(Pháp lý) – Dịch bệnh covid -19 khiến hàng vạn doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn bủa vây, nhất là các DNVVN như “cá nằm trên cạn”. Trong khi đó vẫn có rất nhiều ngân hàng lãi lớn. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm để các ngân hàng thể hiện vai trò, trách nhiệm xã hội của mình. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có cách để san sẻ vấn đề này - TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng thẳng thắn góp ý. Và ông đề xuất: ngành ngân hàng “cần lập tổ hợp tín dụng 300.000 tỷ và hạ chuẩn cho vay để khẩn cấp hỗ trợ Doanh nghiệp vượt cạn”
Lãi thực tế của ngân hàng không như mọi người nghĩ
Phóng viên: Qua các đợt dịch covid -19, nhiều ngân hàng đã có chủ trương giảm lãi suất cho doanh nghiệp, nhưng nhiều người cho rằng, chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay của ngân hàng vẫn còn rất lớn khiến ngân hàng lợi nhuận lớn, trong khi Doanh nghiệp đang kiệt quệ vì ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, liệu có đúng thưa ông?
TS. Nguyễn Tri Hiếu: Chênh lệch lãi suất (Interest rate differential) - là chênh lệch giữa lãi suất đầu ra (cho vay) và lãi suất đầu vào (tiền gửi) gọi là biên độ lợi nhuận. Thông thường, biên độ lợi nhuận chỉ ở khoảng 3%. Tuy nhiên, thời gian vừa rồi chênh lệch lãi suất thực tế lên đến 4%, thậm chí có thời điểm còn lớn hơn.
Việc giãn biên độ lợi nhuận này tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng. Nhưng nếu chỉ nhìn vào biên độ lợi nhuận giãn ra như thế mà cho rằng ngân hàng lãi lớn là chưa đúng. Bởi, chúng ta chưa tính tới nợ xấu tiềm ẩn, chi phí trích lập dự phòng của ngân hàng.
Các ngân hàng trong thời gian từ năm 2020 đến nay, theo quy định tại thông tư 01 và thông tư 03, ngân hàng được phép cơ cấu lại khoản vay, không chuyển nhóm nợ đối với một số khoản nợ xấu. Như thế có nghĩa, ngân hàng không phải trích lập dự phòng đúng với phòng thực tế. Điều này khiến chi phí của ngân hàng giảm đi, trong khi doanh thu cao và từ đó đẩy lợi nhuận ngân hàng lên.
Theo tôi, trong phần lợi nhậu đó có phần lợi nhuận ảo trong đó. Chính các ngân hàng họ cũng biết điều đó. Bản thân các ngân hàng cũng không vui mừng về lợi nhuận cao. Bởi ngân hàng biết rằng, họ phải trích lập những dự phòng để tránh trường hợp nợ xấu. Trên sổ sách thì các ngân hàng đang lãi lớn, thế nhưng lãi thực tế thì thấp hơn nhiều.
Vì sao Doanh nghiệp muốn vay mới rất khó vay?
Phóng viên: Được biết mới đây, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ Doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, về phía các Doanh nghiệp lại cho rằng, họ đang rất khó tiếp cận được nguồn vốn rẻ, đặc biệt là với những khoản vay mới. Bởi, hầu hết các Doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng ngủ đông, phương án sản xuất kinh doanh không có… Ông đánh giá về vấn đề này thế nào?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Nói riêng về giảm lãi suất cho vay, theo tôi lãi suất giảm chỉ có lợi cho những khách hàng đã và đang vay tiền của ngân hàng. Chẳng hạn như, Doanh nghiệp vay tiền đang phải trả lãi 12 %/năm, bây giờ ngân hàng giảm xuống khoảng 10%/năm là quá tốt.
Nhưng đối với các Doanh nghiệp muốn vay mới thì họ vẫn khó khăn. Bởi, khi mà các ngân hàng giảm lãi suất, đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ phải tăng tiêu chuẩn cho vay. Ngân hàng chỉ giảm lãi suất với điều kiện là độ rủi ro nó phải thấp hơn để bảo toàn vốn cũng như quyền lợi của các cổ đông của họ.
Chính vì vậy mà trong lúc khó khăn như thế này, các Doanh nghiệp đã khó vay vốn của ngân hàng trước đây thì hiện tại lại càng khó khăn.
