"Không luật hóa sẽ không bảo vệ được người dám nghĩ dám làm mà có thể dẫn đến trù dập, oan sai"

ĐB Hoàng Anh Công (Đoàn Thái Nguyên) cho biết, tháng 9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14 về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung. Tuy nhiên, ĐB này cho rằng, để kịp thời đưa chủ trương này vào cuộc sống cần phải thể chế hóa bằng các quy định pháp luật.

Lo ngại căn bệnh sợ trách nhiệm

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 9/11, ĐB Hoàng Anh Công (Đoàn Thái Nguyên) cho rằng, căn bệnh sợ trách nhiệm đã xuất hiện từ lâu, hiện vẫn đang âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ các cấp, đang trở thành nguy cơ cản trở sự phát triển của đất nước.

5-1636509851.jpg
ĐB Hoàng Anh Công phát biểu trong buổi thảo luận chiều 9/11.

"Vì nguyên nhân gì mà cán bộ, kể cả cán bộ giữ cương vị lãnh đạo đứng đầu lại sợ trách nhiệm? Có những người khi thực hiện nhiệm vụ đúng căn cứ, đúng quy định của pháp luật nhưng lại luôn sợ, không quyết định vấn đề mà chỉ vì an toàn cho mình", ĐB Hoàng Anh Công đặt câu hỏi.

ĐB này cho rằng, nỗi lo sợ bị kỷ luật, sợ bị xử lý bằng pháp luật thời khắc nào đó đã trở thành nỗi sợ phổ biến trong cán bộ, công chức. Ông lấy dẫn chứng trong đợt phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, nhiều địa phương có tâm lý ngại mua sắm máy móc, thiết bị, vật tư y tế do sợ bị xử lý kỷ luật, sợ bị xử lý hành chính, hình sự.

ĐB này cũng nêu thêm một ví dụ về nỗi sợ trách nhiệm biểu hiện trong công tác phòng chống dịch, điều hành phòng chống dịch tại nhiều địa phương.

"Dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 nhưng các địa phương vẫn áp dụng các biện pháp "ngăn sông, cấm chợ", áp dụng những biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, hạn chế giao thông, giao lưu hàng hóa nhằm tránh phát sinh F0 vì sợ rằng nếu để dịch bùng phát sẽ bị ảnh hưởng đến công tác và có thể bị phê bình, kỷ luật" - ông nói.

Cũng theo vị ĐB này, lĩnh vực đầu tư công cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi căn bệnh này. Dẫn chứng cụ thể cho việc này đó là, nhiều công trình trọng điểm bị chậm tiến độ, đội vốn, tốc độ giải ngân tại các địa phương, các bộ ngành đa số đạt tỷ lệ rất thấp mặc dù Chính phủ đã phải áp dụng nhiều biện pháp khắc phục.

ĐB Hoàng Anh Công cho rằng, căn bệnh sợ trách nhiệm xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan và khách quan, và một trong những nguyên nhân chính là sự mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định của pháp luật.

Kịp thời thể chế hóa quy định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Dẫn thống kê từ tài liệu của Chính phủ, qua rà soát tại 36 tỉnh, thành phố cho thấy các quy định pháp luật hiện hành chưa phù hợp với thực tế, gây vướng mắc, khó khăn cho đầu tư sản xuất kinh doanh liên quan đến 79 luật, 3 nghị quyết của Quốc hội, 188 nghị định của Chính phủ, 20 quyết định của Thủ tướng, 153 thông tư của bộ ngành.

"Đây là số liệu quá lớn. Hệ quả của sự bất cập nêu trên dẫn đến tình trạng hạn chế sự sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ công chức" - vị ĐB đoàn Thái Nguyên nhấn mạnh.

Cũng theo vị ĐB này, tác động tiêu cực của hiện tượng này có một bộ phận không nhỏ cán bộ không năng động, không vì lợi ích chung, dĩ hòa vi quý, thấy đúng không dám làm, thấy sai không dám đấu tranh, vô cảm với nhân dân. Người năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đấu tranh đôi khi lại bị xử lý trách nhiệm, không được bảo về.

Để kịp thời khắc phục tình trạng này, tháng 9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14 về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung.

Tuy nhiên, để kịp thời đưa chủ trương này vào cuộc sống, theo ĐB Hoàng Anh Công, cần phải thể chế hóa bằng các quy định pháp luật. Bởi, nếu không luật hóa thì sẽ không bảo vệ được người dám nghĩ dám làm mà có thể dẫn đến trù dập, oan sai.

"Như vậy sẽ vô tình mở thêm thị trường cho tham nhũng, tiêu cực trong thanh tra, điều tra, xét xử" - ĐB này lo ngại.

Từ đó, ĐB Hoàng Anh Công kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần rà soát các văn bản pháp luật đề xuất sửa đổi, khắc phục mâu thuẫn chồng chéo. Kịp thời thể chế hóa quy định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm và coi đây là nhiệm vụ cần thực hiện sớm./.

ĐB Trần Chí Cường (Đoàn TP Đà Nẵng): "Cần tập trung, quan tâm, nghiên cứu và triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn vấn đề phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm tăng tính chủ động, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm của địa phương. Đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, xử lý trách nhiệm cá nhân nhưng cũng tạo ra cơ chế, điều kiện để cán bộ dám tham mưu, đề xuất lãnh đạo, dám quyết định và chịu trách nhiệm vì lợi ích chung".

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp): "Cùng với vaccine phòng, chống COVID-19, Chính phủ cần có thêm một loại vaccine khác để chống bệnh trì trệ, né tránh trách nhiệm cục bộ và đó chính là cách để chúng ta thiết thực cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của một Chính phủ liêm chính, hành động, Chính phủ vì dân".

Theo toquoc.vn

Nguồn bài viết: https://toquoc.vn/khong-luat-hoa-se-khong-bao-ve-duoc-nguoi-dam-nghi-dam-lam-ma-co-the-dan-den-tru-dap-oan-sai-20211109164427404.htm

Link nội dung: https://phaply.net.vn/khong-luat-hoa-se-khong-bao-ve-duoc-nguoi-dam-nghi-dam-lam-ma-co-the-dan-den-tru-dap-oan-sai-a253868.html