“Nóng” công tác kiểm toán: sẽ kiểm toán nguồn lực chống dịch và làm rõ mức tín dụng cho vay bất động sản, chứng khoán…

(Pháp lý) - Đó là 3 trong nhiều yêu cầu được UBTVQH và Chủ tịch QH nêu ra, cho ý kiến đối với công tác kiểm toán năm 2022. Sẽ có 181 cuộc kiểm toán dự kiến thực hiện trong năm 2022. Phiên họp thứ 3 UBTVQH đang diễn ra vào tuần này tập trung cho ý kiến nhiều vấn đề quan trọng. Ngoài vấn đề “nóng” là công tác kiểm toán, một vấn đề “nóng” khác được cộng đồng DN đang quan tâm theo dõi, đó là Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của đại dịch Covid-19;…. 

image001-1631631375.jpg
Toàn cảnh phiên họp thứ 3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tập trung kiểm toán việc sử dụng nguồn lực chống dịch, việc thực thi chính sách các gói hỗ trợ

Ngày 14/9/2021, cho ý kiến vào nội dung kiểm toán ngân sách nhà nước 2021, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần thêm vào nội dung kiểm toán về việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19. "Chống dịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhưng sử dụng phải tiết kiệm, đúng mục tiêu, kể cả nguồn lực nhà nước và các nguồn lực xã hội huy động được".

“Mục đích sử dụng và hiệu quả thế nào? Chúng ta là nước nghèo, chống dịch phải hiệu quả nhưng chi phí thấp, phải tiết kiệm chi phí. Theo Chủ tịch Quốc hội, chúng ta tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, từ tài lực, nhân lực, vật lực là đúng, đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhưng sử dụng phải tiết kiệm, đúng mục tiêu, kể cả nguồn lực nhà nước và các nguồn lực xã hội chúng ta huy động. Ông Huệ lưu ý phải tính toán để xác định nội dung này là một trong những mục tiêu của kiểm toán trong năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị trong năm 2022, Kiểm toán cũng cần đánh giá việc thực thi chính sách các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, xem quy định có hợp lý không, tổ chức thực hiện thế nào, có đúng mục đích không? “Vừa rồi sử dụng nguồn lực rất nhiều nhưng đối tượng nào được hưởng? Cách thức sử dụng và mục tiêu sử dụng thế nào? Chính sách của chúng ta rất ưu việt nhưng quá trình thực thi có thể có những chính sách chưa phù hợp hoàn toàn, cần làm rõ để chúng ta còn rút kinh nghiệm. Quá trình thực hiện có trục lợi chính sách hay không thì phải chỉ rõ ra”, ông Huệ nêu.

Cần làm rõ mức tín dụng cho vay bất động sản, chứng khoán, ….

Đây là yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Tổng Kiểm toán Nhà nước. Ông Huệ nêu hiện tượng, nghi ngờ này tại phiên thảo luận về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2022 .

image002-1631631397.jpg
 

Báo cáo trước UB Thường vụ Quốc hội , Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, số lượng 181 cuộc kiểm toán dự kiến trong kế hoạch năm 2022 là mức tương đương, không tăng so với năm 2021. Ngành sẽ tập trung kiểm toán các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, cơ quan Trung ương có quy mô ngân sách lớn, tiềm ẩn rủi ro để chấn chỉnh, phòng ngừa và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách. Việc này nhằm phục vụ cho phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách năm 2021 của HĐND các tỉnh, thành và Quốc hội.

Trọng tâm kiểm toán năm sau còn là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm quốc gia, đồng thời tập trung kiểm toán các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, như công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 của Bộ Tài nguyên - Môi trường và các tỉnh, thành; công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2017-2021; việc thực hiện chính sách xã hội hóa theo Nghị định số 59 năm 2014, Nghị định số 69 năm 2008 của Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề.

Việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung cấp một số dịch vụ công ích giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn các tỉnh, thành; công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất nhập khẩu; quản lý, sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế; phát triển văn hóa, giáo dục; cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo và vệ sinh nước sạch nông thôn… cũng nằm trong dự kiến kiểm toán của năm 2022... cũng được đưa vào kế hoạch của năm 2022. 

