Nhận chuyển giao công nghệ, sáng chế là giải pháp tiếp cận vắc xin nhanh và bền vững nhất nhiện nay. Tuy nhiên để đảm bảo việc nhận chuyển giao công nghệ thành công thì việc các bên tuân thủ, thực hiện đúng các điều khoản của hợp đồng đóng vai trò vô cùng quan trọng bên cạnh các yếu tố như có đối tác tin cậy; một hợp đồng được soạn thảo, ký kết, đàm phán kỹ lưỡng...
Trước tình hình đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, vắc xin được xem là giải pháp hữu hiệu để sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”; do đó, Việt Nam đã và đang nâng cao năng lực sản xuất và tiêm chủng vắc xin (vaccine) thông qua việc đàm phán, ký kết các hợp đồng chuyển giao công nghệ Vắc xin Covid-19.
Hợp đồng chuyển giao công nghệ là văn bản hoặc hoặc hình thức khác được coi là giao dịch bằng văn bản theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ, Luật sở hữu trí tuệ, Bộ luật dân sự ghi nhận sự thỏa thuận của các bên về việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.
03 hợp đồng chuyển giao công nghệ vaccine COVID-19 đã được Việt Nam ký kết
Hiện nay, Việt Nam có 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ liên quan đến vaccine phòng COVID-19 đã được ký kết với các đối tác ở Nga, Mỹ, Nhật Bản.
Với Nga, Công ty DS-Bio, Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) và Quỹ Đầu tư trực tiếp Liên bang Nga, đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga đã ký hợp đồng về dự án chuyển giao công nghệ, theo đó phía doanh nghiệp Việt Nam nhận phần đóng ống vaccine Sputnik-V từ bán thành phẩm.
Vabiotech đã đóng ống và gửi mẫu sang Liên bang Nga để kiểm định chất lượng. Dự kiến, đến ngày 10/8 sẽ có kết quả kiểm định để Vabiotech có thể tiến hành đóng ống với quy mô 5 triệu liều/tháng (trong tháng 8/2021 có thể bắt đầu với tối thiểu 500.000 liều), tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.
Với Mỹ, được sự hỗ trợ của Bộ Y Tế và Chính phủ Việt Nam, Tập đoàn Vingroup đã ký kết với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Hoa Kỳ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19. Với năng lực sản xuất lên tới 200 triệu liều/năm, dự kiến Vingroup sẽ xuất xưởng những lô vắc xin đầu tiên vào đầu năm 2022.
Với Nhật Bản, Công ty AIC và Công ty Vabiotech cũng đã ký thỏa thuận với Công ty Shionogi (Nhật Bản), chuẩn bị triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine do Nhật Bản nghiên cứu. Dự kiến tháng 6/2022 sẽ hoàn tất các hoạt động và đưa vaccine ra thị trường.
Trước sự kiện các hợp đồng nhận chuyển giao công nghệ Covid-19 được Việt Nam ký kết, đặt ra nhiều vấn đề cần nhìn nhận một trong số đó là những điểm cần lưu ý trong nhận chuyển giao công nghệ.
Hợp đồng chuyển giao công nghệ - điều khoản cơ bản
Theo quy định tại Điều 23 Luật chuyển giao công nghệ 2017 thì trong một hợp đồng chuyển giao công nghệ có những điều khoản cơ bản, không thể thiếu, bao gồm các điều khoản sau đây:
1. Tên công nghệ được chuyển giao.
2. Đối tượng công nghệ được chuyển giao, sản phẩm do công nghệ tạo ra, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.
3. Chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng công nghệ.
4. Phương thức chuyển giao công nghệ.
5. Quyền và nghĩa vụ của các bên.
6. Giá, phương thức thanh toán.
7. Thời hạn, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
8. Khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong hợp đồng (nếu có).
9. Kế hoạch, tiến độ chuyển giao công nghệ, địa điểm thực hiện chuyển giao công nghệ.
10. Trách nhiệm bảo hành công nghệ được chuyển giao.
11. Phạt vi phạm hợp đồng.
12. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
13. Cơ quan giải quyết tranh chấp.
14. Nội dung khác do các bên thỏa thuận.
12 điểm cần lưu ý trong nhận chuyển giao công nghệ
Nhận chuyển giao công nghệ là một trong các giai đoạn theo sau các giai đoạn chuẩn bị ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ; ký kết, đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ. Có thể khẳng định rằng, để đảm bảo việc nhận chuyển giao công nghệ thành công thì việc các bên tuân thủ, thực hiện đúng các điều khoản của hợp đồng đóng vai trò vô cùng quan trọng bên cạnh các yếu tố như có đối tác tin cậy; một hợp đồng được soạn thảo, ký kết, đàm phán kỹ lưỡng...
