3 gói chính sách thuế, vốn, bảo hiểm “khủng” hỗ trợ người dân và doanh nghiệp: Chuyên gia đánh giá và kiến nghị gì ?

(Pháp lý )- Kết luận tại  phiên "Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội" do Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Kinh tế tổ chức ngày 27/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thẳng thắn chỉ ra rằng: “Chính sách tài khóa, tiền tệ phải cân bằng hơn, còn dư địa để mở rộng tài khóa. Quan trọng hơn là phải cứu cả DN thuộc các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế đang thua lỗ; giảm chi phí đầu vào cho họ. Chúng ta đã giãn, hoãn, giảm thuế nhưng họ lỗ rồi lấy gì mà giảm? Chính sách cần cho phép chuyển lỗ, nghiên cứu cho chuyển dài hơn để giảm bớt khó khăn cho DN, hỗ trợ dòng tiền cho họ.”

Về gói chính sách bảo hiểm hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp (DN) và NLĐ lên tới 38.000 tỉ đồng, được chuyên gia và nhiều DN đánh giá rất tốt, kịp thời, thiết thực. Nhưng DN mong muốn tiếp tục được giảm mức đóng, hiện mức đóng bảo hiểm của DN hơn 20 % là khá cao

Còn nói về dự kiến gói 3000 tỷ cấp bù lãi suất, PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, chỉ cần chi ra một lượng tiền nhỏ của NHNN có thể đẩy được một lượng vốn hàng 100.000 tỷ vào nền kinh tế với lãi suất thấp từ 3 – 4 %. Đây là một giải pháp hiệu quả để cho các ngân hàng có thể giảm được lãi suất một cách thực chất cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo PGS Thịnh cũng cần lưu ý một số vấn đề có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động cho vay….

image001-1632929396.jpg

Người dân và doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn do tác động tiêu cực từ dịch bệnh covid - 19

3 gói chính sách “khủng” hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Dịch COVID-19 hiện nay đang đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ và những khó khăn vô cùng to lớn đối với toàn bộ nền kinh tế. Trong thời gian qua, Chính phủ đã có những quyết sách kiên quyết và đúng đắn, kiềm chế sự lây lan bùng phát của đại dịch COVID-19. Đặc biệt, trước tác động hết sức tiêu cực của đợt dịch thứ 4, nhiều DN vốn đã khó khăn lại chồng chất khó khăn. Để hỗ trợ người dân và Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Chính phủ và cơ quan chức năng đã có kế hoạch tung ra nhiều gói cứu trợ tài chính, tài khoá lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. 

Điển hỉnh như ngày 24/9/2021 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, quĩ sẽ trích ra 38.000 tỉ đồng để hỗ trợ DN và người lao động (không bao gồm người LĐ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) có tham gia BHTN sẽ được hỗ trợ từ 1,8 triệu đồng đến cao nhất 3,3 triệu đồng (tùy thời gian đóng BHTN). 

Người sử dụng lao động (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chỉ thường xuyên) đang tham gia BHTN trước ngày 1.10.2021, sẽ được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHTN trong vòng 12 tháng, kể từ ngày 1.10.2021 đến hết ngày 30.9.2022.

Trước đó, ngày 16/9, tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ đã trình UBTVQH xem xét, quyết định ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, với tổng mức hỗ trợ khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng.

Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày, Chính phủ đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế TNDN theo quy định của Luật Thuế TNDN có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020…

Cùng với giảm thuế TNDN, Chính phủ đề nghị giảm thuế GTGT kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với DN, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế, bao gồm: vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; hoạt động xuất bản (trừ xuất bản theo hình thức trực tuyến)…

Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Chính phủ đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế giá trị gia tăng (GTGT) và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế…

Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết tán thành ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sẽ được ban hành trước ngày 1/10/2021.

Đáng chú ý, cũng tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong kỳ họp tháng 10 các giải pháp về cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp và giải pháp hỗ trợ dựa trên chi phí lao động.

Theo tiết lộ của ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) tại buổi tọa đàm về hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp ngày 25/9, gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng với lãi suất 3-4%/năm sẽ được ngành ngân hàng bơm ra nền kinh tế trong thời gian tới để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Chuyên gia đánh giá và kiến nghị gì ? 

Về gói chính sách bảo hiểm hỗ trợ trực tiếp cho DN và NLĐ lên tới 38.000 tỉ đồng, được chuyên gia và nhiều DN đánh giá rất tốt, kịp thời, thiết thực. Nhưng DN mong muốn tiếp tục được giảm mức đóng, hiện mức đóng bảo hiểm của DN hơn 20 % là khá cao.

