Nhìn lại một năm thực thi EVFTA

Những trái ngọt sau năm đầu tiên EVFTA đi vào thực thi là động lực cho doanh nghiệp vốn đang gặp khó do Covid-19.

Sáng 27/8, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến: "Hành trình 1 năm Hiệp định EVFTA - Khởi đầu thuận lợi và những bước tiếp theo".

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sau 7 tháng đầu năm 2021 giá trị xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Châu Âu (EU) đạt 596 triệu USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Thống kê của VASEP cho biết kể từ thời điểm Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu - Việt Nam (EVFTA) đi vào thực thi từ tháng 8/2020, xuất khẩu thuỷ sản sang EU tăng đột biến ở mức 19%-30% so với cùng kỳ năm 2019 tuỳ theo từng loại sản phẩm. Ngay khi hiệp định có hiệu lực, 50% dòng thuế trong ngành thuỷ sản về mức 0% bao gồm những mặt hàng chủ lực của doanh nghiệp Việt Nam như tôm, cá ngừ, mực và bạch tuộc.

“Nhờ lực đẩy của thuế quan ưu đãi đối với sản phẩm có xuất xứ nguyên vật liệu trong nước, giá trị xuất khẩu tôm và hải sản tăng tương ứng 26% và 23% sau 7 tháng đầu năm 2021", ông Nam cho biết.

Dự báo VASEP cũng cho thấy dù trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19 đứt gãy chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến vận chuyển lưu thông hàng hoá, giãn cách xã hội thiếu nhân công trong các nhà máy sản xuất và chế biến, hiệu ứng hậu Brexit với việc Vương quốc Anh tách ra khỏi EU và việc Việt Nam bị áp dụng biện pháp thẻ vàng với những khó khăn hơn về thủ tục khai báo nguồn gốc thông quan hàng hoá, xuất khẩu thuỷ sản sang EU trong 5 tháng cuối năm dự báo vẫn đạt giá trị 388 triệu USD (giảm 15% so với cùng kỳ năm 2020).

“Theo đó, vào cuối năm 2021, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang thị trường EU sẽ đạt mục tiêu 1,09 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2020. Có được kịch bản này là nhờ việc các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đã nỗ lực vượt qua thách thức, tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan từ EVFTA đem lại. Đây chính là luồng sinh khí đem lại niềm tin vô cùng to lớn cho tương lai", ông Nam chia sẻ.

51-1630117794.jpg

EU là thị trường xuất khẩu thuỷ hải sản lớn của Việt Nam. Ảnh: VASEP

Chặng đường 400 ngày

Ông Alain Cany, Chủ tịch phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết minh chứng ấn tượng qua những con số đã cho thấy hiệp định đem lại lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng qua việc giảm thuế quan và mở cửa thị trường. Ngay khi đi vào thực thi, 65% hàng hoá từ EU xuất khẩu vào Việt Nam và 71% hàng hoá từ Việt Nam xuất sang EU đã được hưởng mức ưu đãi 0%. Trong 10 năm tới, dòng thuế đối với hàng hoá sẽ tiến dần xuống mức 0% cho 99% mặt hàng.

“Điều này đã thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp châu Âu cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp ở các nước khác mà Việt Nam đã thiết lập thoả thuận thương mại tự do, chính nhờ có sân chơi bình đẳng này mà dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ châu Âu sẽ đổ vào thị trường Việt Nam,” ông cho biết.

Số liệu của bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – EU trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 27,67 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2020 khi Hiệp định chưa có hiệu lực. Trong đó, xuất khẩu tăng trên 18% và nhập khẩu từ EU vào Việt Nam đạt trên 8 tỷ USD, tăng trên 19% so với cùng kỳ năm 2020.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU là điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép, dệt may, rau quả, thuỷ sản, gạo, cà phê… trong khi các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ EU là linh kiện, phụ tùng ô tô, ô tô nguyên chiếc các loại, hàng điện gia dụng và linh kiện, chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh. 

