Nguy cơ vỡ nợ của Tập đoàn bất động sản China Evergrande: Chuyên gia khuyến cáo gì đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư ?

(Pháp lý) - Theo chuyên gia tài chính, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, vụ việc tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc là Evergrande đứng trước nguy cơ phá sản, làm chao đảo thị trường tài chính thế giới những ngày qua là bài học rất thời sự cho thị trường trong nước. Bởi số lượng phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) của Việt Nam thời gian gần đây rất lớn, nhiều DN phát hành trái phiếu với lãi suất hấp dẫn, không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Điều này mang lại rủi ra rất lớn đối với nhà đầu tư trái phiếu của các DN này.

11-1632465922.jpg
Tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc là Evergrande đứng trước nguy cơ phá sản, làm chao đảo thị trường tài chính thế giới

Nguy cơ vỡ nợ hàng tỷ USD bất động sản Evergrande, Trung Quốc liên tục bơm tiền 

Evergrande - doanh nghiệp bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc. Tuy nhiên, những năm gần đây, Evergrande dần lún sâu vào nợ nần vì liên tục vay mượn để chi trả và bù đắp cho tham vọng đầu tư ở nhiều lĩnh vực với khoản nợ trị giá hơn 300 tỷ USD.

Tập đoàn này đang phải đối mặt với hai khoản đáo hạn từ nay cho đến cuối tháng 9. Theo đó, Evergrande có nghĩa vụ thanh toán 83,5 triệu USD lãi trái phiếu đến hạn vào ngày 23.9, đồng thời cũng có khoản thanh toán lãi trái phiếu trị giá 47,5 triệu USD đến hạn vào tuần tới.

Evergrande những tuần qua đã cảnh báo giới đầu tư về những vấn đề liên quan đến dòng tiền, đồng thời thừa nhận nguy cơ vỡ nợ nếu không thể huy động tiền nhanh chóng. Nguy cơ vỡ nợ càng hiện hữu rõ vào tuần trước, Evergrande chính thức thừa nhận có thể không thực hiện việc chi trả lãi đúng hạn, gây sốc cho các nhà đầu tư.

Việc tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc là Evergrande đứng trước nguy cơ phá sản đã làm chao đảo thị trường tài chính thế giới những ngày qua. Do các nhà đầu tư lo ngại Evergrande vỡ nợ sẽ gây ra ảnh hưởng rộng lớn hơn về kinh tế đối với Trung Quốc cũng như thế giới, nên thị trường chứng khoán toàn cầu gần đây đã chịu nhiều chấn động.

Về phía các nhà đầu tư, để đề phòng trường hợp Evergrande vỡ nợ, họ đã phải tìm kiếm nơi "trú ẩn an toàn". Kết quả là các đồng tiền như đồng yen Nhật Bản, USD đều tăng mạnh. Chỉ số USD so với rổ các đồng tiền chủ chốt đạt mức cao nhất trong vòng 1 tháng, là 93,45. Đồng yen Nhật ngày 21/9 cũng tiến dần tới mức cao nhất kể từ hôm 20/8 khi giao dịch ở mức 1 USD đổi 128,5 yen. Nhưng ở chiều ngược lại, đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc ngày 21/9 "lao dốc", xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tháng, ở mức 1 USD đổi 6,47 NDT.

Trước nguy cơ sụp đổ của đế chế bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc chưa phát tín hiệu cho thấy sẽ cứu trợ Evergrande, nhưng yêu cầu doanh nghiệp này phải tránh vỡ nợ trái phiếu ngắn hạn bằng USD. Các nhà quản lý tài chính ở Bắc Kinh đã ban hành một loạt hướng dẫn cho Evergrande, khuyến khích doanh nghiệp này thực hiện tất cả biện pháp có thể để tránh vỡ nợ ngắn hạn đối với trái phiếu bằng đồng USD, tập trung vào việc hoàn thành các bất động sản chưa hoàn thành và trả nợ cho các nhà đầu tư cá nhân. Trong một cuộc họp gần đây với đại diện của Evergrande, các nhà quản lý cho biết công ty nên chủ động liên lạc với các trái chủ để tránh vỡ nợ, nhưng không đưa ra hướng dẫn cụ thể hơn.

Không có dấu hiệu nào cho thấy các cơ quan quản lý đề nghị hỗ trợ tài chính cho Evergrande để thanh toán trái phiếu. Tuy nhiên gần đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã liên tục bơm tiền vào thị trường để xoa dịu những lo ngại về cuộc khủng hoảng này.

