Liệu thuế tài sản mới của Trung Quốc có khả năng hiện thực hóa tham vọng thịnh vượng chung?

Thuế tài sản là thành phần cốt lõi của sáng kiến thịnh vượng chung bởi không có khoản tiền này sẽ khó lòng điều chỉnh chênh lệch thu nhập trong xã hội. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra chi tiết về thuế hoặc các kế hoạch thí điểm cụ thể hay các biện pháp thắt chặt thuế từng giúp hạ nhiệt bất động sản ở các thành phố cấp thấp.

8-1637896154.jpg

Thuế tài sản được đánh giá là cốt lõi của chiến lược thịnh vượng chung. (Ảnh: internet) 

Cứ đến thứ Sáu của tuần thứ Tư hàng tháng, Ding Xunan, 30 tuổi đều ngồi hơn 20 giờ tàu chạy với quãng đường dài hơn 1700 km từ Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc tới Pingdingshan, một thành phố cấp tỉnh ở tỉnh Hà Nam để đoàn tụ với người vợ mới cưới. Cặp đôi trẻ tuổi không đủ khả năng mua bất động sản ở các thành phố lớn, vì vậy, năm 2019, hai người quyết định mua một căn hộ ở khu vực tuyến dưới. Ding chia sẻ: “Tôi đã dành gần như toàn bộ số tiền tiết kiệm hiện có và cả khoản hỗ trợ từ bố mẹ, bao gồm chi phí cho đám cưới, tiền nhà ở,... nhưng gia đình tôi vẫn còn một em trai sắp tới cũng chuẩn bị kết hôn”. Anh cho biết, gia đình đã trả trước khoảng 460.000 Nhân dân tệ (72.000 đô la Mỹ) và sẽ phải trả khoản thế chấp hơn  3.600 nhân dân tệ (564 đô la Mỹ) mỗi tháng trong 25 năm tới.

“Giá cả hồi đó rất cao, khoảng 8.000 nhân dân tệ một mét vuông, bây giờ có rất nhiều khu nhà gần đó chỉ với khoảng 6.000 và 7.000 Nhân dân tệ một mét vuông. Giá bất động sản đang bắt đầu giảm ở các thành phố cấp 3, 4 và 5 đang phát triển. Chúng tôi chỉ sợ rằng chính sách sẽ bị thay đổi đột ngột trong một sớm một chiều, và giá nhà đất sẽ sớm tăng vọt trở lại”, Ding đứng ngồi không yên đồng thời anh bày tỏ chính phủ cần đưa ra những ý tưởng thực tế hơn để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, chẳng hạn như khởi động cải cách giáo dục và thuế tài sản như một phần của chiến lược thịnh vượng chung.

Theo kế hoạch về thuế tài sản, thí điểm sẽ được thực hiện ở một số thành phố trong 5 năm trước khi triển khai toàn quốc. Thuế tài sản là thành phần cốt lõi của sáng kiến thịnh vượng chung bởi không có khoản tiền này sẽ khó lòng điều chỉnh chênh lệch thu nhập trong xã hội. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra chi tiết về thuế hoặc các kế hoạch thí điểm cụ thể hay các biện pháp thắt chặt thuế từng giúp hạ nhiệt bất động sản ở các thành phố cấp thấp.

Nhà nghiên cứu Yi Xianrong phân tích: “Thuế được thiết kế để có lợi cho những người bình thường sở hữu một hoặc hai căn hộ có diện tích vừa hoặc nhỏ. Hầu hết người dân ở các thành phố hàng ba, bốn đều mua dạng tài sản này. Họ phải chịu giá bất động sản cao ngất ngưởng trong một thời gian dài. Hy vọng trung ương thực hiện đúng lời hứa và không để người dân thất vọng”.

Thế nhưng, chỉ số giá nhà ở chính thức cũng có thể chỉ bao gồm 70 thành phố lớn, vừa thay vì bao quát phạm vi cả hơn 3.000 thành phố cấp 3, 4 và 5 ở Trung Quốc. Bắc Kinh, Thượng Hải,... là những thành phố cấp cao. Mặt khác, thành phố cấp 3 và cấp 4 là các thủ phủ cấp tỉnh hoặc cấp quận, trong khi khu vực cấp 5 thậm chí còn nhỏ hơn nhưng chiếm khoảng 70% dân số đô thị 890 triệu người. Trước thông tin về luật thuế mới, anh Ding mừng ra mặt: “Thuế tài sản chắc chắn nhắm vào những người giàu ở các thành phố thịnh vượng chứ không phải người trẻ làm công ăn lương như chúng tôi, chứ chưa kể đến người sống ở thị trấn nông thôn. Nhưng nếu giá nhà ở có thể tiếp tục giảm, tôi nghĩ điều đó thực sự có lợi cho thế hệ trẻ ở các khu vực nhỏ hơn và quá trình đô thị hóa đất nước”.

