Giảm án tù không đủ điều kiện và 3,5 triệu USD tài sản bất chính gửi tại ngân hàng “biến mất” trong vụ Phan Sào Nam: Luật sư kiến nghị gì ?

(Pháp lý) - Liên quan đến đại án đánh bạc nghìn tỉ xảy ra tại Phú Thọ, thời gian gần đây, xuất hiện nhiều tình tiết, diễn biến mới. Đặc biệt, việc giảm án tù đối với Phan Sào Nam và việc 3,5 triệu USD tài sản bất chính của phạm nhân này gửi tại ngân hàng Singapore “không cánh mà bay” đã gây bức xúc trong dư luận. 

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm, nhận định về các khía cạnh pháp lý xoay quanh những diễn biến mới hậu vụ án này. Đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ có hay không động cơ vụ lợi khi giảm án không đủ điều kiện đối với Phan Sào Nam ?… Và cho rằng không loại trừ khả năng cần khởi tố một vụ án khác để điều tra việc biến mất 3,5 triệu USD - tài sản bất chính của phạm nhân này gửi tại ngân hàng Singapore .

7-1631674875.jpg
 Việc thi hành án đối với Phan Sào Nam và việc 3,5 triệu USD tài sản bất chính của phạm nhân này gửi tại ngân hàng Singapore “không cánh mà bay” đã gây nhiều bức xúc trong dư luận.

3,5 triệu USD tài sản bất chính “không cánh mà bay”, phạm nhân không đủ điều kiện vẫn được giảm án tù

Đến tháng 10/2019, Phan Sào Nam đã thi hành được số tiền 1.346 tỷ đồng, khoản còn lại trên 160 tỷ đồng. Trong thời gian Phan Sào Nam chấp hành án tại Trại giam Quảng Ninh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ đã bán tài sản là 5 ô tô bị kê biên, thu được hơn 5 tỷ đồng. Do đó, Phan Sào Nam còn phải thi hành số tiền hơn 155 tỷ đồng, gồm truy thu số tiền hơn 75,5 tỷ đồng và 3,5 triệu USD, tương đương số tiền gần 80 tỷ đồng.

Diễn biến mới nhất trong án đánh bạc nghìn tỷ xảy ra cách đây hơn 3 năm  tại Phú Thọ liên quan đến Phan Sào Nam,  quá trình xác minh, cơ quan chức năng của Việt Nam xác định số tiền 3,5 triệu USD Phan Sào Nam gửi tại ngân hàng ở Singapore đã không còn trong ngân hàng từ trước khi Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ tuyên án. Điều này đồng nghĩa với việc khả năng thu hồi được số tài sản bất chính này là cực kỳ thấp khiến cho Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ phải đề nghị TAND Tối cao hướng dẫn xử lý đối với số tiền này.

Theo hồ sơ vụ án, sau khi có tiền hưởng lợi từ việc tổ chức đánh bạc, Phan Sào Nam đã cho một người bạn Quốc tịch Singapore vay 3,5 triệu USD (tương đương gần 80 tỷ đồng). Sau đó số tiền này được chuyển vào tài khoản của Phan Sào Nam tại Ngân hàng Bank Of Singapore.

Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành thủ tục tương trợ tư pháp với cơ quan chức năng Singapore để xác minh, thu hồi, nhưng số tiền 3,5 triệu USD không còn trong tài khoản. Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được số tiền này đã được chuyển đi đâu. 

Điều đáng nói là trong khi số tiền 3,5 triệu USD, tương đương số tiền gần 80 tỷ đồng hưởng lợi bất chính từ hành vi phạm tội “không cánh mà bay” thì Phan Sào Nam lại liên tục được TAND tỉnh Quảng Ninh xét giảm án tù. 

Cụ thể, trong thời gian chưa đầy 1 năm, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Quảng Ninh đã hai lần chấp nhận đề nghị giảm án cho Phan Sào Nam. Theo đó, ngày 29/4/2020, TAND tỉnh Quảng Ninh chấp nhận đề nghị của trại giam Quảng Ninh về việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 19 tháng cho Nam. 

Tiếp đó, ngày 04/02/2021, TAND tỉnh Quảng Ninh lần thứ hai chấp nhận đề nghị của trại giam Quảng Ninh, giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại (3 tháng 7 ngày) cho Nam. Phạm nhân Phan Sào Nam ra trại ngày 6/02/2021. 

VKSND cấp cao tại Hà Nội vào cuộc

Những quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của TAND tỉnh Quảng Ninh đối với Phan Sào Nam đã vấp phải phản ứng quyết liệt từ VKSND Cấp cao tại Hà Nội. 

Ngay sau đó, hồi trung tuần tháng 4/2021, VKSND Cấp cao tại Hà Nội đã ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với các quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của TAND tỉnh Quảng Ninh, đối với phạm nhân Phan Sào Nam, bị kết án về các tội “tổ chức đánh bạc” và “rửa tiền” ngày 12-3-2019 của TAND cấp cao tại Hà Nội.