Thời điểm để các ngân hàng thể hiện vai trò, trách nhiệm với xã hội
Phóng viên: Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp kéo dài, tác động xấu đến cả nền kinh tế của Việt Nam, nhiều doanh nghiêp rơi vào tình trạng ngủ đông, sản xuất kinh doanh đình trệ, thậm chí phá sản. Tuy nhiên, vừa qua, các ngân hàng đồng loạt công bố báo cáo tài chính quý 2/2021 cho thấy kết quả kinh doanh cũng như lợi nhuận rất khả quan. Ông có đánh giá gì về “bức tranh đối lập” này?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Đúng là trong cả nền kinh tế thì có lẽ ngành ngân hàng ngày một ăn nên làm ra, trong khi rất nhiều những ngành nghề khác đang bị khủng hoảng vì vấn đề dịch bệnh, trong đó thiệt hại lớn nhất có du lịch, khách sạn, giao thông vận tải…
Tuy nhiên, ngân hàng luôn luôn có tính thanh khoản cao nhất, bởi là nơi gửi tiền và vay tiền. Do đó, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng có thể nói là cao nhất ở trong nền kinh tế hiện nay và chính vì lợi thế đó mà có lẽ cũng không lạ khi mà doanh thu của của ngành ngân hàng cao, lợi nhuận khả quan như vậy.
Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, các ngành nghề khác có khó khăn phải vay tiền của ngân hàng. Kinh doanh của ngân hàng không thể nói là không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng nó là mắt xích cuối cùng trong cái chuỗi mắt xích. Chính vì thế mà trước khi ngành ngân hàng bị lỗ thì rất nhiều những Doanh nghiệp trong các ngành khác đã thua lỗ, thậm chí gục ngã. Đây là lợi thế của ngân hàng so với các ngành khác.
Đặc biệt, thời điểm này cũng là thời điểm các thành phần kinh tế đang rất cần vốn vay của ngân hàng, điều này lý giải cho việc báo cáo tài chính của các ngân hàng có lợi nhuận tốt.
Phóng viên: Trong thời điểm hiện tại, rất nhiều Doanh nghiệp đang trong tình trạng đóng băng ngủ đông. Tuy nhiên, họ lại rất cần vốn để bảo toàn lực lượng sản xuất kinh doanh (trả lương lao động, bảo trì máy móc, kho bãi…). Theo ông, ngay tại thời điểm này và đến cuối năm các ngân hàng có nên tiếp tục hi sinh một phần lợi nhuận của mình để hỗ trợ, cùng Doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này không?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tất nhiên, các ngân hàng mặc dù họ không phải là những nhà làm công tác xã hội, nhưng họ có trách nhiệm xã hội. Do đó, khi mà cả một nền kinh tế lao đao khó khăn. Ngân hàng nên chia sẻ lợi nhuận của họ bằng cách giảm lãi suất cũng như là hỗ trợ khách hàng của họ và thậm chí nên đóng góp vào tất cả công cuộc từ thiện… Trước sự khó khăn của tất cả các thành phần trong nền kinh tế , họ nên có sự đóng góp nhiều hơn nữa. Đây là thời điểm để các ngân hàng thế hiện vai trò, trách nhiệm xã hội của mình.
Cần lập tổ hợp tín dụng 300.000 tỷ, hạ chuẩn cho vay để hỗ trợ Doanh nghiệp “vượt cạn”
Phóng viên: Vậy, giải pháp nào trong lúc này để vừa cân bằng lợi ích của ngân hàng, cổ đông nhưng đảm bảo hỗ trợ tối đa cho Doanh nghiệp, thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Có một giải pháp, mà giải pháp này tôi đã nhiều lần đề nghị. Đó là, tất cả hệ thống ngân hàng phải thành lập ra một tổ hợp tín dụng (Loan Syndication) có hạn mức lên đến 300.000 tỷ đồng. Tất cả các ngân hàng nội, ngoại có mặt ở Việt Nam đều phải tham gia với mức trung bình từ 3-3,5%/tổng dư nợ của mỗi ngân hàng.
Đặc biệt là cho vay đối với những Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những Doanh nghiệp tác động bởi dịch bệnh để hỗ trợ Doanh nghiệp “vượt cạn” trong lúc này. Và phải cho vay tín chấp chứ không thể cho vay thế chấp. Các Doanh nghiệp đang mắc cạn hiện cũng chẳng có tài sản bảo đảm để có thể bảo đảm cho khoản vay.
Điều quan trọng là nếu mà cho vay như thế thì rất là rủi ro. Dĩ nhiên phải có một quy chế cho vay với những tiêu chuẩn như thế nào?. Tổ hợp tín dụng này phải do Ngân hàng Nhà nước đứng ra làm đầu mối và tất cả các ngân hàng sẽ họp lại với nhau để đưa quy chế, quy trình, tiêu chí để Doanh nghiệp nào có thể được vay.
