Đoàn chi viện Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng Trung ương: Chúng ta đi, hết dịch mới về

(Pháp lý) – Ngày xưa, cha ông chúng ta đi chiến đấu đã yêu thương đùm bọc nhau trong chiến trận, ngày nay con cháu của các cha ông lại vào trận chiến chống giặc Covid 19 giữa thời bình mà cũng lo lắng và giúp đỡ nhau có khác gì chiến tranh… Một cuộc chiến không tiếng súng, vẫn thầm lặng như những chiến sĩ trinh sát, vẫn mạnh mẽ như chiến sĩ đặc công…

Tâm tình người điều dưỡng

Trong đoàn công tác 36 người được phân công vào Bệnh viện dã chiến số 2, TPHCM chống dịch covid 19 của Bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng Trung ương (Viện B), thì 26 thành viên là nữ và 26 thành viên là điều dưỡng.  Công việc đặc thù và cơ cấu sắp xếp nhân lực cho từng khu vực điều trị có yêu cầu khác nhau, trong đó riêng khu 4B – 5B – 6B chỉ được bố trí 9 điều dưỡng làm tất cả các việc để chăm sóc, y lệnh điều trị cho bệnh nhân và cả người nhà đi cùng. 

Thật sự phải thấy được quyết tâm của các điều dưỡng khu 4-5-6 B (trong đó khu 4B là khu bệnh nhân Covid 19 nặng và hậu hồi sức). Khi chỉ có 9 điều dưỡng chăm sóc cho 350 người bệnh, chưa kể người nhà đi cùng từ thở ô xy, y lệnh thuốc điều trị hàng ngày, thuốc cấp cứu, nhập thuốc vào máy tính, phần mềm, lĩnh thuốc. Chưa kể việc lo lấy thức ăn ngày 3 lần, từ bữa sáng, trưa và tối rồi chia cơm từng tầng cho đến sữa của em bé 4-5 tháng tuổi như sữa, bỉm… Việc cứ như con thoi lại mặc đồ bảo hộ kín mít nên khi xuống phòng trực người nào cũng rã rời, quần áo ướt đẫm mồ hôi. 

Vẫn chưa xong, khi hàng ngày những điều dưỡng này còn phải 5 lần đo Spo2  mới thấy thời gian trôi đi quá nhanh, có hôm không nhớ đến giờ ăn. Nhiều bữa khi vừa bê cơm lên ăn thì lại phải bỏ xuống để chạy đi xin cơm, xin cháo cho các bệnh nhân mất phần ăn vì người khác ăn nhiều hơn lấy mất. Bởi một số người ăn một phần ăn không đủ nhưng ngại không báo thêm cơm và lấy luôn phần ăn của người khác. Vì vậy mà các điều dưỡng lại phải lật đật chạy đi xin cơm, xin cháo nơi hậu cần. Nhiều khi phải năn nỉ với tâm nguyện làm sao xin được cơm về cho người bệnh để họ không mất bữa.

Trưởng điều dưỡng khu 4B Nguyễn Thị Dung, kể: “Có cặp vợ chồng già ăn chay, nhìn cụ bà đút cho cụ ông ăn mà thương quá. Cụ bà còn đề nghị: “Hai vợ chồng tui chỉ ăn một suất thôi nha, để dành cho những bệnh nhân khác, thành phố mình đang khó khăn quá trời…”. Thấy vậy, tôi trấn an: “Hai cụ cố gắng ăn đúng khẩu phần đi, phải ăn để còn uống thuốc mới khỏi được”. Cụ bà rưng rưng đưa tay quệt nước mắt nói: “Được hả bác sĩ (?)”. Lời nói của cụ làm bản thân mình nghẹn lòng, trả lời: “Được cụ ạ. Cụ không lo thiếu phần ăn, thành phố sẽ cung cấp đủ hết, không ai mất bữa cụ ạ!”.

Đáp lời cụ mà điều dưỡng Dung nhanh chóng rời khỏi phòng vì cuộc sống trong phòng bệnh Covid 19 khác biệt lắm. Khó có thể nói hết, nó xen lẫn lo toan là cả yêu thương.

