Đưa những quyết sách đúng đắn vào cuộc sống, trở thành “vũ khí” sắc bén giúp Việt Nam chiến thắng đại dịch

(Pháp Lý) - Với mục tiêu đẩy lùi dịch Covid-19, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hàng loạt quyết sách nhanh, đúng hướng  và chưa từng có tiền lệ đã được ban hành. Đây là các quyết sách kịp thời,  đầy trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ trước nhân dân trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Song điều quan trọng hơn cả là trong khâu tổ chức thực hiện cần sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất, cộng đồng trách nhiệm của cả xã hội. Đặc biệt cần phòng ngừa, giám sát để ngăn chặn hành vi lợi dụng dịch bệnh để tiêu cực, trục lợi có thể xảy ra. Có như vậy, những quyết sách đúng đắn, phù hợp mới thực sự trở thành “vũ khí” sắc bén giúp Việt Nam chiến thắng đại dịch.

201-1628753921.jpg
Để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, hàng loạt quyết sách nhanh, đúng hướng, và chưa từng có tiền lệ đã được ban hành

Sự linh hoạt, kịp thời của Quốc hội và UBTVQH

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khoá XV đã kịp thời bổ sung vào chương trình làm việc nội dung liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19. Đặc biệt Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30, trong đó tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trong thời gian qua.

Quốc hội đồng thời giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách, quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành, áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch…

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, ngày 6/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, nhất trí về một số nội dung như quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19 đồng thời là giấy phép hoạt động; giao Bộ Y tế được quy định các thủ tục hành chính trong thông tư theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch; giao Thường trực HĐND quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất. 

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện theo hướng ngân sách nhà nước có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh liên quan trực tiếp đến điều trị Covid-19; đối với bệnh nhân mắc Covid-19 có các bệnh khác thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh này phải thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Bảo hiểm y tế và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nghị quyết được ban hành ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập cuộc họp bất thường cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến nhanh và phức tạp, đây là những động thái rất mạnh mẽ, quyết liệt của Quốc hội, góp phần tháo gỡ những nút thắt lớn, giúp Chính phủ có thêm “vũ khí" trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, bên cạnh những chính sách hiện có. 

Hành động quyết liệt của Chính phủ với hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù

Được sự cho phép của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết 86 của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa XV, trong đó quy định rõ những giải pháp cấp bách, đặc thù nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội.

Nghị quyết 86 của Chính phủ nhấn mạnh, căn cứ Quyết định số 2686 của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động quyết định và chỉ đạo cấp dưới áp dụng nghiêm các giải pháp theo quy định, tương ứng với các mức độ nguy cơ theo tinh thần Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ với phương châm có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn. Đây là một nội dung quan trọng để các địa phương chủ động hơn trong áp dụng các biện pháp chống dịch…

Đáng chú ý, nội dung hết sức quan trọng của Nghị quyết 86 của Chính phủ là các cơ chế, chính sách đặc thù chưa có tiền lệ, chưa được quy định trong Luật… trước hết là cơ chế đặc thù cấp giấy đăng ký lưu hành và thông quan thuốc, vắc xin phòng COVID-19, trong đó có thuốc điều trị, vắc xin phòng COVID-19 được sản xuất tại Việt Nam.

Nghị quyết 86 nêu rõ, Bộ Y tế, Quốc phòng, Công an và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19. Quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 đồng thời là giấy phép hoạt động. Quy định này là chưa có tiền lệ, chưa được quy định trong Luật Khám chữa bệnh.