Theo Bloomberg, PBOC đã bơm 120 tỷ nhân dân tệ (tương đương 18,6 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng thông qua các hợp đồng mua lại đảo ngược. Số tiền bơm ròng là 90 tỷ nhân dân tệ, tương đương với mức bơm ròng của phiên thứ 6 trước (17/9) và thấp hơn một chút so với mức bơm ròng của phiên 18/9.

Ngày 22/9, trong một tuyên bố với sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, Hengda Real Estate Group - đơn vị bất động sản của tập đoàn Evergrande - cho hay trong ngày 23/9, họ sẽ trả một khoản lãi trái phiếu phát hành trong nước. Số trái phiếu này có lãi suất 5,8%, đáo hạn gốc vào tháng 9/2025, hiện đang được giao dịch ở Thâm Quyến. Theo số liệu của Refinitiv, tổng số tiền lãi trái phiếu mà Hengda Real Estate đã thương thảo để trả trong ngày 23/9 là khoảng 232 triệu NDT (tương đương 35,88 triệu USD). 

Bài học cho Doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam?

Mặc dù với những lỗ lực của Evergrande trong việc đàm phán với các trái chủ cũng như những động thái của PBOC trong việc liên tục bơm tiền vào thị trường để xoa dịu những lo ngại về cuộc khủng hoảng phần nào ngăn chặn “quả bom nợ” chưa phát nổ. Tuy nhiên, vụ việc Evergrande vẫn là lời cảnh báo để các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam nhìn nhận lại khả năng trả nợ của mình khi phát hành trái phiếu ồ ạt trên thị trường hiện nay.

Hiện phát hành trái phiếu tại Việt Nam vẫn là cuộc đua song mã giữa ngân hàng và DN bất động sản ( DN BĐS) . Nhiều DN BĐS đã phát hành trái phiếu với lãi suất hấp dẫn, trung bình gấp 1,5 lần, thậm chí gấp 2 lần lãi suất huy động của các ngân hàng. 8 tháng đầu năm nay, nhóm bất động sản có tổng khối lượng phát hành 107,98 nghìn tỷ đồng, cao thứ 2 thị trường. Trong đó, có khoảng 21,6% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.

Bộ Tài chính liên tục đưa ra các cảnh báo rủi ro khi tồn tại tình trạng doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng huy động vốn với khối lượng lớn, lãi suất cao, phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Pháp lý, TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính cho rằng, hệ quả của Evergrande hiện nay không chỉ do một nguyên nhân là do phát hành quá nhiều trái phiếu mà bởi rất nhiều yếu tố khác như năng lực quản lý, chính sách đầu tư... Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế rằng số vụ vỡ nợ liên quan đến trái phiếu của các DN Trung quốc, đặc biệt DN BĐS thời gian qua rất báo động. Theo dữ liệu của Bloomberg, trong 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp Trung Quốc đã vỡ nợ 11,4 tỷ USD trái phiếu phát hành trong nước, cao hơn gấp đôi kỷ lục cũ thiết lập năm ngoái. Còn vỡ nợ trái phiếu phát hành ở nước ngoài tăng gần gấp 3, lên 3,7 tỷ USD. Lĩnh vực bất động sản chiếm 27% tổng giá trị các vụ vỡ nợ.

12-1632465922.jpg
Nhóm bất động sản phát hành phiếu 107,98 nghìn tỷ đồng trái phiếu 8 tháng đầu năm 2021, trong đó khoảng 21,6% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.

Đây là bài học rất lớn cho các nhà kinh doanh BĐS tại Việt Nam trong việc phát hành trái phiếu. Bởi nhìn nhận thực tế TS. Hiếu cho rằng, số lượng phát hành trái phiếu của các DN BĐS của Việt Nam thời gian vừa qua là rất lớn. 

Đồng thời, hai điều tạo ra sự lo ngại mà TS. Hiếu nhắc đến đó là: Thứ nhất, để hấp dẫn các nhà đầu tư, các DN BĐS đã đưa ra mức lãi suất rất cao (gấp đôi thậm chí gấp 3 lần lãi suất gửi ngân hàng). Điều này tạo ra gánh nặng cho chính các DN BĐS phát hành trái phiếu. 

Trong khi đó, có rất nhiều trái phiếu được phát hành bởi những DN BĐS không có bảo đảm bằng tài sản. Hoặc, nếu có thì lại dùng chính những tài sản hình thành từ nguồn vốn huy động từ trái phiếu (những dự án hình thành trong tương lai) để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ. Thậm chí có nhiều DN dùng chính cổ phiếu của mình để bảo đảm cho việc phát hành trái phiếu. Điều này mang lại rủi ro rất lớn đối với nhà đầu tư trái phiếu của các DN này. Bởi theo TS. Hiếu, nếu các dự án được đem ra làm tài sản bảo đảm mà gặp khó khăn thì tài sản bảo đảm đó vô giá trị. Hoặc với tài sản bảo đảm chính cổ phiếu của chính DN BĐS cũng rất rủi ro nếu DN làm ăn sa sút thì cổ phiếu đó cũng không có giá trị trên thị trường. Bên cạnh đó thì những trái phiếu không có tài sản bảo đảm thì dĩ nhiên là rủi ro rất lớn.

