Đẩy mạnh hợp tác giữa các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu mới

Những lời kêu gọi về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ngày càng thu hút sự chú ý cũng như mở rộng thách thức giám sát toàn cầu đối với người chơi trong chuỗi cung ứng.

2-1637458208.jpeg

Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Các quy định phát triển nhanh chóng đang tạo áp lực buộc nhiều công ty phải đáp ứng và chịu trách nhiệm về tác động xã hội đối với hoạt động kinh doanh. Kỳ vọng cao hơn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sẽ mang đến những cách tiếp cận mới giúp các công ty đẩy nhanh tiến độ và động thái chung tay hoạt động vì cộng đồng. Để phát triển những mục tiêu trên, các đơn vị sẽ cần đối tác chất lượng cao, có cam kết trong cộng đồng dân sự. Là tiếng nói đại diện cho nhiều lĩnh vực trong xã hội, các tổ chức phi chính phủ (NGO) được coi như đầu mối chủ chốt nhưng thường bị đánh giá thấp trong hoạt động kinh doanh toàn cầu. 

Nhiều công ty thận trọng khi hợp tác với các tổ chức phi chính phủ có khả năng gây áp lực cộng đồng. Bên cạnh những rủi ro về tài chính và pháp lý, thiệt hại về danh tiếng là điều khiến doanh nghiệp có xu hướng né tránh NGO. Ngoài ra, do nguồn tài trợ của một tổ chức phi chính phủ không phải lúc nào cũng rõ ràng, vì vậy các công ty không thể kiểm soát chính xác họ đang giao dịch với ai. 

Nhằm tiến đến hợp tác song phương cùng có lợi, đầu tiên NGO và doanh nghiệp cần có hoạt động đối thoại tích cực và liên tục giữa hai bên. Các tổ chức phi chính phủ sẽ có hiểu biết sâu sắc về bối cảnh và rủi ro trong kinh doanh, đổi lại doanh nghiệp nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội và nhân quyền như quấy rối, bóc lột lao động,... Theo đó, những doanh nghiệp bền vững được kỳ vọng mang lại lợi ích cho tất cả mọi người trong xã hội. Archana Kotecha, một Giám đốc điều hành tại Hồng Kông chỉ ra các tổ chức phi chính phủ thường là bến đỗ đầu tiên của người lao động gặp khó khăn và từ đó liên hệ mật thiết với khối doanh nghiệp.

Kế đến, các tập đoàn kinh tế nên tìm hiểu giá trị hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự, mỗi bên nên đóng góp ý kiến từ lĩnh vực chuyên môn riêng biệt. Các NGO có nhiệm vụ giải quyết các khúc mắc và khó khăn của nhóm dân cư dễ bị tổn thương còn các tập đoàn sở hữu các kết nối và mạng lưới hỗ trợ xuyên quốc gia. Tuy nhiên, nhiều đánh giá cho thấy nhóm doanh nghiệp chưa có nền tảng về tổ chức xã hội, do đó, điều quan trọng là các công ty phải thực hiện nghiên cứu các đối tác tiềm năng và xem xét các yếu tố như quy mô của tổ chức phi chính phủ, địa vị pháp lý và chiến lược, phạm vi địa lý, các cá nhân chủ chốt, các chiến dịch và mục tiêu trước đó,... để tiến đến mối quan hệ bền vững. 

Grono của Quỹ Tự do cho biết: "Mục đích của các tổ chức phi chính phủ là phục vụ lợi ích công cộng. Đại đa số không đặt mục tiêu phá hoại doanh nghiệp, mà tìm cách giúp đỡ những người dễ bị tổn thương trong xã hội. Các doanh nghiệp nên tránh những định kiến ​​tiêu cực và hợp tác với NGO trên cương vị đối tác hướng đến tác động tích cực".

Một ví dụ cho hợp tác song phương là Thai Union, một trong những công ty thủy sản lớn nhất thế giới cùng với một số tổ chức nhằm cải thiện các tác động đến môi trường và nhân quyền. Để thúc đẩy tuyển dụng lao động ở Thái Lan, công ty đã làm việc với một tổ chức phi chính phủ địa phương và đối tác của Quỹ Tự do cung cấp chương trình đào tạo lao động và các hoạt động hỗ trợ tuyển dụng uy tín.

Các công ty cần nhận ra rằng vai trò và năng lực của các tổ chức phi chính phủ đang ngày càng phát triển. Nhiều NGO áp dụng cách tiếp cận cấp hệ thống hơn, hoạt động độc lập và tìm kiếm nguồn tài trợ đa dạng. Kanae Doi, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Nhật Bản hoạt động với mục tiêu khuyến khích chính phủ ưu tiên nhân quyền trong các chính sách và thực tiễn đối ngoại và đối nội, nhận xét các mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và NGO vẫn còn thô sơ và có rất ít đối thoại giữa hai bên. Gián đoạn chuỗi cung ứng đã, đang và sẽ tiếp diễn trong tương lai gần, xây dựng quan hệ đối tác giữa các tổ chức xã hội dân sự và công ty có khả năng thúc đẩy tính bền vững là cách làm tương đối hiệu quả, kết hợp điểm mạnh mỗi bên để đạt được mục tiêu chung.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/day-manh-hop-tac-giua-cac-to-chuc-phi-chinh-phu-va-doanh-nghiep-trong-boi-canh-toan-cau-moi.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/day-manh-hop-tac-giua-cac-to-chuc-phi-chinh-phu-va-doanh-nghiep-trong-boi-canh-toan-cau-moi-a253972.html