Để đẩy mạnh quá trình phục hồi và cải cách nền kinh tế cần phải trả lời 5 câu hỏi quan trọng

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), rủi ro và hệ lụy nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 còn hiện hữu, dù có nhiều nỗ lực cải thiện, công tác điều hành và chất lượng các văn bản chính sách hỗ trợ nền kinh tế và người dân và doanh nghiệp vẫn còn hạn chế và bất cập. Để đẩy mạnh quá trình phục hồi và cải cách nền kinh tế, hướng tới phát triển bền vững trong giai đoạn 2021-2025, cần phải trả lời 5 câu hỏi quan trọng.

7-1635561591.jpg
 

Thứ nhất, trong bối cảnh tăng trưởng chậm, nhiều ý kiến, thảo luận chính sách tập trung hơn vào yêu cầu sử dụng các công cụ chính sách vĩ mô (tài khóa, tiền tệ) để hỗ trợ nền kinh tế.

“Tuy nhiên, tương tác giữa các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách thể chế kinh tế được đề cập rất ít, hoặc còn mờ nhạt. Một số cách nói nhấn mạnh trong thời gian gần đây hướng tới đề xuất gói kích thích tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế liệu có gây ấn tượng, hoặc làm giảm sự quan tâm đối với cải cách thế chế kinh tế?”, ông Dương đặt câu hỏi.

Thứ hai, nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế là một nội dung quan trọng. Một câu hỏi quen thuộc đặt ra là: nguồn lực trong dân còn nhiều, cơ chế nào để tạo động lực cho người dân bỏ vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh? Vai trò của đầu tư công vẫn rất quan trọng, song làm thế nào để phát huy hiệu quả mà không gây ra tác động “chèn lấn” quá mức đối với đầu tư từ các nguồn khác? “Vậy chúng ta sẽ lựa chọn theo cách thức nào để có cách thức hợp lý nhất”, đại diện CIEM nêu quan điểm.

Thứ ba, làm thế nào để mở ra không gian cho các hoạt động kinh tế mới một cách bền vững như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…? Làm thế nào để quyết tâm xây dựng chính sách đi kèm với nhận thức và quyết tâm thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương? Đặc biệt, các hoạt động kinh tế mới cũng đặt ra không ít vấn đề chưa có tiền lệ, vậy thì phối hợp, “phân vai” giữa các bộ cần theo cách tiếp cận, nguyên tắc nào?

Thứ tư, cho đến năm 2015, vai trò của hội nhập kinh tế quốc tế trong việc thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong nước là khá rõ. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2019, tương tác giữa hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách thể chế kinh tế trong nước vẫn khá chặt chẽ, nhưng vai trò “thúc đẩy cải cách” của hội nhập kinh tế quốc tế có phần suy giảm. Vậy trong giai đoạn 2021-2025, làm thế nào để tạo động lực cho cải cách thể chế hướng tới thông lệ quốc tế tốt, trong bối cảnh hội nhập, phục hồi và phát triển bền vững là những yêu cầu lớn?

Cuối cùng, nâng cao năng lực nội tại của Việt Nam nói chung và khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam là rất cần thiết, song cần điều kiện gì để bảo đảm minh bạch, tránh gây méo mó về phân bổ nguồn lực?

“Đặc biệt, làm thế nào để bảo đảm doanh nghiệp Việt Nam quản trị hiệu quả hơn rủi ro trong chuỗi cung ứng nhất là giai đoạn sau Covid-19, đồng thời vẫn tăng cường năng lực để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực?”, ông Dương đặt vấn đề.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/ciem-de-day-manh-qua-trinh-phuc-hoi-va-cai-cach-nen-kinh-te-can-phai-tra-loi-5-cau-hoi-quan-trong.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/de-day-manh-qua-trinh-phuc-hoi-va-cai-cach-nen-kinh-te-can-phai-tra-loi-5-cau-hoi-quan-trong-a253772.html