Thứ hai, có rất nhiều trái phiếu được bán cho những nhà đầu tư cá nhân. Những nhà đầu tư cá nhân thường chỉ quan tâm đến lãi suất mà không quan tâm nhiều đến tình hình tài chính của DN phát hành. Thậm chí nhiều nhà đầu tư không có đủ khả năng để phân tích một bản cân đối kế toán để biết rằng DN phát hành có đủ sức khoẻ tài chính hay không.

Trước thực tế này, nhằm giảm thiểu rủi ro đối với nhà đâu tư cá nhân, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế có hiệu lực từ đầu năm 2021 bắt buộc nhà đầu tư cá nhân phải là đầu tư chuyên nghiệp. 

Tuy nhiên, hiện nay việc một nhà đầu tư cá nhân trở thành một nhà đầu tư cá nhân chuyên nguyện rất dễ dàng bằng nhiều cách để “lách” qua quy định pháp luật. Dẫn chứng cho điều này, TS. Hiếu cho rằng chỉ bằng một giấy cứng nhận của một cơ quan hoặc một công ty chứng khoán nào đó thì một nhà đầu tư cá nhân không chuyên có thể trở thành một nhà đầu tư chuyên nghiệp. Điều này khiến cho việc bảo đảm trái phiếu không bán cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp rất khó thực hiện.

13-1632465922.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: vụ việc tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc là Evergrande đứng trước nguy cơ phá sản, làm chao đảo thị trường tài chính thế giới những ngày qua là bài học rất thời sự cho thị trường trong nước.

Quay trở lại với nguy cơ phá sản của Evergrande tại Trung Quốc, TS.Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các DN BĐS cũng như nhà đầu tư Việt Nam cần rút ra bài học từ vụ việc này. 

TS. Hiếu khuyến cáo các nhà đầu tư của Việt Nam nên cẩn trọng khi mua trái phiếu của các DN BĐS. Các nhà đầu tư phải đánh giá rủi ro trước khi đầu tư, không vì ham lãi suất cao mà mua trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không trả được thì nhà đầu tư phải hứng chịu rủi ro. Đặc biệt đối với các DN BĐS, vị chuyên gia khuyến cáo các DN phải có phương án sử dụng vốn hiệu quả để trả lãi và gốc cho nhà đầu tư.

Cũng theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, tại Trung Quốc, trước nguy cơ sụp đổ của đế chế BĐS Evergrande,  Chính phủ Trung Quốc đã và đang có những biện pháp tích cực nhằm tránh sự đổ vỡ dây truyền. Bởi, với một số nợ khổng lồ lên tới hơn 300 tỷ USD nếu vỡ nợ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của nước này. Đặc biệt đối với các chủ nợ cũng như gần 1,5 triệu khách hàng đã bỏ tiền cho Evergrande xây dựng các dự án. 

Với lĩnh vực BĐS tại Việt Nam cũng tương tự như Trung Quốc, các DN BĐS cũng có thể huy động vốn từ người dân theo những phương pháp bán BĐS hình thành trong tương lai và khách hàng đóng tiền theo tiến độ xây dựng. Nếu DN BĐS vỡ nợ thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, các chủ nợ, khách hàng đã bỏ tiền vào các dự án. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần rút ra bài học từ vụ viện này. TS. Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, UBCKNN… phải tăng cường các biện pháp để thanh tra, kiểm tra tất cả trái phiếu được phát hành bởi các DN BĐS, ngăn chặn kịp thời những DN BĐS không có thực lực, không đủ năng lực tài chính phát hành trái phiếu (kể cả trái phiếu phát hành riêng lẻ cũng như trái phiếu phát hành trên thị trường đại chúng). 

“Đặc biệt đối với DN BĐS phát hành trái phiếu đang bị tác động bởi dịch COVID-19 cần phải có giải pháp hỗ trợ ngay tránh để các DN rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Nếu Việt Nam có một vài DN rơi vào tình trang như Evergrande có thể sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền sẽ rất nguy hiểm cho cả thị trường…” - TS. Nguyễn Trí Hiếu quan ngại và kiến nghị.

Xuân Trường
 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nguy-co-vo-no-cua-tap-doan-bat-dong-san-china-evergrande-chuyen-gia-khuyen-cao-gi-doi-voi-doanh-nghiep-va-nha-dau-tu-a253422.html