(Pháp lý) – Chiều ngày 23/10, ngày làm việc thứ 4 kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV, phát biểu trước Quốc hội sau khi nghe đại diện các cơ quan Tư pháp báo cáo trước Quốc hội về kết quả công tác năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Lê Thị Nga ghi nhận, đánh giá cao kết quả các cơ quan tư pháp đã đạt được, đồng thời chia sẻ với Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC về những khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến một số chỉ tiêu công tác giảm so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, đại diện cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh một số hạn chế trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án… Và kiến nghị 03 giải pháp quan trọng đối với các cơ quan tư pháp.
"Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021.
Theo Bộ Công an Tô Lâm, về cơ bản, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ, đạt 87,05%; trong đó, án rất nghiêm trọng đạt 95%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt gần 96,6%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục được kéo giảm 8,06%.
Với công tác PCTP, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, đã chỉ đạo tăng cường công tác nghiệp vụ, chọn đúng khâu đột phá để phát hiện, xử lý; nhất là trong đấu tranh với các vi phạm trong buôn bán các mặt hàng thiết yếu, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đẩy mạnh điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện tăng 1,87%, số vụ phạm tội về tham nhũng phát hiện tăng 22,44%.
Tuy nhiên, Đại Tướng Tô Lâm cũng chỉ rõ, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp; nhất là các vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Công tác đấu tranh đã đạt kết quả nổi bật khi nhận diện đúng khâu đột phá để phát hiện, xử lý theo phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".
Trong số này có vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Sở Y tế Cần Thơ, Sơn La... , vụ án tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, Quảng Ninh… Các vụ án trên đều có "tác dụng răn đe, lan tỏa, phòng ngừa chung trên cả lĩnh vực".
Về công tác PCTP, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, số vụ khởi tố mới tăng gần 88,82%. Hành vi vi phạm chủ yếu là giao dịch tài chính trái phép, lừa đảo, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, giả danh nhà mạng, cơ quan chức năng, đánh bạc, đưa tin sai sự thật, không được kiểm chứng, nhất là liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tiếp tục đi vào nền nếp; đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Sai phạm trong công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố giảm mạnh. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm đạt 88,81%.
Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; làm giảm nhiều loại tội phạm nghiêm trọng; khẩn trương điều tra làm rõ các vụ án gây bức xúc dư luận. Đặc biệt, đã chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19. Việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; công tác xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm một số nơi còn hình thức. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; số vụ tạm đình chỉ điều tra còn tăng. Còn vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, công tác tạm giữ, tạm giam. Vi phạm hành chính còn diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực, nhưng việc xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe.
Đại tướng Tô Lâm cho biết, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; lực lượng phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật được tăng cường tối đa cho công tác phòng, chống dịch dẫn tới thiếu hụt nhân lực cho các công tác thường xuyên. Một số cán bộ thực thi pháp luật ý thức kỷ luật kém, thậm chí có sai phạm, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ... làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Xem xét xây dựng Luật Đăng ký tài sản
Báo cáo công tác năm 2021, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, mặc dù từ đầu năm 2021 đến nay, an ninh, chính trị được bảo đảm, song tình hình tội phạm gia tăng. Cụ thể, toàn ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 87.933 vụ, với 157.135 bị cáo. Thông qua kiểm sát xét xử, đã phát hiện nhiều vi phạm và ban hành 971 kháng nghị phúc thẩm, tăng 7,5%. Đặc biệt, năm 2021, ngành Kiểm sát không để xảy ra trường hợp truy tố, Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không phạm tội.
Đồng thời, Viện đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Theo đó, đã thu hồi hơn 4.500 tỷ đồng, phong tỏa tài khoản và kê biên nhiều tài sản có giá trị lớn như cổ phiếu, bất động sản.
“Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhưng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã tham dự phiên điều trần trực tuyến của Tòa án Singapore thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản trong vụ án Phan Sào Nam, kết quả đã thu hồi được hơn 2,7 triệu USD”, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nói.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, ngành Kiểm sát sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm và nâng cao các chỉ tiêu nghiệp vụ... Qua đó, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, bổ sung xây dựng Luật Đăng ký tài sản vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XV; đồng thời, đề nghị Chính phủ có lộ trình áp dụng nhiều biện pháp hạn chế sử dụng tiền mặt trong đời sống xã hội theo hướng các hoạt động giao dịch kinh tế đều qua ngân hàng để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Xét xử 136 vụ liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Trình bày Báo cáo công tác năm 2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, từ ngày 1-10-2020 đến ngày 30-9-2021, các Tòa án đã thụ lý 537.577 vụ việc, đã giải quyết được 436.660 vụ việc (đạt tỷ lệ 81,2%). Số vụ việc đã thụ lý giảm 64.675 vụ, đã giải quyết giảm 107.944 vụ, nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không thể mở phiên tòa, phiên họp theo kế hoạch. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,81% (giảm 0,25%), đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra.
Về các vụ án hình sự, các Tòa án đã thụ lý 88.607 vụ với 160.574 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 79.409 vụ với 138.272 bị cáo (đạt tỷ lệ 89,62% về số vụ và 86,11% về số bị cáo). Đã xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng gây ra những thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm, do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện như: Vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ, vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường, Công ty Gang thép Thái Nguyên…
“Đã đưa ra xét xử 136 vụ với 177 bị cáo liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật”, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói.
Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa án nhân dân Tối cao đang tích cực nghiên cứu dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên để trình Quốc hội vào năm 2022. Đồng thời, triển khai nghiên cứu và thực hiện có hiệu quả Đề án cải cách tư pháp trong Tòa án nhân dân; tổng kết thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 để kiến nghị sửa đổi, bổ sung luật đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
72 nghìn tỷ đồng tài sản tham nhũng, kinh tế phải thu hồi
Trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, công tác PCTN tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh PCTN.