Kết luận tại  phiên "Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội" do Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Kinh tế tổ chức ngày 27/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thẳng thắn chỉ ra rằng: “Chính sách tài khóa, tiền tệ phải cân bằng hơn, còn dư địa để mở rộng tài khóa. Quan trọng hơn là phải cứu cả DN thuộc các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế đang thua lỗ; giảm chi phí đầu vào cho họ. Chúng ta đã giãn, hoãn, giảm thuế nhưng họ lỗ rồi lấy gì mà giảm? Chính sách cần cho phép chuyển lỗ, nghiên cứu cho chuyển dài hơn để giảm bớt khó khăn cho DN, hỗ trợ dòng tiền cho họ.”

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Pháp lý điện tử, PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, các chính sách hỗ trợ về tài chính, tài khoá như giảm lãi suất, giãn hoãn nộp thuế, tiền thuê đất… đều hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay. Các gói hỗ trợ có ý nghĩa tích cực đến tâm lý, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. 

Tuy nhiên, vị chuyên gia tỏ ra e dè với hiệu quả thực chất cũng như khả năng dung nạp những gói hỗ trợ của DN. Bởi thực tế, thời gian qua cũng đã có nhiều gói hỗ trợ về tài chính, tài khoá được ban hành. Song các gói hỗ trợ này đưa ra các tiêu chuẩn quá cao, nên không phải DN nào cũng tiếp cận được.

3-1632929446.jpg

PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng thẳng thắn đánh giá các chính sách thuế và vốn hỗ trợ cộng đồng DN vừa qua còn khá yếu và thiếu. Quá trình triển khai chính sách trong thực tế chưa hiệu quả. Nguyên nhân là khâu thiết kế, thực hiện chính sách còn nhiều vấn đề vướng mắc; cách thức tổ chức, triển khai chính sách còn cồng kềnh chưa phù hợp với thực tiễn, từng doanh nghiệp, người lao động cần hỗ trợ. Đặc biệt là các quy định về thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo… khiến cho DN, người dân khó khăn trong việc tiếp cận các gói cứu trợ. 

Nói về gói 3000 tỷ cấp bù lãi suất, PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, chỉ cần chi ra một lượng tiền nhỏ của NHNN có thể đẩy được một lượng vốn hàng 100.000 tỷ vào nền kinh tế với lãi suất thấp từ 3 – 4 %. Đây là một giải pháp hiệu quả để cho các ngân hàng có thể giảm được lãi suất một cách thực chất cho các doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, theo PGS Thịnh cũng lưu ý một số vấn đề có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động cho vay. Trước hết, đó là ai được vay, tiêu chuẩn thế nào? Đây là khoản hỗ trợ gián tiếp của Nhà nước cho doanh nghiệp thông qua ngân hàng. Nhà nước cấp tiền cho ngân hàng vì thế khó đảm bảo được ngân hàng có cho vay đúng đối tượng hay không? Có hay không tình trạng xin - cho, móc ngoặc giữa ngân hàng với doanh nghiệp "cánh hẩu", sân sau, huống chi hiện tượng này đã từng xảy ra trước đây?

Bên cạnh đó, khi dòng tiền lớn được bơm vào thị trường có thể đẩy lạm phát tăng cao, trong khi độ trễ thường từ 6 tháng đến một năm, hai năm mới phát huy hết tác dụng cũng như tác hại của nó. Điều này chúng ta đã từng gặp phải trong quá khứ.  PGS Thịnh phân tích.

Theo PGS.TS cần phải có những tiêu chí cụ thể cũng như quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, giấy tờ… để xác định các loại hình DN các ngành nghề lĩnh vực được ưu tiên vay, tránh tình trạng nhập nhèm, mất cân đối, khiến dòng tiền đi không đúng hướng; phải kiểm tra giám sát thường xuyên, liên tục các ngân hàng cho vay tránh việc xin cho;… 

Bên cạnh đó, với cơ quan quản lý chung của Nhà nước, thì phải có cái nhìn tổng thể, tính toán thời gian cấp vốn phù hợp, lượng vốn phù hợp, tất nhiên cấp bù lãi suất sẽ ít nhiều tác động đến giá trị đồng tiền và lạm phát, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát. 
“Điều quan trọng nhất đó là phải công khai, minh bạch trong hoạt động cho vay trên các phương tiện thông tin, để các bên đều có thể truy cập thông tin, dữ liệu, phản ánh các quy định giúp cho các hoạt động đạt được hiệu quả cao”. PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh kiến nghị.

Nam Kiên
 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/3-goi-chinh-sach-thue-von-bao-hiem-khung-ho-tro-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-chuyen-gia-danh-gia-va-kien-nghi-gi-a253474.html