(Pháp lý) - Liên quan đến vụ án 43ha đất tại Bình Dương, Cơ quan CSĐT vừa hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam cùng 20 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đáng chú ý, theo kết luận điều tra của cơ quan chức năng, sau khi thực hiện các hành vi sai phạm ông Nam đã chỉ đạo hợp thức hoá hồ sơ tài liệu che giấu sai phạm gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1.060 tỷ đồng. Trong giai đoạn điều tra, ông Nam chưa thành khẩn khai báo về động cơ vụ lợi của bản thân.
Tuy nhiên, theo Luật sư Đặng Văn Cường, động cơ mục đích phạm tội là một vấn đề quan trọng cần phải làm rõ trong vụ án hình sự này. Bởi, động cơ và mục đích phạm tội có thể là cơ sở để phát sinh tội phạm khác. Do đó, cơ quan chức năng cần làm rõ động cơ mục đích phạm tội của các đối tượng để giải quyết triệt để vụ án.
Chỉ đạo hợp thức hoá hồ sơ tài liệu nhằm che giấu thủ đoạn “biến” tài sản công thành tư
Cơ quan CSĐT vừa chuyển hồ sơ vụ án sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố bị can Trần Văn Nam - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương về tội "Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo quy định tại Điều 219 BLHS 2015.
Theo Cơ quan điều tra, ông Trần Văn Nam là người có chức trách, nhiệm vụ, có nhiều năm công tác trong chỉ đạo, quản lý Nhà nước về lĩnh vực kinh tế, giao thông, đất đai và qua nhiều vị trí lãnh đạo.
Cụ thể, năm 2010, ông Nam được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, phụ trách lĩnh vực giao thông, đất đai; là Trưởng Ban chỉ đạo công tác điều tra giá đất, xây dựng bảng giá đất năm 2011, 2012, 2013 trên địa bàn để cáo HĐND tỉnh Bình Dương thông qua.
Ở cương vị Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Nam đã chấp thuận giá đất khu dịch vụ tại Khu liên hợp là 51.914 đồng/m2 theo mức tính năm 2006 để Cục thuế tính tiền sử dụng đất đối với khu đất 43 ha và 145 ha (TP Thủ Dầu Một) được giao cho Tổng Công ty 3/2 vào năm 2012, 2013, trái quy định pháp luật. Cơ quan điều tra nhận định, đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả gây thất thoát ngân sách Nhà nước số tiền trên 761 tỷ đồng.
Trong thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, ông Nam bị cáo buộc đã chủ trì tổ chức họp Thường trực Tỉnh ủy, phê duyệt phương án sử dụng đất của Tổng Công ty 3-2 khi cổ phần hóa đơn vị này. Theo đó, khu đất 43 ha và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú phải chuyển về Công ty Impco là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Tỉnh ủy quản lý.
Đến tháng 4-2017, ông Nam biết Tổng Công ty 3-2 đã chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú mà không bàn giao về Công ty Impco nhưng ông Nam "không thực hiện các biện pháp quản lý để bảo toàn vốn của chủ sở hữu là Tỉnh ủy Bình Dương". Ngược lại, ông Nam tổ chức họp Thường trực Tỉnh ủy để thống nhất và quyết định cho Tổng Công ty 3-2 tiếp tục chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc. Việc làm của ông Nam nhằm hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ Dự án trên khu đất 43 ha từ Nhà nước sang tư nhân, gây thất thoát tài sản Nhà nước trên 300 tỷ đồng.
Đáng chú ý, để hợp thức, che giấu sai phạm, ông Trần Văn Nam còn tiếp tục chỉ đạo bị can Phạm Văn Cành, ông Nguyễn Văn Đông và bị can Ngô Dũng Phương "hợp thức hóa" một số tài liệu, văn bản nhằm làm sai lệch bản chất nội dung phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất của chủ sở hữu (Tỉnh ủy Bình Dương), Công văn 407 ngày 29/7/2016. Cơ quan điều tra cho rằng, Trong quá trình điều tra bị can Trần Văn Nam chưa thành khẩn khai báo về động vụ lợi của bản thân.
Trong vụ án này, ngoài Trần Văn Nam còn có một sốt thuộc cấp cùng bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” gồm:
Phạm Văn Cành, cựu Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, cựu Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương.
Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.
Nguyễn Thanh Trúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.
Trần Xuân Lâm, Chánh Thanh tra tỉnh Bình Dương.
Võ Văn Lượng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương.
Ngô Dũng Phương, Trưởng Phòng tài chính Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương.
