Bốn nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu đầu tiên là sớm kiểm soát dịch để khôi phục sản xuất, tiếp đến là giải quyết điểm nghẽn cản trở hoạt động kinh doanh của DN.

Bộ KH&ĐT chính thức trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết được xây dựng trên quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và phương châm “sớm nhất, hiệu quả nhất”. Các quyết sách được đề xuất nhằm giảm thiểu ách tắc trong sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại từ tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến khu vực doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Bộ trưởng, khu vực doanh nghiệp có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cũng theo người đứng đầu bộ KH&ĐT, trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, Bộ nhận thấy, các vấn đề hỗ trợ trước mắt và dài hạn nếu để chung trong một nghị quyết sẽ khó thể hiện được tính cấp bách, kịp thời của các chính sách, giải pháp cần thực hiện ngay.

41-1629258479.jpg
 

Do đó, bộ KH&ĐT đã điều chỉnh theo hướng trình Chính phủ ban hành 2 Nghị quyết riêng gồm: Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và Nghị quyết thay thế Nghị quyết 35. Theo đó, Nghị quyết thay thế Nghị quyết 35, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện và trình Chính phủ trong tháng 9/2021.

Chống dịch để sản xuất - sản xuất để chống dịch

Quan điểm xây dựng dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp, theo chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là kiên trì, quyết liệt, phòng chống dịch Covid-19 theo phương châm "chống dịch như chống giặc", đảm bảo hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh, “chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”. 

Các giải pháp chính sách thể hiện tinh thần tiếp tục đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp, tháo gỡ ngay những điểm nghẽn, ách tắc trong sản xuất kinh doanh với phương châm “sớm nhất - hiệu quả nhất” nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động tiêu cực đối với khu vực doanh nghiệp.

Tập trung giữ vững các vùng an toàn dịch bệnh để thúc đẩy sản xuất kinh doanh; ưu tiên thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp kịp thời, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh, ổn định sản xuất kinh doanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, cung ứng lao động.

42-1629258549.jpg
 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, mục tiêu đầu tiên là sớm kiểm soát được dịch bệnh để khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tiếp đó là hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch bệnh.

Theo dự thảo, Chính phủ phấn đấu đến hết năm 2021 đạt một số chỉ tiêu cụ thể như: Luỹ kế khoảng 1 triệu lượt doanh nghiệp, khách hàng được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó đại dịch Covid-19; khoảng 160.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất.

Bộ cũng mong muốn khoảng 50.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm nay. Con số của 7 tháng đầu năm đang là 29.600 doanh nghiệp.

Cùng với đó, phấn đấu mục tiêu hàng trăm nghìn doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động...

4 nhóm giải pháp thực hiện

Bộ KH&ĐT đã kiến nghị, đưa ra 4 nhóm giải pháp để Bộ, ngành địa phương phối hợp thực hiện.

Thứ nhất, nhóm nhiệm vụ, giải pháp phòng chống đại dịch Covid-19, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Điểm nổi bật của nhóm giải pháp này là bộ KH&ĐT đề nghị Chính phủ giao bộ Y tế rà soát, sửa đổi các quy định về bảo hiểm y tế theo hướng cho phép bảo hiểm y tế được thanh toán các hoạt động khám, chữa bệnh từ xa có thu phí.

Đồng thời, cần ban hành hướng dẫn doanh nghiệp mua dụng cụ, thực hiện tự xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm của doanh nghiệp. Việc này, bộ KH&ĐT đề xuất Thủ tướng giao bộ Y tế có báo cáo ngay trong tháng 8/2021.

Thứ hai, nhóm nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn.

Theo bộ KH&ĐT, thời gian qua, do thiếu một số hướng dẫn cụ thể và cả việc thực hiện giữa các địa phương chưa thống nhất, gây ra tình trạng ùn ứ, ách tắc lưu thông hàng hóa tại một số cảng biển và trên cả đường bộ, đường thủy, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Điểm nổi bật của nhóm giải pháp này là bộ KH&ĐT đề nghị Chính phủ giao bộ GTVT hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất “luồng xanh” vận tải đường bộ và đường thủy toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa thông suốt.

Giao bộ Tài chính chỉ đạo tổng cục Hải quan cho phép doanh nghiệp nộp bản scan có xác nhận bằng chữ ký số đối với các chứng từ phải nộp bản giấy là bản chính, để giải tỏa ách tắc khi thông quan hàng hóa (doanh nghiệp nộp bổ sung hồ sơ sau khi hàng hóa được thông quan).

Giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, thực hiện các giải pháp gỡ khó về vốn cho các thương nhân, doanh nghiệp thu mua thóc, gạo, nhất là tại Đồng bằng Sông Cửu Long; các địa phương tháo gỡ triệt để tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa do bất cập trong thực thi các quy định, thủ tục về phòng, chống Covid-19…

Với nhóm giải pháp thứ ba, bộ KH&ĐT cho rằng cần hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ giao bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu chính sách tạm dừng, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2021 cho doanh nghiệp đến tháng 6/2022; giao bộ GTVT phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng phương án hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải hàng không, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2021.

Giao bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng trong tháng 8/2021 về phương án giảm giá điện cho các kho chứa hàng của doanh nghiệp logistics, chế biến nông, lâm, thủy sản và một số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ USD.

Giao Bộ Tài chính triển khai chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được ban hành; triển khai chính sách thuế ưu đãi đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống Covid-19, đồng thời xem xét xây dựng đề xuất về việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2021…

Nhóm giải pháp thứ tư, về vấn đề lao động và chuyên gia, bộ KH&ĐT trình đề xuất Thủ tướng giao bộ LĐ-TB&XH xây dựng chính sách áp dụng linh hoạt và nới lỏng các quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Phù hợp với bối cảnh mới, đồng thời nghiên cứu đề xuất việc cho phép doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng, với điều kiện đảm bảo tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm.

Giao bộ Ngoại giao đẩy mạnh ngoại giao vắc-xin đàm phán, công nhận lẫn nhau “hộ chiếu vắc-xin” với các quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm sớm mở cửa nền kinh tế khi điều kiện cho phép…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Nghị quyết đã đạt được sự đồng thuận cao của các Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan sau 2 lần góp ý.

Bộ trưởng đề xuất Chính phủ sớm xem xét, ban hành, làm cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/bon-nhom-giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep-vuot-qua-dai-dich-a524566.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/bon-nhom-giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep-vuot-qua-dai-dich-a252999.html