Theo Quyết định kháng nghị, Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 587 ngày 29-4-2020 và quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 80 ngày 4-2-2021 của TAND tỉnh Quảng Ninh đối với Phan Sào Nam là không đủ điều kiện và không có căn cứ pháp luật. Do đó, VKSND Cấp cao tại Hà Nội đã kháng nghị đề nghị tòa án cùng cấp xử giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 quyết định giảm án tù với Phan Sào Nam của TAND tỉnh Quảng Ninh.

Dù kháng nghị của Viện KSND cấp cao từ tháng 4/2021 nhưng đến nay TAND cấp cao tại Hà Nội chưa xem xét bởi nhiều nguyên nhân, trong đó do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến nhiều hoạt động của các cấp tòa.

Cần phải điều tra làm rõ có hay không động cơ vụ lợi khi giảm án không đủ điều kiện đối với Phan Sào Nam ?…

Vụ án đánh bạc qua mạng liên quan đến Phan Sào Nam từng là vụ án rất nghiêm trọng. Việc một phạm nhân từng giữ vai trò quan trọng trong vụ án được giảm án đến 2 lần đương nhiên sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều người đặt nghi vấn về việc có hay không những khuất tất phía sau việc Phan Sào Nam liên tục được giảm án (?)

Trao đối với Phóng viên Tạp chí điện tử Pháp lý xoay quanh những diễn biến mới của vụ án này, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, tha tù trước thời hạn có điều kiện là biện pháp được Tòa án áp dụng đối với người đang chấp hành án phạt tù khi có đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật hình sự (BLHS), mà xét thấy không cần buộc họ phải tiếp tục chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ.

Khi đáp ứng các điều kiện về tha tù trước thời hạn, Tòa án quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người bị kết án. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách. Thời gian thử thách bằng thời gian còn lại của hình phạt tù.

image002-1631674923.jpg
Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

Cũng theo luật sư Cường, trình tự, thủ tục tha tù trước thời hạn được quy định đầy đủ tại Điều 368 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
Hội đồng xét tha tù trước thời hạn có điều kiện gồm Chánh án và 2 Thẩm phán, do Chánh án làm Chủ tịch Hội đồng. Tại phiên họp, một thành viên của Hội đồng trình bày tóm tắt hồ sơ đề nghị. Kiểm sát viên trình bày quan điểm của Viện kiểm sát về việc đề nghị xét tha tù trước thời hạn có điều kiện của cơ quan đề nghị và việc tuân thủ pháp luật trong việc xét, quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Đại diện cơ quan đã lập hồ sơ đề nghị có thể trình bày bổ sung để làm rõ việc đề nghị tha tù trước thời hạn. Phiên họp xét tha tù trước thời hạn có điều kiện được lập biên bản…

71-1631674980.jpg
Trình tự, thủ tục tha tù trước thời hạn được quy định tại Điều 368 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Quy định về việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được quy định rất rõ tại Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/5/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TAND tối cao và  VKSND tối cao hướng dẫn thi hành các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân. 

Theo đó, để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được quy định tại Điều 6, phạm nhân phải đáp điều kiện: Đã chấp hành được ít nhất một phần ba thời hạn đối với hình phạt tù từ ba mươi năm trở xuống hoặc mười hai năm đối với tù chung thân; Có nhiều tiến bộ thể hiện ở việc chấp hành tốt Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; tích cực học tập, lao động cải tạo và phải có đủ kỳ xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên… Giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 8 Thông tư này thì phạm nhân phải “lập công”, phạm nhân đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.

"Như vậy, theo quy định của pháp luật nêu trên thì "ông trùm" cờ bạc Phan Sào Nam chỉ có thể được tha tù trước thời hạn nếu như đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định" – luật sư Cường nói.

Tuy nhiên, cũng theo quy định tại Điều 368 Bộ luật TTHS thì Viện kiểm sát có quyền kháng nghị đối với quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện, quyết định hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết kháng nghị các quyết định quy định tại khoản này được hiện theo quy định tại Chương XXII của Bộ luật TTHS.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, với trường hợp của Phan Sào Nam, nếu kháng nghị của Viện kiểm sát được Tòa án chấp nhận, quyết định tha tù trước thời hạn sẽ bị hủy bỏ đồng thời Tòa án sẽ ra quyết định thi hành án và sẽ bắt bị cáo để thi hành án theo nội dung bản án đã tuyên. 

“Tuy nhiên, trường hợp TAND cấp cao quyết định chấp nhận kháng nghị để hủy quyết định tha tù thì việc xem xét trách nhiệm của cán bộ qua các khâu là điều cần thiết, mức độ sai phạm đến đâu thì sẽ xem xét xử lý đến đó theo quy định pháp luật. Trường hợp cán bộ, cơ quan, tổ chức vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân mà thực hiện hoạt động tố tụng trái pháp luật, ra quyết định, bản án trái pháp luật thì có thể xem xét kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định về các tội danh xâm phạm hoạt động tư pháp. Cần phải điều tra làm rõ có hay không động cơ vụ lợi khi giảm án không đủ điều kiện đối với Phan Sào Nam ?…" – Luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.

