Ba cơ hội hợp tác giúp kinh tế châu Á phục hồi sau đại dịch Covid-19

Theo chuyên gia WB, các quốc gia châu Á cần hợp tác triển khai vắc-xin, phục hồi các lĩnh vực kinh tế trọng tâm và hội nhập chặt chẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường, tác động sâu sắc, mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội và đời sống người dân toàn cầu. Tác động của đại dịch đã làm bộc lộ gay gắt hơn những vấn đề mà châu Á đang phải đối mặt như khoảng cách phát triển về thể chế, hạ tầng, công nghệ; các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống... Hơn thế nữa, đại dịch đã làm thay đổi sâu sắc cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội.

6-1630375284.jpg
Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Nguồn: blogs.worldbank.org

Trong khi đang căng mình trong cuộc chiến với SARS-CoV-2, nhiều quốc gia trên thế giới đồng thời phải tính đến kịch bản phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Bà Victoria Kwakwa là Phó Chủ tịch Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) từ tháng 4/2016. Trước khi được bổ nhiệm, bà là Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Bà đã có bài chia sẻ những giải pháp để phục hồi kinh tế các khu vực Đông Á và Thái Bình Dương trong kỷ nguyên hậu Covid-19. 

"Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm đòi hỏi tất cả các nước cần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng vượt qua đại dịch. Hợp tác khu vực về cơ bản có thể đẩy nhanh sự phục hồi ở Đông Á và Thái Bình Dương", bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh.

Theo bà, có ba cơ hội rõ ràng để hợp tác.

Thứ nhất là hợp tác kết thúc đại dịch.

Khu vực châu Á có thể kết hợp cùng nhau trong việc sản xuất và triển khai vắc-xin. Hợp tác để nguồn cung và nguồn cầu kết nối tốt hơn, với mục tiêu phân phối vắc-xin đến nơi sử dụng tối ưu. Ngoài ra, tinh thần hợp tác này có thể được mở rộng cả đến các nguồn cung cấp thiết yếu khác, như thiết bị bảo hộ cá nhân, khẩu trang và bộ dụng cụ xét nghiệm.

Các nỗ lực cũng có thể được thực hiện để mở rộng kiến ​​thức và chia sẻ thông tin, tập trung vào các phương pháp tốt nhất để ngăn chặn, kiểm tra và truy vết. Sự hợp tác như vậy có thể được xây dựng dựa trên các cơ chế khu vực hiện có, chẳng hạn như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Nỗ lực chấm dứt đại dịch càng rộng thì toàn bộ khu vực càng sớm có thể mở cửa trở lại.

Thứ hai, hợp tác phục hồi các lĩnh vực kinh tế trọng tâm.

Nghèo đói đã tăng vọt ở Châu Á Thái Bình Dương kể từ đầu năm 2020 khi hầu hết các lĩnh vực và công nghiệp, đặc biệt là du lịch, phải gánh chịu tác động nặng nề. Các chính phủ đã tăng cường triển khai gói hỗ trợ tài chính và chương trình bảo trợ xã hội, nhưng những nỗ lực này không đạt được hiệu quả khi nền kinh tế liên tiếp phải vật lộn đối phó với những đợt dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Một khi dịch bệnh được kiểm soát, các quốc gia có thể xem xét “bong bóng du lịch” để phục hồi ngành du lịch, khách sạn và hàng không. Và một khi sự phục hồi diễn ra mạnh mẽ, những nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động có thể nhập khẩu lao động từ các nước láng giềng.

Tuy nhiên, những công việc như vậy sẽ phụ thuộc một phần vào cơ sở hạ tầng. Trong khi đầu tư công chỉ giảm nhẹ, sự tham gia của tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Đông Á - vốn đã thấp so với các khu vực khác (ở mức 2% so với mức trung bình 20% đối với các nước đang phát triển trên toàn cầu ngoại trừ Trung Quốc) - đã giảm 75% vào năm 2020 so với năm trước. Trong tương lai, chúng ta sẽ cần sự cam kết mạnh mẽ từ cả khu vực nhà nước và tư nhân để mở rộng cơ sở hạ tầng bền vững.

Ngoài cơ sở hạ tầng cứng, khu vực còn có tiềm năng to lớn là kết hợp giải pháp dựa vào thiên nhiên. Đây là những hành động nhằm bảo vệ, quản lý bền vững và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên- như rừng, rừng ngập mặn và đất ngập nước - để mang lại lợi ích về khí hậu, phúc lợi dân sinh và đa dạng sinh học.

Thứ ba, hội nhập vào dòng chảy thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đầu đại dịch, người ta đã nói nhiều về sự gián đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu, do nhập khẩu bị gián đoạn và tình trạng thiếu hụt. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, việc hội nhập chặt chẽ vào các chuỗi giá trị toàn cầu sẽ tăng tính chống chịu của các nền kinh tế Đông Á trong đại dịch. Sự phục hồi hậu Covid của châu Á sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng duy trì thương mại và đầu tư cả trong nội khối cũng như với các khu vực bên ngoài thông qua cải cách. Có thể kể đến như Indonesia với cải cách cơ cấu thương mại và đầu tư, hoặc Philippines đã tăng cường ưu đãi thuế và đang xem xét tự do hóa bán lẻ.

Trong nhiều thập kỷ qua, châu Á đã vững vàng vượt qua không ít khủng hoảng, suy thoái, thảm họa thiên nhiên, vươn lên trở thành một động lực rất quan trọng của kinh tế toàn cầu. Nếu các quốc gia có thể nhanh chóng tiến tới hợp tác trong việc cung cấp và phân phối các vật tư y tế quan trọng, triển khai các biện pháp phục hồi nền kinh tế và các chính sách hội nhập sâu rộng hơn, thì phần lớn niềm tin quốc tế đã mất đi trong đại dịch có thể được khôi phục. Và Đông Á và Thái Bình Dương có thể duy trì vị trí xứng đáng của mình với tư cách là một trong những khu vực năng động, sáng tạo và kết nối với nhau nhất trên thế giới.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/ba-co-hoi-hop-tac-giup-kinh-te-chau-a-phuc-hoi-sau-dai-dich-covid-19-a525919.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/ba-co-hoi-hop-tac-giup-kinh-te-chau-a-phuc-hoi-sau-dai-dich-covid-19-a253170.html