Từ 1/7/2022, tiền lương của công chức, viên chức gồm những khoản nào?

Nghị quyết 27-NQ/TW đã đề ra mục tiêu phải cải cách tiền lương theo hướng xây dựng lại cách tính lương dựa trên vị trí việc làm.

12-1628736447.jpeg
 


Nghị quyết 27-NQ/TW của Bộ Chính trị chủ trương áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp mới với cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2021. Tuy nhiên, do những tác động tiêu cực của Covid-19, Bộ Chính trị đã tán thành lùi thời điểm cải cách tiền lương đến 1/7/2022.

Theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW, thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Cụ thể, khi chính sách tiền lương mới có hiệu lực, những khoản phụ cấp công chức có thể được hưởng như sau: Tiếp tục áp dụng phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động; phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng và phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu).

Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước (giáo dục và đào tạo, y tế, toà án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường,...). Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.

Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức); phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản); phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).

Cũng tại Nghị quyết này, Ban Chấp hành Trung ương còn quy định sẽ bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của công chức, viên chức có nguồn gốc ngân sách Nhà nước như: Tiền bồi dưỡng họp; tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án; hội thảo…

Đồng thời, cũng khoán các chế độ ngoài lương như tiền xăng xe, tiền điện thoại, không gắn lương công chức, viên chức với việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy định chính sách, chế độ không có tính chất lương.

Nếu hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tiến hành xây dựng và hoàn thiện theo đúng kế hoạch thì trong năm 2022, các bảng lương mới này sẽ áp dụng. Và từ 1/7/2022 sẽ có nhiều khoản phụ cấp cũng như các khoản thu nhập ngoài lương của công chức, viên chức sẽ không còn nữa.

Cải cách tiền lương từ những nguồn nào?

Mới đây, bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 61/2021/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 9/9/2021.

Theo đó, hướng dẫn xây dựng dự toán chi tạo nguồn cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng (phần ngân sách nhà nước đảm bảo), trợ cấp ưu đãi người có công như sau:

Năm 2022, tiếp tục thực hiện chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương, kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII) về thực hiện cải cách chính sách tiền lương và Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Trong đó, các bộ, cơ quan trung ương lập dự toán chi tạo nguồn cải cách tiền lương từ: Nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2021 còn dư chuyển sang năm 2022 (nếu có); Nguồn thu được để lại theo quy định; Tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ).

Riêng các cơ quan, đơn vị hành chính ở Trung ương đang áp dụng cơ chế tài chính đặc thù theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền tự cân đối nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, ngân sách nhà nước không hỗ trợ.

Các đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW và Nghị định 60/2021/NĐ-CP, trong đó phải tự đảm bảo phần tiền lương tăng thêm phù hợp với mức tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên của đơn vị.

Các địa phương tổng hợp, báo cáo dự toán chi tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII). Trong đó, tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) và nguồn cải cách tiền lương lũy kế đến hết năm 2021 chuyển sang để thực hiện (nếu có). Sử dụng một phần nguồn thu của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP.

Đối với kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng (phần ngân sách nhà nước đảm bảo), trợ cấp ưu đãi người có công, các bộ, cơ quan căn cứ vào nhiệm vụ, chức năng được giao thực hiện lập dự toán chi theo chế độ nhà nước quy định.

Riêng đối với dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước, ưu tiên bố trí dự toán năm 2022 để thanh toán nợ xây dựng cơ bản theo quy định tại khoản 4 Điều 101 Luật Đầu tư công, thu hồi vốn ứng trước ngân sách nhà nước; các dự án đã hoàn thành nhưng chưa bố trí đủ vốn; các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022; vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; bố trí vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các dự án, công trình phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư (PPP); cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách. Mức bố trí vốn cho từng nhiệm vụ phải phù hợp với tiến độ thực hiện và giải ngân trong năm 2022.

Thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước về tổng mức hỗ trợ vốn đầu tư phát triển hàng năm của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện một số chương trình, dự án lớn, đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tối đa không vượt quá 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách trung ương.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/tu-172022-tien-luong-cua-cong-chuc-vien-chuc-gom-nhung-khoan-nao-a523898.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-172022-tien-luong-cua-cong-chuc-vien-chuc-gom-nhung-khoan-nao-a252926.html