Tại các thành phố cấp thấp hơn, sụt giảm giá bất động sản trở nên rõ ràng do nguồn cung nhà ở mới tăng quá mức. Theo dự báo của Cric China, chu kỳ tiêu thụ hàng tồn kho trên thị trường nhà ở đã tăng lên 14,92 tháng, thậm chí cao tới 17,53 tháng ở các thành phố cấp 3 và 4. Đây là giai đoạn cần thiết để bán nhà ở thương mại, càng mất nhiều thời gian càng khiến các nhà phát triển bất động sản và thị trường nội địa đối mặt với tình trạng thiếu hụt dòng tiền đáng kể.

Peng Lunbo, 24 tuổi đến từ thành phố Thiên Môn, tỉnh Hồ Bắc cho biết: “Những người mua bất động sản ở chỗ tôi chủ yếu là công chức địa phương hoặc người kinh doanh, làm việc tại thành phố lớn. Họ cần mua nhà mới để lập gia đình hoặc cho con cái đi học ở quê. Rất ít người mua nhà để đầu tư. Thế nên tôi nghĩ dù giá tăng hay giảm, có thuế hay không có thuế thì hầu hết người dân địa phương sẽ không mua bán tài sản”.

Từ năm 2010 đến năm 2020, tỷ lệ tăng dân số trung bình trên cả nước là 0,53%, trong đó các thành phố loại 1 tăng với tốc độ bình quân hàng năm là 2,37%, các thành phố loại 2 là 1,91%, các thành phố loại 3 là 0,43% và âm 0,45% ở các thành phố loại 4. Wang Yan, người Liêu Ninh cho hay: “Nhà gái sẽ yêu cầu đằng trai mua một ngôi nhà mới coi như hồi môn cho đám cưới. Đây thực chất là cái giá phải trả cho quá trình đô thị hóa của một gia đình nông thôn”. Theo số liệu từ cuộc điều tra dân số quốc gia lần thứ bảy, dân số đô thị của Trung Quốc đã tăng lên hơn 900 triệu người vào năm 2020, với tỷ lệ đô thị hóa của dân số cư trú đạt 63,89%, với tỷ lệ này sẽ vượt quá 70% vào năm 2035.

Gao Zhendong, một nhà đầu tư tập trung phát triển các khu công nghiệp ở các tỉnh nội địa Trung Quốc chỉ ra rằng giá nhà tại một số thành phố cấp quận trên toàn quốc hiện đã giảm từ mức đỉnh hơn 7.000 Nhân dân tệ/m2 vào năm 2018 xuống còn 3.800 Nhân dân tệ/m2. Ông nói thêm: “Trường hợp tốt nhất là giá nhà ở các thành phố nhỏ trở lại mức thấp và sau đó tăng chậm và khiêm tốn mỗi năm, điều này sẽ có lợi cho quá trình đô thị hóa tiếp theo”. Gao tin rằng, kế hoạch thí điểm thuế tài sản sẽ không được thực hiện trong thời gian ngắn hạn ở các thành phố cấp 3 và cấp 4, trong khi đó cũng cần cảnh giác với việc giảm mạnh nguồn thu tài chính của địa phương. “Rất nhiều chính quyền địa phương đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng khi đấu giá đất đai. Ví dụ, một thành phố nhỏ ở tỉnh Hồ Nam ban đầu dự kiến ​​có doanh thu từ đất đai là 9 tỷ cho năm nay, nhưng cho đến nay mới chỉ đạt được 800 triệu Nhân dân tệ. Trong khi đó, rõ ràng là không thể đánh thêm thuế đối với người dân bình thường và các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các thành phố cấp thấp. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng chính phủ sẽ cho phép các chính quyền địa phương phát hành thêm khoản vay nợ”, ông cho biết thêm.

Gary Liu Shengjun, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Viện Cải cách Tài chính Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải, phát biểu rằng, thuế tài sản có khả năng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các chính quyền địa phương, có thể khiến đề xuất bị trì hoãn hoặc thậm chí bị gác lại. Theo Liu, các chính quyền địa phương có nguồn thu hạn chế ngoài tiền bán đất và có khả năng sẽ bác bỏ ý tưởng đánh thuế tài sản hoặc đề xuất mức thuế cao để thúc đẩy kho bạc: “Trong tình huống hai chọn một này, người dân địa phương sẽ vẫn là đối tượng chịu thiệt”.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/lieu-thue-tai-san-moi-cua-trung-quoc-co-kha-nang-hien-thuc-hoa-tham-vong-thinh-vuong-chung.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/lieu-thue-tai-san-moi-cua-trung-quoc-co-kha-nang-hien-thuc-hoa-tham-vong-thinh-vuong-chung-a254020.html