Tại sao Hàn Quốc nên gia nhập CPTPP?

Với sự quan tâm gần đây nhất của Trung Quốc và Đài Loan, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hiện đóng vai trò trung tâm địa chính trị khu vực Đông Á. Tuy nhiên, tại sao Hàn Quốc vốn được kỳ vọng trở thành thành viên mới đầu tiên của CPTPP vẫn vắng mặt trong danh sách?

4-1638319126.jpeg

Hàn Quốc sẽ có nhiều lợi thế nếu gia nhập CPTPP. (Ảnh: internet) 

Nhìn lại năm 2013, Seoul lần đầu tiên xem xét gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Những thành tựu về công nghệ và thương mại của Hàn Quốc đã làm nổi bật vị thế của nước này trong chuỗi cung ứng toàn cầu và các cuộc đàm phán thương mại, bao gồm cả thỏa thuận song phương với Hoa Kỳ. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Tổng thống Moon Jae-in bày tỏ trong bài diễn văn mừng năm mới 2021 rằng, Hàn Quốc quan tâm đến việc tham gia CPTPP. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Thương mại Yeo Han-koo sau đó cho biết thêm: "Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã sẵn sàng". Tuy nhiên tiến độ dường như đã bị đình trệ kể từ đó. Nguyên nhân được đưa ra một phần là do căng thẳng thương mại Hàn Quốc - Nhật Bản. Bên cạnh đó, hai đảng chính trị lớn nhất của Hàn Quốc hiện ủng hộ quốc gia trở thành thành viên CPTPP nhưng mặt khác không muốn mạo hiểm với các cuộc bầu cử sắp tới vào tháng 3/2022. 

Theo giới chuyên gia nhận định, gia nhập CPTPP sẽ đem đến nhiều cơ hội hơn cho Hàn Quốc. Thứ nhất, hiệp định mang lại cho xứ sở Kim Chi những lợi ích kinh tế có ý nghĩa. Đây là một hiệp định tiêu chuẩn cao và toàn diện, trong đó sẽ loại bỏ hầu hết các loại thuế quan đối với lĩnh vực thương mại, tự do hóa các hàng rào phi thuế quan và đặt ra quy tắc phù hợp cho thương mại kỹ thuật số, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ và các lĩnh vực khác. Những quy tắc này đặc biệt quan trọng trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Không những vậy, theo phân tích của Nikkei Asia, Hàn Quốc sẽ mất khoảng 3 tỷ USD mỗi năm thu nhập quốc dân vào năm 2030 nếu đứng ngoài CPTPP. Ngược lại, nếu gia nhập, đất nước sẽ thu được 86 tỷ USD hàng năm, trở thành một trong những người hưởng lợi lớn nhất từ thỏa thuận. Nói cách khác, CPTPP sẽ tăng cường vai trò trung tâm vốn đã có của Hàn Quốc trong chuỗi cung ứng châu Á và Bắc Mỹ bằng cách giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế quan với Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Việt Nam cùng nhiều quốc gia khác.

Thứ hai, lợi ích của tư cách thành viên Hàn Quốc sẽ nhân lên khi CPTPP kết nạp thêm thành viên mới. Lợi nhuận của các thành viên dự kiến sẽ tăng gấp ba khi có thêm năm đối tác quy mô trung bình và tăng gấp bốn lần nếu Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ tham gia. Thứ ba, bên cạnh những lợi ích trực tiếp này, CPTPP sẽ củng cố vai trò của Hàn Quốc trong mối quan hệ bất đối xứng gây tranh cãi với ba đối tác lớn là Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ. 

Mặc dù hai cường quốc lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Hoa Kỳ chiến tranh thương mại liên miên nhưng chưa gây tổn hại trực tiếp cho Hàn Quốc, thậm chí có khả năng chuyển thị trường từ các nhà sản xuất xứ Trung sang xứ sở Kim Chi nhưng chắc chắn rằng điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Hàn Quốc phụ thuộc vào Trung Quốc và Mỹ trong gần một nửa hoạt động thương mại, khả năng tiếp cận vật liệu và công nghệ cũng như an ninh quốc gia. Không có khuôn khổ quốc tế nào có thể cách ly hoàn toàn Hàn Quốc khỏi những áp lực chính trị như vậy nhưng rủi ro có thể được giảm thiểu nếu Trung Quốc và Hoa Kỳ chịu khuôn khổ và quy định của CPTPP.

CPTPP cũng có thể xoa dịu căng thẳng thương mại Hàn Quốc - Nhật Bản bằng cách giải quyết vấn đề trong khuôn khổ đa phương. Chẳng hạn, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc đối với mặt hàng thủy sản có thể trở thành điều kiện chung khi tham gia CPTPP. Cuối cùng, Mỹ cũng đang tranh luận về việc tham gia CPTPP. Nếu Hàn Quốc đã trở thành thành viên thì sự góp mặt của Mỹ sẽ đem về nhiều lợi ích hơn. Và nếu Mỹ tái gia nhập, nước này sẽ yêu cầu nhiều thay đổi trong thỏa thuận và Hàn Quốc sẽ muốn có mặt trên bàn đàm phán.

Nhìn chung, CPTPP mở rộng sẽ tăng cường mối quan hệ thương mại giữa các đối tác kinh tế chính của Hàn Quốc. Nước này đã bắt đầu phê chuẩn một "trụ cột" khác là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bao gồm 15 nền kinh tế Đông Á. Nhìn chung, Hàn Quốc có lý do để tham gia CPTPP và cũng có mối quan hệ tương đối tốt với hầu hết thành viên nhưng mặt khác cũng tồn tại những lĩnh vực nhạy cảm sẽ trở nên dễ bị tổn thương hơn nếu số lượng người tham gia tăng lên. Lựa chọn tốt nhất cho Hàn Quốc là nên tham gia ngay bây giờ khi chi phí còn thấp và lợi nhuận tiềm năng cao.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/tai-sao-han-quoc-nen-gia-nhap-cptpp.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tai-sao-han-quoc-nen-gia-nhap-cptpp-a254065.html