Tiếp sức doanh nghiệp vượt qua đại dịch covid - 19: Cần mở rộng đối tượng và tăng thời gian giảm thuế VAT

(Pháp lý) - Ngay từ cuối năm 2020, rất nhiều diễn đàn, các tổ chức Hiệp hội, chuyên gia, ngành nghề đã lên tiếng kiến nghị giảm thuế. Nhưng đến nay mới chỉ được giãn, chậm nộp thuế VAT và giảm 30 % thuế TNDN.  Giãn, hoãn nghĩa là chỉ được chậm nộp thuế mà không bị phạt lãi chậm nộp, chứ trước sau gì vẫn phải nộp. Như vậy không thấm vào đâu so với những gì mà hàng vạn doanh nghiệp (DN) đang phải đối đầu hiện nay. “ DN trong cơn bĩ cực”; “ DN giờ như cá nằm trên cạn”…Đó là những từ ngữ mà báo chí gần đây thay lời muốn nói của DN, đặc biệt là những DNVVN.

Nước ta đã trải qua 4 đợt dịch bệnh covid – 19  tính từ đầu năm 2020 đến nay. Nhưng đợt 4 hiện nay là nặng nề nhất, kéo dài nhất. Đã có hàng ngàn doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ sức chống đỡ. Nay lại bị bồi thêm một đợt dịch bệnh vô cùng nặng nề nữa, đến giờ DNVVN nào còn trụ được là sức đề kháng phải rất tốt.

41-1627993064.jpg
Các DN du lịch chịu thiệt hại nặng nề nhất do dịch Covid-19.

Vậy nên khi nghe tin Bộ Tài chính có chủ trương xây dựng đồng bộ các giải pháp hỗ trợ DN về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất…., chắc hàng vạn DN có chút nhẹ nhõm và ngóng chờ . Được biết, Bộ đề xuất một số gói hỗ trợ rất mới như: Giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế;   Giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ;  Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 (02 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020….

Bộ Tài chính Đề xuất giảm 30% thuế TNDN, 50% thuế phải nộp đối với hộ và cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực.

1. Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức như đã áp dụng cho năm 2020; 

2. Giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế; 

3. Giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ; 

4. Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 (02 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020.

Theo Tổng cục Thống kê, trong số 2.164,5 nghìn tỉ đồng vốn đầu tư xã hội năm 2020, có đến 972,2 nghìn tỉ đồng đến từ khối kinh tế ngoài nhà nước, trong khi khối FDI chỉ chiếm 463,3 nghìn tỉ đồng. Còn trong quý I năm nay, vốn đầu tư toàn xã hội đạt 507,6 nghìn tỉ đồng, riêng khu vực ngoài nhà nước chiếm đến hơn 57%, khu vực Nhà nước chiếm 24% và khu vực FDI chỉ chiếm gần 19%.

Bên cạnh đó, các số liệu thống kê đều cho thấy khu vực kinh tế tư nhân đang tạo ra khoảng 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước và thu hút đến 85% lực lượng lao động cả nước. Những con số trên cho thấy kinh tế tư nhân đang ngày càng trở thành “lực kéo” quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. 

Bàn về vai trò của DNTN, tại Hội thảo “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”, phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội. Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 42-43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội...

Đặc biệt lực lượng DNTN đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; hình thành nhiều thương hiệu có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế.  

Do đó, cần phải tiếp tục có những cơ chế, chính sách để doanh nghiệp tư nhân trụ vững thời gian này và phát triển mạnh hơn nữa trong giai đoạn hậu COVID-19.

Còn các DNVVN ? DNVVN có vai trò rất lớn trong quá trình tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

DNVVN tạo công ăn việc làm cho hàng vạn người lao động, góp phần giảm thất nghiệp; Doanh nghiệp nhỏ và vừa giữ vai trò quan trọng trong việc ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ccung cấp cho thị trường nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, tạo ra nhiều sự lựa chọn, đáp ứng được mọi nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sức tiêu thụ của nền kinh tế. Vì thế mức độ đóng góp của các DNVVN vào tổng sản lượng của nền kinh tế là rất lớn. 