Cựu Cục trưởng; Phó cục trưởng Cục Thuế…
Cần phải làm rõ động cơ mục đích phạm tội để giải quyết triệt để vụ án
Trao đổi với phóng viên xoay quanh vụ án, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng VP Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, cơ quan điều tra xác định sai phạm của ông Trần Văn Nam là sai phạm kéo dài, nhiều lần (mỗi một lần sai phạm đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể xác định là một lần phạm tội) từ khi ông Nam còn làm Phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương.
Hành vi sai phạm trong áp giá đất để thu tiền sử dụng đất trái quy định pháp luật gây thất thoát số tiền 761 tỷ đồng là một lần sai phạm và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào các tài liệu chứng cứ về việc quy định giá đất do UBND tỉnh công bố tại thời điểm đó và các văn bản của ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về áp giá đất đối với lô đất này để xác định sai phạm.
Cũng theo Luật sư Cường, Cơ quan điều tra cũng xác định trong quá trình làm bí thư tỉnh Bình Dương, ông Nam tiếp tục có nhiều sai phạm, tạo điều kiện cho Công ty 3/2 chuyển nhượng toàn bộ 43ha đất từ đất công sang đất tư gây thất thoát 302 tỷ đồng.
Đây cũng là hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất gây thất thoát lãng phí của nhà nước với số tiền thiệt hại đặc biệt lớn. Việc này sẽ chứng minh bằng các chứng cứ có bút phê chỉ đạo hoặc văn bản chỉ đạo của vị lãnh đạo này. Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ như vậy thì dù ông Nam có không nhận tội thì cũng khó có thể thoát được sự xử lý của pháp luật. Luật sư Cường nhận định.
Về giá đất để tính nghĩa vụ tài chính đối với doanh nghiệp thì do ủy ban nhân dân tỉnh quy định, tài liệu này được công khai cho tất cả các tổ chức cá nhân đều được biết. Việc tính giá đất sẽ thể hiện qua văn bản của cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp này, việc thực hiện các thủ tục để chuyển quyền sử dụng đất cũng phải qua các hồ sơ thủ tục hành chính. Tất cả những tài liệu này lưu giữ tại cơ quan chức năng, sẽ không khó khăn gì để cơ quan điều tra thu thập được các tài liệu này. Ngoài ra vụ án có đồng phạm, lời khai của các đồng phạm khác cũng sẽ có thể làm căn cứ để buộc tội ông Trần Văn Nam.
Bởi vậy, trường hợp thực sự có sai phạm thì ông Nam nên cân nhắc trong việc khai báo thành khẩn để được hưởng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Vấn đề này, các luật sư bào chữa cho ông Trần Văn Nam sẽ có tư vấn cho ông ấy trong quá trình giải quyết vụ án. Thành khẩn khai báo là thành khẩn thừa nhận các hành vi, sai phạm của mình. Còn việc nhận thức về hành vi như thế nào lại là một chuyện khác. Luật sư Cường nói.
Theo quy định của pháp luật trường hợp bị can, bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm thì cũng sẽ được xác định là thành khẩn khai báo. Còn việc nhận thức và thái độ đối với hành vi, sự việc đó sẽ xác định là bị can, bị cáo có ăn năn hối cải hay không. Những vấn đề này sẽ quyết định đến mức hình phạt trong trường hợp tòa án kết luận bị cáo có hành vi phạm tội. Nếu tòa án kết tội và cho rằng ông Nam không nhận thức được sai phạm của mình, không thành khẩn nhận tội thì ông này sẽ phải chịu mức án nghiêm khắc.
Cũng theo Luật sư Cường, đối với việc thành khẩn thừa nhận động cơ mục đích thì đây là vấn đề rất "nhạy cảm".
Trường hợp bị can, bị cáo trong vụ án nếu vì vụ lợi, nhận tiền của doanh nghiệp để thực hiện hành vi công vụ trái pháp luật gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước thì còn có thể xử lý hình sự về tội đưa và nhận hối lộ. Vấn đề này cơ quan tiến hành tố tụng sẽ làm rõ xem đó là nguyên nhân, động cơ nào khiến các bị can lại có những sai phạm như vậy, nếu có hành vi “Đưa - nhận” hối lộ thì phải xử lý thêm về tội danh này.
Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí được quy định tại Điều 219 BLHS 2015 cụ thể như sau: Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm…
Như vậy, theo quy định tại điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015 thì động cơ, mục đích phạm tội không phải là tình tiết định tội. Tuy nhiên vấn đề động cơ mục đích phạm tội cũng là một vấn đề quan trọng trong vụ án này cần phải làm rõ. Động cơ và mục đích phạm tội có thể là cơ sở để phát sinh tội phạm khác. Vấn đề này cơ quan điều tra phải làm rõ để giải quyết triệt để vụ án. Luật sư Đặng văn Cường kiến nghị.
Nam Kiên