Cùng hành vi làm trái qui định phòng chống dịch và có động cơ trục lợi, vì sao các đối tượng bị khởi tố tội danh khác nhau?

(Pháp lý) – Thời gian qua, liên tiếp nhiều vụ việc vi phạm quy định trong phòng, chống dịch bệnh xảy ra ở nhiều địa bàn trên cả nước. Những vụ việc này đã gây ảnh hưởng đến công tác nỗ lực dập dịch của chính quyền và nhân dân. Đáng lên án hơn khi những đối tượng vi phạm lại là những cán bộ nhân viên được giao nhiệm vụ thừa hành các biện pháp phòng chống dịch, nhưng lại lợi dụng nhiệm vụ được giao, làm trái qui định để trục lợi. 

Tuy nhiên, theo dõi hai vụ nổi cộm gần đây, vụ cấp trái phép hồ sơ xe "luồng xanh" để trục lợi tại Hà Nội và vụ nhận tiền của dân để thông chốt tại Thái Bình, dư luận có băn khoăn thắc mắc: vì sao cùng hành vi làm trái các yêu cầu qui định của công tác phòng chống dịch và cùng có động cơ trục lợi nhận tiền, nhưng vụ ở Thái Bình thì các đối tượng bị khởi tố tội nhận hối lộ, còn vụ ở Hà Nội thì đối tượng lại bị khởi tố Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ ...? Có quan điểm cho rằng, phải khởi tố các bị can trong hai vụ này đều về tội nhận hối lộ mới đúng. Nhưng cũng ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng khởi tố các bị can về hai tội danh khác nhau là đúng. Sau đây, Pháp lý đăng tải bài phân tích và cũng là quan điểm riêng của tác giả Vũ Thủy xung quanh hai vụ án này. 

161-1630408990.jpg
 

Cấp trái phép hồ sơ xe "luồng xanh" và bất chấp qui định phòng dịch vẫn cho thông chốt....để trục lợi.

Mới đây, cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội vừa khởi tố bị can Hoàng Thị Thanh Nga, sinh năm 1976, trú tại Hà Nội tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Bị can Nga là chuyên viên của Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), được Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường hỗ trợ Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp thẻ luồng xanh và được giao một tài khoản để sử dụng cấp thẻ. Trong quá trình thực hiện công vụ, đối tượng đã sử dụng trái phép nhiều tài khoản và móc nối với một số đối tượng để thu gom các trường hợp, cá nhân, tổ chức muốn xin cấp thẻ luồng xanh, sau đó duyệt, cấp trái phép hồ sơ để thu tiền. Nga đã duyệt cấp hơn 1.700 hồ sơ xe ô-tô, nhận tổng số tiền hơn 220 triệu đồng bằng hình thức chuyển khoản.

Cũng trong khoảng thời gian này, ngày 28/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình cho biết, vừa khởi tố và bắt tạm giam 3 tháng đối với 2 cán bộ y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện Hưng Hà để điều tra về tội danh nhận hối lộ. Hai bị can gồm Phạm Việt Cường (29 tuổi) và Vũ Thị Lan (37 tuổi). 

Theo tài liệu điều tra, với vai trò là cán bộ y tế thuộc tổ liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 tại chốt cầu Triều Dương, Cường có nhiệm vụ kiểm tra giấy xét nghiệm đối với người ra vào tỉnh Thái Bình. Tại đây, Cường đã nhận số tiến 3,5 triệu đồng từ Nguyễn Trọng Đạt (37 tuổi, cán bộ của Công ty CP Tiên Hưng, cũng có trụ sở tại huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) để tạo điều kiện cho các công nhân của công ty Tiên Hưng chưa xét nghiệm Covid-19 được qua chốt vào tỉnh. Nhân viên y tế Vũ Thị Lan cũng nhận số tiền 5 triệu đồng của Nguyễn Duy Việt (38 tuổi, trưởng phòng hành chính nhân sự Công ty TNHH Thiên Sơn có trụ sở tại huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) để cho các công nhân công ty Tiên Sơn được qua chốt khi chưa có giấy xét nghiệm.

image002-1630409022.jpg
Các đối tượng bị bắt để điều tra về đưa - nhận hối lộ để qua chốt kiểm dịch.

Hai vụ có nhiều điểm tương đồng, nhưng có điểm khác nhau…..