Mục tiêu chung của kiểm toán 2022 vẫn phải lấy tăng cường củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lên hàng đầu. Cảnh báo việc nợ xấu có xu hướng tăng lên do tác động của tình hình dịch Covid-19, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nợ xấu cho vay BOT…

Thẩm tra nội dung báo cáo kiểm toán, UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước đặc biệt lưu ý các kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động để phục vụ các chuyên đề giám sát của Quốc hội về: "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021" và "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật quy hoạch được ban hành", bảo đảm chất lượng và thời gian các chuyên đề giám sát.  Nh để phóng to h

Cho ý kiến vào công tác kiểm toán năm 2022, Chủ tịch QH đặc biệt lưu ý, phải tập trung làm rõ cơ cấu và chất lượng tín dụng, làm rõ mức tín dụng cho vay bất động sản, chứng khoán, tín dụng tiêu dùng, xem có hay không việc dùng tín dụng tiêu dùng để kinh doanh bất động sản, chứng khoán.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nội dung khác cần làm rõ nữa là nợ xấu có xu hướng tăng lên do khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid - 19, nợ xấu cho vay BOT nhất là quốc lộ 1A xác định chính xác là bao nhiêu, rồi nợ đã xấu rồi mà chưa chuyển sang nhóm nợ xấu là bao nhiêu.

image003-1631631418.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh báo cáo con số 181 cuộc kiểm toán dự kiến thực hiện trong năm 2022.

Đáng chú ý, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ việc sử dụng quỹ dành cho cải cách tiền lương để chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, trong khi nguồn sử dụng cho cải cách tiền lương chưa đảm bảo. “Thẩm quyền, trách nhiệm như thế nào, phải làm rõ ra. Các đồng chí nói còn đủ nguồn để cải cách tiền lương nhưng ai chịu trách nhiệm về câu còn đủ nguồn ấy? Các đồng chí phải làm rõ cái này ra trong mục tiêu kiểm toán”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Còn về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội đánh giá đây là "vấn đề rất nóng khi Bộ Tài chính liên tục cảnh báo về trái phiếu doanh nghiệp".

Lãnh đạo Quốc hội cũng yêu cầu quan tâm việc phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản trong khi giải ngân đầu tư công rất thấp. Chủ tịch Quốc hội sốt ruột vì phát hành trái phiếu là phải trả lãi mà "tiền để đó không tiêu được". Ngoài ra, ông đề cập các vấn đề như việc sử dụng tồn ngân kho bạc nhà nước tạm ứng, cho vay, việc sử dụng quỹ dành cải cách tiền lương cho xây dựng cơ bản trong khi nguồn cho cải cách này còn chưa đảm bảo…..

Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh khẳng định sẽ tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của UB Thường vụ Quốc hội, trước khi kế hoạch kiểm toán của năm 2022 được trình ra Quốc hội.

"Vì sao sai phạm nhiều mà số vụ chuyển cơ quan điều tra lại ít"…?

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, tổng hợp sơ bộ đến 31.8.2021 đối với 91 báo cáo kiểm toán đã phát hành, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 52.095 tỉ đồng; hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 67 văn bản pháp luật .

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, 3 năm nay tỷ lệ thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước rất thấp, và đây là câu chuyện đã nói nhiều năm nhưng chưa có giải pháp. Cần báo cáo Quốc hội một danh sách rõ ràng về đơn vị nào không thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước”, bà Nga đề nghị

Một vấn đề khác, bà Nga cho rằng việc chuyển hồ sơ các vụ sai phạm cho cơ quan điều tra chỉ có 1 vụ trong 1 năm là ít. “Có biểu hiện thiên về xử lý hành chính và có biểu hiện nương nhẹ trong việc này”, bà Nga nhận định và đề nghị Kiểm toán Nhà nước lý giải "vì sao sai phạm nhiều mà số vụ chuyển cơ quan điều tra lại ít"..?

Phúc Trang


 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nong-cong-tac-kiem-toan-se-kiem-toan-nguon-luc-chong-dich-va-lam-ro-muc-tin-dung-cho-vay-bat-dong-san-chung-khoan-a253327.html