Tác động tiêu cực của đại dịch COVID 19- Bài 1: Đời sống, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đến tháng 6/2020, có 7,8 triệu lao động mất việc, phải nghỉ luân phiên, giãn việc. Cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19, bao gồm những người bị mất việc làm, nghỉ giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Theo một nghiên cứu được thực hiện tại 9 tỉnh, thành phố và qua khảo sát Onile cho thấy, gần 70% người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng việc làm. Cụ thể, 38,9% bị giãn việc/nghỉ việc luân phiên; 26,4% bị ngừng việc tạm thời; 2,3% bị cách ly y tế. Theo Tổng cục Thống kê, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành Dịch vụ - ăn uống có tỷ trọng lao động bị mất việc, bỏ việc rất cao, chiếm gần 20% tại mỗi ngành. Còn Bộ LĐTB&XH ước tính, trong quý II/2020, sẽ có trên 250 nghìn lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm. Mức độ ảnh hưởng lớn nhất là ở các tỉnh, thành phố tập trung nhiều công nhân lao động như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Đến tháng 6 năm 2020, cả nước có 478.942 NLĐ nộp đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (bằng 111,7% so với cùng kỳ năm 2019). Tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp là 343.376 người (tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2019). 

71-1630118324.jpeg
  Đại dịch COVID khiến đời sống, việc làm của NLĐ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh minh họa

NLĐ bị ảnh hưởng nặng nề nhất thuộc 2 nhóm ngành Giao thông - vận tải và Du lịch  dịch vụ. Tỉ lệ bị giãn, ngừng việc/nghỉ việc luân phiên hoặc bị điều chuyển sang công việc khác lần lượt là 88,8% và 84,2%. Nhóm NLĐ bị ảnh hưởng nhiều thứ hai bao gồm Giáo dục, Thương mại tài chính, Nông - lâm - thủy sản và Dệt may- da giầy. Tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trực tiếp chiếm trong khoảng từ 50% đến 65 %. Mặc dù tình hình dịch bệnh nguy cơ cao, nhưng Y tế lại là ngành bị ảnh hưởng thấp nhất, chỉ 40,8% NLĐ bị tác động.

Cụ thể, dưới các lệnh cấm và hạn chế đi lại, người lao động của ngành Giao thông - vận tải này bị ảnh hưởng sớm nhất, rõ rệt nhất. Đặc biệt, với những lao động phải vay mượn để đầu tư phương tiện vận tải phục vụ việc vận chuyển hành khách... thực sự lâm vào khó khăn lớn do công việc bị ngưng trệ, trong khi vẫn phải trả các khoản vay. Đặc biệt là vận tải hàng không, 10.000 nhân viên phải nghỉ việc. Ngành đường sắt, đường bộ, hàng hải cũng rơi vào tình trạng cũng tương tự.

Với ngành du lịch- dịch vụ, ngay từ tháng 1/2020, với các thông tin về dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc và sự xuất hiện các ca bệnh ở Việt Nam, lượng khách du lịch đã sụt giảm nghiêm trọng đến 80% - 90%. Không có khách kéo theo hệ lụy 84,2% người lao động của ngành này bị giãn, ngừng việc tạm thời hoặc luân phiên làm việc. Bên cạnh đó, do đặc thù ngành nghề, trong quá trình làm việc phải tiếp xúc với đa dạng đối tượng, nên tỉ lệ NLĐ bị ảnh hưởng và phải cách ly chiếm 2,8% (chỉ sau ngành y tế: 3,2%). Theo thống kê, hàng trăm nghìn lao động trong ngành dịch vụ - lưu trú và ăn uống bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tỷ trọng lao động bị mất việc, bỏ việc trong ngành chiếm tỉ lệ khoảng hơn 20%.

Do ảnh hưởng của dịch, một số DN cho NLĐ bắt đầu nghỉ việc từ ngày 28/3 không có lương. Không có tiền, NLĐ phải xin việc đi làm thêm để xoay sở, làm thêm kiếm sống. Một số NLĐ chia sẻ thêm, khi quá khó khăn, họ đã phải huy động, vay mượn, nhờ sự trợ giúp của người thân, bạn bè. Thậm chí một số người phải tìm đến nguồn vay “tín dụng đen” để trang trải cuộc sống.