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng cục Xúc tiến thương mại, bộ Công Thương cho biết kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã ghi nhận sự tăng trưởng tốt, ngay cả so với thời kỳ trước đại dịch. “Mức tăng trưởng khả quan được nhận định có vai trò hỗ trợ đáng kể từ Hiệp định EVFTA, đặc biệt trong bối cảnh thị trường diễn biến phức tạp, khó lường", ông cho biết.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết trong gần 400 ngày qua kể từ khi có hiệu lực ngày 1/8/2020, EVFTA đã cho thấy những đóng góp có ý nghĩa như một cứu cánh trong phát triển kinh tế giữa hai bên và cho sự tăng trưởng của Việt Nam mà những thay đổi trong quan hệ xuất nhập khẩu song phương là minh chứng điển hình.

Ông Lộc cho biết tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng được ưu đãi thuế quan theo EVFTA của Việt Nam cũng đạt được mức cao nhất so với năm đầu thực thi của bất kỳ Hiệp định thương mại tự do nào khác.

“Theo Bộ Công Thương, 5 tháng cuối năm 2020, tỷ lệ này là 14.8% (quan sát của VCCI cho thấy tỷ lệ này gấp 2 lần tỷ lệ sử dụng ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN), gấp 7 lần AIFTA (Hiệp định thương mại tự do giữa các quốc gia ASEAN và Ấn Độ), gấp 2 lần tỷ lệ tận dụng các thị trường mới của CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) trong năm đầu). Nửa đầu năm 2021, tỷ lệ này đã tăng lên tới mức 29%,” ông dẫn chứng.

Nhìn ở một khía cạnh khác, ông Vũ Bá Phú cho biết hiệp định đã khiến doanh nghiệp Việt Nam quen với những đòi hỏi khắt khe của thị trường EU về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động, môi trường, các quy tắc nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản xuất đối với sản phẩm chế biến, chế tạo như dệt may, da giày, đồ gỗ; các tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch động thực vật đối với các sản phẩm nông nghiệp, làm cho chi phí tuân thủ gia tăng và tất yếu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh.

“Mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ từ EU đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khó khăn hơn ngay tại thị trường nội địa. Trên thực tế, đây là một thách thức rất lớn, bởi các doanh nghiệp EU có lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp Việt Nam về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng như khả năng tận dụng các FTA", ông cho biết.

Động lực tăng trưởng từ EVFTA

Ông Lộc cho biết hiện dịch bệnh khiến chuỗi sản xuất bị đứt gãy nghiêm trọng và EVFTA có thể đóng góp và là một trợ lực ý nghĩa cho doanh nghiệp trong các nỗ lực vượt qua dịch bệnh để tiếp tục kinh doanh trong thời gian tới.

Ví dụ lợi thế về thuế quan trong EVFTA có thể là một lực hấp dẫn quan trọng để thu hút các khách hàng EU quay trở lại với Việt Nam sau thời gian đỉnh dịch. EVFTA cho Việt Nam lợi thế cực kỳ đáng kể trong cạnh tranh với các đối thủ khác ở thị trường EU.

Hiện tại ngoài Việt Nam, EU mới chỉ có FTA với 3 nền kinh tế ở châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, trong đó không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp nào với Việt Nam. Và nếu xuất khẩu sang EU qua EVFTA có thể giữ được nhờ lợi thế giá, đặc biệt trong lĩnh vực nông thủy sản, tiềm năng lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu sẽ là động lực để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất sau dịch, thu hút người lao động trở lại cũng như thúc đẩy khôi phục nguồn nguyên liệu.

“Cũng như vậy, các lợi thế từ thuế quan trong nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ, nguyên phụ liệu cho sản xuất từ EU theo EVFTA có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, đồng thời tăng năng suất lao động, cải thiện hiệu quả cạnh tranh khi một lần nữa trở lại đường đua", ông Lộc cho biết.

Số liệu tham khảo tiềm năng xuất khẩu của Tổ chức thương mại thế giới (ITC) ước tính thị trường EU còn tới 49% dung lượng mà Việt Nam có thể khai thác. Trong đó, nhóm công nghiệp chế biến còn 35%-60% chưa khai thác và nhóm nông sản thực phẩm còn có thể khai thác từ 35%-90%, tuỳ theo sản phẩm cụ thể.

52-1630117837.jpg
Thủy sản là một trong những mặt hàng đang tận dụng hiệu quả EVFTA. 

Theo các chuyên gia, khi xây dựng các giải pháp phục hồi sau đại dịch Covid-19 nên ưu tiên đặc biệt cho những ngành quan trọng có đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian gần đây để tiếp tục tận dụng lợi thế khi thực hiện EVFTA. Ví dụ, các mặt hàng như dệt may và da giày, điện thoại di động, máy tính, nông sản luôn được coi là các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường các nước EU.