Về khách thể của tội phạm, hành vi cấp trái phép hồ sơ xe “luồng xanh” để trục lợi và hành vi nhận tiền hối lộ để cho thông chốt không phải kiểm dịch...đều xâm phạm vào hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức nhà nước.. Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức khó lường và phức tạp, sự đồng lòng đoàn kết chống dịch của mỗi tổ chức, cá nhân làm nên sức mạnh chống dịch của toàn Đảng, toàn dân, là nhân tố quan trọng, góp phần vào “cuộc chiến” chống đại dịch của đất nước. Tuy nhiên lại có những cán bộ, nhân viên lợi dụng dịch bệnh, có hành vi sai trái làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc chiến chống dịch của cả hệ thống chính trị, gây ra nguy cơ làm phát tán, lây lan dịch bệnh. 

Về chủ thể, hai vụ việc trên đều có chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội trong khi thi hành công vụ. Cụ thể Hoàng Thị Nga trước khi bị bắt được giao đảm nhiệm chức vụ chuyên viên của Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về giao thông vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công về giao thông vận tải đường bộ. Trong bối cảnh dịch bệnh, sáng tạo “luồng xanh” ra đời giúp bảo đảm cung ứng và lưu thông hàng hóa tại các địa phương tiến hành giãn cách, bảo đảm hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống xã hội ở các khu vực thực hiện giãn cách. 

Đối với hai bị can bị khởi tố về tội nhận hối lộ là Phạm Việt Cường và Vũ Thị Lan đều là các cán bộ y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình), làm nhiệm vụ kiểm tra giấy xét nghiệm đối với người ra vào tỉnh. Hành vi của các bị can xuất phát là việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao phó để làm sai, làm trái với các quy định pháp luật, với lỗi cố ý trực tiếp nhằm thu lợi bất chính.

Theo quan điểm cá nhân người viết, tuy hai vụ trên có những điểm chung về mặt khách thể, chủ thể, chủ quan,  nhưng mấu chốt của vấn đề nằm ở sự khác nhau giữa hành vi khách quan của các bị can. Từ đó dẫn đến cấu thành tội danh khác nhau. 

image003-1630409046.jpg
Bị can Hoàng Thị Thanh Nga tại cơ quan công an

Về vụ  cấp giấy “luồng xanh” trái phép, bị can Nga đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được Tổng cục đường bộ Việt Nam, bị can tuy không vi phạm quy định về mặt thẩm quyền song trong quá trình giải quyết công việc, bị can đã vi phạm các quy định, quy chế được giao đối với công việc cấp giấy phép. Cụ thể, bị can Nga đã sử dụng trái phép nhiều tài khoản (theo quy định chỉ được sử dụng một tài khoản) và móc nối với một số đối tượng để thu gom các trường hợp, cá nhân, tổ chức muốn xin cấp thẻ luồng xanh, sau đó duyệt, cấp trái phép hồ sơ để thu tiền. Hành vi này là do tự bản thân bị can Nga thực hiện để hưởng lợi bất chính, không có sự tác động từ người khác. Bị can đã sử dụng nhiệm vụ được giao để làm sai mục đích, dùng chức vụ được giao để làm “phương tiện” thu về số tiền số hơn 220 triệu đồng bằng hình thức chuyển khoản. 

Còn trong vụ nhận hối lộ xảy ra ở tỉnh Thái Bình, theo yêu cầu phòng chống dịch bệnh, phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid thì người dân mới được ra-vào tỉnh, bị can Cường và Lan là hai cán bộ y tế phụ trách công việc kiểm tra giấy tờ. Tuy nhiên hai bị can đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao phó, trái lại đã nhận tiền của hai bị can đưa hối lộ (Việt và Đạt) để “lờ” đi những người chưa đủ điều kiện nhưng vẫn được qua chốt. Các bên đều được hưởng lợi, bên nhận tiền thì thu lợi bất chính, bên đưa tiền thì không phải mất thời gian, mất tiền xét nghiệm mà vẫn đạt được mục đích công việc. Việc làm của 2 bị can Lan và Cường có sự tác động từ phía bên đưa hối lộ để nhằm không thực hiện việc kiểm tra giấy xét nghiệm Covid đối với các công nhân của hai doanh nghiệp. 

Những dấu hiệu pháp lý tương đồng và khác nhau giữa hai tội danh 

Giữa hai tội danh Nhận hối lộ và tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ có các dấu hiệu pháp lý tương đồng và đặc trưng riêng như sau: 

Thứ nhất, khách thể của hai tội phạm là quan hệ xã hội bảo đảm cho sự hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội (trong hoạt động công vụ); lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Làm cho cơ quan, tổ chức này bị suy yếu, mất uy tín; làm cho Nhân dân mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước. 