Còn điều dưỡng Đặng Thị Biền tâm sự: “Nhiều bệnh nhân khỏe hơn của khu 4B ra đề nghị để giúp các bác sĩ giảm áp lực là xin nhận phần chia cơm, rồi hỗ trợ chuyển bình ô xy, gọi điện báo cấp cứu hộ những bệnh nhân già, bệnh nhân không có người thân đi cùng. Thương các bệnh nhân lắm vì bệnh nhân Covid 19 đã vào khu này thường là bệnh nhân có triệu chứng, đặc biệt là khó thở, mà hoạt động thì càng khó thở thêm. Giúp bác sĩ kéo bình ô xy to tướng mà mũi miệng thi nhau thở, vậy nhưng vẫn luôn miệng trả lời không có sao. Nhiều bệnh nhân Covid 19 đưa vào đây điều trị ban đầu la hét, hoảng loạn và tuyệt vọng. Vì vậy mà chúng em phải luôn động viện, an ủi, có khi cả đêm nhắn tin trả lời thắc mắc của bệnh nhân để họ an lòng”.

Cô điều dưỡng trẻ nhất đoàn Doãn Thi Phương (sinh năm 1998) thì thỏ thẻ: “Em quyết tâm theo đoàn ta chống dịch cho đến khi hết dịch mới về, sợ gì Covid. Em chỉ sợ mấy cái van ô xy chặt quá không vặn ra được thôi. Thế mới biết trong cuộc chiến sự quyết tâm của con người ta còn mạnh mẽ hơn thể chất rất nhiều. Cũng vì sự đau đáu trong bản thân khi cảnh người bệnh đang đấu tranh tư tưởng để giành giật sự sống cho mình”.

131-1630393118.jpg
 

 

133-1630393184.jpg
Điều dưỡng Biền và điều dưỡng Phương đang chăm sóc bệnh nhân Covid 19

 

Hàng ngày, nhìn các em kết thúc ca làm việc, cởi bỏ bảo hộ mà đau lòng lắm, quần áo ướt đẫm, tóc tai bơ phờ, mặt hằn nếp khẩu trang và bàn tay nhợt nhạt, nhăn nheo vì ngâm trong mồ hôi nhiều giờ. Tiếng điện thoại của gia đình, tiếng con thơ trong trẻo nhớ mẹ mà nét mặt các em quên đi mệt nhọc. Tiếng các con quê nhà nhắc mẹ sao mẹ không trả lời con, sao mắt mẹ ướt, sao mẹ không chải đầu, ai làm mẹ ướt áo… mới thấy tình yêu thương vượt qua mọi ngăn cách. Trót yêu nghề y, trót làm điều dưỡng nơi tuyến đầu chống dịch covid 19 nên các điều dưỡng đã cố gằng hàng ngày, từng giờ lao vào công việc để mong những bệnh nhân Covid 19 sớm được về nhà. Cứ cho ra viện một bệnh nhân, lòng lại thêm hy vọng sớm dập tắt dịch bệnh cũng như mong sớm được trở về với gia đình yêu thương nơi quê nhà.

Kéo bình ô xy lục cục trên nền nhà không khác gì kéo quả bom hết, nguy hiểm vô cùng. Song vì người bệnh khó thở mà quên cả sợ. Điều kiện dã chiến thiếu thốn thì làm gì có đủ xe chuyển ô xy như ở nhà. Nhìn các nữ điều dưỡng thấp hơn cả bình ô xy to mà cứ xô đẩy từng tý một mới thấy khí chất của trái tim người con gái điều dưỡng. Có những bình ô xy van vặn quá chặt, các nữ điều dưỡng phải đánh đu lên cái mỏ lết để mở mà quên cả nguy cơ nó đổ bình...

Cuộc gọi đầy nước mắt

Ts. Bs Lê Ngọc Hải nói với phóng viên: “Một giờ sáng, bệnh nhân khu mình phụ trách gọi điện trình bày trong nước mắt: “Bác sĩ ơi cứu giúp, cả nhà em bị cả rồi, các cháu còn nhỏ lắm cùng với mẹ già... bác sĩ cứu giúp. Từng giọng nói ngắt quãng bởi tiếng nấc của bệnh nhân, họ đang hoang mang, người đàn ông trụ cột trong gia đình, chỉ biết cầu cứu sự giúp đỡ từ y tế”. Cổ họng mình ngẹn ứ vài phút mà không thể trả lời được, tưởng tôi từ chối, người bệnh nhân lại tiếp tục cầu xin: “Xin bác sĩ đồng ý nhận. Vì bác sĩ không nhận thì người ta không cho chuyển vô được”. Lúc này, tôi mới nói: “Anh báo hotline nói tôi đồng ý nhận”.

