Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm buôn lậu ở Việt Nam hiện nay

(Pháp Lý) - Đấu tranh phòng, chống buôn lậu luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của các lực lượng chức năng trong công tác bảo vệ trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại.

Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên chính chức của Tổ chức Thương mại thế giới WTO, Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới EVFTA, CPTPP. 

Xuất phát từ nghiên cứu thực trạng phòng, chống buôn lậu, nguyên nhân của thực trạng,  tác giả Nguyễn Việt Dũng ( cử nhân khoa Cảnh sát Kinh tế– Học viện cảnh sát nhân dân) nêu ra một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm buôn lậu ở Việt Nam hiện nay.

image001-1636528360.jpg

Các lực lượng chức năng Phú Yên phối hợp kiểm tra mặt hàng găng tay y tế (mặt hàng phục vụ phòng chống dịch Covid-19).

Thực trạng tình hình phòng, chống buôn lậu

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự điều hành của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành và địa phương, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước đã đạt được một số kết quả tích cực, nhiều đối tượng, đường dây ổ nhóm buôn lậu đã bị triệt phá. 

Cụ thể, trong năm 2020 các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 185,461 vụ việc vi phạm (giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2019), thu nộp ngân sách nhà nước 24,817 tỷ 656 triệu đồng (tăng 15,39% so với cùng kỳ), khởi tố 2,543 vụ (tăng 28,3% so với cùng kỳ), 3,502 đối tượng (tăng 49,46% so với cùng kỳ) . Trong 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng chức năng cả nước đã xử lý 11,330 vụ vi phạm về hàng lậu, buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm; 50,141 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 10,847 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước 5,036 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hiện nay công tác phòng, chống buôn lậu ở nước ta cũng đang gặp nhiều khó khăn. Kết quả phát hiện, điều tra, xử lý chưa tương xứng với tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về buôn lậu. Tỷ lệ xử lý vi phạm hành chính vẫn chiếm tỷ lệ cao nên chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn. Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của đất nước và đời sống của nhân dân, hoạt động buôn lậu đang có chiều hướng phức tạp trở lại, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn, lợi dụng triệt để chính sách xuất khẩu, nhập khẩu để buôn lậu. Thực trạng này xuất phát từ một số nguyên nhân, điều kiện cơ bản sau: 

Thứ nhất, một số quy định pháp luật liên quan còn bất cập. Buôn lậu được hiểu là hành vi buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng quy định này đang đặt ra nhiều khó khăn nhất định. Điển hình, để chứng minh hành vi buôn lậu cơ quan chức năng cần thiết phải làm rõ yếu tố “qua biên giới”. Do pháp luật không xác định rõ nên còn nhiều cách hiểu khác nhau.
 Có quan điểm cho rằng yếu tố “biên giới” trong tội buôn lậu là “biên giới thương mại” và có quan điểm cho rằng đây là yếu tố “biên giới pháp lý” (trong đó, “biên giới thương mại” được hiểu là hàng rào biên giới thuế quan của các cơ quan quản lý như Hải quan được quy định để kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa ở mọi khu vực. Còn “biên giới pháp lý” được xác định theo Luật Biên giới quốc gia).

Bên cạnh đó, việc xác định thời điểm hoàn thành tội phạm “qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại” cũng đang tồn tại một số vấn đề nhất định, có ý kiến cho rằng hàng hóa phải thực tế đã qua biên giới hoặc đã ra khỏi khu phi thuế quan thì mới cấu thành tội buôn lậu, có ý kiến cho rằng chỉ cần chứng minh được hàng hóa hàng hóa sẽ được đưa trái pháp luật qua biên giới hoặc đưa trái phép ra khỏi khu phi thuế quan nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thì tội phạm đã hoàn thành.

Đồng thời, về hành vi buôn lậu theo pháp luật hiện hành, qua nghiên cứu, trao đổi cho thấy có nhiều ý kiến băn khoăn và vướng mắc trong việc phân định một cách rõ ràng giữa hành vi buôn lậu với một số hành vi tương tự như hành vi buôn bán hàng hóa nhập lậu, hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới mà đặc biệt là hành vi trốn thuế. 

