Ngăn ngừa tham nhũng trong quản lý và phân phối vắc-xin Covid-19

Ngày 11/3/2020, Tổ chức y tế thế giới (WHo) tuyên bố về đại dịch SaRS-Covi-2 (CoVID-19). Đến nay, tỷ lệ người nhiễm bệnh và tỷ lệ tử vong liên tục tăng trên toàn cầu. Điều này cho thấy việc sản xuất, phát triển và quản lý, phân phối vắc-xin một cách hợp lý, an toàn, hiệu quả, nhanh chóng và công bằng là hết sức cấp thiết. Nhiều quốc gia đã đề ra kế hoạch và lộ trình để có thể sản xuất, cung cấp hoặc mua vắc-xin cho toàn bộ người dân trong nước. Do đó, quy mô và mức độ phức tạp của việc quản lý, phân phối và ưu tiên vắc-xin sẽ là chưa từng có tiền lệ. Để hỗ trợ các quốc gia trong thời kỳ đại dịch CoVID-19, Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của liên hợp quốc (uNoDC) đã ban hành tài liệu CoVID-19 và những nguy cơ tham nhũng; chỉ ra các rủi ro tiềm ẩn và khuyến cáo những biện pháp giảm thiểu nguy cơ tham nhũng trong việc triển khai vắc-xin CoVID-19. Bài viết này được trích một số nội dung và dịch từ tài liệu nói trên.

Nguy cơ tham nhũng

(1) Cuộc đua sản xuất vắc-xin

Sự cấp thiết của việc phát triển vắc-xin, chẩn đoán triệu chứng cũng như phương pháp điều trị COVID-19 dẫn đến sự đầu tư đáng kể của Nhà nước và tư nhân vào nghiên cứu và phát triển vắc-xin. Các hoạt động này đều nhằm mục đích tìm ra một loại vắc-xin phòng ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả ở cấp độ toàn cầu. 

Quá trình nghiên cứu và phát triển vắc-xin vô cùng phức tạp và tỷ mỷ, bao gồm nhiều bước: Giai đoạn nghiên cứu ban đầu, đơn xin cấp bằng sáng chế, giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng (gồm ba giai đoạn thử nghiệm lâm sàng), sau cùng là bước đăng ký. Nếu bỏ qua bất kỳ một bước nào cũng sẽ gia tăng rủi ro làm tổn hại đến sức khỏe người dùng, đồng thời làm làm mất lòng tin của người dân về lợi ích của vắc-xin. Nhu cầu cấp thiết về vắcxin hiện nay đã đẩy nhanh quá trình sản xuất (vắc-xin) có thể tạo cơ hội cho tham nhũng phát triển. Xung đột lợi ích liên quan đến việc tài trợ cho nghiên cứu và phát triển vắcxin COVID-19 là một nguy cơ tham nhũng. Ví dụ như, khi một quan chức cấp cao của chương trình nghiên cứu và phát triển vắc-xin COVID-19 của Chính phủ tham gia vào quá trình nghiên cứu và phát triển vắc-xin, người này từng làm việc cho một công ty vắcxin tư nhân đang đấu thầu một hợp đồng lớn theo chương trình của chính phủ để sản xuất vắc-xin, lại tham gia vào quá trình ra quyết định của chính phủ về hợp đồng đó.

5-1633312676.jpg

Ngăn ngừa tham nhũng trong quản lý và phân phối vắc-xin Covid-19 (Ảnh minh họa)

Một số quốc gia đã thành lập các ủy ban đặc biệt để đàm phán với các phòng thí nghiệm và trường đại học đang tiến hành nghiên cứu và phát triển các vắc-xin tiềm năng. Vậy nhưng, những giao dịch như trên đôi khi lại thiếu minh bạch và tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng. Các phòng thí nghiệm và trường đại học này thường xuyên phải ký các tuyên bố bảo mật như một phần trong thỏa thuận của họ với ủy ban đặc biệt để bảo đảm nguồn cung vắc-xin cho người dân ở các nước có thu nhập cao. Những thỏa thuận như vậy khiến cơ hội nhận được vắc-xin COVID-19 của những nước thu nhập thấp, kém phát triển giảm đi đáng kể, gây mất công bằng trên toàn thế giới. 

