Theo Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, nhóm tội phạm này tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục.
Tình hình phòng chống tham nhũng (PCTN) có dấu hiệu tích cực
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, nhìn chung công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2021 tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có mặt cao hơn năm trước.
Theo đó, sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả. Hơn nữa, việc gắn PCTN với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh PCTN.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn và ảnh hưởng lớn đến công tác PCTN, song công tác PCTN luôn được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Chính phủ đã chỉ đạo không để công việc trì trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh, kiên quyết xử lý nghiêm mọi trường hợp lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, cụ thể, về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế PCTN tiếp tục được quan tâm; nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước về quản lý kinh tế- xã hội và PCTN tiếp tục được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới; đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở chính trị- pháp lý đồng bộ, khả thi để PCTN hiệu quả.
Về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN, các cấp, các ngành, cơ quan chức năng đã tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN. Hơn nữa, hình thức tuyên truyền cũng có nhiều đổi mới, sáng tạo nhằm phù hợp với điều kiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh ở một số địa phương. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; các cơ quan báo chí… đã tích cực tham gia vào công tác PCTN.
Về kết quả thanh tra, kiểm toán nhà nước, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phát hiện, xử lý tham nhũng, được chú trọng, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng; tích cực đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm toán. Từ đó, đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng nghìn héc ta đất; xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm; kịp thời chuyển những vụ việc có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan điều tra.
Bên cạnh đó, Về việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng; hay đánh giá tình hình PCTN chung của năm 2021 từ Uỷ ban Tư pháp (UBTP) đều chỉ ra những dấu hiệu tích cực, tham nhũng được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm.
Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.
Vẫn còn những vấn đề tồn đọng
UBTP cho rằng, trong năm 2021, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục… Điển hình như các vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vi phạm quy định về đấu thầu hay thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; Bệnh viện Mắt Tp. Hồ Chí Minh…
Thêm vào đó, tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực; tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN vẫn còn.
Trong đó, UBTP đặc biệt nhấn mạnh về hạn chế trong công tác phòng ngừa tham nhũng ở một số bộ, ngành, địa phương.
Việc thực hiện công khai, minh bạch còn có tình trạng công khai thông tin không đầy đủ, công khai trong phạm vi hẹp với lý do “bí mật công tác” hoặc “quy chế phát ngôn” trong cơ quan, đơn vị, tổ chức. Việc thực hiện trách nhiệm giải trình còn chưa đạt yêu cầu, nhất là việc "Giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân". Việc phát hiện vi phạm trong công tác này còn chưa phản ánh đúng tình hình thực tế, bởi theo thống kê năm 2021 đã kiểm tra tại 8.300 cơ quan, tổ chức, đơn vị nhưng chỉ phát hiện 251 cơ quan, tổ chức, đơn vị có vi phạm.
Mặt khác, việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế, vướng mắc. Việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức ở một số cơ quan, đơn vị còn có trường hợp chưa bảo đảm; một số trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, thiếu minh bạch…, dẫn đến phải thu hồi hoặc bị cơ quan có thẩm quyền kiến nghị thu hồi quyết định bổ nhiệm.
Hơn nữa, việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước còn chưa khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy các cơ quan, đơn vị ở một số địa phương còn chậm.
Tình trạng bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật, “móc ngoặc” giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước với doanh nghiệp… còn xảy ra trong nhiều lĩnh vực. Lấy ví dụ như vụ Lê Bá Dũng, Hoàng Văn Lân và Nguyễn Quốc Cương, cán bộ thanh tra giao thông Hà Nội bị Tòa án xét xử về tội "Nhận hối lộ" do có hành vi bảo kê cho doanh nghiệp vận tải trên địa bàn.
Thêm vào đó, còn một số những vấn đề UBTP đưa ra, đề nghị khắc phục trong năm tới đó là công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp còn sai về thẩm quyền hoặc có nội dung quy định chưa phù hợp, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện…
Kiến nghị khắc phục hạn chế
Từ những đáng giá tổng thể và cụ thể về công tác PCTN năm 2021, UBTP có 03 kiến nghị đối với Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan.
Thứ nhất, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt hơn công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các bộ, ngành, địa phương, nhất là việc tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn tăng cường chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng tham nhũng, tiêu cực tại các cơ quan có chức năng PCTN, các cơ quan tư pháp.
Cuối cùng, đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan hữu quan tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tập trung hơn vào những lĩnh vực nổi cộm, đang gây bức xúc trong dư luận gần đây như lĩnh vực y tế, giáo dục, việc tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ và phòng, chống dịch bệnh Covid-19, việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện...
Theo nguoiduatin.vn
Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/toi-pham-ve-kinh-te-tham-nhung-co-chieu-huong-gia-tang-a531609.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/toi-pham-ve-kinh-te-tham-nhung-co-chieu-huong-gia-tang-a253716.html