Vị bác sĩ cố gắng để kìm nén xúc động: “Mình trả lời bệnh nhân mà như đang trả lời cho chính gia đình của mình. Hình ảnh thơ ngây của các con ở quê nhà làm tôi đứng rất lâu bên cửa sổ phòng trực. Giữa tâm dịch, những người chiến sĩ áo trắng quên cả khái niệm thứ ngày, thời gian chỉ còn là khái niệm trình tự. Tôi ao ước nghe tiếng các con líu lo, thèm cả cảnh chúng tranh giành kể tội nhau như anh Bờm không nhường em gì cả tới em Tý cứ ngồi lên lưng Bờm. Cuộc sống bình yên là mơ ước của bao gia đình mà giờ đây nó như điều gì đó xa xỉ... bao gia đình chỉ mong an toàn mà thôi”.

Cũng theo vị bác sĩ này: “Khi nhìn cháu bé - con của bệnh nhân thơ ngây cùng cả gia đình 8 người vào cùng một phòng bệnh mà xót xa lắm.  Bà cụ tuổi cao nằm bẹp và khó nhọc khi thở nhưng thấy tôi bước vào trong trang phục bảo hộ kín mít, bà cụ định ngồi dậy chào. Tôi vội nhắc: “cụ cứ nằm cho đỡ mệt, nên nằm sấp cho dễ thở hơn”. Sau đó kiểm tra SpO2 93%, sốt nhẹ là tôi rất mừng. Cầu mong cho cụ tiến triển tốt để cai ô xy”.

Vị bác sĩ này còn cho biết thêm, lúc đầu cả nhà trong trạng thái căng thẳng đủ hiểu mức độ nguy hiểm khi nhiễm covid 19 này. Sau khi điều chỉnh phác đồ điều trị, theo kháng sinh tiêm, chống đông, hạ sốt, chống viêm, thở ô xy... Đến sáng hôm sau đi kiểm tra lại thấy bệnh nhân đã tỉnh táo, không sốt, không phải thở ô xy. Bà cụ tươi tỉnh cảm ơn bác sĩ, cháu bé ngủ ngon lành, người đàn ông trụ cột rơm rớm nước mắt không nói nên lời.

Hạnh phúc trong trận chiến chống giặc Covid 19 đôi khi đơn giản chỉ là thấy bệnh nhân tươi tỉnh trở lại, giản đơn và thuần khiết.

134-1630393247.jpg
                      Bác sĩ xách máy tạo ô xy đi cấp cứu bệnh nhân covid 19

Đoàn kết trong tâm dịch

Ở bất cứ thời đại nào, mặt trận nào thì sự đoàn kết luôn là sức mạnh to lớn để vượt qua mọi khó khăn gian khổ, từng bước tiến tới giành thắng lợi, đạt được chiến thắng và vinh quang trở về. 

141-1630393352.jpg

 Bí thư Thành ủy Sầm Sơn Lương Tất Thắng tặng hoa động viên đoàn y bác sỹ lên đường chống dịch

Từ sâu thẳm trong hai từ “đoàn kết” là sức mạnh, là tình người và cả sự trân quý. Trong tiếng Việt, đoàn kết có nghĩa là hội tụ lại, họp lại một cách hiệu quả, “Kết thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung” không chia rẽ. Bác Hồ của chúng ta đã rất chú trọng về vấn đề đoàn kết, đặc biệt là đoàn kết nội bộ, đoàn kết dân tộc. Tư tưởng của Bác về Đại đoàn kết là một hệ thống, nguyên tắc giáo dục, tập hợp sức mạnh rộng rãi mọi tầng lớp trong xã hội, phát huy sức mạnh dân tộc mang tầm quốc tế. Đại đoàn kết là chiến lược quyết định sự thành công.

142-1630393378.jpg

         Giám đốc bệnh viện B Nguyễn Văn Chi tặng hoa động viên đoàn 

Vì vậy, khi giặc Covid 19 tấn công Miền Nam, phát huy truyền thống dân tộc trong đoàn kết, tương thân tương ái, Đoàn Y Bác sĩ của Bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng Trung ương (Viện B) đã vào tâm dịch, sẵn sàng hy sinh vì trận chiến không tiếng súng này. “Trận chiến chống giặc Covid-19”, quyết tâm không để “môi hở răng lạnh”, chia sẻ mọi khó khăn và cùng các đồng nghiệp là những chiến sĩ áo trắng không quản ngày đêm diệt giặc Covid 19. Khẳng định lời bác Hồ đã dặn: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.”Chúng ta đều chung một tổ tiên dòng họ, đều là ruột thịt anh em… Không ai có thể chia rẽ con một nhà… Không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta”. 

