Sau một năm EVFTA có hiệu lực: Những kỳ vọng và con số đáng suy ngẫm

Tổng kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU vẫn còn nhỏ so với kỳ vọng. Mức tăng thương mại 2 chiều đạt hơn 3,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

171-1627782465.jpeg
 

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) đã có hiệu lực 1 năm. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hết tháng 6, kim ngạch thương mại của Việt Nam với 17 nền kinh tế lớn hàng đầu EU là Đức, Pháp, Hà Lan, Ý, Bỉ... đạt hơn 24 tỷ USD, tăng hơn 3,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.

Được biết, kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 6 tỷ USD, tăng gần 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 18 tỷ USD, tăng hơn 2,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam với EU khá chậm. Bằng chứng là hàng nhập khẩu từ EU chỉ có mỗi Đức là có kim ngạch trên 1 tỷ USD, các đối tác lớn khác đều chỉ loanh quanh vài trăm triệu USD đến dưới 1 tỷ USD.

Về xuất khẩu, tình hình có khả quan hơn, song kim ngạch không cao nổi trội dù cho hơn 85,6% dòng thuế hàng xuất từ Việt Nam được EU dỡ bỏ thuế nhập khẩu.

Cụ thể, hàng Việt vào các thị trường như Đức trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,6 tỷ USD, tăng hơn 300 triệu USD so với cùng kỳ 2020. Kim ngạch hàng xuất vào Hà Lan đạt cao nhất hơn 3,88 tỷ USD, tăng hơn 680 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

So với các đối tác xuất khẩu lớn khác của Việt Nam như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, các nền kinh tế thành viên EU hiện đứng thứ 4 về kim ngạch trong 6 tháng qua và dư địa xuất nhập khẩu còn rất lớn mà doanh nghiệp hai bên chưa thể khai thác tốt được.

Về thị trường, hiện Trung Quốc là thị trường thương mại số một của Việt Nam trong 6 tháng qua với tổng kim ngạch đạt 54,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 19,6 tỷ USD, nhập khẩu 34,7 tỷ USD, nhập siêu thương mại hơn 15,1 tỷ USD; Mỹ là đối tác lớn thứ 2 với hơn 38,5 tỷ USD, nhập khẩu hơn 7 tỷ USD hàng hóa, xuất khẩu hơn 31,5 tỷ USD, thặng dư thương mại hơn 24,5 tỷ USD.

Điều đáng khích lệ là kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu Việt Nam - EU trong 6 tháng qua tăng nhẹ, trong khi kim ngạch với các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều giảm.

Cụ thể, kim ngạch thương mại sang Trung Quốc giảm 23 tỷ USD, Mỹ giảm 14,6 tỷ USD, Hàn Quốc giảm 5,7 tỷ USD, Nhật Bản và Thái Lan đều giảm hơn 2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Thương mại với các nước nói trên giảm đều cả ở mặt xuất khẩu và nhập khẩu, trong đó nhập khẩu giảm chủ yếu từ Trung Quốc (giảm 18 tỷ USD hàng nhập), Hàn Quốc (giảm 4,5 tỷ USD hàng nhập).

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) được Quốc hội chính thức phê duyệt từ tháng 6/2020. Trong đó hai bên cam kết cắt giảm và có lộ trình cắt giảm thuế quan đối với các hàng hóa thông thường vào thị trường của nhau.

Cụ thể, đối với EU, hơn 85,6% số dòng thuế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam sẽ được 27 nước thành viên EU xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Gần như toàn bộ các sản phẩm rau quả tươi, rau củ quả chế biến, cà phê, hạt tiêu, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực như giày dép 42,1% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ được bỏ thuế sau khi EVFTA có hiệu lực.

Đối với Việt Nam, hàng xuất khẩu từ EU, Việt Nam cam kết ngay khi EVFTA có hiệu lực, hơn 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU) sẽ được bỏ thuế nhập khẩu.

Mặc dù EU là thị trường cực lớn, nơi hứa hẹn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, cùng việc cắt giảm thuế quan mạnh mẽ, song dường như doanh nghiệp Việt thời gian qua vẫn chưa khai thác được triệt để.

172-1627782523.jpg
Ông Lương Hoàng Thái. Ảnh: VOV

Theo ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên cho biết, khác với những đất nước có trình độ phát triển cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đã kí Hiệp định thương mại tự do với EU thì Việt Nam lại trong bối cảnh hoàn toàn khác biệt. Đặc biệt hơn cả là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động đến quan hệ thương mại song phương. Cho nên quá trình thực hiện Hiệp định này cũng gặp phải những khó khăn rất lớn.

Để thúc đẩy thương mại về hàng nông sản, nhiều những giấy tờ hai bên phải chuẩn bị để đáp ứng những quy định. Ví dụ như là giấy kiểm định động thực vật rất khó đáp ứng trong bối cảnh mới, đây là vấn đề mà Cao ủy thương mại EU và Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã bàn rất kỹ và đã giao cho nhóm kỹ thuật để thảo luận cụ thể và hai bên cũng đã chấp nhận cho nhau một số những nguyên tắc để tạo thuận lợi cho thương mại trong thời gian tới. Đó là việc thay vì giấy phép về kiểm định chất lượng hàng hóa đáp ứng những quy định về kiểm dịch động thực vật hai bên áp dụng cho nhau một số chứng từ, giấy phép bằng hình thức điện tử.

Đây là cách đã tháo gỡ một số khó khăn. Tất nhiên thì đây là những vấn đề mới triển khai ngay trong năm đầu tiên và chúng ta cũng mới xử lý được một số vấn đề, còn rất nhiều những vấn đề khác liên quan đến thực thi mà hai bên cũng đã nêu ra và cần phải xử lý trong thời gian tới.

Tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban hỗn hợp về Hiệp định thương mại này thì Bộ trưởng thương mại Việt Nam và Cao ủy thương mại EU cũng đã thống nhất được một quy chế làm việc để sao cho có thể xử lý và đáp ứng nhanh nhất những vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi Hiệp định, đặc biệt là những vấn đề mà tạo ra rào cản đối với thương mại đầu tư của cả hai bên.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/sau-mot-nam-evfta-co-hieu-luc-nhung-ky-vong-va-con-so-dang-suy-ngam-a522748.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/sau-mot-nam-evfta-co-hieu-luc-nhung-ky-vong-va-con-so-dang-suy-ngam-a252811.html