Về những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn và hành động cương quyết của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

(Pháp Lý) - Quốc hội khóa XV vừa có tổng kết rút kinh nghiệm kỳ họp đầu tiên; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( UBTVQH) khóa XV cũng vừa kết thúc phiên họp thứ hai. Đây là những kỳ họp, phiên họp đặc biệt với những trọng trách đặc biệt trong bối cảnh cũng rất đặc biệt. Qua đó,  cử tri chứng kiến quyết tâm đổi mới xây dựng một Quốc hội liêm chính và hành động. Đặc biệt qua theo dõi các  phiên họp gần đây, cử tri rất hài lòng và kì vọng về những ý kiến  thẳng thắn,  hành động cương quyết  của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

131-1629358447.jpg

Ông Vương Đình Huệ tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV

Nhìn lại những năm qua, Việt Nam chúng ta đã có những thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt là phát triển kinh tế  nhờ  đường lối đúng của Đảng, sự vận hành hợp lý của Chính phủ và sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp đồng thời là nỗ lực của toàn dân.

Đặc biệt năm 2021, khi đại dịch covid vẫn đang bùng phát thì "lò" chống tham nhũng vẫn không ngừng cháy. Việc xử lý những vụ việc tiêu cực trong lĩnh vực này không chỉ tránh thất thoát tài sản mà còn mang lại niềm tin cho nhân dân, đặc biệt là niềm tin của những người đang trên tuyến đầu chống dịch.

Ngay những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ XV, Chính phủ và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phải đối mặt với một " lực cản " vô cùng khó khăn, đó là sự bùng phát trở lại của đại dịch covid. Nhiều tháng nay, Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành đã có nhiều hành động quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành các địa phương chống dịch, đồng thời có các giải pháp chưa từng có tiền lệ tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Quốc hội khóa XV vì thế cũng cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ. Quốc hội cần hành động cương quyết  hơn và có những Nghị quyết , quyết sách kịp thời hơn, sát thực tế hơn để đáp ứng mong mỏi của cử tri cả nước và đồng hành cùng Chính Phủ thực hiện  mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch. Song Quốc hội cũng phải tập trung sửa đổi bổ sung hoàn thiện lấp kín các kẽ hở trong các đạo luật phục vụ phát triển kinh tế và phòng chống tiêu cực tham nhũng quyết liệt hơn nữa. 

“ Chúng ta yêu cầu Chính phủ phải liêm chính thì bản thân Quốc hội cũng phải liêm chính, từng đại biểu Quốc hội cũng phải liêm chính, chứ không phải tạo ra những thao túng về chính sách”, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

image002-1629358491.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chiều 6/8. Tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết đồng ý cho Chính phủ áp dụng 4 nội dung khác luật hiện hành trong nhóm giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19.

Từng ĐBQH phải liêm chính, đừng để tham nhũng chính sách xảy ra ở nghị trường Quốc hội

Một Quốc hội liêm chính để giám sát được Chính phủ liêm chính; một Quốc hội chủ động, dẫn dắt thay vì “bắc nước sôi chờ gạo” là tinh thần được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh kì từ khi giữ cương vị trọng trách người đứng đầu Quốc hội. 

Tại phiên họp thứ 57 của UBTVQH, khi bàn về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 - 2022, Chủ tịch QH đã thẳng thắn cho rằng việc lên chương trình vẫn làm theo kiểu “ăn đong”, “chập chững”, “đến hẹn lại lên, có cái gì trình cái đấy” và đề nghị cần phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật. “Tinh thần lập pháp phải chủ động hơn, vai trò QH phải có dẫn dắt, phải có giao nhiệm vụ”, ông nhấn mạnh. “Cương quyết không chấp nhận bất cứ dự án luật nào không nằm trong chương trình và không chuẩn bị kỹ lưỡng” là điều được Chủ tịch QH nhắc đi nhắc lại.

