Theo Điều 353 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015, Tội tham ô tài sản được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII của BLHS năm 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Còn theo Điều 356 BLHS năm 2015, Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở quy định tại hai điều luật kể trên và qua thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng, có thể nhận thấy, giữa tội tham ô tài sản và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ có những đặc điểm pháp lý tương đồng và đặc trưng riêng như sau:
1. Những dấu hiệu pháp lý có tính chất tương đồng
Thứ nhất, về khách thể của tội phạm :
Khoa học Luật hình sự Việt Nam phân biệt ba loại khách thể gồm khách thể chung, khách thể loại và khách thể trực tiếp. Trong đó khách thể loại là nhóm quan hệ có cùng tính chất được nhóm quy phạm pháp luật hình sự bảo vệ khỏi nhóm tội phạm. Khách thể loại là cơ sở để hệ thống các quy phạm trong phần các tội phạm của BLHS thành từng chương(1).
Khách thể loại của tội phạm tham nhũng nói chung là những quan hệ được luật hình sự bảo vệ, đảm bảo sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức và uy tín của các cơ quan, tổ chức đó. Ngoài ra, khách thể của loại tội này cũng có thể là quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Do tội tham ô tài sản và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ đều là tội phạm tham nhũng nên cả hai tội phạm này đều xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức. Hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức là những hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ do pháp luật hoặc điều lệ quy định, những hoạt động này nhằm thực hiện chức năng và mục đích đề ra. Ví dụ: Theo quy định của pháp luật, cán bộ, công chức khi được giao thực hiện công vụ phải chí công, vô tư, không được lợi dụng chức vụ để trục lợi, nhưng trong cơ quan, tổ chức nào đó có cán bộ đã tham ô tài sản, nhận hối lộ, hoặc lấy tiền của cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên để đưa hối lộ… là đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức đó(2).
Minh chứng cụ thể như trong vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra ở Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Các bị cáo trong vụ án gồm: Vương Thị Kim Thành, nguyên Trưởng khoa xét nghiệm; Nguyễn Thị Ngà, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Vương Thị Lan, Nguyễn Đồng Sơn, Nguyễn Thị Xuyên đều nguyên là kỹ thuật viên, nhân viên Khoa xét nghiệm đã có hành vi làm xét nghiệm huyết học một mẫu bệnh phẩm (mẫu máu), sau đó in thành nhiều kết quả xét nghiệm huyết học rồi tự ký vào các phiếu xét nghiệm để trả kết quả cho bệnh nhân và đưa vào hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế. Hành vi này đã trực tiếp xâm phạm đến hoạt động đúng đắn và uy tín đạo đức nghề nghiệp, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức nói riêng và ngành y tế nói chung, đồng thời ảnh hưởng đến lợi ích của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Thứ hai, về dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm :
Người phạm tội tham ô tài sản và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ đều có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tức là người phạm tội sử dụng chức vụ, quyền hạn được giao như là một phương tiện để thực hiện tội phạm, nếu người phạm tội không có chức vụ, quyền hạn mà họ đang đảm nhiệm thì họ khó có thể thực hiện được hành vi phạm tội. Nói cách khác, chức vụ, quyền hạn chính là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện hành vi sai phạm; nếu hành vi phạm tội không liên quan đến chức vụ, quyền hạn thì cho dù được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn thì cũng không cấu thành hai tội danh này.
Mặt khác, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong tội phạm tham ô tài sản và tội phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là hành vi làm không đúng, làm sai chức trách, làm trái các nguyên tắc, thể lệ quy định liên quan đến lĩnh vực công tác trong phạm vi thẩm quyền mà người phạm tội được giao khi thực hiện công vụ. Nếu như người phạm tội có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ không thuộc phạm vi, thẩm quyền mà mình được giao phụ trách thì tùy từng trường hợp cụ thể có thể xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội danh khác như tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 355 BLHS năm 2015 và tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 357 BLHS năm 2015.
Thứ ba, về mặt chủ quan của tội phạm :
Tội tham ô tài sản và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ đều được thực hiện bởi lỗi cố ý trực tiếp. Tức là về lý trí, người phạm tội nhận thức rõ được hành vi sai phạm của mình sẽ gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, thấy trước được hậu quả xảy ra. Còn về ý chí, người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra nhằm mục đích trục lợi. Không có trường hợp nào mà người phạm tội trong hai tội danh này thực hiện hành vi phạm tội do lỗi cố ý gián tiếp, vì người phạm tội bao giờ cũng mong muốn gây thiệt hại cho xã hội.