(2) Triển khai vắc-xin và sự bất cập trong hệ thống phân phối

Việc triển khai thành công chương trình tiêm chủng COVID-19 đòi hỏi phải có hệ thống cung ứng vắc-xin rất lớn. Hệ thống cung ứng văc-xin cao như vậy, cần phải làm tốt việc bảo quản, xử lý và quản lý kho vắc-xin hiệu quả; kiểm soát nhiệt độ nghiêm ngặt trong chuỗi cung ứng; và duy trì hệ thống thông tin quản lý vận chuyển đầy đủ. Điều này rất quan trọng nhằm bảo vệ nguồn cung cấp vắc-xin COVID-19, ngăn chặn bất kỳ sự gián đoạn nào từ khâu sản xuất đến khâu cung cấp dịch vụ. 

Tất nhiên, sẽ có nguy cơ tham nhũng trong toàn bộ quá trình triển khai vắc-xin. Ví dụ vắc-xin có thể bị đánh cắp khỏi chuỗi cung ứng công trong quá trình vận chuyển và được chuyển ra chợ đen hoặc được giữ lại để sử dụng cho mục đích cá nhân. Trong thời buổi cung nhỏ hơn cầu như hiện nay, các hành vi đánh cắp như trên là rất phổ biến. Nguồn cung cấp vắcxin cũng gặp rủi ro ngay cả khi vắc-xin đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế công cộng để thực hiện tiêm chủng, nếu không có các biện pháp giám sát đáng tin cậy tại chỗ. Nhân viên cơ sở y tế công cộng cũng có thể lấy cắp vắc-xin để bán lại ngoài chợ đen hoặc phục vụ cho mục đích cá nhân của họ. Nguy cơ này đặc biệt rõ rệt khi nguồn cung hạn chế và nhu cầu cao, như trong trường hợp đại dịch. 

Chưa hết, nguồn cung cấp vắc-xin hạn chế cũng có thể khuyến khích những người có khả năng kinh tế hối lộ các chuyên gia y tế hòng có thể đặt tay lên nguồn vắc-xin khan hiếm đó. Một số chuyên gia y tế cũng có thể yêu cầu bệnh nhân trả tiền công để tiếp cận với vắc-xin COVID-19, điều này quả thực không công bằng với những người nghèo, bị thiệt thòi và dễ bị tổn thương. 

(3) Nguy cơ tham nhũng trong quá trình mua vắc-xin

Nguy cơ tham nhũng có thể diễn ra trong suốt chu trình mua sắm vắc-xin. Trong giai đoạn trước khi đấu thầu, nguy cơ tham nhũng bao gồm: Dự tính không chính xác nhu cầu đối với một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể; không tuân thủ các thủ tục đấu thầu và cố tình chỉnh sửa hồ sơ mời thầu để có lợi cho một nhà thầu cụ thể. Trong giai đoạn đấu thầu, có nguy cơ các quan chức chính phủ nhận hối lộ hoặc lại quả từ các nhà cung cấp, cũng như nguy cơ thông đồng và phân chia thị trường giữa các nhà thầu. Các liên kết khép kín như vậy phát triển mạnh nhờ tính năng loại trừ và thậm chí hơn thế nữa khi sự giám sát được  đánh đổi để lấy tốc độ và tác động nhanh chóng. Cuối cùng, trong giai đoạn sau đấu thầu, rủi ro tham nhũng bao gồm lập hóa đơn sai, thay đổi thỏa thuận hợp đồng và không cung cấp vắc-xin đã mua.

Do tính cấp thiết, tính linh hoạt cần thiết và thời gian, tốc độ yêu cầu của nhu cầu mua vắc-xin, điều này có thể tạo cơ hội cho sự tùy tiện của cá nhân và có thể làm tăng thêm nguy cơ tham nhũng. Nhiều quốc gia đã ban hành hợp đồng trực tiếp với những nhà cung cấp mà không qua quá trình đàm phán cạnh tranh và phải đối mặt với những thách thức trong việc bảo đảm áp dụng các biện pháp kiểm soát để phát hiện và ngăn chặn các hành vi lạm dụng và tham nhũng.

