“Critical Thinking” là một trong những kỹ năng vô cùng quan trọng của Thế kỷ 21, đóng góp vào cuộc sống hội nhập và phát triển, nhất là đối với ngành lập pháp, tư pháp và sự phát triển không ngừng của các doanh nghiệp trong nước. Ngoài “Critical Thinking” còn có “Creativity” (sáng tạo), “Collaboration” (hợp tác), và “Communication” (chia sẻ thông tin), đó là những kỹ năng nhất thiết của thời kỳ Đổi Mới và hậu Covid.
Với kỹ năng “Critical thinking”, chúng ta có thể giải quyết mọi vấn đề nan giải, hiểu biết và chia sẻ với mọi người (communicating and collaborating), để tìm ra các phương án sáng tạo thực tiển (creating). Trong thuật ngữ quốc tế, gọi là “The 4 C’s of 21st Century Skills”, bốn chữ C của thế kỷ 21, đem lại sự an bình và thịnh vượng chung.
Tuy nhiên, “Critical Thinking” lại được dịch ra Tiếng Việt là “Tư duy phản biện”, có thể làm lệch lạc lối suy nghĩ quần chúng và không đem lại các kết quả như ý, gây nhiều sự hiểu lầm và thiếu sự thống nhất.
Theo tự điển Vdict (https://vtudien.com), “phản biện” có nghĩa là “nhận xét và đánh giá về một công trình khoa học" (luận án, luận văn, khoá luận, hoặc kết quả nghiên cứu khoa học của một đề tài, một chương trình nghiên cứu...). Người (hay cơ quan) PB nhận định về tính cấp thiết và ý nghĩa của đề tài, nội dung và hình thức thể hiện của công trình khoa học, phương pháp nghiên cứu, kết luận, đóng góp, hạn chế... Cuối cùng đánh giá chung là đạt hay không đạt những yêu cầu đề ra, xếp loại, vv. . Định nghĩa trên gây hoang mang, lạc hậu và thiếu chính xác.
Ngoài ra, cũng có ít nhiều nghiên cứu từ ngữ “Phản biện”, như so sánh “phản biện và chê bai” (https://thinkingschool.vn/tu-duy-phan-bien/tu-duy-phan-bien-va-che-bai-khac-nhau-nhu-the-nao/), có khác nào các định nghĩa trên chỉ tạo thêm sự lệch lạc tư duy khi “Critical Thinking” là một kỹ năng cần thiết nhất trong thời phát triển xã hội và kinh tế quốc gia?
“Traduire c’est trahir”, dịch thuật là phản bội, khi không hiểu rõ và cảm nhận văn hóa xã hội của các tư tưởng nước ngoài. Đã không biết có bao nhiêu chuyện dịch sai và đã đem lại các hậu quả bất thường. Vì vậy, chúng ta cũng không thể dịch “Critical Thinking” là “Tư duy phản biện” khi “Critical Thinking” này chính là từ ngữ chuẩn và hữu ích nhất cho sự phát triển toàn cầu.
Một thí dụ về sự sai lệch qua việc dịch thuật là câu nói bất hủ của Steve Jobs, nhà sáng lập công ty Apple, “Stay hungry, stay foolish” khi động viên giới trẻ, thì giới truyền thông trong nước lại dịch là “Hãy khát khao, hãy dại khờ”. Trong khi Steve Jobs không bao giờ muốn giới trẻ “dại khờ”, “foolish” theo ý của Steve Jobs là “ngông cuồng”, khát khao ngông cuồng sáng tạo.
“Critical Thinking” không phải là “Tư duy phản biện”. Cũng như “foolish” không phải là “dại khờ”. Kỹ năng “Critical Thinking” là “Tư duy Phân tích và Sáng tạo”.
Trong thời buổi sống chung với các biến thể của Covid và bình thường mới, tư duy phân tích và sáng tạo đó là “Critical Thinking”. Đối với các luật gia và doanh nhân, chúng ta đặt những câu hỏi và tìm ra các câu trả lời. “Who” (ai), “What” (cái gì), “Where” (ở đâu), “When" (khi nào), “Why” (tại sao), “How” (thế nào). “Tư duy phản biện” thật ra phải được thay thế hợp lý hơn, “Tư duy Phân tích và Sáng tạo”.
Olympics 2020 vừa qua, từ ngữ “hạt giống số 1, số 2…” cũng làm ít người hoang mang. “Hạt giống” tiếng Anh gọi là “seed”. Nhưng chữ “seed” trong văn hóa thể thao có nghĩa là “người được cá cược về nhất về nhì”, không phải là “hạt giống”.
“Critical Thinking” là “Tư duy phân tích và sáng tạo”, hình ảnh của một đứa bé vào siêu thị, cầm một lon sữa, nhìn vào ngày sản xuất và ngày hết hạn, có nên bỏ vào xe đẩy của mẹ lúc đi chợ hay không? Đó là “critical thinking”. “Seed” tuy là hạt giống, nhưng trong thể thao lại có ý nghĩa khác, không phải là một từ được định nghĩa trong các tự điển bỏ túi. Cũng giống như đứa bé vào chợ, nhìn vào những dòng chữ trên hộp sữa, “NSX” và “NHH”, tư duy phân tích, và sau này sẽ biết phân biệt ý nghĩa “seed” và “foolish”.
“Critical Thinking” là “nhận xét ghi nhớ” (remember), “phân tích” (analyze), “hiểu biết” (understand), “evaluate” (đánh giá), “apply” (thử nghiệm), và “create” (sáng tạo).
Phân tích, suy luận, tìm ra giải pháp đó là “Critical Thinking”. “Tư duy Phản biện” có bao hàm các ý từ trên, hay chỉ gây hoang mang, và thiếu chính xác?
Theo doanhtri.net
Nguồn bài viết: http://doanhtri.net/tin----tu-duy-phan-bien----co-phai-la----critical-thinking-------lg-ts--ngo-anh-cuong-d70532.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-duy-phan-bien-co-phai-la-critical-thinking-lg-ts-ngo-anh-cuong-a252969.html