Trong bối cảnh điều luật đã loại trừ hàng cấm ra khỏi danh sách đối tượng của hành vi buôn lậu thì việc phân tích trên càng đặt ra câu hỏi hóc búa hơn. Nếu chúng ta đưa hành vi này nhập chung với hành vi trốn thuế và xử về tội trốn thuế (mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự hơn) thì phạm vi áp dụng xử lý hình sự với tội buôn lậu trở nên rất hẹp, nhưng nếu để tồn tại song song cả hai tội danh trên thì có thể dẫn đến việc quy định bị thừa, một hành vi bị xử lý về nhiều tội, gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong xác định tội danh, bởi vì giữa hai tội này có đặc điểm giống nhau là đều có hành vi khai báo gian dối.

Bên cạnh đó, chế tài xử lý hành vi liên quan đến buôn lậu như buôn bán hàng hóa nhập lậu cũng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là quy định quản lý hoạt động thương mại điện tử. Hiện nay, tình hình đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm… đang diễn ra phức tạp, trong khi đó một số văn bản pháp luật liên quan chưa theo kịp với sự phát triển của công nghệ, các mô hình, phương thức kinh doanh mới, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. 

Cụ thể, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định về thương mại điện tử đã không còn hoàn toàn phù hợp, đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý lĩnh vực này ở Việt Nam, như: chưa quy định cụ thể hàng hóa khi trao đổi, mua bán qua thương mại điện tử phải đảm bảo những điều kiện gì; chưa quy định trách nhiệm của người quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử mà mới chỉ chú trọng xoay quanh quản lý người sử dụng thương mại điện tử để bán hàng; chưa có quy định về kiểm soát, xét duyệt hàng hóa buôn bán qua thương mại điện tử… tồn tại này đã khiến cho hàng giả, hàng lậu… vẫn tràn lan trên thị trường, đây là môi trường thuận lợi để hoạt động buôn lậu phát triển, khó kiểm soát.

image002-1636528360.jpg
Lực lượng BĐBP Bà Rịa – Vũng Tàu tiến hành lấy mẫu, xác định số lượng dầu không rõ nguồn gốc xuất xứ trên tàu QNg 96988 TS vào hồi tháng 4/2020

Chế tài xử phạt vi phạm hành chính hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu còn thấp, chưa đủ sức răn đe ngăn chặn. Ví dụ, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng bị xử phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (điểm d, khoản 1, Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng)… đây là một trong những nguyên nhân, điều kiện khiến cho các đối tượng bất chấp quy định pháp luật để hoạt động buôn lậu.

Thứ hai, công tác phát hiện, điều tra, xử lý hành vi buôn lậu còn gặp nhiều khó khăn. Đối tượng phạm tội buôn lậu rất đa dạng, phức tạp về thành phần, trình độ, hiểu biết kiến thức pháp luật về lĩnh vực kinh tế, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, trong đó thường tập trung vào nhóm đối tượng có nhiều mối quan hệ xã hội nhất là mối quan hệ với người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan Nhà nước, cấp ủy Đảng, các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, xảo quyệt, thường có cấu kết chặt chẽ thành đường dây, tổ chức, có sự tham gia của đối tượng người nước ngoài, lợi dụng triệt để những chính sách thông thoáng trong xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa để buôn lậu. Một số cấp uỷ, tổ chức đảng do nhận thức và trách nhiệm về phát hiện, điều tra, xử lý hành vi buôn lậu vẫn còn hạn chế, một số đơn vị, địa phương vì lợi ích cục bộ cố tình vi phạm pháp luật, tiếp tay cho buôn lậu. 

Việc xử lý tội phạm buôn lậu thiếu sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan và cơ quan bảo vệ pháp luật; việc xử lý các hành vi buôn lậu chưa được nghiêm khắc, thiên về xử lý hành chính, thậm chí tồn tại nhiều tiêu cực trong hoạt động này. Điều này không những không ngăn chặn được tình trạng buôn lậu mà ở một khía cạnh nào đó còn khuyến khích tình trạng này gia tăng. Ngoài ra, do đặc điểm địa lý của nước ta hết sức phức tạp, với một đường biên giới trên bộ và trên biển rất dài lại chủ yếu là vùng miền núi, hải đảo xa xôi đã gây ra những khó khăn cho công tác quản lý, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động buôn lậu diễn ra phức tạp hơn.