Khi nhận chuyển giao công nghệ, về cơ bản những điều cần lưu ý xuất phát từ chính các nội dung đã ký kết trong hợp đồng:
Thứ nhất, khi nhận chuyển giao, bên nhận chuyển giao cần lưu ý có được nhận đúng đối tượng chuyển giao hay chưa, đối tượng chuyển giao có đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, thẩm mỹ như công nghệ mô tả không? Đối tượng được chuyển giao có thể là bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ; Phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu; Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ; Máy móc, thiết bị đi kèm một trong các đối tượng; có kèm sáng chế hay giải pháp hữu ích không…
Ví dụ như trong hợp đồng chuyển giao công nghệ vắc xin Covid-19, Arcturus sẽ tiến hành chuyển giao cho VinBioCare quy trình sản xuất, bao gồm: bí quyết công nghệ; đào tạo, chuyển giao, thực hành và kiểm định sản phẩm; cung cấp nguyên liệu đầu vào theo công nghệ độc quyền của Arcturus. Do vậy, trong quá trình thực hiện hợp đồng, VinBiocare cần đảm bảo mình được nhận chuyển giao đầy đủ các đối tượng và sản xuất ra sản phậm mong muốn theo tiêu chuẩn kỹ thuật nhất định.
Thứ hai, khi nhận chuyển giao, bên nhận chuyển giao cần lưu ý nếu được nhận chuyển nhượng quyền sở hữu thì đã được nhận đầy đủ các quyền liên quan đến sở hữu như sử dụng, khai thác và phát triển thêm hay chưa? Còn nếu chỉ nhận quyền sử dụng thì cũng cần lưu ý đã nhận được quyền sử dụng ở đúng phạm vi (không gian, thời gian) đã giao kết hay chưa?
Thứ ba, khi nhận chuyển giao, bên nhận chuyển giao cần lưu ý đã được chuyển giao theo đúng phương thức chưa? Các phương thức có thể là Chuyển giao tài liệu về công nghệ; Đào tạo cho bên nhận công nghệ nắm vững và làm chủ công nghệ trong thời hạn thỏa thuận; Cử chuyên gia tư vấn kỹ thuật cho bên nhận công nghệ đưa công nghệ vào ứng dụng, vận hành; Chuyển giao máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ hoặc do các bên tự thỏa thuận.
Thứ tư, khi nhận chuyển giao bên nhận chuyển giao cần lưu ý mình đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, còn bên chuyển giao đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của họ trong giai đoạn nhận chuyển giao như giao kết trong hợp đồng chưa?
Thứ năm, khi nhận chuyển giao, bên nhận chuyển giao cần lưu ý chỉ thanh toán theo đúng giá và phương thức thanh toán (phương thức tính phí trọn gói một lần hay tính theo phương pháp khác như theo doanh thu, theo phần trăm lợi nhuận,…) như đã giao kết trong hợp đồng và nếu có thêm các khoản phát sinh hay thay đổi phương thức thanh toán do thay đổi của hoàn cảnh khách quan, chủ quan thì cần ký kết, đàm phán rõ ràng về một hợp đồng mới hoặc bổ sung thêm phụ lục hợp đồng. Đặc biệt, nếu tính phí trên doanh thu hay lợi nhuận thì xác định rõ nghĩa vụ thuế, chi phí sản xuất, kinh doanh được khấu trừ không, bên nào chịu.
Thứ sáu, khi nhận chuyển giao, bên nhận chuyển giao cần lưu ý về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng để có căn cứ xác định mình được nhận chuyển giao khi nào bởi trong nhiều trường hợp thời điểm nhận chuyển giao có thể trùng với thời điểm có hiệu lực của hợp đồng hoặc có thể không? Cùng với đó, cũng cần lưu ý đến thời hạn được nhận chuyển giao đó là việc nhận chuyển giao sẽ diễn ra trong khoảng thời gian bao lâu?
Thứ bảy, khi nhận chuyển giao, bên nhận chuyển giao cần lưu ý về kế hoạch, tiến độ, địa điểm thực hiện chuyển giao công nghệ. Việc được nhận chuyển giao có đảm bảo đúng như kế hoạch, tiến độ, địa điểm như hai bên đã giao kết không?