Thứ hai, về chủ thể của hai tội phạm này đều là người từ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự và có dấu hiệu chủ thể đặc biệt. Người phạm tội phải là người có chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. 

Thứ ba, về mặt chủ quan, hai tội danh đều được thực hiện với lỗi cố ý trực. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là trái công vụ, biết được hành vi đó sẽ gây thiệt hại về tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nưng vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà có ý thức mong muốn cho hậu quả xảy ra. 

Ngoài ra, động cơ của cả hai tội đều là dấu hiệu bắt buộc, đó là động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Trong đó, động cơ vụ lợi là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng. Động cơ cá nhân khác có thể là củng cố địa vị, uy tín hoặc quyền lực cá nhân của người phạm tội. 

Mặc dù có nhiều dấu hiệu tương đồng nêu trên, song Tội nhận hối lộ (Điều 354) và Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356) vẫn có những dấu hiệu đặc trưng riêng. Cụ thể: 

Về hành vi khách quan: hành vi khách quan của Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ là dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái công vụ. Nghĩa là người phạm tội sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình được giao để làm “phương tiện” phạm tội. Người phạm tội không cần sử dụng thêm bất cứ hành vi, thủ đoạn nào trong khi thi hành công vụ bởi về bản chất họ đã được giao thực hiện các công việc đó nhưng hành vi của họ là trái công vụ. Dấu hiệu của tội này là gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi với các hành vi nhận tiền, hiện vật hoặc lợi ích vật chất khác.

Trong khi đó, hành vi khách quan của Tội nhận hối lộ là lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kì hình thức nào theo quy định của BLHS. Ngoài ra, còn có những hành vi khác như “sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt” của tội nhận hối lộ. Sách nhiễu là việc người nhận hối lộ có thái độ vòi vĩnh, gây khó khăn cho người khác để đòi tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất, phi vật chất. Dùng thủ đoạn xảo quyệt là người nhận hối lộ có mánh khóe, thâm hiểm, cách thức gian dối làm cho người khác hoặc người đưa hối lộ khó lường thấy được để đề phòng, dễ bị lừa hoặc nếu biết cũng không thể đối phó được. Dấu hiệu bắt buộc của tội nhận hối lộ là phải có sự thỏa thuận trước giữa người nhận và người đưa hối lộ về của hối lộ cũng như về việc làm có lợi cho người đưa hối lộ.  

Đối với Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, người phạm tội tự cho mình quyền quyết định các công việc công quyền, không chịu tác động của chủ thể nào, xuất phát từ động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác (năms quyền chủ động). Còn Tội nhận hối lộ phải có sự tác động của bên trung gian hoặc bên đưa hối lộ, thúc giục người phạm tội thực hiện hoặc không thực hiện một công việc nào đó vì lợi ích hoặc theo hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. 

***

Từ những phân tích trên, theo quan điểm cá nhân người viết, tuy hai vụ trên có những điểm chung về mặt khách thể, chủ thể, chủ quan,  nhưng mấu chốt của vấn đề nằm ở sự khác nhau giữa hành vi khách quan của các bị can. Từ đó dẫn đến cấu thành tội danh khác nhau. Do đó, các cơ quan chức năng khởi tố các bị can trong hai vụ án trên về hai tội danh khác nhau là đúng.

Xung quanh hai vụ án này, hiện chúng tôi thấy có một số quan điểm trái chiều. Nhiều ý kiến băn khoăn thắc mắc: vì sao cùng hành vi làm trái các yêu cầu qui định của công tác phòng chống dịch và cùng có động cơ trục lợi nhận tiền, nhưng vụ ở Thái Bình thì các đối tượng bị khởi tố tội nhận hối lộ, còn vụ ở Hà Nội thì đối tượng lại bị khởi tố Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ ...? Có quan điểm cho rằng, phải khởi tố các bị can trong hai vụ này đều về tội nhận hối lộ mới đúng. Nhưng cũng ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng khởi tố các bị can về hai tội danh khác nhau nêu trên là đúng. Pháp lý sẽ tiếp tục đăng tải các bài phân tích tiếp theo về hai vụ án này.


Vũ Thủy

 


 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/cung-hanh-vi-lam-trai-qui-dinh-phong-chong-dich-cung-co-dong-co-truc-loi-vi-sao-cac-doi-tuong-bi-khoi-to-toi-danh-khac-nhau-a253181.html