Nhìn lại 1 tuần chính quyền Hà Nội hành động quyết liệt, quyết tâm dập dịch

(Pháp lý) - Trước những diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh covid với chủng vi rút Delta có tốc độ lây lan nhanh, phức tạp và nguy hiểm. Đáng quan ngại là không chỉ ở TP. HCM, nhiều tỉnh thành và cả ở Hà Nội, đều liên tiếp ghi nhận các ca mắc ngoài cộng đồng . Nhằm chặn đứng nguồn lây, không để dịch bùng phát, vào tối ngày 23/7/2021, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh đã ban hành Chỉ thị số 17-CĐ/UBND (Chỉ thị số 17) thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày từ 06h00 ngày 24/7/2021 trên phạm vi toàn Thành phố. Ngay sau Chỉ thị 17, trong 1 tuần qua, chính quyền Hà Nội đã có loạt quyết sách cụ thể và hành động quyết liệt  nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân; duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh an toàn.

Chỉ thị số 17/CT-UBND yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội trên toàn địa bàn Thành phố

Quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: "Mỗi người dân phải là 1 chiến sĩ, mỗi gia đình là 1 pháo đài, chung tay chống dịch", Chỉ thị số 17-CĐ/UBND (Chỉ thị số 17) của UBNDTP Hà Nội có nội dung thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày từ 06h00 ngày 24/7/2021 trên phạm vi toàn Thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; Thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.

3-1627796656.jpg
Hà Nội đã trải qua 1 tuần thực hiện giãn cách  xã hội . 

Trong Chỉ thị số 17, UBND yêu cầu công tác phòng, chống dịch đối với: cơ sở kinh doanh, dịch vụ; nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình xây dựng trọng điểm cấp bách; các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất trong các khu/cụm công nghiệp; các cơ quan, công sở, tập đoàn, doanh nghiệp; hoạt động giao thông vận tải; sở chỉ huy của Thành phố, các sở, ngành, địa phương; chế độ thông tin, báo cáo, phát ngôn; Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố khẩn trương tổ chức, triển khai Chỉ thị phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của ngành. 

Chủ tịch Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 17 phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế tại địa phương. Đề nghị các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các đại sứ quán, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế trên địa bàn Thành phố và UBND các tỉnh, thành phố liên quan phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống dịch của Thành phố.

Với tinh thần "chống dịch như chống giặc" và đảm bảo an toàn tính mạng, sức khoẻ của người dân là mục tiêu cao nhất, Hà Nội mong muốn người dân tin tưởng, ủng hộ và đồng thuận, nghiêm túc chấp hành các nội dung trong Chỉ thị số 17 của UBND Thành phố.

Địa bàn nguy cơ cao được áp dụng biện pháp mạnh hơn Chỉ thị số 17 

Thông tin tại cuộc họp Công tác phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố vào sáng ngày 28/7, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhận định, việc ban hành Chỉ thị số 17 là kịp thời, được dư luận người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, sau 4 ngày triển khai, kết quả kiểm tra cho thấy có nơi làm rất tốt, có nơi chưa thực hiện nghiêm, có hiện tượng chủ quan, lơ là. Do đó, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo một số giải pháp cấp bách phải thực hiện ngay để chấn chỉnh.

Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Công an Thành phố, “chia lửa” với lực lượng công an cả trong việc bố trí thêm các chốt kiểm soát; tổ chức thêm lực lượng hỗ trợ như huy động lực lượng quân nhân dự bị, bảo vệ dân phố, dân phòng, đoàn viên, hội viên, các tổ Covid-19 cộng đồng, các tình nguyện viên..., không để tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng”. 

Đặc biệt, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn có thể áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn Chỉ thị số 17 đối với địa bàn có nguy cơ cao. Đây là thẩm quyền đã được Thành phố phân cấp cụ thể. Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ngành phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, đoàn kết quyết tâm cao , phối hợp nhịp nhàng để cùng giải quyết những nhiệm vụ, công việc đặt ra.

312-1627796690.jpg
 Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu người đứng đầu các cấp nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng về giãn cách xã hội để tập trung phòng, chống dịch Covid-19.

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, bổ sung chính sách hỗ trợ người dân.

Sau 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố theo văn bản chỉ đạo số 177-CV/TU, ngày 23/7/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy và Chỉ thị số 17/CT-UBND, ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố, ngày 30/7, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU về tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. 

Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu người đứng đầu các cấp nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng về giãn cách xã hội để tập trung phòng, chống dịch Covid-19; xác định rõ đây là sứ mệnh, là nhiệm vụ chính trị ưu tiên số 1 để bảo vệ an toàn, tính mạng nhân dân, bảo vệ cuộc sống yên bình và tương lai phát triển của Thủ đô, của đất nước.

Tăng cường trách nhiệm tập thể cấp ủy, chính quyền các cấp gắn với nêu cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 do cấp ủy các cấp, trực tiếp là ban thường vụ cấp ủy, đồng chí bí thư cấp ủy chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo thành phố về hiệu quả công tác phòng, chống dịch tại địa phương, đơn vị mình quản lý.  Đồng thời tiếp tục rà soát, đề xuất thành phố ban hành bổ sung các chính sách hỗ trợ đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch và người dân, nhất là các đối tượng khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau.

Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong ban thường vụ cấp ủy, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp; công khai số điện thoại trực đường dây nóng và trực phòng, chống dịch để người dân biết liên hệ; tổ chức trực ban 24/24h và 7 ngày/tuần để kịp thời chỉ đạo giải quyết công việc trong mọi tình huống.

Cùng ngày 30/7, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản số 2456/UBND-KGVX về việc thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố. Theo đó, yêu cầu tất cả cán bộ công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan, đơn vị (bao gồm các đơn vị trực thuộc) chấp hành việc giãn cách xã hội và quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Xây dựng và phê duyệt phương án làm việc của cơ quan, đơn vị bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch theo đúng Chỉ thị số 17/CT-UBND. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện về việc cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch.

Bảo đảm tổ chức cung ứng đầy đủ hàng hóa nhu yếu phẩm

Sau 3 ngày thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị số 17,  ngày 26/7, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2377/UBND-KT về việc bảo đảm lưu thông, tổ chức cung ứng hàng hóa thiết yếu.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Sở Công Thương thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch bảo đảm hàng hóa trên cơ sở dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng và khả năng cung ứng hàng hóa trong và ngoài thành phố để tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai các nhiệm vụ bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kết nối cung cầu, tổng hợp, cung cấp thông tin nguồn hàng hóa thiết yếu, nông sản mùa vụ đến các đơn vị phân phối, siêu thị, chợ, cửa hàng thực phẩm trên địa bàn Thành phố để tổ chức khai thác, dự trữ hàng hóa phòng, chống dịch.

Khuyến khích các điểm bán hàng thiết yếu mở cửa 24/24 giờ nếu cần thiết và phù hợp với quy định chống dịch, sẵn sàng phục vụ nhân dân, nhằm giãn cách không tập trung đông người vào một thời điểm; đẩy mạnh bán hàng qua thương mại điện tử.

Và để đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả, tuân thủ giãn cách, giữ an toàn cho người dân khi đi chợ mua thực phẩm, hiện nay nhiều quận huyện, phường xã trên địa bàn Hà Nội đã phát phiếu đi chợ cho từng hộ gia đình. 

Thành phố cũng yêu cầu Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, đơn vị kinh doanh tăng cường khai thác, dự trữ hàng hóa thiết yếu, bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; đẩy mạnh bán hàng qua các ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online, điện thoại, kể cả bán hàng 24/7 nếu thấy cần thiết.

Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố tạo điều kiện, ưu tiên trong việc kiểm tra, kiểm soát, phân luồng giao thông để kịp thời vận chuyển, cung ứng hàng hóa trên địa bàn Hà Nội. Phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường chống hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng, đẩy giá…

313-1627796730.jpg
 Hàng hóa, thực phẩm luôn dồi dào tại các chợ, siêu thị.

Tăng cường các hoạt động trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính.

Ngày 27/7, UBND Thành phố đã ban hành Công văn số 2398 về việc triển khai một số biện pháp tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính tại Bộ phận một của các cấp để phòng, chống dịch Covid-19. 

Theo đó, thực hiện việc tiếp nhận thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp thông qua hình thức trực tuyến trên Cổng dịch vụ trực tuyến của Thành phố, Cổng dịch vụ công quốc gia, Phần mềm quản lý doanh nghiệp và hộ cá thể.

Riêng đối với các thủ tục hành chính liên quan phục vụ công tác phòng, chống dịch; công vụ; ngoại giao và các thủ tục hành chính thiết yếu đến đời sống dân sinh, an ninh trật tư xã hội, các đơn vị căn cứ tình hình thực tế bố trí cán bộ trực để thực hiện việc tiếp nhận tại bộ phận Một cửa trong trường hợp doanh nghiệp, người dân không thể thực hiện được bằng hình thức trực tuyến. 

UBND Thành phố cũng yêu cầu các các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tích cực đổi mới cách thức làm việc, tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính.

Triển khai phương án “luồng xanh” cho các phương tiện vận tải hàng hóa 

Theo đó, ngày 29/7 UBND Thành phố ban hành Công văn số 2431/UBND-ĐT về việc công bố phương án tổ chức giao thông trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Trong đó nêu rõ: Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện phương án tổ chức giao thông “luồng xanh” của Thành phố kết hợp với “luồng xanh” Quốc gia đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. 

Giao Sở Thông tin và truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố, chỉ đạo các đơn vị báo chí Thành phố tích cực thông tin, truyền thông về cống tác phòng, chống dịch và phương án tổ chức giao thông “luồng xanh” của Thành phố kết hợp với “luồng xanh” Quốc gia qua địa bàn Thành phố.

Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố chủ động phối hợp với Tổng cục đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải các tỉnh và thành phố và các đơn vị liên quan triển khai phương án tổ chức giao thông “luồng xanh” của Thành phố đảm bảo kết nối thuận lợi với phương án “luồng xanh” của các tỉnh, thành phố lân cận và “luồng xanh” Quốc gia. 