Thứ tám, khi nhận chuyển giao, bên nhận chuyển giao cần lưu ý bên chuyển giao có đảm bảo về trách nhiệm bảo hành, nâng cấp công nghệ được chuyển giao như giao kết trong hợp đồng không?
Thứ chín, khi nhận chuyển giao bên, nhận chuyển giao cần lưu ý nếu phát sinh tranh chấp, vi phạm trong quá trình nhận chuyển giao công nghệ của một trong hai bên hoặc của cả hai bên thì việc phạt vi phạm hợp đồng; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; cơ quan giải quyết tranh chấp có đảm bảo đúng các điều khoản như đã giao kết hay không?
Thứ 10, khả năng sản phẩm được cấp phép sản xuất hoặc sử dụng ở quốc gia sở tại (hoặc quốc gia nhập khẩu). Đặc biệt dược phẩm phải được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp phép lưu hành.
Thứ 11, luật áp dụng và cơ chế giải quyết tranh chấp. Là hợp đồng được ký với tổ chức nước ngoài nên các bên thường thoả thuận áp dụng luật của quốc gia có tổ chức chuyển giao công nghệ hoặc luật nước thứ ba thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp Trọng tài thương mại. Ngoài ra, cũng cần lưu ý địa điểm và ngôn ngữ khi giải quyết tranh chấp, nên có lựa chọn khả thi hoặc thuận lợi nhất cho mình.
Thứ 12, nhận chuyển giao kèm sáng chế, giải pháp hữu ích. Khi nhận chuyển giao công nghệ kèm theo sáng chế, giải pháp hữu ích thì cần tuân thủ thêm Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam. Ví dụ, bên kia có phải là chủ sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích không (tư cách thực hiện quyền chuyển giao, chuyển nhượng theo Điều 138, Điều 139 Luật sở hữu trí tuệ) hay hoàn tất thủ tục đăng ký chuyển nhượng, bảo hộ theo Điều 138, Điều 139 Luật sở hữu trí tuệ.
Điều 140 ( Luật SHTT): Nội dung của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.
2. Căn cứ chuyển nhượng.
3. Giá chuyển nhượng.
4. Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.
Biện pháp nâng cao hiệu quả và đảm bảo sự thành công trong nhận chuyển giao công nghệ
Thứ nhất, cần đảm bảo sử dụng có hiệu quả hợp đồng đã ký tức đừng cất hợp đồng đi và hãy luôn xem hợp đồng là một tài liệu hướng dẫn quan trọng đối với những gì sẽ xảy ra trong mối quan hệ kinh doanh phức tạp dựa vào công nghệ. Khi là bên nhận chuyển giao công nghệ, hãy đảm bảo tất cả các nhân viên và nhà quản lý - những người làm việc với đối tác - phải biết về hợp đồng và các điều khoản của hợp đồng. Việc nắm bắt và luôn xem xét kỹ hợp đồng, sẽ đảm bảo: thực hiện đúng phạm vi quyền; đảm bảo ghi nhở những thời điểm quan trọng trong nhận chuyển giao…tránh đi những vi phạm trong thực hiện nhận chuyển giao hợp đồng.
Thứ hai, cần lên kế hoạch về các tình huống phát sinh có thể xảy ra trong quá trình nhận chuyển giao công nghệ và phương án giải quyết các tình huống phát sinh đó.
Thứ ba, nếu có sự thay đổi về bất cứ một điều khoản nào trong hợp đồng ảnh hưởng đến việc nhận chuyển giao hãy đảm bảo sự thay đổi được ghi nhận dưới hình thức văn bản hoặc hình thức khác được coi là giao dịch bằng văn bản.
Thứ tư, hãy đảm bảo tính linh hoạt, chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống trong quá trình nhận chuyển giao công nghệ.
Thứ năm, hãy đảm bảo tốt sự chuẩn bị về nhân sự và tài chính cho quá trình chuyển giao công nghệ. Để đảm bảo và nâng cao hiệu quả cho quá trình nhận chuyển giao, có thể giao từng quá trình của giai đoạn nhận chuyển giao cho các bộ phận chuyên môn nhất định.
Theo phapluatbanquyen.phaply.vn
Nguồn bài viết: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/12-diem-can-luu-y-de-dam-bao-thanh-cong-khi-nhan-chuyen-giao-cong-nghe-san-xuat-vaccine-covid19-bv520/
Link nội dung: https://phaply.net.vn/12-diem-can-luu-y-de-dam-bao-thanh-cong-khi-nhan-chuyen-giao-cong-nghe-san-xuat-vaccine-covid-19-a253086.html