“Bây giờ đừng có để tham nhũng chính sách xảy ra trong nghị trường của QH. Tôi nói thẳng việc như thế. Chúng ta yêu cầu Chính phủ phải liêm chính thì bản thân QH cũng phải liêm chính, từng ĐBQH cũng phải liêm chính, chứ không phải tạo ra những thao túng về chính sách, ngồi đây ngả nghiêng vấn đề nọ, vấn đề kia, quên hết chức năng, nhiệm vụ”.  Ông cũng nhấn mạnh ông muốn quán triệt để có sự thống nhất thực hiện. “Đừng có nói là vận động đồng chí nọ, đồng chí kia đến ngồi đưa thêm cái nọ, cái kia vào. Dứt khoát là không. Việc này phải gương mẫu từ ủy ban của QH. 

Chúng ta yêu cầu Chính phủ phải liêm chính thì bản thân Quốc hội cũng phải liêm chính, từng đại biểu Quốc hội cũng phải liêm chính, chứ không phải tạo ra những thao túng về chính sách  (Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ)

Giám sát là khâu then chốt, sẽ giám sát đến nơi, đến chốn, truy tận cùng sự việc.

Ngày 22/7, trả lời báo chí về trọng tâm hoạt động và những đổi mới của Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Quốc hội khóa XV đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực, từ lập pháp, giám sát cho tới quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc hội.

Về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Quốc hội khóa XV sẽ “siết chặt kỷ cương lập pháp” thông qua việc gắn trách nhiệm với từng cơ quan, người đứng đầu; đồng thời xem xét đâu là vấn đề vướng mắc, chồng chéo, bất cập trong quy định của pháp luật để sửa đổi bổ sung nhằm mục tiêu kiến tạo, phát triển đất nước. “Hiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang xây dựng đề án định hướng xây dựng hệ thống pháp luật trong cả nhiệm kỳ để tăng tính chủ động, dẫn dắt, tránh tình trạng “bắc nước chờ gạo người”, ông cho hay.

Về giám sát, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Quốc hội khóa XV coi đây là khâu then chốt, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. “Quốc hội sẽ lựa chọn những vấn đề liên quan mật thiết tới sinh kế người dân, những vấn đề trúng, đúng để giám sát và giám sát đến nơi, đến chốn, truy tận cùng sự việc, xác định trách nhiệm giải trình của tập thể, cá nhân, đồng thời nêu kiến nghị xác đáng. Như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, phải coi trọng giám sát thực hiện kiến nghị của giám sát”, ông khẳng định và cho biết sẽ không để tình trạng đưa ra kiến nghị mà không biết tình hình thực hiện thế nào. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho hay trong 5 năm tới, Quốc hội sẽ chú trọng giám sát ban hành văn bản pháp luật, tổ chức thực thi pháp luật vì “khâu tổ chức thực hiện hiện nay vẫn là khâu yếu”.

“Quốc hội sẽ lựa chọn những vấn đề liên quan mật thiết tới sinh kế người dân, những vấn đề trúng, đúng để giám sát và giám sát đến nơi, đến chốn, truy tận cùng sự việc, xác định trách nhiệm giải trình của tập thể, cá nhân, đồng thời nêu kiến nghị xác đáng. Chủ tịch QH Vương Đình Huệ  khẳng định sẽ không để tình trạng đưa ra kiến nghị mà không biết tình hình thực hiện thế nào. 

Chính phủ phải làm tường minh mức đóng và mức chi ở hai Quĩ BHXH và BHTN

Sáng 17/8, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số kết dư quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp đến nay ước đạt trên 935.100 tỷ đồng; trong đó ba quỹ thành phần kết dư chuyển sang năm 2021 lần lượt là: Quỹ Ốm đau, thai sản gần 12.800 tỷ đồng; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp hơn 53.700 tỷ đồng; Quỹ Hưu trí, tử tuất trên 789.100 tỷ đồng. Riêng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hơn 89.100 tỷ đồng.

Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh đánh giá, kết dư 4 loại quỹ nêu trên quá lớn. Đơn cử như Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, trong thời điểm Covid-19, thiếu công ăn việc làm, mà số kết dư lên tới trên 89.000 tỷ đồng.

