Bổ sung chức năng cho Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng

Bộ Chính trị sẽ xem xét, quyết định việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng chống tiêu cực cho Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng.

Ngày 5/8, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp phiên thứ 20 dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đánh giá tình hình công tác và xem xét một số vấn đề quan trọng, bao gồm việc cho ý kiến đối với Đề án sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực.

Đề án xác định đối tượng của công tác phòng, chống tiêu cực là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị. "Trọng tâm chỉ đạo phòng, chống tiêu cực là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống", ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, cho biết.

Theo ông Học, Ban chỉ đạo sẽ trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc, hành vi tiêu cực khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Trên cơ sở góp ý của các thành viên Ban chỉ đạo tại phiên họp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận giao Ban Nội chính Trung ương tiếp thu hoàn chỉnh Đề án, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Tháng 2/2013, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; chịu trách nhiệm trước các cấp có thẩm quyền trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trên cả nước. Như vậy, sau 8 năm hoạt động, khi được Bộ Chính trị xem xét, quyết định bổ sung nhiệm vụ mới, Ban chỉ đạo sẽ thêm chức năng phòng chống tiêu cực.

71-1628214656.jpg
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Noichinh.vn

Ông Nguyễn Thái Học cho hay, quá trình xây dựng dự thảo Đề án nêu trên, Ban Nội chính Trung ương đã "nghiên cứu từ rộng đến hẹp"; ban đầu nghiên cứu xử lý tiêu cực trong cán bộ đảng viên, sau đó là tiêu cực liên quan đến 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo nghị quyết Trung ương 4, khóa XII.

Từ 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, Ban Nội chính Trung ương "gói gọn thành 9 hành vi nhận diện". Đó là: chấp hành không đúng, không đầy đủ các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình; suy thoái về tư tưởng chính trị, quan liêu, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo quản lý; kê khai tài sản, thu nhập không đúng quy định; vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản ngân sách nhà nước; cản trở, can thiệp trái quy định vào hoạt động kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, bao che, tiếp tay cho chạy chức chạy quyền... và các hành vi tiêu cực nghiêm trọng khác.

Theo ông Nguyễn Thái Học, chống tiêu cực là công việc của các cơ quan chức năng, Ban chỉ đạo không làm thay. Ban chỉ đạo chỉ lãnh đạo, chỉ đạo để "việc chống tiêu cực tốt lên, hiệu quả hơn". Vì vậy, Ban chỉ đạo có đầy đủ các thành phần như Tổ chức, Kiểm tra, Tuyên giáo... để cùng bàn luận, xem xét theo đúng chức năng, "không chỉ chống mà còn phòng, ví dụ như xây dựng thể chế, quy định của Đảng về nội dung này".

72-1628214682.jpeg
Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học thông báo kết quả phiên họp thứ 20 Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, chiều 5/8. Ảnh: Hoàng Thùy

Ông Nguyễn Thái Học cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng đã thực hiện cơ chế mới về xử lý sai phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Theo đó, trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền mà không chờ đến kết thúc cả quá trình.

Còn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nếu phát hiện cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có vi phạm thì chuyển ngay thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xử lý về mặt Đảng mà không chờ kết luận điều tra, ban hành cáo trạng truy tố, bản án...

Về trọng tâm công tác những tháng cuối năm 2021, Ban chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng vừa phải tập trung cao cho phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tập trung chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ theo chương trình công tác năm 2021.

Trong đó có việc khẩn trương đưa ra xét xử 5 đại án; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội.

Ban chỉ đạo nêu rõ việc khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra chuyên đề diện rộng về quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế; thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh bất động sản giai đoạn 2011 - 2017...

Theo vnexpress.net

Nguồn bài viết: https://vnexpress.net/bo-sung-chuc-nang-cho-ban-chi-dao-trung-uong-phong-chong-tham-nhung-4336271.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/bo-sung-chuc-nang-cho-ban-chi-dao-trung-uong-phong-chong-tham-nhung-a252876.html