Thứ ba, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động quần chúng về phòng, chống buôn lậu hiệu quả thấp. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng chức năng trong phòng ngừa tội phạm buôn lậu có lúc, có nơi, thời điểm chưa chủ động, quyết liệt. Một số lực lượng, địa phương mới chỉ tập trung vào chỉ tiêu khởi tố, điều tra vụ án hình sự, xử phạt vi phạm hành chính hành vi buôn lậu mà chưa được quan tâm nhiều đến công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật quần chúng về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn lậu. Do đó, chưa khuyến khích rộng rãi quần chúng nhân dân tích cực, chủ động tham gia tố giác, tin báo về hành vi vi phạm pháp luật về buôn lậu, nhiều người, thậm chí có các cơ sở kinh doanh còn coi việc đấu tranh chống buôn lậu, hàng lậu là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng nên chưa tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh. 

Thứ tư, quan hệ phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong phòng, chống buôn lậu còn hạn chế. Hiện nay thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu thuộc chức năng của nhiều lực lượng, như Cảnh sát kinh tế, Hải quan, Bộ đội biên phòng,… Mặc dù kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm này đã được chỉ đạo, triển khai thường xuyên, tuy nhiên trong thực tiễn thực hiện có lúc, có nơi, thời điểm chưa mang tính thường xuyên, liên tục; công tác trao đổi tình hình hoạt động buôn lậu chưa chủ động, cụ thể; hoạt động phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý vụ việc phức tạp vẫn còn hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, không được giải quyết nhanh chóng, hỗ trợ kịp thời; công tác thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ đấu tranh, xử lý hành vi buôn lậu, đặc biệt trong xác định phạm vi khu vực biên giới, bắt giữ đối tượng, thu giữ hàng lậu gặp nhiều khó khăn... Một số cán bộ trong các lực lượng chức năng chống buôn lậu có biểu hiện thoái hóa biến chất, lợi dụng các sơ hở của pháp luật để tư vấn, tham mưu cho tội phạm, bao che, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, đã tạo nên những lỗ hổng, khó khăn không nhỏ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm này. 

Kiến nghị giải pháp

Một là, tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan. Để bảo đảm pháp luật được thống nhất, cụ thể và thuận lợi cho quá trình chứng minh, xử lý hành vi buôn lậu, thời gian tới các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần thiết có hướng dẫn một số vấn đề như: Do Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định thêm yếu tố “khu phi thuế quan” nên khái niệm “biên giới” phải được xác định nhất quán theo quy định của Luật Biên giới quốc gia và không cần thiết phải sử dụng khái niệm “biên giới thương mại” hay “biên giới pháp lý” nữa. Về thời điểm hoàn thành của hành vi buôn lậu, theo tác giả đối với hành vi nhập lậu: chỉ khi nào chủ thể buôn lậu đã đưa hàng hóa trái pháp luật qua biên giới quốc gia hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa thì mới cấu thành tội buôn lậu. 

Trường hợp hàng hóa nhập lậu đã vào nội địa mới bị phát hiện, nếu cơ quan chức năng có tài liệu, chứng cứ chứng minh là hàng hóa đã qua biên giới, từ khu phi thuế quan vào nội địa trái pháp luật và nhằm mục đích buôn bán thì cũng phạm tội này. Đối với hành vi xuất lậu: tác giả cũng đồng ý với quan điểm  chỉ cần có căn cứ chứng minh rằng hàng hóa sẽ được đưa trái pháp luật qua biên giới hoặc sẽ được đưa trái pháp luật từ nội địa vào khu phi thuế quan và đều nhằm mục đích mua bán là tội phạm đã hoàn thành. 

image003-1636528360.jpg
Tang vật ma túy trong một chuyên án có sự tham gia của Cục Điều tra chống buôn lậu

Đối với việc phân biệt giữa hành vi buôn lậu với hành vi trốn thuế trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. Theo tác giả, các cơ quan có thẩm quyền cần thống nhất hướng dẫn theo hướng: Tất cả những hành vi buôn bán trái pháp luật qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại hàng hóa (trừ hàng cấm theo danh mục hàng cấm quy định, hàng giả) đều là hành vi buôn lậu. Trong trường hợp chủ thể thực hiện hành trên nhưng khai báo gian dối thì hành vi gian dối nhằm mục đích biến những hàng hóa thuộc nhóm tạm ngừng, cấm xuất khẩu, nhập khẩu; xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện; hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu thành hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu thì được coi là hành vi buôn lậu. Còn hành vi khai báo gian dối đối với những hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu bình thường (không thuộc nhóm hàng hóa của hành vi buôn lậu trên) mà nhằm mục đích để không phải nộp thuế hoặc nộp thuế ít hơn hoặc làm tăng số thuế được miễn, được giảm, được hoàn thì là hành vi trốn thuế trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu.