Ông Vũ Bá Phú cho biết: “Về lâu dài, cần tập trung thêm các ngành có tiềm năng phát triển trong tương lai như năng lượng tái tạo, ô tô sử dụng năng lượng sạch và những sản phẩm khác Việt Nam có cơ hội thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn (từ khâu thiết kế đến xây dựng thương hiệu) như đồ gỗ nội thất, dệt may, nông sản nguồn gốc thiên nhiên chế biến.”

Bên cạnh đó, lĩnh vực thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam cũng được xem là có nhiều cơ hội bứt phá sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát nhờ việc hai bên thúc đẩy thực thi Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA).

“EVFTA và EVIPA là cơ hội để Việt Nam có thể tiếp cận với thị trường tiềm năng với nhiều sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của mình đi kèm với khả năng thu hút vốn và áp dụng công nghệ cao của EU vào những lĩnh vực đó,” ông Phú cho biết.

Ông Alain Cany cho biết chỉ số môi trường kinh doanh do EuroCham tiến hành cho thấy gần 2/3 doanh nghiệp thành viên hưởng được lợi ích do EVFTA đem lại từ khi hiệp định thực thi. “Dòng vốn đầu tư từ Châu Âu đang đổ vào nhiều hơn và giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ trên sân nhà mà cả trường quốc tế,” ông cho biết.

Tuy nhiên chỉ số môi trường kinh doanh cũng chỉ rõ khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp EU vẫn là thủ tục hành chính. Hơn 1/3 doanh nghiệp thành viên của EuroCham phản hồi những vấn đề như quy trình xuất nhập khẩu, hải quan trong quá trình thực thi cần được đơn giản hơn, trong khi 1/5 doanh nghiệp cho rằng những rào cản kỹ thuật trong thương mại lại là tác nhân đang gây cản trở.

“Những thành công bước đầu của EVFTA sẽ chỉ được chắp cánh nếu các bên cùng hợp tác mạnh mẽ hơn nữa nhằm khai thác tiềm năng của hiệp định, trong thập kỷ tới chúng ta cùng phải thể hiện sự nỗ lực hợp tác bền bỉ như những gì chúng ta đã thực thi trong thời gian qua,” ông cho biết.

Ông nói thêm: “Thương mại dựa trên nguyên tắc, công bằng và tự do sẽ là con đường hồi phục sau khi đại dịch được kiểm soát. Do đó, mặc dù đối mặt với những thách thức trước mắt vô cùng to lớn, chúng ta không thể mất đi niềm tin hướng về những cơ hội lâu dài mà EVFTA mang lại.”

Tính đến tháng 6 năm 2021, EU có 2.221 dự án (tăng 142 dự án so với cùng kỳ năm 2020) từ 26/27 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam với vốn đầu tư đăng ký đạt 22,216 tỷ USD (tăng 449 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020).

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (gọi tắt là EVFTA) là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). EVFTA được ký kết ngày 30/06/2019 và có hiệu lực từ ngày 01/08/2020.

Theo Bộ Công Thương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, với cam kết sâu, rộng, bao hàm cả những nội dung truyền thống và phi truyền thống.

Đặc biệt, EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội lớn đối với kinh tế và xã hội của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang gây ra những tác động nặng nề.

Với những cam kết mạnh mẽ trong lĩnh vực mở cửa thị trường hàng hóa, EVFTA được kỳ vọng sẽ là cú huých đối với tăng trưởng kinh tế với mức dự báo lên 2,18 đến 3,25% vào năm 2025 (giai đoạn 5 năm đầu thực hiện); kim ngạch xuất khẩu tăng thêm khoảng 42,7%; trong đó, các ngành hàng quan trọng như gạo, may mặc, da giày có mức tăng xuất khẩu lên tới 65%, 81% và 99% trong cùng giai đoạn.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã ví Hiệp định EVFTA như con đường cao tốc hướng Tây, kết nối Việt Nam với một không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu thế giới.

Theo  nguoiduatin.vn

Nguồn  bài  viếtt: https://www.nguoiduatin.vn/nhin-lai-mot-nam-thuc-thi-evfta-a525646.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhin-lai-mot-nam-thuc-thi-evfta-a253141.html