Theo bà Thanh, Quốc hội đã có quyết định tạo hành lang pháp lý với cơ chế cấp bách, đặc biệt cho Chính phủ phòng chống dịch, "vậy nên chăng Quốc hội, Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định một vấn đề cụ thể liên quan đến ngân sách, như dùng 89.000 tỷ đồng kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho các tỉnh có đông công nhân lao động, theo hướng có thể mua vaccine cho công nhân, hoặc hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống cho người lao động trong điều kiện không có việc làm, thu nhập".

image003-1629358547.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ :  Vì tính chất quan trọng của các quỹ BHXH và BHTN, do đó "không chỉ xem xét ở Thường vụ, tới đây sẽ bố trí để Quốc hội thảo luận".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, kết dư các Quỹ bảo hiểm ngắn hạn quá lớn, trong khi về nguyên tắc, hàng năm chỉ giữ lại 10% dự phòng. "Như vậy hoàn toàn không bình thường. Đề nghị Chính phủ rà soát kỹ, báo cáo chi tiết các mục chi theo cơ cấu chi", ông nói, lấy ví dụ chi Quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, Luật An toàn vệ sinh lao động điều 42 quy định 8 mục chi, vậy từng mục chi là bao nhiêu?

Lãnh đạo Quốc hội băn khoăn, số kết dư như nêu trên phải chăng do quy định mức đóng quá lớn? Nếu đóng quá lớn sẽ tạo gánh nặng cho người sử dụng lao động là các doanh nghiệp và cả ngân sách nhà nước (vì nhà nước cũng phải đóng khoảng 19-20%). "Hay là do chi quá ít, người lao động tuy đóng nhưng không được hưởng nên tồn đọng nhiều? Hoặc là cả hai, nghĩa là mức đóng cao mà mức chi thì ít? Chính phủ phải làm tường minh chỗ này", ông Huệ nhấn mạnh. Chủ tịch QH cũng  cho biết UBTVQH thống nhất sẽ đưa báo cáo quản lý và sử dụng Quỹ BHXH và báo cáo về quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 ra thảo luận tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội

Về đề xuất dùng số kết dư để chi cho một số mục đích, ví dụ mua vaccine, Chủ tịch Quốc hội nói "không đồng tình" vì "không ai được xâm phạm Quỹ này dù chỉ một xu". Đây là quỹ đóng - hưởng chứ không phải là ngân sách Nhà nước. Người nào đóng thì được hưởng và không đóng sẽ không được hưởng.  Vì tính chất quan trọng của các quỹ trên, ông Huệ nói "không chỉ xem xét ở Thường vụ, tới đây sẽ bố trí để Quốc hội thảo luận".

Giải quyết khiếu nại tố cáo của dân: Phải  truy đến cùng trách nhiệm tổ chức, cá nhân thì công tác này mới chuyển biến

Phát biểu tại phiên họp UBTV QH ngày 17/ 8 vừa qua, Phó chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định lưu ý QH không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là của Chính phủ. “QH chỉ chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi đơn, tổng hợp lại để có kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và các cơ quan chính phủ”, ông nêu. Bên cạnh đó, ông Định đề nghị báo cáo của Ban Dân nguyện có thể gửi hằng tháng, song, việc UBTVQH thảo luận thì nên 2 - 3 tháng tổ chức một lần.

Tuy nhiên, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ không đồng tình ý kiến này. “Mấy trăm vụ việc kéo dài, ai giải quyết, giám sát việc này thế nào? Đơn thư chuyển về mà QH chỉ chuyển đơn đi thì có ý nghĩa gì không?”, Chủ tịch QH nêu và cho biết kể từ khi ông về QH tháng 4.2021, chưa thấy các cơ quan của QH giải quyết được vụ việc gì, chưa thấy đặt ra, xem xét giải quyết bất cứ một đơn thư khiếu nại, tố cáo nào của công dân.

image004-1629358630.jpg
Tại phiên họp thứ hai của UBTVQH ( ngày 18.8), Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải 'truy đến cùng' khi xử lý đơn thư

Nhấn mạnh QH, UBTVQH phải có trách nhiệm trong việc giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị phải bàn để làm sao công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chuyển biến lên. “Các đồng chí vẫn còn kiểu quyền anh, quyền tôi. Hằng tháng, UBTVQH phải họp giải quyết cái này, không thì sinh ra cơ quan dân cử làm cái gì?”, Chủ tịch QH nói và nhấn mạnh Chính phủ giải quyết khiếu nại tố cáo nhưng QH, cơ quan QH phải giám sát việc đó.

