Chính phủ tiếp tục hoàn thiện chính sách bảo vệ người dám nghĩ, dám làm

Chính phủ khóa XV họp phiên toàn thể đầu tiên, với quyết tâm xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.

291-1628822656.jpg
 

Báo cáo của Chính phủ tại Phiên họp  toàn thể đầu tiên dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu những điểm lớn trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025. Trên tinh thần thực hiện đồng bộ, hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chính phủ xác định 6 quan điểm, định hướng chỉ đạo điều hành giai đoạn 2021-2025. Từ mục tiêu tổng quát, Chính phủ xác định các mục tiêu cụ thể trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 gồm 23 chỉ tiêu. Để hiện thực hóa các mục tiêu được đề ra, Chính phủ xác định 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu cho cả giai đoạn.

Chính phủ xác định bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 trên nguyên tắc linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội. Chủ động xây dựng giải pháp khả thi thích ứng với bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, coi nội lực là yếu tố cơ bản, chiến lược lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, cần thiết, đột phá; biến nguy thành cơ, coi khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu để vươn lên; huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; bám sát thực tiễn, đánh giá, dự báo đúng tình hình, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.

Tăng cường đổi mới, sáng tạo, có cách tiếp cận mới, tạo đột phá trong bối cảnh mới. Chú trọng việc tổng kết, phổ biến, nhân rộng, phát huy tối đa các bài học kinh nghiệm quý, mô hình hay, cách làm hiệu quả. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, những vấn đề chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp với thực tiễn thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Tập trung tháo gỡ khó khăn về thể chế theo hướng cấp nào ban hành cấp đó phải tháo gỡ, vượt quá thẩm quyền, báo cáo cấp trên trực tiếp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; tổng kết, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh, tiếp tục hoàn thiện chính sách bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

Xây dựng Chính phủ và chính quyền các cấp đoàn kết, liêm chính; kỷ luật, kỷ cương; tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; năng động, đổi mới sáng tạo; thấm nhuần phương châm đặt lợi ích Quốc gia, Dân tộc lên trên hết, trước hết; “dân là gốc” và xuất phát từ quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Càng khó khăn, phức tạp thì càng phải giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể trên tinh thần khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe. Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.

292-1628822738.jpg
Chính phủ xác định bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.

23 chỉ tiêu chủ yếu

Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 của Chính phủ đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng 02 chỉ tiêu so giai đoạn 2016-2020, với 08 chỉ tiêu về kinh tế, 09 chỉ tiêu về xã hội và 06 chỉ tiêu về môi trường. Một số chỉ tiêu quan trọng là: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi NSNN bình quân 3,7% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%.

13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Để hiện thực hóa các mục tiêu được đề ra, Chính phủ xác định 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu giai đoạn 2021-2025.

Thứ nhất là quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết; kiên định mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Thứ hai là củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Thứ ba là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.

Thứ tư là thực hiện quyết liệt, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển kinh tế số, xã hội số. Chú trọng chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng; ưu tiên công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

Thứ năm là đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước, nhất là hạ tầng kinh tế và hạ tầng văn hóa, xã hội. Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư, ưu tiên thu hút các nguồn lực phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng, các đô thị lớn, các ngành mũi nhọn, các công trình trọng điểm quốc gia. Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước.

Thứ sáu là thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị. Nghiên cứu, ban hành quy chế phối hợp; thúc đẩy mạnh mẽ phát triển liên kết vùng, nội vùng, liên vùng, có thể chế điều phối vùng, cơ chế, chính sách để phát huy vai trò động lực tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, sớm tạo ra các vùng động lực mới, cực tăng trưởng mới.

Thứ bảy là phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thứ tám là phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội.

Thứ chín là tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ mười là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo.

Mười một là củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế. Phát triển kinh tế-xã hội gắn liền với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Mười hai là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên trong Chính phủ và chính quyền các cấp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Cuối cùng, mười ba là huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, vừa là mục tiêu cao nhất, vừa là động lực quan trọng nhất của sự phát triển. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận, đề cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể nhân dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/tiep-tuc-hoan-thien-chinh-sach-bao-ve-nguoi-dam-nghi-dam-lam-a524052.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/chinh-phu-tiep-tuc-hoan-thien-chinh-sach-bao-ve-nguoi-dam-nghi-dam-lam-a252939.html