Còn nhiều ý kiến khác nhau về 3 nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật Tố tụng hình sự

(Pháp lý) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 25.10, Quốc hội thảo luận toàn thể trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong đó còn nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn về 3 nội dung trọng tâm trong lần sửa đổi, bổ sung luật lần này.

26-1635217854.jpg
Quốc hội thảo luận toàn thể trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Chưa thống nhất bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của người bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý.

Là cơ quan chủ trì soạn thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự sửa đổi, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, tại chương trình Kỳ họp thứ 2 này vẫn còn có những ý kiến khác nhau về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 của Bộ Luật Tố tụng hình sự có liên quan đến khoản 1 Điều 226 Bộ Luật Hình sự. Do đó cần có sự cân nhắc, lựa chọn, đảm bảo cao nhất cho lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích của người tiêu dùng; đáp ứng yêu cầu khi xảy ra trong thực tiễn thì đã có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về vấn đề này.

22-1635217854.jpg

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí giải trình tại phiên họp.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phân tích, tại điều khoản của Hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) về công nhận chỉ dẫn địa lý có quy định rằng các bên thừa nhận chỉ dẫn địa lý có thể bảo hộ thông qua hệ thống nhãn hiệu; hoặc một hệ thống riêng; hoặc các biện pháp pháp lý khác. Như vậy, có thể hiểu việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng tương tự như việc bảo hộ nhãn hiệu. Ở Việt Nam, từ trước đến nay chính sách bảo hộ đối với hai đối tượng này đều có sự tương đồng. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 bãi bỏ nội dung dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 226 của Bộ luật Hình sự là đảm bảo sự thống nhất về chính sách pháp luật, chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chính sách xử lý hành vi xâm phạm quyền.

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, hành vi xâm phạm quyền sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý không chỉ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền mà còn xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Do đó, việc giao quyền chủ động yêu cầu khởi tố vụ án cho chủ sở hữu quyền, mặc dù ở khía cạnh nhất định có thể bảo vệ được chủ sở hữu quyền nhưng lại làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Vì vậy, việc chú trọng hơn so với yêu cầu của Hiệp định CPTPP cũng thể hiện Việt Nam coi trọng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường thuận lợi, an toàn và thu hút. Từ các phân tích trên, việc sửa đổi cả bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý trong thời điểm này là hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên trước đó, thảo luận trong phiên họp chiều ngày 20/10, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) cho rằng cần cân nhắc, chưa bãi bỏ quy định về việc chỉ khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm đối với chỉ dẫn địa lý trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng khi có yêu cầu của người bị hại. Đại biểu phân tích đây là nội dung mà Hiệp định không yêu cầu chúng ta phải bãi bỏ. Pháp luật hiện hành quy định như vậy trước hết là để bảo vệ lợi ích của người bị hại, họ có quyền lựa chọn hoặc là thương lượng, hòa giải, yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc là yêu cầu khởi tố vụ án. Như vậy, nếu bỏ quy định này sẽ không có lợi cho người bị hại.

23-1635217854.jpg

Phó Chủ nhiêm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phân tích, việc sửa đổi này cần phải tuân thủ trình tự, thủ tục chung trong việc xây dựng pháp luật. Đặc biệt là cần phải lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động, nhất là ý kiến của Ủy ban nhân dân các cấp, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp và thậm chí là ý kiến của người tiêu dùng. Hiện nay, cả Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, v.v. đều băn khoăn, thậm chí còn có ý kiến cho rằng nếu không thận trọng thì chúng ta có thể dễ hình sự hóa quan hệ dân sự, thương mại. Vì vậy, đề nghị Quốc hội là chưa sửa đổi nội dung này ngay tại kỳ họp này để bảo đảm tính thận trọng.
Cùng quan điểm, phát biểu từ điểm cầu Cao Bằng, đại biểu Đoàn Thị Lê An kiến nghị chỉ sửa đổi, bổ sung theo trình tự rút gọn đối với những nội dung đáp ứng yêu cầu của Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
 

24-1635217854.jpg

Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng.

Về việc dự thảo Luật bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý, đại biểu Đoàn Thị Lê An cho biết, Hiệp định CPTPP chỉ đặt ra yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền có thể chủ động thực hiện hành động pháp lý mà không cần có khởi kiện chính thức từ người thứ ba hay chủ thể quyền đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không đặt ra với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý. 

