Báo chí đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức về PVTM

(Pháp lý) - Thực hiện quy chế phối hợp giữa báo chí với cơ quan Nhà nước trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm nhân dân quan tâm, ngày 19/11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại (PVTM) dành cho các cơ quan báo chí bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Hà Nội và TP.HCM.

21-1637329265.jpg

Toàn cảnh Hội nghị

Dự và chỉ đạo Hội nghị có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cùng lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các Nhà báo, phóng viên của các cơ quan báo chí.

Điều tra áp dụng biện pháp PVTM gia tăng

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, PVTM là công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên sử dụng nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu như bán phá giá hay nhận trợ cấp từ chính phủ; hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa.

Theo thống kê của WTO, hơn 25 năm qua, kể từ khi WTO ra đời vào năm 1995 cho đến tháng 12/2020, các nước đã khởi xướng, điều tra tổng cộng 6.300 vụ việc chống bán phá giá (CBPG), 632 vụ chống chống trợ cấp (CTC), 400 vụ việc tự vệ. Đây là minh chứng cho thấy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại số lượng lớn các vụ việc PVTM.

Trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Nếu giai đoạn 2005 - 2010 chỉ có 25 vụ việc thì giai đoạn 2011 – 2015 là 52 vụ việc và giai đoạn 2016 – tháng 9/2021 là 109 vụ.

Để áp dụng một biện pháp PVTM, cơ quan quản lý nhà nước phải điều tra hồ sơ đề nghị của các ngành sản xuất trong nước. Sau đó, cơ quan phải chứng minh đơn vị nước ngoài: Có hành vi bán phá giá và nhập khẩu gia tăng đột biến; có thiệt hại của ngành sản xuất trong nước (thời gian đánh giá trong vòng 1 năm, khẩn cấp không được dưới 6 tháng); có mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa hàng hóa nhập khẩu đối với hàng hóa sản xuất trong nước…

23-1637329265.jpg

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu khai mạc Hội nghị.

Theo các chuyên gia đánh giá, thời gian qua, PVTM được xem là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa, trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều FTA như hiện nay. Vì thế, việc sử dụng và ứng phó các biện pháp PVTM ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới, các vụ việc PVTM gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng. Ở chiều ngược lại, một số ngành sản xuất trong nước cũng phải chịu áp lực từ việc gia tăng nhập khẩu, do các tác động mở cửa thị trường và cần đến những công cụ chính sách về PVTM để bảo vệ lợi ích của ngành.

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, mặc dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, tác động không nhỏ tới Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU và ngược lại đều tăng trưởng hơn 18% so với khi hiệp định chưa có hiệu lực.

So với thời điểm trước khi có FTA, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước ASEAN đã tăng hơn 9 lần, Trung Quốc tăng 15 lần, Hàn Quốc tăng 6 lần, Ấn Độ tăng 5,2 lần Nhật bản tăng 3 lần… Với EVFT, trong 7 tháng đầu năm 2021 kim ngạch XNK đạt 32,4 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.

Với các Hiệp định mới như CPTPP, 7 tháng đầu năm 2021, tổng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và thị trường các nước đạt 52 tỷ USD, FTA - Vương quốc Anh trong 6 tháng đạt 3,29 tỷ USD…

Sau khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do cũng cho thấy có rất nhiều thách thức mới, đòi hỏi Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ hơn, với những giải pháp cụ thể và mạnh mẽ để có thể khai thác tốt hơn các cơ hội mà Hiệp định tự do mang lại…

25-1637329265.jpg

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công thương

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công thương cho biết, nhằm hỗ trợ DN sử dụng và ứng phó với các vụ việc PVTM, thời gian qua, Cục PVTM luôn duy trì các kênh liên lạc với cơ quan điều tra PVTM của nhiều nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và DN để kịp thời cập nhật vụ việc PVTM; Hỗ trợ DN Việt Nam bày tỏ quan điểm phản bác các lập luận thiếu căn cứ, vi phạm quy định WTO của nguyên đơn khởi kiện hay cơ quan điều tra nước ngoài; cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời trên cơ sở yêu cầu của cơ quan điều tra đối với chính phủ, hỗ trợ DN trong quá trình xử lý vụ việc.

Đưa các nội dung đào tạo, tập huấn vào hoạt động của ngành Công Thương nhằm nâng cao nhận thức, chủ động ứng phó hoặc sử dụng kịp thời, hiệu quả hơn với vụ kiện PVTM cho DN.

Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng để nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp. Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện PVTM tại nhiều thị trường khác nhau để DN quan tâm có thể thường xuyên theo dõi.

Tiếp nhận hồ sơ đề nghị điều tra và đẩy nhanh hoàn thành các vụ việc điều tra về PVTM đang diễn ra nhằm kịp thời có các biện pháp PVTM để đảm bảo môi trường thương mại công bằng cho các ngành sản xuất trong nước.

Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai các Đề án, Chương trình lớn về phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam…

Báo chí đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức cho DN về PVTM

26-1637329265.jpg

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

PVTM nhìn từ góc độ DN, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 7 năm 2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 207 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm sắt, thép, nhôm, tôn, đồng 86 vụ; hàng dệt may 24 vụ

Trong khi đó, số vụ điều tra PVTM mà Việt Nam tiến hành chỉ 25 vụ tập trung chủ yếu vào các sản phẩm thép. 

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, qua các vụ kiện PVTM, DN Việt Nam cũng rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu như hiểu biết về PVTM và cách ứng phó của DN, Hiệp hội DN đã được cải thiện… Tuy nhiên, việc ứng phó các vụ kiện cũng như sử dụng công cụ PVTM của các DN Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như: nhận thức về tính chất của công cụ PVTM còn hạn chế; thiếu sự đầu tư, chuẩn bị cũng như nguồn dữ liệu phục vụ khởi kiện, ứng phó các vụ kiện…

Với vai trò của PVTM trong bối cảnh hội nhập, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định thêm, biện pháp PVTM đang có những tác động nhiều mặt, lâu dài, không phải là những lợi ích trước mắt. Theo đó, các biện pháp này có thể xuất hiện cả ở chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Vì vậy, thời gian tới, để cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiểu đúng về biện pháp PVTM thì vai trò của cơ quan báo chí là rất quan trọng cùng với các chương trình. 

“Bộ Công Thương luôn xác định, báo chí là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, là kênh thông tin hiệu quả để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách pháp luật nói chung và lĩnh vực PVTM nói riêng”- Thứ trưởng nêu rõ.

29-1637329265.jpg

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thuỷ phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thuỷ cho biết, sau buổi làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị đã nghe 4 chuyên đề do các đồng chí lãnh đạo Bộ Công thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng nhiều ý kiến hỏi đáp, thảo luận tại hội trường… Thay mặt Ban tổ chức, Đ/c Phan Xuân Thuỷ cảm ơn sự nhiệt tình, trách nhiệm của cá đồng chí báo cáo viên, đồng thời hoan nghênh các đồng chí phóng viên, nhà báo của các cơ quan báo chí dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh…

Cũng theo Đ/c Phan Xuân Thuỷ, thời gian qua, Báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức cho DN về PVTM. Đặc biệt, luôn đồng hành, kịp thời thông tin cho DN khi có các vụ kiện PVTM xảy ra thì liên hệ cơ quan chức năng để có hướng xử lý phù hợp. Việc cảnh báo sớm, tuyên truyền, thông tin về PVTM đóng vai trò hết sức quan trọng và cấp thiết…

Để tiếp tục phát huy vai trò của báo chí trong lĩnh vực PVTM trong thời gian tới, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Bộ Công Thương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin kịp thời về PVTM. Đặc biệt, Bộ Công thương cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để các nhà báo, phóng viên, biên tập viên có thông tin cơ bản, chuyên sâu, chính xác, đầy đủ để kịp thời triển khai thông tin tuyên truyền chủ trương và chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PVTM. 

Về phía cơ quan báo chí, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu, các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức liên quan đến PVTM nhằm nâng cao năng lực, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về PVTM, qua đó bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước và nền kinh tế khi Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do như hiện nay. 

“Báo chí phải là kênh thông tin, là diễn đàn để bày tỏ ý kiến của người dân, doanh nghiệp đối với Đảng, nhà nước, Bộ ngành và ngược lại. Thông qua báo chí, những ý kiến của doanh nghiệp, người dân sẽ góp phần tạo ra những thay đổi tích cực của cơ quan nhà nước trong việc đổi mới chính sách”- Đ/c Phan Xuân Thủy nhấn mạnh.

Văn Chiến
 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/bao-chi-dong-vai-tro-het-suc-quan-trong-trong-viec-cung-cap-thong-tin-nang-cao-nhan-thuc-ve-pvtm-a253963.html