(4) Nguy cơ tham nhũng trong vận hành quỹ hỗ trợ khẩn cấp

Trong quá trình ứng phó với khủng hoảng, một số lượng lớn tiền tài trợ được huy động để giải quyết nhanh chóng một vấn đề quan trọng và phức tạp. Tính đến tháng 6/2020, Quỹ Tiền tệ quốc tế ước tính khoảng 11 nghìn tỷ đô la đã được phân bổ trên toàn cầu nhằm hỗ trợ tài chính cho ứng phó COVID-19. Ngoài ra, vào tháng 10/2020, Ban Giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt hỗ trợ tài chính 12 tỷ đô la cho các nước đang phát triển để mua và phân phối vắc xin COVID-19 (cũng như các xét nghiệm và phương pháp điều trị) cho người dân. Các dòng vốn lớn được giải ngân nhanh chóng có thể dễ bị tham nhũng nếu các biện pháp thẩm định thích hợp không được áp dụng(1).

Các biện pháp giảm thiểu nguy cơ tham nhũng 
 
Các biện pháp ứng phó trước mắt của các quốc gia 
 
(1) Ủy ban chuyên trách giám sát quỹ huy động khẩn cấp và triển khai vắc xin: Thành lập một ủy ban chuyên trách có nhiệm vụ chống tham nhũng mạnh mẽ để giám sát việc ưu tiên, phân phối và giám sát các chương trình vắcxin, cũng như các chính sách công liên quan, có thể hoạt động như một cơ quan giám sát quan trọng trong trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Các chức năng của ủy ban đó nên bao gồm chức năng giám sát các khoản giải ngân khẩn cấp của quỹ, mua và phân phối vắc-xin cũng như các quy trình liên quan trong “thời gian thực” để mọi dấu hiệu cảnh báo đỏ có thể được phát hiện và giải quyết nhanh chóng.

(2) Mua sắm vắc-xin minh bạch và có trách nhiệm: Quy trình mua sắm công khẩn cấp minh bạch và có trách nhiệm rất quan trọng trong thời kỳ đại dịch và có thể được thúc đẩy thông qua hợp đồng mở và mua sắm điện tử. Hợp đồng mở có thể hiệu quả trong việc giảm tham nhũng vì nó cung cấp cho công chúng thông tin về việc: Ai đang mua cái gì, từ ai, với giá và số lượng bao nhiêu?. Ngoài ra, mua sắm điện tử có thể hiệu quả trong việc giải quyết tham nhũng. Nó cho phép cung cấp công khai các dữ liệu liên quan, chẳng hạn như quá trình đấu thầu và trúng hợp đồng thông qua một trang web chuyên dụng, do đó bảo đảm yếu tố minh bạch.
 
Khung mua sắm công cũng có thể giúp nâng cao tính minh bạch và giảm rủi ro mua hàng từ các nhà cung cấp bất hợp pháp trong thời kỳ khủng hoảng. Cuối cùng, các chính phủ cũng có thể cân nhắc sử dụng COVAX, trụ cột vắc-xin do Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh các sáng kiến về chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch và Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (Gavi) - đồng lãnh đạo. COVAX nhằm mục đích đẩy nhanh việc nghiên cứu, phát triển và phân phối công bằng các triệu chứng, thuốc và vắc-xin chống lại COVID-19. Cơ chế COVAX có thể giúp các chính phủ mua vắc-xin an toàn và hiệu quả (ví dụ thông qua cơ chế mua sắm tổng hợp cho các quốc gia tham gia) 

(3) Minh bạch các tiêu chí những người được ưu tiên tiêm vắc-xin và thông tin công khai về các chương trình vắc xin: Chính phủ cần có các tiêu chí rõ ràng, minh bạch và khách quan cho những người thụ hưởng, những đối tượng được ưu tiên và thông báo rộng rãi cho người dân. Tháng 10/2020, WHO đã ban hành Hướng dẫn về cách thức các chính phủ ưu tiên người được nhận vắc-xin theo lộ trình. Cùng với đó, các kênh truyền thông với cách thức tiếp cận rộng rãi, rõ ràng để nâng cao nhận thức và hiểu biết của người thụ hưởng và các chương trình vắc-xin, là chìa khóa quan trọng khi vắc-xin đã sẵn sàng để triển khai. COVAX cũng có thể cung cấp hỗ trợ cho các chính phủ trong lĩnh vực này.
 