Để hệ thống pháp luật liên quan được đồng bộ, kịp thời, đủ sức răn đe, ngăn chặn, phòng ngừa hành vi buôn lậu, thời gian tới đối với Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định về thương mại điện tử cần sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm của chủ sàn thương mại điện tử (về thông tin người bán, vận chuyển, giao nhận, trách nhiệm liên quan đến chức năng đặt hàng và thanh toán trực tuyến); những quy định bắt buộc về điều kiện pháp lý bắt buộc về nguồn gốc, chất lượng…đối với từng nhóm mặt hàng buôn bán qua thương mại điện tử tương tự như quy định buôn bán đối với hàng hóa thông thường... 

Đối với Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng mức xử phạt tiền đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu bằng ½ giá trị hàng hóa vi phạm.Ví dụ, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng cần xử phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Hai là, triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phát hiện, điều tra, xử lý hành vi buôn lậu

Các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ban chỉ đạo 389 các cấp,…cần chủ động nắm vững diễn biến tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu; xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm; tăng cường kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại... Phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng cơ quan chức năng thuộc địa phương và của trung ương đóng tại địa bàn. Chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật các hành vi buôn lậu, làm rõ trách nhiệm những đối tượng tiếp tay, bao che đối tượng buôn lậu. Đối với vụ án nghiêm trọng, phức tạp, cấp ủy cần chủ động yêu cầu các cơ quan liên quan báo cáo để cho chủ trương xử lý, đảm bảo khẩn trương đúng quy định pháp luật.

Ba là, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp trong phát hiện, phòng ngừa, điều tra, xử lý hành vi buôn lậu. Cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về buôn lậu. Chủ động thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát, đôn đốc các lực lượng chức năng chỉ đạo, điều phối công tác phối hợp lực lượng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Xây dựng phương án tổ chức lực lượng, phương tiện và duy trì kiểm soát biên giới chặt chẽ; tăng cường kiểm soát tuyến đường bộ từ biên giới vào nội địa ngăn chặn hàng nhập lậu, tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại nhóm các mặt hàng nhập khẩu có điều kiện có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: xăng dầu, gia súc, gia cầm, thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp.... đặc biệt chú ý các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch Covid-19.

Bốn là, tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng tích cực tham gia phòng, chống buôn lậu

Các lực lượng chức năng cần đa dạng các hình thức, biện pháp tuyên truyền chính sách, giáo dục pháp luật về phòng, chống buôn lậu. Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kịp thời phản ánh tình hình và kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt về phương thức, thủ đoạn hoạt động, tác hại của hàng lậu, mặt hàng lậu phổ biến; các biểu hiện tiêu cực, bất cập trong hoạt động của các cơ quan chức năng như tiếp tay, bao che, bảo kê buôn lậu; kịp thời đưa tin công khai các vụ việc phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, đặc biệt những vụ việc phức tạp, dư luận đang quan tâm; biểu dương các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong tham gia phòng, chống buôn lậu; vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, tích cực tham gia cung cấp tố giác, tin báo về tội phạm buôn lậu cho các lực lượng chức năng.

Tác giả: Cử nhân Nguyễn Việt Dũng

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thạc sĩ Phạm Hải Bình, “Một số vướng mắc trong nhận thức về tội phạm buôn lậu và phương hướng khắc phục”, Kỷ yếu hội thảo khoa học năm 2018.

2. Kế hoạch số 540/KH-BCĐ389 ngày 18/12/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau tết nguyên đán Tân Sửu 2021.

Link nội dung: https://phaply.net.vn/mot-so-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-phong-chong-toi-pham-buon-lau-o-viet-nam-hien-nay-a253872.html