Do đó, chỉ có nội dung bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của người bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây là, trường hợp cần ban hành ngay văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Về mặt thực tiễn, cơ bản việc áp dụng Điều 155 và Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự liên quan đến các khoản 1 Điều 226 Bộ luật Hình sự đều thuận lợi, chính xác, bảo đảm đúng người, đúng tội, góp phần đấu tranh phòng, chống hiệu quả các tội phạm loại này, đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp ở nước ta hiện nay. Việc thực hiện các quy định xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý như quy định hiện hành không có vướng mắc.

Việc quy định mở hơn so với vi phạm cam kết của Hiệp định CPTPP là việc cơ quan chủ trì soạn thảo tự quy định mới. Do đó, không nên bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của người bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý và nếu có bỏ đi thì cần nghiên cứu kỹ, đánh giá theo trình tự xây dựng luật thông thường theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không thể ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Bổ sung trách nhiệm tố giác về tội phạm cho công an xã: Còn nhiều ý kiến băn khoăn (!?)

Theo Tờ trình của Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị sửa đổi khoản 3 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự: Bổ sung trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho công an xã (như đối với Công an phường, thị trấn, Đồn Công an), cụ thể như sau: “Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền”

Là đại biểu Quốc hội đầu tiên phát biểu, Đại tá Nguyễn Tiến Nam (Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình) khẳng định: Việc bổ sung nhiệm vụ cho công an xã trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm là hết sức cần thiết, phù hợp với hệ thống tổ chức bộ máy của lực lượng công an nhân dân và đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

25-1635217854.jpg

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam phát biểu từ điểm cầu tỉnh Quảng Bình.

Dẫn Luật Công an nhân dân năm 2018, Đại tá Nguyễn Tiến Nam cho biết, công an xã là một cấp trong bộ máy của công an nhân dân, có vị trí vai trò rất quan trọng trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm.
“Đây là lực lượng thường trực gần dân nhất để nắm, tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm từ nhân dân, luôn có mặt nhanh nhất, kịp thời nhất khi có vụ việc liên quan đến an ninh trật tự xảy ra ở cơ sở; kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm cũng như hậu quả của tội phạm, tiến hành các hoạt động theo thẩm quyền để bảo vệ hiện trường, tài liệu, vật chứng, phối hợp truy bắt tội phạm”, Giám đốc Công an Quảng Bình phân tích.

Hơn nữa, ông cho biết hiện nay, 100% xã được bố trí công an chính quy với khoảng 45.000 cán bộ, chiến sĩ. Trong đó có trên 50% có trình độ đại học, gần 22% từng công tác tại các đội điều tra công an cấp huyện, trên 71% từng làm công tác điều tra hoặc liên quan đến công tác điều tra hình sự.

Đại tá Nguyễn Tiến Nam khẳng định nhân lực của công an xã rất lớn, đủ khả năng đáp ứng cho việc bổ sung nhiệm vụ về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm tương đương với công an phường, thị trấn. Thực tế thời gian qua dù có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, công an xã đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở cơ sở. Vì vậy, việc bổ sung nhiệm vụ này là cần thiết, đúng đắn, hoàn toàn có thể tin tưởng giao nhiệm vụ này cho công an xã.

Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cũng dẫn chứng từ địa bàn địa phương mình khi công an xã được bố trí 100% địa bàn và thực hiện đầy đủ quyền hạn theo Luật Công an nhân dân.

“Việc bổ sung bổ sung trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho Công an xã là không mâu thuẫn với quy định của Luật Công an nhân dân”, đại biểu Nguyễn tạo khẳng định.

Tuy nhiên, dù đồng tình với việc sửa đổi quy định trên song một số đại biểu băn khoăn về thời điểm sửa đổi dự án luật theo trình tự rút gọn. Bởi lẽ, theo các đại biểu, đây là quy định mới, cần được xem xét, đánh giá đầy đủ theo trình tự xây dựng luật thông thường.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn Cao Bằng) cho rằng, việc sửa đổi quy định, bổ sung trách nhiệm cho công an xã trong tiếp nhận tố giác tin báo về tội phạm là cần thiết, phù hợp với vai trò, vị trí của công an xã chính quy đã được thiết lập. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn về thời điểm sửa đổi, bổ sung trách nhiệm cho công an xã tại thời điểm này tại dự thảo theo trình tự rút gọn vì đây là quy định mới, cần được xem xét, đánh giá đầy đủ theo trình tự xây dựng luật thông thường.