Với ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, có khoảng 1,2 triệu lao động bị ảnh hưởng. Tỷ trọng lao động bị mất việc, bỏ việc cũng giống như ngành dịch  vụ, chiếm tỉ lệ khoảng 20%

Mặc dù tỷ lệ bị ảnh hưởng chung của khối giáo dục là 65,1% nhưng với riêng giáo dục ngoài công lập, đặc biệt là giá dục mầm non, gần như 100% NLĐ nghỉ việc, giảm thu nhập từ 90 - 100%. Riêng khối mầm non là hơn 30.000 lao động đang bị ngừng việc. Đáng nói, hình thức, điều kiện làm việc ngành Giáo dục thay đổi căn bản đến trên 90%, từ việc giảng dạy trực tiếp sang giảng dạy online. Giáo viên phải làm việc nhiều hơn. Nếu như trước đây, giảng dạy trực tiếp, soạn bài giảng mang tính tổng quát, kết hợp trao đổi làm rõ vấn đề với người học trong quá trình giảng dạy. Thì nay, phải dành nhiều thời gian soạn bài giảng kỹ hơn, chi tiết, cụ thể hơn. Cùng với đó là gặp khó khăn về tâm lý giảng dạy. Khó kiểm soát và theo dõi được chất lượng học tập.

Lao động ngành Y tế bị ảnh hưởng ít nhất là do số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm đi rất nhiều. Thêm vào đó, tại cao điểm dịch  Covid-19, hầu hết các bệnh viện (trung ương) đều hạn chế tiếp đón và khám bệnh đối với những ca bệnh nhẹ nhằm phòng tránh lây nhiễm chéo; đồng thời tiến hành phân tuyến điều trị ở địa phương, cấp phát thuốc để bệnh nhân tự điều trị tại nhà. Bên cạnh đó, tâm lý e ngại đến bệnh viện cũng khiến lượng bệnh nhân sụt giảm đáng kể. Chỉ những lao động ngành y tại các cơ sở khám chữa bệnh được chỉ định là nơi cách ly, sàng lọc, khám chữa cho bệnh nhân Covid-19 mới bị ảnh hưởng theo hướng gia tăng khối lượng công việc.

Trong tổng số người bị ảnh hưởng (17,6 triệu người), có 57,3% bị giảm thu nhập. Lao động khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất với 72%; tiếp đến là 67,% khu vực công nghiệp; 25,1% khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản. Số lao động bị mất việc làm trong 6 tháng đầu năm khoảng 1,4 triệu người, trong đó lao động mất việc làm do các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất là gần 900.000 người.

Về số lượng, gần 50% NLĐ bị giảm lương cơ bản, tập trung ở khối DN ngoài nhà nước. Cụ thể, 80,4 % NLĐ trong ngành Giao thông - vận tải bị giảm lương. Tỷ lệ giảm nhiều thứ hai là ngành Du lịch- Dịch vụ, với 77,6% lực lượng lao động. Các nhóm ngành Thương mại- tài chính, Nông - lâm - thủy sản và Dệt may - da giày có tỷ lệ bị giảm lương trên dưới 50%. Một ngành có tỷ lệ thâm dụng lao động lớn là Điện - điện tử, chỉ 36,6% NLĐ bị giảm lương. Tỷ lệ này cũng ngang bằng với ngành Giáo dục.

Thông thường, tỷ lệ giảm đóng BHXH tỷ lệ thuận với tỷ lệ giảm tiền lương và thu nhập. Mục 1.1.2 cho thấy có gần 50% NLĐ bị giảm lương với mức giảm từ 20 – 70%, trong khi tỷ lệ giảm đóng BHXH chỉ ghi nhận là 15,3%. Điều này cho thấy sự thiếu thông tin, hoặc hiểu biết chưa đầy đủ của NLĐ về chế độ bảo hiểm liên quan đến các biện pháp can thiệp về quan hệ lao động trong dịch Covid-19. Nhóm nghiên cứu cho rằng đối với những trường hợp phải nghỉ từ 14 ngày trở lên trong tháng chắc chắn sẽ không được đóng BHXH (thậm chí cả BHYT) theo đối tượng có quan hệ lao động. Như vậy, tỷ lệ sụt giảm thực tế sẽ cao hơn con số 15,3% do NLĐ tự cung cấp.

Theo  doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn  bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/tac-dong-tieu-cuc-cua-dai-dich-covid-19-bai-1-doi-song-viec-lam-cua-nguoi-lao-dong-bi-anh-huong-nghiem-trong.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tac-dong-tieu-cuc-cua-dai-dich-covid-19-bai-1-doi-song-viec-lam-cua-nguoi-lao-dong-bi-anh-huong-nghiem-trong-a253143.html