Để khẳng định thêm một lần nữa về lời Bác dặn, Toàn đoàn Y Bác sĩ của Viện B đã tương trợ giúp đỡ nhau để hoàn thành công việc, khái niệm chia tách đã không còn, mọi sân si đều buông bỏ, nhanh chóng tiếp thu ý kiến phản hồi từ đồng đội, phản ánh ngay lên chỉ huy để có chỉ thị kịp thời và ngay lập tức, đúng tính chất của người ra trận “Y lệnh như quân lệnh”. 

Trưởng đoàn, BSCK1 Ngọ Viết Chung đã tổ chức sắp xếp cho một đội tham gia chăm sóc bệnh nhân tại khu hồi sức cấp cứu do điều dưỡng Cao Văn Vương phụ trách; khu điều trị bệnh nhân nặng – hậu hồi sức do TS.BS. Lê Ngọc Hải phụ trách; khu điều trị chung cho các bệnh nhân nhiễm covid 19 không triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ do BSCK1 Nguyễn Mạnh Linh phụ trách. 

Toàn đoàn giao chức trách nhiệm vụ và giao luôn quyền chỉ huy cho từng tổ đội, nhanh chóng tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân, giữa an toàn cho chính cán bộ tham gia điều trị. Tuân thủ tuyệt đối quy trình – quy định mặc – cởi bỏ bảo hộ phòng dịch. 

Sau 3 ngày vào tâm dịch, các điều dưỡng đã nhanh chóng cùng nhau góp ý cho chỉ huy đoàn về bố trí quân số, sắp xếp nhân sự tại khu điều trị để hỗ trợ chị em trong trực. Trước những khó khăn thực sự, nguy hiểm thường trực đã xuất hiện những tư tưởng né tránh, nhưng anh chị em trong đoàn với quyết tâm hoàn thành công việc được giao, đẩy lùi tư tưởng ngại khó ngại khổ. Sự đoàn kết đã nhắc nhở nhau cùng gương mẫu trong công việc, đi buồng hàng ngày và sẻ chia công việc với anh chị em trong đoàn. Các bác sĩ mỗi người nhận luôn 5 phòng bệnh để phụ trách điều trị, người thì nhận luôn khu điều trị chung. 
Các nữ điều dưỡng sụt xịt xin để toàn bộ chị em làm chung để chúng em hỗ trợ nhau… mỗi người một việc, khó khăn nhanh chóng qua đi. Có điều dưỡng đề nghị với trưởng đoàn nếu cơm đưa để phát cho bệnh nhân mà đến muộn thì xin ở lại để đưa hết cơm rồi lại viện luôn. Có điều dưỡng nhận việc đảm nhận vận chuyển bình ô xy cho toàn khu điều trị bệnh nhân nặng – hậu hồi sức. Có điều dưỡng nhận luôn công việc đầy rủi ro nhất là kiểm soát nhiễm khuẩn. Mỗi người một công việc mà không quản thời gian, nhiều hôm làm thông tầm vì chưa kịp lên thuốc vào máy sợ bệnh nhân không có thuốc điều trị. Cuốn vào công việc, mọi khái niệm sân si – sợ sệt đã rơi rụng, ai cũng nhận thấy giá trị và nhiệm vụ của mình phải làm, phải đóng góp và cống hiến.

143-1630393408.jpg

Các y bác sĩ trong những giây phút hiếm hoi được chụp ảnh cùng nhau sau nhiều ngày tham gia vào công tác cứu chữa bệnh nhân Covid 19

 

Nói về việc này, Trưởng đoàn, BSCK1 Ngọ Viết Chung nhấn mạnh: “Khi chúng ta tự nhận nhiệm vụ, tự chọn công việc, tôn trọng lẫn nhau, tương trợ giúp đỡ nhau và quan trọng trong trận chiến là tuân thủ hiệu lệnh chỉ huy sẽ mang lại sự thoải mái về tư tưởng, hiệu quả sức mạnh của trận chiến là cao nhất. Toàn đoàn viện B quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, tạo vùng xanh an toàn mới về. Thế mới biết sự đoàn kết trong nội bộ - trong toàn đội ở bất kỳ trận chiến nào điều là then chốt quyết định sự thành công, là sức mạnh và đó mới là khải hoàn thực sự. Chỉ có lâm trận mới hay quân tướng thế nào, đoàn kết là sức mạnh vô địch”.

Trần Hơn (Thực hiện)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/doan-chi-vien-benh-vien-dieu-duong-phuc-hoi-chuc-nang-trung-uong-chung-ta-di-het-dich-moi-ve-a253178.html