Tp. Hồ Chí Minh đưa ra 4 phương án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI

Trước nguy cơ đứt gãy hoạt động sản xuất, Tp. Hồ Chí Minh có buổi làm việc với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn.

Ngày 20/8, UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và đại diện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Tp. Võ Văn Hoan cho biết, Tp.Hồ Chí Minh đang ở trong giai đoạn hết sức khó khăn do dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp.

Là một đô thị đặc biệt, quy mô kinh tế lớn, dân số đông nên dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội của Tp. Hồ Chí Minh.

Dẫn chứng dự báo vào đầu tháng 8 của Tổng cục thống kê, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan bày tỏ quan ngại về tốc độ tăng trưởng năm 2021 của thành phố.

“Nếu chúng ta không có những giải pháp ứng phó một cách toàn diện, mạnh mẽ và kịp thời, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông và xuất khẩu hàng hóa là rất lớn”, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan chia sẻ.

51-1629512244.jpg

Hội nghị được lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh tổ chức để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI.

Tại buổi làm việc, 6 hiệp hội nước ngoài đã trao đổi về những khó khăn, đồng thời đề xuất một số kiến nghị và giải pháp với lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh.

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành, hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ kiến nghị cho phép các đơn vị y tế tư nhân được triển khai tiêm vắc-xin; cho phép doanh nghiệp tự test nhanh Covid-19 cho nhân viên và tăng giờ làm để phục hồi sản xuất.

Bên cạnh đó là giải pháp hỗ trợ thủ tục cho các chuyên gia thuận tiện đi lại và cắt giảm thời gian cách ly xuống còn 7 ngày cho những chuyên gia đã tiêm đủ liều vắc-xin.

Ông  Gabor Fluit, Chủ tịch hiệp hội Thương mại châu Âu đề xuất với lãnh đạo Tp.Hồ Chí Minh về việc sửa đổi mô hình “3 tại chỗ”.

Đồng thời, cần đơn giản hoá các thủ tục hải quan để hỗ trợ thông quan nhanh các thủ tục về thuốc và các thành phần phục vụ ngành y tế; hỗ trợ thủ tục xin cấp thị thực và giấy phép lao động cho người nước ngoài, đặc biệt là trường hợp tái nhập cảnh của các chuyên gia.

Ông Alexander Maximilian Goetz, Chủ tịch hiệp hội các doanh nghiệp Đức, các doanh nghiệp FDI của Đức tại Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị, chỉ áp dụng hình thức "3 tại chỗ" tối đa 4 tuần; yêu cầu nhân viên tự cách ly tại nhà 7 ngày (khi từ nhà máy về nhà); ngừng phân biệt các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt đối với nguyên liệu thô liên quan đến sản xuất và công nghiệp.

Ông Mizushima Kozo, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất, tiếp tục hỗ trợ thủ tục cho các doanh nghiệp, doanh nhân làm việc cũng như hoạt động sản xuất; thực hiện lệnh tạm ngừng hoạt động với thời gian ngắn đối với doanh nghiệp có F0.

Trong khi đó, ông Shon Young Il, Chủ tịch hiệp hội Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc cũng kiến nghị có chính sách vận tải rõ ràng giữa các sản phẩm nguyên liệu; xác định cụ thể thời gian dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội tại các tỉnh/thành; miễn đóng các khoản bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp trong thời gian phải tạm ngừng hoạt động theo lệnh giãn cách.

Riêng ông Seck Yee Chung, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Singapore đề xuất miễn giảm thuế và các chi phí liên quan đến sản xuất của doanh nghiệp, thống nhất tiêu chuẩn về kết quả xét nghiệp Covid-19 và thời gian xét nghiệm giữa Tp. Hồ Chí Minh và tất cả các tỉnh, thành; có quy trình công nhận rõ ràng đối với chứng chỉ tiêm chủng của các quốc gia khác nhau.

52-1629512327.jpg

Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong.

Trước các ý kiến, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố mong muốn người lao động được an toàn, doanh nghiệp sản xuất an toàn.

Tuy nhiên, dịch bệnh lần thứ 4 với biến chủng Delta lây lan quá nhanh nên tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất của thành phố này.

“Do tình huống đặc biệt, khẩn cấp nên chính quyền thành phố phải quyết định tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội. Chúng tôi hiểu rằng, việc này kéo dài làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp nhưng đây là điều không ai mong muốn. Thành phố đề nghị các doanh nghiệp hết sức thông cảm”, ông Phong nói.

Khi tiếp tục áp dụng giãn cách, Tp. Hồ Chí Minh sẽ tìm phương án cho hoạt động sản xuất an toàn, đảm bảo không làm đứt gãy chuỗi sản xuất. Địa phương đưa ra 4 phương án để hoạt động sản xuất của doanh nghiệp FDI mở cửa trở lại.

Phương án 1, các doanh nghiệp vẫn áp dụng “3 tại chỗ” tùy theo tình hình thực tế. Phương án 2 là áp dụng "1 cung đường 2 điểm đến", hoặc phương án "1 cung đường và 3-4 điểm đến" (mở rộng).

Còn phương thức 3 là "4 xanh", tức là "người lao động xanh, cung đường xanh, nơi ở xanh và nhà máy xanh". Cuối cùng, phương án thứ 4 kết hợp các phương án nêu trên và có thể nhiều hơn nữa.

“Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp kiến nghị, sáng tạo nhiều phương án và ứng dụng linh hoạt các biện pháp để bảo vệ sức khỏe người lao động, bảo vệ doanh nghiệp, sản xuất an toàn”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/tp-ho-chi-minh-dua-ra-4-phuong-an-ho-tro-doanh-nghiep-fdi-a524919.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tp-ho-chi-minh-dua-ra-4-phuong-an-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-fdi-a253044.html