21-1628473917.jpeg
Nghị quyết 86 của Chính phủ quy định rõ: các địa phương căn cứ tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết…

Bộ Y tế được quy định thủ tục hành chính trong thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc áp dụng thí điểm kỹ thuật, thuốc trong chẩn đoán, điều trị COVID-19 và cấp phép nhập khẩu, cấp giấy đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế, hóa chất phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Việc quy định giao Bộ Y tế ban hành thủ tục hành chính trong thông tư theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng chống dịch là khác với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nghị quyết cũng chỉ rõ các cơ chế, hình thức mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đáng chú ý, Nghị quyết hướng dẫn rất cụ thể về xây dựng giá gói thầu mua sắm hóa chất, trang thiết bị, vật tư, phương tiện, dịch vụ phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và hướng dẫn cả trường hợp không xác định được giá do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức mua sắm một số trang thiết bị, vật tư y tế thiết yếu để trang bị cho một số cơ sở y tế trực thuộc, trung tâm hồi sức tích cực do Bộ Y tế thành lập và dự phòng để sẵn sàng chi viện, hỗ trợ cho các địa phương trong trường hợp vượt quá khả năng đáp ứng tại chỗ của địa phương.

Với tài sản phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian có dịch, có thể mua sắm tài sản với số lượng cao hơn tiêu chuẩn, định mức nhưng phải bảo đảm phù hợp với phương án, kịch bản ứng phó dịch bệnh và hạn chế tối đa lãng phí, không để xảy ra tiêu cực…

Một điểm rất đáng chú ý trong phần tổ chức thực hiện: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong trường hợp cần thiết xin ý kiến cấp ủy, đề xuất Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất. Việc giao Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân khác với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 629 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Hiệu lực thi hành, áp dụng của Nghị quyết cũng rất đặc biệt. Theo Điều 4, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022. Việc cho miễn phiếu kiểm nghiệm (COA) quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết này được áp dụng từ ngày 01 tháng 02 năm 2021. Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết này được áp dụng từ ngày có quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.

Tổ chức thực hiện phải theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”, xử lý nghiêm vi phạm.

Có thể khẳng định, đây là những quyết sách kịp thời và đầy trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ  trước nhân dân trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Song, việc triển khai thực hiện có nhất quán hay không cũng là băn khoăn đang được đặt ra, bởi thực tiễn cho thấy, khung chính sách rất đúng nhưng đôi khi địa phương lại thực hiện máy móc, địa phương này làm một đằng, địa phương kia làm một nẻo. 

Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã đưa nội dung tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 vào nghị quyết chung của kỳ họp. Đây là việc có ý nghĩa rất quan trọng trong công cuộc chống dịch Covid-19 của Việt Nam hiện nay. Theo đó, việc giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid -19 là hợp pháp, tuân theo các quy định, không phải vượt thẩm quyền. Việc giao thẩm quyền để xử lý, giải quyết những khó khăn do Covid-19 gây ra nhằm sớm ngăn chặn, phòng ngừa dịch để phát triển kinh tế xã hội.

“Chống dịch như chống giặc”, nếu mọi thứ phát sinh mà chần chừ, chờ Quốc hội họp để quyết định sẽ gây chậm trễ trong quá trình xử lý, giải quyết các tình huống cấp bách. Cho nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng 4 nội dung khác luật hiện hành trong nhóm giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 là kịp thời, đúng lúc.

203-1628754000.jpg
Lan tỏa những hình ảnh đẹp trong phòng chống dịch ( hình ảnh Đoàn xã Hồng Lạc (Sơn Dương – Tuyên Quang ) tặng quà chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Cầu Kim Xuyên.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nhận định, hiện tình hình dịch Covid-19 ở nước ta đã đến hồi báo động. Trong đợt dịch lần thứ tư, dịch đã xuất hiện ở nhiều địa phương. Chỉ còn một số tỉnh dịch chưa xuất hiện. Nếu không có biện pháp cấp bách để ngăn chặn kịp thời thì tình hình sẽ rất lo ngại. 

Tuy nhiên, theo Đại biểu Phạm Văn Hòa do được áp dụng một số quy định khác so với luật hiện hành cho nên trong tổ chức thực hiện, việc vận dụng phải theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Cần phòng ngừa kịp thời để ngăn chặn các hành vi tiêu cực có thể xảy ra. Tránh để cho các đối tượng lợi dụng để trục lợi, đặc biệt trong mua bán vật tư y tế, thuốc chữa bệnh không qua đấu giá, đấu thầu. 