Về việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, các Cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 582 vụ án, 1.262 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 310 vụ, 665 bị can (tăng 20 vụ, 49 bị can so với kỳ báo cáo năm trước). Đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố 305 vụ, 804 bị can; tạm đình chỉ điều tra 37 vụ, 58 bị can; đình chỉ điều tra 04 vụ, 03 bị can ; xử lý khác (thay đổi tội danh, nhập vụ án...) 10 vụ, 13 bị can; hiện đang điều tra 226 vụ, 384 bị can. Thiệt hại trong các vụ án thụ lý: trên 800 tỷ đồng, 398.643,83 m2 đất, 21 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố: Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp thụ lý giải quyết 402 vụ/1.222 bị can, trong đó án mới 369 vụ/1100 bị can (tăng 29 vụ/363 bị can tương đương 8,2% so với cùng kỳ năm 2020); đã giải quyết 330 vụ/989 bị can (đạt 82%, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó: Truy tố 329 vụ/983 bị can (chiếm 99,6% tổng số án đã giải quyết); đình chỉ 1 vụ/6 bị can. Hiện đang giải quyết 72 vụ/233 bị can.
Tòa án Nhân dân các cấp đã thụ lý 415 vụ với 1.163 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 254 vụ với 631 bị cáo về các tội tham nhũng (so với cùng kỳ năm trước thụ lý giảm 21 vụ và 12 bị cáo, xét xử giảm 15 vụ và 14 bị cáo). Trong số 631 bị cáo phạm tội tham nhũng đã xét xử, các Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân 6 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 22 bị cáo.
Kết quả công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế: Số việc phải thi hành 4.799 việc; số việc có điều kiện đang được tổ chức thi hành là 3.691 việc; đã thi hành xong 2.697 việc. Tổng số tiền phải thi hành trên 72 nghìn tỷ đồng; đang tổ chức thi hành trên 34 nghìn tỷ đồng; đã thu được trên 4 nghìn tỷ đồng…
Uỷ ban Tư pháp kiến nghị 03 giải pháp khắc phục những hạn chế đối với các cơ quan tư pháp
Phát biểu trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Lê Thị Nga cho biết, qua quá trình thẩm tra, Ủy ban Tư Pháp năm 2021 nhận thấy, Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ Quốc hội giao trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, đồng thời tích cực bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Ủy ban Tư Pháp ghi nhận, đánh giá cao kết quả các ngành đã đạt được, nhiều chỉ tiêu công tác đạt và vượt yêu cầu của Quốc hội, đồng thời chia sẻ với Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC về những khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến một số chỉ tiêu công tác giảm so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, đại diện cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh một số hạn chế trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án…
Về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, mặc dù về tổng thể chung, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm giảm, tuy nhiên một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng, như: Hiếp dâm trẻ em; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; gây rối trật tự công cộng…
Số vụ giết người tuy có giảm nhưng lại xảy ra một số vụ với tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tội phạm chống người thi hành công vụ tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt là hành vi chống lại lực lượng đang thi hành nhiệm vụ phòng, chống dịch và lực lượng công an.
“Vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn ra ở nhiều nơi, phổ biến là các hành vi không tuân thủ quy định về phòng, chống dịch bệnh, làm lây lan dịch bệnh gây hậu quả nghiêm trọng”, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cũng cho rằng, tội phạm, vi phạm pháp luật về sản xuất buôn bán hàng giả, hàng nhái nhất là trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 được phát hiện xử lý chưa tương xứng với tình hình thực tế, số vụ phát hiện giảm so với cùng kỳ…
Đối với Báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC về công tác của ngành Kiểm sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Lê Thị Nga cho biết, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử có nhiều chuyển biến, trách nhiệm công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa được tăng cường. Tuy nhiên, vẫn còn 16 trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân; 85 vụ án Tòa án nhân dân trả hồ sơ yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới. Bên cạnh đó, vẫn còn một số Viện Kiểm sát chưa kịp thời phát hiện vi phạm trong thi hành án hình sự; số người bị tạm giữ phạm tội mới, số phạm nhân bỏ trốn cao hơn năm trước.
Đối với Báo cáo của Chánh án TANDTC về công tác của các Tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, trong năm qua còn một số bản án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan. Tỷ lệ xét xử các vụ án hành chính; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao (từ 60% trở lên). Bên cạnh đó, quá trình giải quyết án, còn có trường hợp vi phạm, sau đó Viện Kiểm sát nhân dân đã có kiến nghị để khắc phục vi phạm hoặc người có thẩm quyền đã kháng nghị để khắc phục sai sót…
Đánh giá tình hình tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cơ bản tán thành với những đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng năm 2021: “Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, trong năm 2021, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục... Đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực; tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN vẫn còn.
Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp đề xuất 03 kiến nghị đối với Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan, trong đó:
1. Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt hơn công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các bộ, ngành, địa phương, nhất là việc tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
2. Đề nghị Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn tăng cường chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng tham nhũng, tiêu cực tại các cơ quan có chức năng PCTN, các cơ quan tư pháp.
3. Đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan hữu quan tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tập trung hơn vào những lĩnh vực nổi cộm, đang gây bức xúc trong dư luận gần đây như lĩnh vực y tế, giáo dục, việc tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ và phòng, chống dịch bệnh Covid-19, việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.
Văn Chiến (tổng hợp)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/uy-ban-tu-phap-kien-nghi-gi-sau-khi-nghe-bao-cao-nam-2021-cua-cac-co-quan-tu-phap-truoc-quoc-hoi-a253721.html