Chỉ cần 02 trong các dấu hiệu đã được xem là nghi mắc COVID-19

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 3638/QĐ-BYT về Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19 ngày 30/7/2021, thay thế quyết định cũ ban hành cách đây gần 1 năm. Theo hướng dẫn mới, chỉ cần có ít nhất 02 triệu chứng trở lên là được xem như ca nghi mắc COVID-19, thay vì phải đáp ứng 02 yếu tố về biểu hiện lâm sàng và dịch tễ. Quyết định 3638/QĐ – BYT về Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19” là tài liệu hướng dẫn kỹ thuật được áp dụng tại các cơ sở y tế dự phòng và khám, chữa bệnh trên toàn quốc. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành; thay thế Quyết định số 3468/QĐ-BYT ngày 07 tháng 8 năm 2020 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19.

image001-1627826748.jpg
 Cán bộ Y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh minh họa

Các dấu hiệu, biểu hiện nhiễm SARS- CoV-2 bao gồm:

Bệnh COVID-19 là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A do vi rút SARS-CoV-2 gây ra. Vi rút này thường xuyên biến đổi tạo nên các biến chủng với khả năng lây lan nhanh hơn. Đến tháng 7 năm 2021, tại Việt Nam đã ghi nhận 07 biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 gồm các chủng phổ biến tại Châu Âu, Châu Phi, Anh và Ấn Độ; riêng trong đợt dịch từ ngày 27/4/2021 đến nay nước ta đã ghi nhận 02 biến chủng là Delta (B.1.617.2, lần đầu tiên phát hiện tại Ấn Độ) và Alpha (B.1.1.7, lần đầu tiên phát hiện tại Anh), trong đó biến chủng Delta được đánh giá là có khả năng lây lan mạnh được WHO xếp vào nhóm “biến chủng gây quan ngại” có khả năng lây truyền cao hơn 50% so với biến chủng Alpha.

Bệnh COVID-19 lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp. Thời gian ủ bệnh trong khoảng 14 ngày. Phần lớn (hơn 60%) người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 không có biểu hiện lâm sàng. Đối với người mắc bệnh có triệu chứng thì biểu hiện lâm sàng rất đa dạng có thể từ nhẹ đến nặng như: sốt, ho, đau họng, người mệt mỏi, đau người, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, khó thở, có thể có viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh lý nền, người có bệnh lý mạn tính, người cao tuổi. Đến nay, bệnh đã có vắc xin phòng bệnh nhưng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Các dấu hiệu, biểu hiện nhiễm SARS – CoV-2 bao gồm các triệu chứng như: Ho; Sốt (trên 37,5 độ C); Đau đầu; Đau họng, rát họng; Sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi; Khó thở; Đau ngực, tức ngực; Đau mỏi người, đau cơ; Mất vị giác; Mất khứu giác; Đau bụng, buồn nôn; Tiêu chảy.

Tuy nhiên, phần lớn (khoảng 60%) người nhiễm virus này không có biểu hiện lâm sàng, trong khi đó, theo Quyết định số 3468/QĐ-BYT (ban hành tháng 8/2020), tỷ lệ này chỉ khoảng 40%.

Trước tình hình thực tế, Quyết định 3638/QĐ BYT về hhướng dẫn tạm thời này được xây dựng cập nhật qua hoạt động thực tiễn với các nội dung giám sát và các hoạt động phòng, chống phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện tại để các tỉnh, thành phố, đơn vị y tế và các đơn vị liên quan căn cứ áp dụng, tổ chức triển khai theo thực tế tại địa phương, đơn vị.

Quyết định này cũng sửa đổi, bổ sung một số định nghĩa liên quan đến COVID-19: 

Ca bệnh nghi ngờ được hiểu là người có ít nhất hai trong số các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2.

Theo quy định cũ, ca bệnh nghi ngờ phải có ít nhất 1 trong các triệu chứng (sốt; ho; đau họng; khó thở; mệt mỏi, đau người, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; hoặc viêm phổi) và phải có tiền sử đến/qua/ở/về từ quốc gia, ổ dịch đang hoạt động ở Việt Nam hoặc tiếp xúc với ca bệnh xác định hoặc bệnh nghi ngờ trong vòng 14 ngày.

Ca bệnh xác định (F0) là người có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 (quy định cũ gồm cả ca bệnh nghi ngờ có xét nghiệm dương tính).

Quyết định mới phân rõ trường hợp tiếp xúc gần F1 và F2 trong khi quy định cũ chỉ giải thích chung với đối tượng tiếp xúc gần. Trong đó, F1 là người có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian kín tại nơi lưu trú, làm việc, cùng phân xưởng, học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí… hoặc trong cùng khoang trên phương tiện vận chuyển với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.

Bộ Y tế cũng quy định khái niệm ổ dịch là nơi lưu trú (thôn, xóm, đội/tổ dân phố/ấp/khóm/đơn vị…) của ca bệnh xác định trước khi khởi phát hoặc trước khi lấy mẫu xét nghiệm khẳng định. Điều này khác với quy định cũ là một nơi như thôn, xóm, đội/tổ dân phố/ấp/khóm/đơn vị... ghi nhận từ 1 ca bệnh xác định trở lên…

Quyết định mới của Bộ Y tế cũng bổ sung biện pháp phòng bệnh đặc hiệu là tiêm vaccine phòng COVID-19 theo đúng chỉ định và đúng hướng dẫn...

Khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ tại cộng đồng, cần:

- Yêu cầu người nghi nhiễm đeo khẩu trang và cách ly bệnh nhân tạm thời tại nhà/nơi lưu trú ngay.

Người nghi nhiễm và gia đình thực hiện nghiêm ngặt khuyến cáo 5K. Tuyệt đối không được tiếp xúc với người sống trong gia đình và những người khác.

- Cơ quan y tế địa phương tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real time RT-PCR ngay:

+ Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì loại trừ bệnh nhân mắc bệnh COVID-19.

+ Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý ngay ca bệnh là F0 theo thường quy.

Khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ tại cơ sở y tế:

- Phân luồng khám sàng lọc người nghi nhiễm theo quy định của hệ thống điều trị và cách ly tạm thời ngay người nghi nhiễm vào phòng riêng ở khu vực đệm riêng biệt với khu vực có F0 và các khu điều trị khác của cơ sở y tế.

Sau đó xử trí như phát hiện ca bệnh nghi mắc tại cộng đồng.

PV


 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/chi-can-02-trong-cac-dau-hieu-da-duoc-xem-la-nghi-mac-covid-19-a252817.html