Theo Đại biểu, nếu để xảy ra vi phạm sẽ làm ảnh hưởng, thất thoát ngân sách nhà nước rất lớn. Cho nên người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Nếu để xảy ra vi phạm phải nghiêm trị theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các đại biểu dân cử như đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND theo phân cấp chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động của cơ quan chính quyền cùng cấp trong thực hiện nhiệm vụ về phòng, chống Covid-19.

Còn ở cấp Trung ương, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội cũng cần tiến hành giám sát Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các bộ, ngành trong thực thi nhiệm vụ được giao. Giao quyền mà không kiểm tra, giám sát sẽ rất nguy hiểm. Bởi ngoài tiền ngân sách, còn có sự ủng hộ rất lớn của doanh nghiệp và người dân. Dù tiền huy động nằm ngoài ngân sách nhưng cũng là tiền của nhân dân, nếu sử dụng không hợp lý, hợp pháp đúng quy định cũng có thể dẫn đến tiêu cực. Cho nên mỗi cơ quan được giao phải thanh tra, kiểm tra giám sát. Có sự vào cuộc như vậy của các cơ quan mới không để xảy ra các sai phạm đáng tiếc.

Thời điểm này đòi hỏi bản lĩnh , phẩm chất của từng cán bộ. Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các ngành các cấp từ trung ương cho đến cơ sở. Nâng cao đạo đức công vụ, phẩm chất của công chức viên chức, cán bộ đảng viên. Thực tiễn vừa qua chúng ta đã có những bài học đau xót xảy ra khi một số cán bộ lợi dụng dịch Covid-19 để trục lợi. Cho nên lần này cần phát hiện kịp thời, ngăn chặn để không xảy ra các hành vi tiêu cực. Nếu xảy ra tiêu cực trục lợi vào thời điểm này sẽ có phản cảm rất lớn từ nhân dân đối với bộ máy hành chính nhà nước. Nếu có một bộ phận không nhỏ lợi dụng dịch để trục lợi cho cá nhân, gia đình là điều đáng chê trách vào lúc này và cần trừng trị nghiêm khắc.

Đặc biệt, cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện gói hỗ trợ cho những người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong lúc khó khăn, nhận được sự hỗ trợ của nhà nước là điều người dân rất vui mừng. Đây cũng là việc thể hiện sự nhân đạo, nhân văn của nhà nước đối với dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Vừa qua trong quá trình thực hiện tại một số nơi có việc lập danh sách khống, đưa “người thân” vào danh sách để hưởng hỗ trợ, còn người đúng tiêu chuẩn nằm trong đối tượng được nhận hỗ trợ lại nằm ngoài danh sách. Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Cho nên để việc hỗ trợ cho đúng đối tượng, người đứng đầu địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra. Ở đâu vi phạm phải xử lý đích đáng.

Rõ ràng, trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, sự linh hoạt, kịp thời của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trong việc ban hành các nghị quyết, giải pháp, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 là vô cùng cần thiết, song điều quan trọng hơn cả là trong khâu tổ chức thực hiện cần sự đồng lòng, thống nhất, cộng đồng trách nhiệm của cả xã hội. Đặc biệt, cần phòng ngừa kịp thời để ngăn chặn các hành vi lợi dụng dịch bệnh để tiêu cực trục lợi có thể xảy ra. Có như vậy, những quyết sách đúng đắn, phù hợp kể trên, mới thực sự trở thành “vũ khí” giúp Việt Nam chiến thắng đại dịch.

Nam Kiên
 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/dua-nhung-quyet-sach-dung-dan-vao-cuoc-song-tro-thanh-vu-khi-sac-ben-giup-viet-nam-chien-thang-dai-dich-a252934.html