Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cũng đồng tình, khi Mexico khởi xướng điều tra cũng không quá bất ngờ, vì Hiệp hội thép và doanh nghiệp xuất khẩu thép đã được cảnh báo trước đó hơn 1 năm.
Sự cảnh báo dựa trên 2 dấu hiệu: xuất khẩu thép Việt Nam sang Mexico tăng nhanh từ khi CPTPP có hiệu lực; và doanh nghiệp thép Mexico kiến nghị lên Chính phủ, rằng thép Việt Nam có thể gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất thép của Mexico.
CHỦ ĐỘNG NẮM BẮT TÍN HIỆU DẪN ĐẾN CUỘC ĐIỀU TRA
Chia sẻ về những tiêu cực của vụ kiện, ông Đa cho rằng, những cuộc điều tra phòng vệ thương mại dẫn tới khả năng sản phẩm chịu áp thuế cao, hạn chế khả năng xuất khẩu và có tính “lây lan”. Ví dụ như khi Mexico điều tra có thể “gợi ý” các thị trường khác cũng điều tra mặt hàng thép mạ nước ta.
Nhưng ngược lại điểm tích cực là khi đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại, doanh nghiệp có tinh thần chuẩn bị tốt hơn, có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện công tác quản trị, thiết lập các chuỗi giá trị của mình để mở rộng không gian xuất khẩu nhằm phân tán rủi ro.
Còn theo bà Giang, khó khăn nhất cho doanh nghiệp Việt Nam trong vụ kiện là rào cản ngôn ngữ. Trong bản thông tin họ gửi đi và bản trả lời câu hỏi của doanh nghiệp Việt Nam họ yêu cầu dùng tiếng Tây Ban Nha, đồng thời phải hợp pháp hóa bởi lãnh sự.
Trong bối cảnh Covid-19, lãnh sự quán Mexico tại TP. HCM đóng cửa, Bộ Công Thương đã liên hệ với Bộ Kinh tế nước này đề nghị hỗ trợ để doanh nghiệp nước ta tuân thủ tốt nhất yêu cầu điều tra của Mexico. Cuối cùng, Bộ Kinh tế Mexico đã gia hạn thời gian tối đa. Đến nay doanh nghiệp nước ta đã hoàn thành việc cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra Mexico đúng thời hạn.
Nói về thuận lợi, bà Giang cho rằng, đây là vụ kiện thứ 19 của các nước đối với thép mạ Việt Nam, nên các doanh nghiệp đã làm quen với quy trình của một vụ kiện. Ngành thép luôn chủ động thu thập thông tin và chủ động hợp tác với cơ quan điều tra.
Điều may mắn theo bà Giang, trong quá trình đàm phán gia nhập CPTPP, chúng ta đề nghị và được Mexico chấp nhận nước ta là nền kinh tế thị trường.
Vì vậy, khi điều tra, họ sẽ chấp thuận sử dụng các dữ liệu về sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam, chứ không sử dụng dữ liệu thay thế (điều rất bất lợi cho doanh nghiệp nước ta trong các vụ kiện mà nước kiện chưa công nhận nước ta là nền kinh tế thị trường).
Mặc dù vậy, bà Giang vẫn khuyến cáo, doanh nghiệp cần chủ động thu thập thông tin, trước hết từ các nhà nhập khẩu về động thái của doanh nghiệp nước sở tại, khi có doanh nghiệp phàn nàn về khó khăn của ngành sản xuất trong nước, hoặc phàn nàn về hàng Việt Nam giá rẻ, chiếm lĩnh thị phần cao… “Phải coi đây là tín hiệu khởi đầu có thể dẫn đến cuộc điều tra”, bà Giang nói.
Sau đó, doanh nghiệp cần thông tin đến hiệp hội, đến Cục phòng vệ Thương mại, qua đó Bộ Công Thương sẽ thông qua hệ thống Thương vụ sẽ có nghiên cứu cụ thể hơn về tình hình sản xuất ở nước đó… để đưa ra nhận định rõ ràng hơn về khả năng dẫn đến cuộc điều tra.
Ngoài ra, để hạn chế nguy cơ phòng vệ thương mại, theo bà Giang, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, duy trì hệ thống sổ sách, kế toán minh bạch. Vì trong các vụ kiện, thường họ cho doanh nghiệp chuẩn bị 30 ngày trả lời các câu hỏi, nếu ta không có thống sổ sách, kế toán minh bạch, rất khó có thể hoàn thiện đúng thời hạn.
Ông Đa cũng khuyến nghị các doanh nghiệp mở rộng chuỗi giá trị, chú trọng sử dụng nguyên liệu trong nước, thực hiện đạo đức kinh doanh, công khai, minh bạch trong quản trị để hạn chế thấp nhất những cái cớ dẫn đến các cuộc điều tra.
Theo vneconomy.vn
Nguồn bài viết: https://vneconomy.vn/han-che-rui-ro-phong-ve-thuong-mai-khi-tham-gia-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do.htm
Link nội dung: https://phaply.net.vn/han-che-rui-ro-phong-ve-thuong-mai-khi-tham-gia-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-a254180.html