Phát biểu tại “Lễ tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp Thăng Long năm 2020”, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá: Mặc dù bị tác động bởi dịch COVID-19, nhưng kinh tế Thủ đô vẫn duy trì sự tăng trưởng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đóng góp hơn 30% tổng thu ngân sách, tạo nhiều việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Với tầm quan trọng như vậy của khối DNTN và DNVVN đối với nền kinh tế và xã hội, vậy nên, còn chần chừ gì nữa mà không nhanh chóng có những chính sách giảm thuế kịp thời để khoan sức cho DN. DN được cứu sống, sau dịch bệnh, họ khỏe lại, họ sẽ đóng góp và bù đắp cho nền kinh tế. Còn DN mà hao hụt và mất đi, thì ai sẽ nuôi ngân sách…Mệnh đề này ai cũng hiểu, đặc biệt là các cơ quan quản lý.

image002-1627993094.jpg
Doanh nghiệp kỳ vọng gì cho chính sách giảm thuế sắp tới của Bộ Tài chính ?

Tuy nhiên giảm thuế TNDN, giảm thuế VAT…, với  mức giảm thế nào và đối tượng, thời  gian giảm ra sao…? cho thực chất, thực sự hà hơi tiếp sức được cho DN, thì cần tính kĩ .

Theo chúng tôi, cần tăng thời gian giảm và đối tượng được giảm thuế VAT. Thay vì đề xuất giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021, kiến nghị giảm cho cả năm 2022; Thay vì đề xuất giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ , kiến nghị giảm 50 % thuế VAT cho tất cả các nhóm lĩnh vực dịch vụ.,,, 

Và  cần thiết mở rộng đối tượng giảm thuế VAT, bởi không chỉ các doanh nghiệp mà các tổ chức, đơn vị sự nghiệp không hưởng ngân sách hiện nay cũng rất khó khăn ( như nhiều cơ quan báo chí chẳng hạn). Các cơ quan báo chí hiện nay kê khai và nộp các loại thuế ( TNDN, VAT) như doanh nghiệp, nhưng các chính sách hỗ trợ DN thì lại không có tên báo chí.  Ngoài ra, nếu trong trường hợp dịch bệnh còn kéo dài thì thời gian giảm thuế cần tăng lên vài năm. Vì khi dịch bệnh giảm và được ngăn chặn thì sau đó, DN vực dậy và phục hồi được không thể chỉ trong một năm.

Đồng thời việc ban hành các giải pháp hỗ trợ cần đạt được các mục tiêu, yêu cầu như: đảm bảo các chính sách hỗ trợ  phải nhanh, lược giảm tối đa các thủ tục và điều kiện  nhằm giúp doanh nghiệp ứng phó với ảnh hưởng của dịch COVID-19, sớm khôi phục sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Kiến nghị tăng thời gian giảm và đối tượng được giảm thuế VAT. Thay vì đề xuất giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021, kiến nghị giảm cho cả năm 2022; Thay vì đề xuất giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ , kiến nghị giảm 50 % thuế VAT cho tất cả các nhóm lĩnh vực dịch vụ.,,, 

Và  cần thiết mở rộng đối tượng giảm thuế VAT, bởi không chỉ các doanh nghiệp mà các tổ chức, đơn vị sự nghiệp không hưởng ngân sách hiện nay cũng rất khó khăn ( như nhiều cơ quan báo chí chẳng hạn). Các cơ quan báo chí hiện nay phải nộp các loại thuế ( TNDN, VAT) như doanh nghiệp, nhưng các chính sách hỗ trợ DN thì lại không có tên báo chí.

Phúc Trang
 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/giam-thue-vat-de-khoan-suc-doanh-nghiep-la-rat-can-thiet-nhung-can-mo-rong-doi-tuong-va-tang-thoi-gian-giam-a252844.html