Liên quan đến việc giảm án cho Phan Sào Nam khi không đủ điều kiện, ngày 9/9, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã công bố quyết định kỷ luật đối với Ban Cán sự Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng các nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025, một số ủy viên Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo và cán bộ TAND tỉnh Quảng Ninh, do đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; …Theo đó, thi hành kỷ luật cảnh cáo các ông bà: Hoàng Văn Tiền, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chánh án TAND tỉnh; Phạm Thị Hương Giang, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó bí thư Đảng ủy, Phó chánh án TAND tỉnh; Nguyễn Trí Chinh, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó chánh án TAND tỉnh; Nguyễn Thúy Hằng, Bí thư Chi bộ, Chánh tòa Dân sự và Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án, TAND tỉnh Quảng Ninh…

Không loại trừ khả năng cần khởi tố một vụ án khác để điều tra việc biến mất 3,5 triệu USD

Liên quan đến 3,5 triệu USD trong tài khoản ngân hàng ở Singapore, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, trong quá trình điều tra vụ án này, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ áp dụng các biện pháp để niêm phong, kê biên, phong tỏa tài sản là những tài sản do phạm tội mà có hoặc là vật chứng của vụ án hình sự theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự. Đối với tài sản ở nước ngoài có liên quan đến tội phạm thì cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông qua cơ quan tư pháp, cơ quan ngoại giao, lãnh sự để thực hiện các biện pháp ủy thác tư pháp, căn cứ vào hiệp định tương trợ tư pháp hoặc các thỏa thuận song phương giữa các quốc gia về hoạt động tư pháp để ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản. 

Trong vụ án này, bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ án đánh bạc nghìn tỷ đồng qua mạng đều tuyên thu hồi khoản tiền 3,5 triệu USD (tương đương khoảng 80 tỷ đồng) đứng tên Phan Sào Nam gửi tại ngân hàng Bank Of Singapore. Tuy nhiên, khi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác minh từ phía cơ quan chức năng Singapore đã phát hiện khoản tiền 3,5 triệu USD này không còn từ trước khi TAND tỉnh Phú Thọ tuyên án.

Bởi vậy cơ quan chức năng cần làm rõ thông tin về số tiền này thể hiện trong hồ sơ vụ án như thế nào, các hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng đối với số tiền này như thế nào, đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết để yêu cầu ngân hàng Singapore phong tỏa số tiền này chưa ? Ai là người đã chuyển số tiền này ra khỏi tài khoản đó và số tiền này hiện đang ở đâu ? Sau khi khởi tố vụ án thì bị can bị tạm giam, vậy không có chữ ký của bị can thì làm thế nào có thể rút được số tiền đó ra khỏi tài khoản ngân hàng nước ngoài, có hành vi cấu kết, móc nối hoặc làm giả các chứng từ để giúp số tiền đó ra khỏi ngân hàng hay không ?  Đây là vấn đề quan trọng cần làm rõ vì liên quan đến việc giải quyết vụ án cũng như để đảm bảo công bằng trong việc giải quyết vụ án hình sự. Vị luật sư bày tỏ quan điểm.

Cũng theo Luật sư Cường, trong trường hợp có căn cứ cho thấy có người đã rút số tiền này ra để tẩu tán, trốn tránh nghĩa vụ theo Bản án thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Người có vụ nghĩa vụ theo bản án cũng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành bản án theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015.

Số tiền 3,5 triệu USD là rất lớn, nếu có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tẩu tán tài sản do người khác phạm tội mà có thì đây là sự việc rất nghiêm trọng, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, xâm phạm đến hoạt động tư pháp, gây bức xúc trong dư luận. Bởi vậy cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ sự việc để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật, trong đó không loại trừ trường hợp có thể khởi tố một vụ án khác, truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng vi phạm pháp luật. Luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.

Liên quan đến số tiền 3,5 triệu USD “ không cánh mà bay”, cơ quan chức năng cần làm rõ thông tin về số tiền này thể hiện trong hồ sơ vụ án như thế nào, các hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng đối với số tiền này như thế nào, đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết để yêu cầu ngân hàng Singapore phong tỏa số tiền này chưa ? Ai là người đã chuyển số tiền này ra khỏi tài khoản đó và số tiền này hiện đang ở đâu ? Sau khi khởi tố vụ án thì bị can bị tạm giam, vậy không có chữ ký của bị can thì làm thế nào có thể rút được số tiền đó ra khỏi tài khoản ngân hàng nước ngoài, có hành vi cấu kết, móc nối hoặc làm giả các chứng từ để giúp số tiền đó ra khỏi ngân hàng hay không ?  Đây là vấn đề quan trọng cần làm rõ vì liên quan đến việc giải quyết vụ án cũng như để đảm bảo công bằng trong việc giải quyết vụ án hình sự. - Luật sư Cường bày tỏ quan điểm

Văn Chiến
 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/giam-an-tu-khong-du-dieu-kien-va-35-trieu-usd-tai-san-bat-chinh-gui-tai-ngan-hang-bien-mat-trong-vu-phan-sao-nam-luat-su-kien-nghi-gi-a253334.html