Chủ tịch QH cũng dẫn chứng các vụ việc nổi cộm, phức tạp khi ông còn là Bí thư Thành ủy Hà Nội như xử lý sai phạm tại công trình 8B Lê Trực hay bãi rác Nam Sơn (H.Sóc Sơn) thì không thấy QH, UBTVQH “vào cuộc cùng chúng tôi”. “Chúng tôi đổ mồ hôi, sôi nước mắt xử lý vụ việc ở Sóc Sơn cũng không thấy vai trò của QH, TVQH. Đó có phải là vụ việc nổi cộm phức tạp không? Chúng ta cứ hay nói lý thuyết nhiều”, Chủ tịch QH dẫn chứng và đề nghị hằng tháng, Ban Dân nguyện cần có báo cáo UBTVQH về công tác này. “Mỗi tháng đặt ra 7 - 8 vụ việc, vấn đề bức xúc, nổi cộm, làm đến nơi đến chốn, quy rõ trách nhiệm tổ chức, tập thể, cá nhân đi, xem có chuyển động không? Phải truy đến cùng trách nhiệm thì công tác này mới chuyển biến; nhân dân, cử tri mới đặt niềm tin vào QH và cơ quan dân cử”, Chủ tịch QH nói.

“Truy đến cùng trách nhiệm thì công tác này mới chuyển biến, nhân dân, cử tri mới đặt niềm tin vào Quốc hội và cơ quan dân cử”, ông Huệ khẳng định. Đồng thời, đưa việc xem xét báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, kết quả tiếp công dân, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo vào các phiên họp thường kỳ hằng tháng của UBTVQH.

Ông Huệ lưu ý, cần đề nghị Chính phủ, VKSND tối cáo, TAND tối cao báo báo cáo tình hình kết quả rà soát giải quyết đối với các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài và trên phạm vi toàn quốc để có biện pháp giải quyết. Rồi 500 vụ việc phức tạp mà Bộ Công an đã có báo cáo thì Thanh tra Chính phủ, Chính phủ giải quyết như thế nào.

“Năm 2022, Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề về vấn đề  về giải quyết khiếu nại tố cáo . Phải làm đến nơi đến chốn không người dân bảo mình vô cảm”, ông Huệ nói và chỉ rõ, trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, tiếp công dân, có nơi làm tốt, tích cực nhưng cũng có nơi buông lỏng, thiếu trách nhiệm, vô cảm với dân.

Thay lời kết

Nhiều tháng nay, nước ta đang trải qua những tháng ngày rất khó khăn khi phải tập trung các nguồn lực phòng chống dịch bệnh covid, chăm lo cho người dân không ai bị bỏ lại phía sau, song vẫn phải duy trì sản xuất cho các DN.  Trước thực tế này, Quốc hội, UBTVQH và tân Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã có những phiên họp đặc biệt, Nghị quyết đặc biệt , sát cánh, tạo điều kiện về cơ sở pháp lý và chính sách cho Chính phủ áp dụng phòng chống dịch bệnh.

Có thể thấy rằng, qua kì họp đầu tiên của QH khóa XV, qua các phiên họp của UBTV QH tháng 7 và tháng 8 vừa qua  đã đưa ra những Nghị quyết, quyết định hết sức nhanh nhạy và kịp thời. Đặc biệt với những ý kiến thẳng thắn cùng những hành động cương quyết của chủ tịch QH Vương Đình Huệ, chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào những đổi thay của Quốc hội tới đây – Quốc hội  liêm chính và hành động vì Nhân Dân phục vụ. Như đúng lời phát biểu nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trước Quốc hội và đồng bào cử tri: "Nguyện sẽ cống hiến hết sức mình vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân".

Lê  Phúc  

 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/ve-nhung-y-kien-tam-huyet-thang-than-va-hanh-dong-cuong-quyet-cua-chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-a253021.html