Thứ tư, về mặt chủ thể:
Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội tham ô tài sản và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, Điều 13 BLHS 2015. Tuy nhiên, ngoài hai dấu hiệu trên, chủ thể của hai tội danh này phải là người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện công vụ. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ(3).
Bên cạnh những đặc điểm pháp lý tương đồng nói trên thì giữa Tội tham ô tài sản và Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ còn có những đặc điểm pháp lý khác biệt, mang tính đặc trưng riêng, đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải nhận diện một cách đúng đắn để việc định tội danh được chính xác.
2. Những dấu hiệu pháp lý đặc trưng riêng
Về chủ thể của tội phạm
Lý luận đã khẳng định, Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ chỉ xảy ra ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước; không xảy ra ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (lĩnh vực tư)(4). Cụ thể, theo Điều 2 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện gồm: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi... Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi. Chính vì thế, những người có chức vụ, quyền hạn ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước không phải là chủ thể của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ví dụ: Công chức nước ngoài, Giám đốc, Phó Giám đốc, thủ quỹ, thủ kho của công ty cổ phần, tập đoàn tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài… không phải là chủ thể của tội phạm này nhưng lại là chủ thể của tội tham ô tài sản. Đây cũng chính là dấu hiệu pháp lý mang tính chất riêng biệt để phân định rõ hai tội danh này với nhau.
Tuy nhiên, dấu hiệu về chủ thể được nêu ở trên chỉ đúng trong trường hợp vụ án xảy ra trong thực tiễn không có yếu tố đồng phạm. Trong những vụ án có yếu tố đồng phạm, người không có chức vụ, quyền hạn vẫn có thể là chủ thể của hai loại tội phạm này, giữ những vai trò như chủ mưu, cầm đầu; xúi giục hay giúp sức. Còn người có chức vụ, quyền hạn trong những vụ án có yếu tố đồng phạm như vậy thì bắt buộc phải giữ vai trò là người thực hành. Đây cũng là một nội dung mà các cơ quan tiến hành tố tụng cần lưu ý trong thực tiễn đấu tranh với tội tham ô tài sản và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Về khách thể của tội phạm
Khách thể mà Tội tham ô tài sản xâm phạm đến có phạm vi rộng hơn Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bên cạnh quan hệ xã hội bảo đảm cho sự hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp thì tội tham ô tài sản còn xâm phạm vào khách thể là các quan hệ sở hữu về tài sản. Tài sản là đối tượng tác động chính của tội phạm tham ô tài sản. Tài sản đó bao gồm:
- Tài sản thuộc “công sản”, kinh phí hoạt động và các tài sản khác được giao cho các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp quản lý.
- Tài sản trong các công ty thuộc doanh nghiệp Nhà nước hay tài sản của các cơ quan, tổ chức ngoài khu vực của Nhà nước như công ty cổ phần, tập đoàn tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài…(5)
Đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, khách thể mà tội phạm xâm phạm chỉ là quan hệ xã hội bảo đảm cho sự hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức. Tội phạm làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Nhà nước. Mặc dù hành vi phạm tội gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nhưng không vì thế mà cho rằng khách thể của tội này là những thiệt hại thực tế xảy ra của nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Những thiệt hại này chỉ là hậu quả của hành vi phạm tội.
Về bản chất của hành vi khách quan, dấu hiệu chiếm đoạt tài sản, hậu quả và trách nhiệm quản lý tài sản
Người phạm tội tham ô tài sản là người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Trách nhiệm quản lý tài sản được hiểu là trách nhiệm trông coi, bảo quản tài sản không bị mất mát, hao hụt (trừ những hao mòn tự nhiên), sử dụng tài sản theo quy chế quản lý của các cơ quan, tổ chức. Trách nhiệm quản lý tài sản ở đây có thể là trách nhiệm quản lý trực tiếp hoặc trách nhiệm quản lý gián tiếp. Trách nhiệm này có được là do được bổ nhiệm hoặc phân công của tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giữ một chức vụ nhất định; được giao thực hiện một công việc có tính chất độc lập có trách nhiệm trực tiếp đối với một khối lượng tài sản nhất định trong một khoảng thời gian nhất định…(6). Những người được giao nhiệm vụ quản lý tài sản một cách trực tiếp như thủ quỹ, thủ kho, kế toán, người được giao vận chuyển tài sản của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức. Ngoài ra, còn có những người tuy không được giao trực tiếp quản lý tài sản nhưng có trách nhiệm quản lý gián tiếp, đó là những người có quyền hạn quyết định việc thu, chi, xuất nhập, mua bán, trao đổi tài sản như: Giám đốc công ty, chủ nhiệm hợp tác xã, người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức là chủ tài khoản hoặc người có quyền quyết định về tài sản của cơ quan, tổ chức mình.
Chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dịch chuyển bất hợp pháp tài sản từ chủ ở hữu thành tài sản của mình hoặc của người khác mà mình quan tâm, hành vi này có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như người phạm tội tự mình dịch chuyển tài sản, ví dụ: Thủ quỹ lấy tiền trong két sắt đem ra tiêu hay thủ kho lấy hàng hóa trong kho đem đi bán; hoặc việc dịch chuyển tài sản do người khác thực hiện theo lệnh của người phạm tội, ví dụ: Giám đốc lệnh cho thủ quỹ lấy tiền trong két sắt đưa cho mình, kế toán lập phiếu thu và phiếu chi khống để chuyển khoản theo mệnh lệnh của người phạm tội… Hành vi chiếm đoạt tài sản thể hiện mục đích tư lợi, đây là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của tội tham ô tài sản.
Ngoài ra, hậu quả của tội phạm tham ô tài sản là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất cho xã hội. Hậu quả của tội tham ô tài sản, xét về phương diện các yếu tố cấu thành tội phạm thì không phải là dấu hiệu bắt buộc, tức là dù hậu quả chưa xảy ra nhưng hành vi vẫn cấu thành tội phạm.
Đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái công vụ được giao nhằm mục đích vụ lợi. Hành vi làm trái công vụ bao gồm những biểu hiện sau: 1) Hành vi mâu thuẫn với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu chung đối với các cơ quan, tổ chức nhà nước mà người có chức vụ, quyền hạn đang làm việc. 2) Hành vi vi phạm 5 nguyên tắc trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 3 Luật cán bộ, công chức năm 2008. 3) Hành vi được thực hiện trong những trường hợp người có chức vụ, quyền hạn nhận thức không đúng về quyền lợi của cơ quan, tổ chức mình mà thực hiện những hành vi trái với công vụ và lợi ích nói chung. 4) Hành vi trái với quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tức là không xuất phát từ mục đích phục vụ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân(7).
Khác với tội tham ô tài sản, thì người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ có thể là người liên quan đến việc quản lý tài sản hoặc không nên phạm vi của người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ rộng hơn đối với tội tham ô tài sản. Mặt khác, hậu quả mà tội phạm gây ra là dấu hiệu bắt buộc trong mặt khách quan của tội phạm này, tuy nhiên, trong mặt khách quan của tội phạm lại không có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Bởi vì, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ chỉ cần gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thì đã thỏa mãn yếu tố cấu thành của tội phạm này.
Thiệt hại mà tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây ra có thể là thiệt hại về vật chất như làm mất, hư hỏng, hao hụt tài sản của cơ quan, tổ chức hoặc công dân… hoặc làm thất thu ngân sách nhà nước; cũng có thể là thiệt hại về tinh thần gây ảnh hưởng xấu về chính trị, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức hoặc xâm phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân…
Thực tiễn hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đối với tội phạm tham ô tài sản, tội phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ cho thấy, việc các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nắm được các yếu tố cấu thành tội phạm mang tính đặc trưng của hai loại tội phạm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp cho việc định tội danh được chính xác và không để bỏ lọt tội phạm. Đơn cử như vụ án “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại phòng giao dịch Q, thuộc chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố C, tỉnh QN (gọi tắt là Ngân hàng Nông nghiệp)(8). Bị cáo là Bùi Thị Hồng – Kế toán của phòng giao dịch Q, Hồng được phân công nhiệm vụ là thu tiền nợ vay, quản lý hồ sơ tài sản thế chấp của khách hàng, mở tài khoản tiền gửi và kiêm nhiệm việc thanh toán rút tiền gửi cho khách hàng. Lợi dụng chức trách của mình, từ đầu năm 2010 đến tháng 11 năm 2011, Hồng đã giả mạo chữ ký của khách hàng, lập chứng từ trái phép, lập hợp đồng cầm cố giả để rút tiền, chiếm đoạt của Ngân hàng Nông nghiệp số tiền 9.072.186.000 đồng. Tháng 10 năm 2010, Hồng cung cấp thông tin của khách hàng, tạo điều kiện cho Phạm Minh Tiến, cán bộ tín dụng phòng giao dịch chiếm đoạt số tiền 3.300.000.000 đồng của Ngân hàng Nông nghiệp. Ngoài ra, bị cáo còn có hành vi xuất kho trái phép 10 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 01 Giấy đăng ký xe ô tô là tài sản của khách hàng đang thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp cho Nguyễn Thị Hoa mượn. Hoa đã dùng các giấy tờ này lừa đảo nhiều người, chiếm đoạt số tiền 4.400.000.000 đồng.