(4) Hệ thống lưu trữ và phân phối an toàn để giảm thiểu rủi ro tham nhũng: Hệ thống lưu trữ và phân phối an toàn là rất quan trọng để phân phối an toàn vắc-xin COVID-19 và giảm thiểu nguy cơ vắcxin bị chuyển hướng từ nguồn cung công cộng sang thị trường chợ đen. Các nhà sản xuất đã phát triển các chiến lược để ngăn chặn việc đánh cắp vắc-xin. Chiến lược này có thể bao gồm các biện pháp như bảo đảm lưu trữ vắc-xin ở những địa điểm không được tiết lộ, sử dụng hệ thống theo dõi Hệ thống định vị toàn cầu để giám sát nguồn cung cấp trong quá trình vận chuyển và sử dụng xe tải “giả” để đánh lạc hướng các mạng lưới tội phạm. Các bệnh viện có thể cần phải bảo đảm tăng cường an ninh cho các phòng lưu trữ vắc-xin COVID-19.

(5) Thực hiện đánh giá rủi ro tham nhũng: Để bảo đảm sự khả thi và hiệu quả trước khi triển khai vắc-xin rộng rãi, các tổ chức công có thể sử dụng đánh giá rủi ro tham nhũng để xác định các lỗ hổng tham nhũng trong hoạt động của họ và đưa ra các chiến lược hiệu quả, tiết kiệm chi phí để giảm thiểu các lỗ hổng hoặc rủi ro đó. Việc đánh giá rủi ro tham nhũng kịp thời trong các bộ hoặc cơ quan y tế được ủy thác mua sắm và phân phối vắc-xin COVID-19 sẽ giảm thiểu rủi ro tham nhũng tiềm ẩn trong quá trình phân phối vắc-xin.

(6) Tăng cường sự tham gia giám sát của các tổ chức xã hội: Sự tham gia của các tổ chức xã hội trong việc hoạch định chính sách; giám sát hệ thống y tế là một yếu tố cần thiết trong nỗ lực kiềm chế tham nhũng trong lĩnh vực y tế. Trong đại dịch COVID-19, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ… dựa vào cộng đồng, người dân có thể hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ để chống tham nhũng. Thúc đẩy sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội bao gồm: Tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức đó tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến việc phân bổ, phân phối vắcxin COVID-19 (bao gồm cả những quy trình liên quan đến việc ưu tiên người được tiêm, mua sắm vắc-xin và phân phối quỹ khẩn cấp cho các chương trình vắc-xin).

Các tổ chức xã hội có thể đảm nhận vai trò chủ chốt trong việc giám sát và báo cáo mọi bất thường trong quá trình triển khai vắc-xin. Công chúng cần phải được cung cấp nhiều kênh khác nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp thông tin tham nhũng một cách hiệu quả và kịp thời. Các kênh này có thể bao gồm các ứng dụng điện thoại di động, đường dây nóng và các công cụ liên quan khác phù hợp với bối cảnh xã hội. Với những công cụ này, điều quan trọng là bảo đảm rằng những người cung cấp thông tin được bảo vệ đầy đủ.

(7) Bảo vệ các nhà báo và người tố cáo: Các nhà báo điều tra đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng khi thông tin sai lệch có thể được sử dụng để bảo vệ những kẻ tham gia vào các hoạt động tham nhũng. Các cuộc điều tra của các nhà báo có thể giúp phơi bày các cáo buộc tham nhũng hoặc rủi ro tham nhũng trong hệ thống y tế, do đó, rất quan trọng trong việc đưa vấn đề này đến sự chú ý của công chúng và những người ra quyết định. Các biện pháp bảo đảm sự bảo vệ và an toàn cho các nhà báo là điều cốt yếu để họ hành động mà không sợ hãi và mang thông tin quan trọng đến với người dân. Tương tự như vậy, trong thời kỳ đại dịch, những người tố cáo rất quan trọng vì nguy cơ gia tăng các cơ hội để tham nhũng trong thời kỳ khủng hoảng. 

“Theo quan điểm này, Hàn quốc đã đưa ra cơ chế báo cáo ủy quyền để thúc đẩy tính bảo mật, với những hạn chế về báo cáo ẩn danh theo Đạo luật Bảo vệ lợi ích công cho người tố cáo. Theo hệ thống báo cáo ủy quyền, luật sư có thể gửi thông tin thay mặt người tố cáo và tên luật sư sẽ được liệt kê trong báo cáo chính thức. Với những người tố cáo còn lại chưa đăng ký, nguy cơ tiết lộ danh tính của họ được giảm thiểu”.