Ban hành mẫu giấy đi đường cho người đủ điều kiện lưu thông

Theo đó, mẫu giấy đi đường được UBND Hà Nội thống nhất gồm các thông tin liên quan đến người được đi lại, mục đích đi lại và có sự xác nhận của chủ tịch UBND xã/phường hoặc thủ trưởng cơ quan đơn vị sử dụng lao động.

UBND TP cũng quy định cụ thể về những trường hợp được cấp giấy đi đường gồm: Đơn vị trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa thiết yếu, xử lý tài liệu mật, thực hiện công vụ, ngoại giao, vận chuyển chuyên gia và nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm nếu cán bộ, nhân viên làm lây lan dịch bệnh do không chấp hành quy định.

Người lao động tại nhà máy, cơ sở sản xuất (bao gồm doanh nghiệp trong và ngoài các KCN), cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu; lực lượng duy trì, bảo trì, bảo dưỡng các nhà máy, cơ sở sản xuất cũng được cấp giấy đi đường để tham gia giao thông. 

Xử phạt vi phạm hơn 8 tỷ đồng sau hơn một tuần giãn cách xã hội

Ngày 31/7, Công an TP Hà Nội cho biết, từ 11 giờ ngày 30/7 đến 11 giờ ngày 31/7, lực lượng chức năng phát hiện, lập hồ sơ tham mưu chính quyền các cấp xử phạt 689 trường hợp vi phạm phòng chống dịch.

Trong đó, 105 trường hợp bị xử phạt về hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng; 9 cơ sở không chấp hành việc tạm dừng hoạt động kinh doanh; 575 trường hợp bị xử phạt với các hành vi vi phạm khác liên quan phòng, chống dịch Covid-19 (không thực hiện biện pháp cách ly; tập trung đông người nơi công cộng; ra khỏi nhà khi không cần thiết; đeo khẩu trang không đúng quy cách...).

Như vậy, sau hơn 1 tuần giãn cách xã hội toàn thành phố, các cơ quan chức năng xử phạt hơn 8 tỷ đồng các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch.

Triển khai chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 

Từ sáng ngày 27/7, Hà Nội bắt đầu đợt tiêm chủng vaccine phòng ngừa Covid-19 trên diện rộng với cả ba loại vaccine gồm AstraZeneca, Pfizer và Moderna. Thành phố đã xây dựng phương án tiêm chủng với công suất tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày.

Theo Sở Y tế Hà Nội công bố trước đó, đây là chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 lớn nhất trong lịch sử, sẽ kéo dài hơn 9 tháng (từ tháng 7-2021 đến tháng 4-2022).

 

314-1627796805.jpg
Hà Nội bắt đầu triển khai tiêm vacxin cho người dân

Trong chiến dịch này, số lượng người trong độ tuổi cần tiêm chủng (tạm tính lứa tuổi từ 18 đến 65) của Hà Nội là trên 5,1 triệu người, đồng thời mở rộng sang các đối tượng khác. Các đối tượng tiêm được chia thành 10 nhóm theo thứ tự ưu tiên để bảo đảm tính chính xác, minh bạch trong việc tiếp cận vắc xin.

Hiện nay, phương án đưa ra là sẵn sàng 1.200 dây chuyền tiêm. Nếu nguồn cung vắc xin bảo đảm, thành phố phấn đấu đạt tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày, đồng thời huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp xảy ra các phản ứng sau tiêm.

Ngoài các điểm tiêm chủng cố định, Thành phố sẽ có các điểm tiêm lưu động tại các khu công nghiệp, khu đô thị có mật độ dân cư lớn, trường học, cơ quan, nhà văn hóa… đảm bảo giãn cách theo quy định phòng, chống dịch.

Thành lập khu cách ly sẵn sàng tiếp nhận F1 và xây dựng bệnh viện dã chiến

Đáng chú ý , trong Chỉ thị số 5-CT/TU về việc tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống Covid-19., Thành ủy Hà Nội yêu cầu về thành lập khu cách ly.

Theo đó, ngoài các khu cách ly tập trung của thành phố, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cấp huyện tổ chức, quyết định thành lập các khu cách ly để có thể tiếp nhận ngay công dân F1 tại địa bàn khi có yêu cầu. 

Để đối phó với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND Thành phố đã có văn bản hỏa tốc về chủ trương, kế hoạch trưng dụng quỹ nhà tái định cư phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó dự án bệnh viện dã chiến đã được khởi công xây dựng từ ngày 24/7, bệnh viện dã chiến hồi sức điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch được xây dựng tại cuối ngõ 885 đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Khu vực xây dựng bệnh viện có diện tích lớn, nằm biệt lập với các khu dân cư lân cận. Khi hoàn thành, bệnh viện có sức chứa từ 500 đến 700 giường.

Dự kiến bệnh viện sẽ được xây dựng trong khoảng 1 tháng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng cuối tháng 8.

Vũ Thủy


 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhin-lai-1-tuan-chinh-quyen-ha-noi-hanh-dong-quyet-liet-quyet-tam-dap-dich-a252816.html