Với các hành vi nêu trên, Viện kiểm sát tỉnh QN đã truy tố Bùi Thị Hồng về 2 tội tham ô tài sản theo điểm a khoản 4 Điều 278 BLHS năm 1999 và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điểm b, c khoản 2 Điều 281 BLHS năm 1999. Tuy nhiên, khi xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh QN chỉ xử phạt bị cáo Bùi Thị Hồng 16 năm tù về tội tham ô tài sản và tuyên bố bị cáo này không phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong vụ án này, việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh QN không phù hợp giữa lý luận và thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm bởi Bùi Thị Hồng là người có chức vụ, quyền hạn, được giao nhiệm vụ thu nợ tiền vay, quản lý hồ sơ tài sản thế chấp của khách hàng, mở tài khoản tiền gửi và kiêm nhiệm thanh toán rút tiền gửi cho ngân hàng. Lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, Hồng đã sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý, gây thất thoát cho Ngân hàng nông nghiệp số tiền 9.072.186.000 đồng. Hành vi này của Bùi Thị Hồng đủ yếu tố cấu thành Tội tham ô tài sản.
Mặt khác, trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, Bùi Thị Hồng còn có hành vi làm trái công vụ, cụ thể cung cấp thông tin của khách hàng, tạo điều kiện cho Phạm Minh Tiến, cán bộ tín dụng phòng giao dịch chiếm đoạt số tiền 3.300.000.000 đồng của Ngân hàng Nông nghiệp. Đồng thời, xuất kho trái phép cho Nguyễn Thị Hoa mượn 10 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 01 Giấy đăng ký xe ô tô của khách hàng đang thế chấp tại ngân hàng, sau đó Hoa đã dùng các giấy tờ này lừa đảo nhiều người, chiếm đoạt số tiền 4.400.000.000 đồng. Hành vi của Bùi Thị Hồng đã vi phạm một trong những nguyên tắc trong khi thi hành công vụ(9), gây hao hụt tài sản và làm giảm uy tín của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố C, tỉnh QN. Hành vi này của Bùi Thị Hồng đủ yếu tố cấu thành Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trên cơ sở những phân tích và vụ án thực tiễn được nêu ở trên, có thể thấy, việc phân biệt Tội tham ô tài sản và Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Đảm bảo quá trình giải quyết vụ án hình sự được diễn ra một cách khách quan, chính xác, xử lý đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội./.
ThS. Lại Sơn Tùng
Giảng viên Khoa Cảnh sát kinh tế, Học viện Cảnh sát nhân dân.
Tài liệu tham khảo:
(1) Tạ Quốc Tuấn, “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo luật hình sự Việt Nam”, Luận văn Thạc sĩ luật học, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.37-38, 2016.
(2) https://thegioiluat.vn/bai-viet-hoc-thuat/Binh-Luan-Khoa-Hoc-Bo-Luat-Hinh-Su-Tap-5-NXB-Tong-Hop-1999--Dinh-Van-Que-3234/
(3) Khoản 2 Điều 352 BLHS năm 2015.
(4) Điều 2 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018.
(5) Nguyễn Tiến Nam, “Phòng ngừa tội phạm tham ô tài sản theo chức năng của lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an các tỉnh Bắc Trung Bộ”, Luận án Tiến sĩ luật, tr.27, 2016.
(6) Bình luận khoa học BLHS 1999 (Phần các tội phạm), của tập thể tác giả: TS Nguyễn Thế Vắc – TS Trần Văn Luyện – LS, ThS Phạm Thanh Bình – ThS Nguyễn Đức Mai – ThS Nguyễn Sỹ Đại – ThS Nguyễn Mai Bộ, NXB CAND_2002 (tr656).
(7) Bài báo “Phân biệt tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với tôi lạm quyền trong khi thi hành công vụ” của tác giả Hoàng Hải Yến, Nguyễn Quý Khuyến, tr 47-59, tạp chí kiểm sát số 04/2021.
(8) Công văn số 509/TB-VKSTC-VPT1 ngày 12 tháng 8 năm 2014 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thông báo rút kinh nghiệm một số vụ án tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo không phạm tội bị Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm.
(9) Điều 3 Luật cán bộ, công chức năm 2008.
Link nội dung: https://phaply.net.vn/phan-biet-toi-tham-o-tai-san-voi-toi-loi-dung-chuc-vu-quyen-han-trong-khi-thi-hanh-cong-vu-a254136.html