Dẫn chứng thực tế, lực lượng công an xã chính quy mới được thiết lập đối với các tỉnh miền núi như Cao Bằng, cơ bản các xã được bố trí khoảng 5 cán bộ, chiến sĩ công an nhưng thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, trực tiếp làm việc với nhân dân. Đồng thời các địa bàn này lại rộng, giao thông đi lại khó khăn, có những xã đi xuống các xóm phải đi bộ 2-3 tiếng. Bên cạnh đó, mỗi đồng chí công an chính quy được đưa về xã có nghiệp vụ chuyên môn khác nhau, có đồng chí thuộc khối an ninh, có người thuộc khối cảnh sát, nghiệp vụ không đồng đều, được đào tạo khác nhau nên việc giao thêm nhiệm vụ mới cần xem xét, đánh giá kỹ về năng lực cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm tính khả thi. “Thậm chí nếu sau đánh giá nhận thấy chưa đáp ứng được ngay, cần có lộ trình thực hiện về đào tạo, tập huấn cán bộ, trang bị cơ sở vật chất”, bà An góp ý.

Từ phân tích đã nêu, nữ đại biểu cho rằng cần nghiên cứu lại quy định bổ sung trách nhiệm cho công an xã theo trình tự rút gọn và có hiệu lực ngay nếu được thông qua.

Còn đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) đề nghị Bộ Công an giải trình, tính toán về số lượng con người, khả năng chuyên môn của công an xã và các điều kiện cần thiết khác. “Chúng ta có hàng chục nghìn xã, nhưng chỉ cần vài xã, vài người thực hiện không tốt thì dư luận sẽ quan tâm ngay và có thể gây ảnh hưởng rất lớn”, ông Thịnh đồng tình chủ trương nhưng đề nghị chuẩn bị thêm các điều kiện khác.

Cần có hướng dẫn cụ thể về “lý do bất khả kháng do thiên tai và dịch bệnh”

Góp ý về việc bổ sung quy định có thể tạm đình chỉ giải quyết tin báo tố giác tội phạm, tạm đình chỉ truy tố, đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án vì lý do bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh), Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình nhìn nhận đây là quyết định đúng đắn, kịp thời, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong tố tụng hình sự.

Thực tế vừa qua, thiên tai, mưa bão, lũ lụt gây hậu quả nặng nề ở nhiều tỉnh, thành phố. Và đặc biệt, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa, cách ly tập trung dẫn đến một số hoạt động tố tụng bị gián đoạn, kéo dài.

“Đây là những sự kiện bất khả kháng do khách quan quyết định. Nếu không bổ sung kịp thời quy định này sẽ rất khó khăn cho các cơ quan thi hành tố tụng, thậm chí có thể vi phạm pháp luật”, Đại tá Nguyễn Tiến Nam nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cũng nhìn nhận thực tế tình hình thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội như vừa qua, việc khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ việc, vụ án hình sự gặp khó khăn, bị trì hoãn do không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng.

Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng hình sự không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Điều này dẫn đến vụ án, vụ việc không có cách giải quyết tiếp theo đúng quy định của pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết trong giai đoạn điều tra, nếu hết thời hạn điều tra mà không thể hoàn thiện được hồ sơ và thực hiện đầy đủ các hoạt động tố tụng theo luật định để chứng minh bị can đã thực hiện tội phạm thì sẽ phải đình chỉ điều tra. Điều này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, phải xem xét trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thậm chí là xử lý trách nhiệm hình sự đối với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, giảm sút lòng tin trong nhân dân. Trong khi việc này không phải do lỗi chủ quan từ phía các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Dự báo trong thời gian tới, Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới sẽ còn phải chịu những tác động khó lường do biến đổi cực đoan của khí hậu và tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp do chưa kiểm soát được đại dịch COVID-19 và nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh khác nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao hơn. Do đó, Đại biểu Quốc hội khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị cân nhắc thận trọng áp dụng với từng trường hợp cụ thể.

Đồng quan điểm, theo đại biểu Dương Khắc Mai (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) cho rằng, việc bổ sung nội dung “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” vào khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229 và khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành nhằm mục đích giải quyết những khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm theo tôi là kịp thời, cần thiết. 

21-1635217854.jpg

Đại biểu Dương Khắc Mai Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông góp ý dự thảo luật.

Tuy nhiên, vị này cũng nêu ý kiến cần có hướng dẫn cụ thể về “lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” tránh tình trạng lạm dụng, đồng thời để quá trình áp dụng thực hiện tại các đơn vị, địa phương được thống nhất. Đồng thời, tình huống “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” không chỉ ảnh hướng đến giai đoạn điều tra, khởi tố mà còn ảnh hưởng đến quá trình xét xử trong thời gian qua. Vì thế, nên bổ sung nội dung “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” vào khoản 1 Điều 281 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định về tạm đình chỉ vụ án.

Vũ Thủy (t/h)
 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/con-nhieu-y-kien-khac-nhau-ve-3-noi-dung-du-kien-sua-doi-bo-sung-trong-bo-luat-to-tung-hinh-su-a253736.html