Các giải pháp lâu dài

1. Tăng cường luật pháp và chính sách chống tham nhũng: Sự lây lan nhanh chóng của COVID-19 đã buộc các chính phủ phải hành động quyết liệt, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các chiến lược mạnh mẽ để giảm thiểu tham nhũng. Điều này có thể bao gồm: Rà soát và củng cố các luật và chính sách hiện hành về chống tham nhũng; việc triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể; sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội và người dân, tôn trọng pháp quyền và bảo đảm quản lý tốt các hoạt động công. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cần có các cơ chế để tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với những người dân mà họ phục vụ, đặc biệt là ở những cơ quan có vai trò quan trọng trong việc phát triển, phân phối và cấp phát vắc-xin phòng ngừa COVID-19.

2. Cơ chế kiểm toán, kiểm soát, trách nhiệm giải trình và báo cáo toàn diện để giám sát quá trình giải ngân và xác minh việc tiếp nhận phù hợp: Sẽ có nguồn tài chính khổng lồ được huy động cho việc triển khai bất kỳ loại vắc-xin COVID-19 nào trên toàn cầu. Các nguồn tài chính này sẽ đòi hỏi cơ chế kiểm toán, giám sát và báo cáo toàn diện để bảo đảm trách nhiệm giải trình và giảm thiểu rủi ro tham nhũng một cách hiệu quả.

“Tại Philippines, luật khẩn cấp đã cho phép thành lập ủy ban giám sát chung của quốc hội với yêu cầu Tổng thống phải đệ trình báo cáo hàng tuần lên quốc hội về việc phân bổ và sử dụng các quỹ dành riêng cho việc giải quyết đại dịch CoVID-19”.

3. Xác định, bảo vệ các cá nhân và cộng đồng dễ bị tổn thương: Tham nhũng làm giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và bảo trợ xã hội, do đó, gây ảnh hưởng ở cấp độ cá nhân, gia đình, cộng đồng và quốc gia, làm tăng tính dễ bị tổn thương và bất bình đẳng kinh tế xã hội. Tham nhũng ảnh hưởng khác nhau đến những người dễ bị tổn thương nhất và gạt họ ra ngoài lề xã hội. Trong thời kỳ khủng hoảng, tác động tổng hợp có thể tàn phá thêm cuộc sống và sinh kế của những người đó. Tham nhũng trong các lĩnh vực dễ bị tổn thương như chăm sóc sức khỏe và cung cấp dịch vụ công loại trừ những người cần nhất bằng cách tạo ra những rào cản không thể vượt qua để tiếp cận miễn phí và công bằng với chăm sóc y tế, bảo trợ xã hội, giáo dục và hỗ trợ cộng đồng.

Trong bối cảnh và hậu quả của đại dịch COVID-19, những cá nhân và cộng đồng dễ bị tổn thương, những người có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống y tế công cộng cần được xác định và hỗ trợ. Ngay từ những ngày đầu đại dịch, các nhóm này cần được tiếp cận thông tin về các quyền và lợi ích của họ, bao gồm các chương trình vắc-xin hiện có và cách họ có thể tiếp cận chúng. Việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số có thể giúp các chính phủ vượt qua các khó khăn trong việc nhận dạng và bảo đảm rằng việc phân phối vắc-xin COVID-19 là công bằng và dễ tiếp cận đối với các nhóm dân cư bị thiệt thòi  và dễ bị tổn thương. Khung thời gian để cung cấp vắc-xin cho các nhóm dân cư cụ thể cũng nên được thông tin rộng rãi cho công chúng, để nếu kỳ vọng của họ không được đáp ứng, họ có thể hỗ trợ báo cáo và giải quyết.

(1) Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh do vi rút Ebola ở Sierra Leone, Dịch vụ Kiểm toán của Sierra Leone đã phát hiện thiếu tài liệu chứng từ làm cơ sở cho khoản thanh toán gần 3,3 triệu đô la từ các tài khoản chỉ đạo dịch bệnh Ebola của Chính phủ Sierra Leone và 2,5 triệu đô la giải ngân chưa hoàn thành tài liệu. Báo cáo từ Dịch vụ Kiểm toán cũng ghi nhận nhiều ví dụ rõ ràng về gian lận và tham nhũng, chẳng hạn, trong việc mua sắm vật tư và thanh toán cho nhân viên ứng phó với Ebola.

Theo noichinh.vn

Nguồn bài viết: https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/202110/ngan-ngua-tham-nhung-trong-quan-ly-va-phan-phoi-vac-xin-covid-19-310135/

Link nội dung: https://phaply.net.vn/ngan-ngua-tham-nhung-trong-quan-ly-va-phan-phoi-vac-xin-covid-19-a253518.html