Phóng viên: Đề xuất này hẳn sẽ được cộng đồng Doanh nghiệp ủng hộ. Tuy nhiên, không cho vay không phải vì ngân hàng thiếu tiền mà vấn đề nan giải nhất là vấn đề “hạ chuẩn" và nếu như vậy mãi mãi hai bên (ngân hàng và Doanh nghiệp) không thể gặp nhau. Theo ông, giải bài toán này ra sao trong tổ hợp tín dụng 300.000 tỷ này?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đây không phải quỹ đầu tư nên ngân hàng không phải bỏ tiền vào trước mà 300.000 tỷ chỉ là hạn mức để cho vay trong gói này. Trong số các ngân hàng thương mại phải bầu ra một nhóm để giám sát xem mỗi lần giải ngân là giải ngân cho ai và bao nhiêu.
Khoản vay cho Doanh nghiệp có một số điều kiện cơ bản như: Vay trong vòng tối thiểu 5 năm, 2 năm đầu là vay tuần hoàn và 3 năm sau trả dần trên dư nợ vay vào cuối năm thứ 2. Mức lãi suất nên rất thấp từ 3-5%. Các ngân hàng phải dùng vốn Casa của mình (khoảng 10-20% dòng vốn Casa) để hỗ trỡ cho gói này. Vì dòng vốn này ngân hàng huy động vào được với lãi suất rất thấp.
Đúng là các ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay trong điều kiện thông thường. Tuy nhiên, trong tổ hợp tín dụng này thì phải có quy định khác so với truyền thống, phải hạ chuẩn và phải có cơ chế bảo lãnh tín dụng.
Các Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã khốn khổ rồi, bây giờ lại chẳng có tài sản bảo đảm, ngân hàng cho vay thì không khác nào tự đào hố chôn chính mình, thành ra, tổ hợp tín dụng đó phải làm việc với một quỹ bảo lãnh tín dụng của quốc gia.
Quỹ bảo lãnh tín dụng như một loại bảo hiểm cho các ngân hàng, các ngân hàng cho vay, quỹ bảo lãnh tín dụng đó bảo lãnh cho các ngân hàng mà nếu ngân hàng không thu hồi được nợ cuốn đó sẽ trả tiền cho cho ngân hàng. Cơ chế này cho phép ngân hàng hạ chuẩn cho vay.
Cần luôn luôn duy trì tiền trong quỹ bảo lãnh tín dụng này để lấp đầy tỷ lệ 10/1 (10 đồng vốn, 1 đồng bảo lãnh), để các ngân hàng tin tưởng cho vay. Quỹ bảo lãnh cũng như chơi chứng khoán, mỗi lần bồi thường cho rủi ro sẽ bị giảm xuống và Chính phủ phải xem đó là chi phí của quốc gia duy trì hoạt động của quỹ. Có quy chế đặc biệt cho vay và chuẩn mực trong tổ hợp này khác với truyền thống.
Theo đó, để ngân hàng cho vay an toàn thì cần sử dụng quy chế an toàn. Năm 2018 Chính phủ đã có Quyết định 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng và hạn mức cũng rất nhỏ. Với tổ hợp tín dụng này phải có quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, ngân sách bỏ tiền vào quỹ đó với vốn điều lệ tối thiểu là 30.000 tỷ để bảo lãnh cho 300.000 tỷ tín dụng các ngân hàng bỏ ra.
Phóng viên: Với mô hình như thế, có kinh nghiệm nào từ một số nước trên thế giới cho Việt Nam, thưa ông?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Những tổ hợp tín dụng trên thế giới rất là bình thường. Chẳng hạn như, 10 ngân hàng tham gia vào một dự án rất lớn, bản thân mỗi ngân hàng cho vay vào án đó thì rủi ro rất là cao, tại vì nó quá lớn, nó vượt cả cái hạn mức mà mà các ngân hàng cho vay. Do đó, các ngân hàng tụ lại với nhau và lập ra một liên kết, một tổ hợp cho vay dự án và chia sẻ lợi nhuận cũng như chia sẻ rủi ro. Đây là một hình thức rất thông thường và phổ biến ở trên thế giới. Ở Việt Nam cũng có những ngân hàng tham gia những chương trình như thế. Dưới dạng đồng tài trợ, đây là một hình thức của tổ hợp tín dụng.
Tuy nhiên, tổ hợp tín dụng mà tôi muốn nói đây không phải là chỉ có 5, 10 ngân hàng tham gia với nhau, mà phải có quy định pháp luật bắt buộc các ngân hàng tham gia. Tất cả các các ngân hàng trong nước và cả các ngân hàng nước ngoài hoạt động ở Việt Nam đều phải tùy theo sau quy mô của mình để tham gia.
Chính phủ, ngành ngân hàng cũng nên coi đây là thời điểm để cải tổ lại cả nền kinh tế và yêu cầu đồng hành với Doanh nghiệp là trách nhiệm xã hội của ngành ngân hàng ở thời điểm hiện tại.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Ông!
Văn Chiến (ghi)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/can-lap-to-hop-tin-dung-300000-ty-va-ha-chuan-cho-vay-de-ho-tro-doanh-nghiep-vuot-bao-covid-a252842.html