Đẩy mạnh cải cách tư pháp trong Tòa án nhân dân - một nhiệm vụ quan trọng để hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thực hiện Nghị quyết của Đảng, xây dựng Chiến lược cải cách tư pháp trong Tòa án nhân dân (TAND) chính là một trong những nội dung trụ cột để hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. Chiến lược đó cần tập trung vào một số định hướng lớn sau:

1. Làm rõ chủ thể thực hiện và nội hàm quyền tư pháp

Nhận thức đúng và đầy đủ về chủ thể thực hiện và nội hàm quyền tư pháp là vấn đề quan trọng, không chỉ có ý nghĩa học thuật mà còn có giá trị thực tiễn sâu sắc.

Hiến pháp năm 2013 đã phân công rành mạch việc thực hiện quyền lực nhà nước: Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp (Điều 69), Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp (Điều 94), Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp (Điều 102). Việc phân công thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp căn cứ vào chức năng cơ bản của từng cơ quan, chứ không căn cứ vào hoạt động mà cơ quan đó tham gia. Như vậy, ở tầm Hiến định, chủ thể thực hiện quyền tư pháp là Tòa án và chỉ có Tòa án.

8-1627351810.jpeg

Phiên họp toàn thể Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân

Nội hàm quyền tư pháp bao gồm: (1) Quyền xét xử và đưa ra phán quyết đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật hình sự; (2) Quyền phân định đúng sai đối với các tranh chấp trong xã hội; (3) Quyền phán quyết, công nhận hoặc không công nhận các sự kiện pháp lý liên quan đến quyền con người hoặc có ý nghĩa làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các chủ thể (tuyên bố một người đã chết; công nhận bản án của Tòa án nước ngoài...); (4) Quyền phán quyết tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật (ở những nước thực hiện cơ chế bảo hiến thông qua Tòa án), hướng dẫn luật, phát triển án lệ, ban hành các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao. Đây cũng chính là một phần của quyền lực Nhà nước giao cho Tòa án.

2. Thực hiện tốt những nguyên tắc tiến bộ trong hoạt động xét xử

Độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, công khai, minh bạch, công bằng, bình đẳng, tranh tụng… là những nguyên tắc phổ quát, căn cốt trong hoạt động xét xử được mọi quốc gia tuân thủ. Đây chính là phương cách hữu hiệu để bảo vệ công lý, lẽ phải, quyền con người, quyền công dân.

Những giải pháp đổi mới để thực hiện đầy đủ các nguyên tắc tư pháp tiến bộ gồm: (1) Tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử; (2) Tổ chức các Tòa chuyên trách sơ thẩm khu vực tùy thuộc vào tính chất và quy mô các vụ việc phải giải quyết; (3) Thực hiện quy trình phân án ngẫu nhiên; (4) Tổ chức hợp lý việc quản lý Thẩm phán; điều kiện bảo đảm hoạt động của Tòa án và Thẩm phán không phụ thuộc vào cơ quan hành chính; (5) Xây dựng cơ chế phòng ngừa sự can thiệp vào hoạt động xét xử; (6) Kiện toàn cơ chế bảo vệ Thẩm phán đã thực thi nhiệm vụ đúng pháp luật; (7) Xét xử công khai; (8) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thụ lý và xét xử án; (9) Quy định và bố trí phòng xét xử có sự tham dự của truyền thông; (10) Công khai trên cổng thông tin điện tử các hoạt động của Tòa án; (11) Đẩy mạnh tranh tụng tại tất cả các phiên tòa, không hạn chế thời gian dành cho tranh tụng, mọi vấn đề nêu ra trong tranh tụng phải được giải quyết đến cùng và ghi nhận trong bản án, căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra phán quyết; (12) Bảo đảm công bằng trong từng thủ tục và công bằng trong phán quyết về vụ việc, không được và không cho phép bất cứ hành vi bất bình đẳng nào trong quá trình xét xử.

3. Đổi mới chế định tham gia của nhân dân vào hoạt động xét xử

Nhân dân tham gia vào hoạt động của Nhà nước nói chung, hoạt động tư pháp nói riêng là đặc tính của Nhà nước dân chủ, tiến bộ. Tư tưởng xây dựng nền tư pháp “lấy dân làm gốc” đã được quy định ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên (Hiến pháp năm 1946) và tiếp tục khẳng định trong các Hiến pháp sau này. Bản chất dân chủ không chỉ thể hiện ở việc các công chức tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, mà còn thể hiện ở việc huy động nhân dân trực tiếp tham gia và giám sát hoạt động của Nhà nước.

Nguyên tắc hiến định “Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm nhân dân tham gia” chính là cơ chế để nhân dân trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước. Hội thẩm tham gia xét xử mang đến phiên tòa những quan niệm đạo đức và sự đánh giá chung của xã hội về hành vi phạm tội và các tranh chấp theo quan niệm về lẽ phải, sự công bằng. Với kinh nghiệm, hiểu biết và kiến thức của mình, Hội thẩm góp phần quan trọng xác định sự thật khách quan của vụ án, làm tăng thêm niềm tin của Thẩm phán trong việc đưa ra phán quyết “thấu tình, đạt lý”.

Thời gian tới, cần đổi mới chế định Hội thẩm theo hướng: (1) Hoàn thiện cơ chế hiện hành về Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử; (2) Nghiên cứu bổ sung cơ chế Hội thẩm đoàn tham gia xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự; (3) Quy định rõ thẩm quyền, nhiệm vụ của Hội thẩm nhân dân; đổi mới cơ cấu, thành phần Hội thẩm nhân dân trong hội đồng xét xử theo hướng phù hợp với kiến thức chuyên môn của Hội thẩm; (4) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho Hội thẩm nhân dân và có chế độ, chính sách hợp lý; (5) Đổi mới cơ chế tuyển chọn, bầu cử, quản lý Hội thẩm nhân dân; (6) Quy định chặt chẽ quy trình lựa chọn ngẫu nhiên Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử; (7) Xây dựng bộ quy tắc đạo đức, trách nhiệm và quan hệ phối hợp của Hội thẩm nhân dân; (8) Trình Quốc hội ban hành một đạo luật độc lập về Hội thẩm nhân dân.

4. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của cơ quan dân cử

Xây dựng Tòa án trong sạch, vững mạnh phải đồng thời sắp xếp bộ máy Tòa án tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính, chuyên nghiệp và tận tụy. Quá trình hoạt động phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của cơ quan dân cử. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc để TAND hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Những giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của cơ quan dân cử bao gồm: (1) Đổi mới tổ chức Đảng trong TAND phù hợp với đổi mới tổ chức của hệ thống Tòa án; (2) Gắn chặt công tác xây dựng Đảng với công tác xây dựng TAND, tổ chức thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là các Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về cải cách tư pháp, về trách nhiệm nêu gương…; (3) Tăng cường sự giám sát của cơ quan dân cử và tổ chức chính trị, xã hội đối với hoạt động của TAND; (4) Đề cao kỷ cương, kỷ luật nội bộ; (5) Xây dựng các quy định về công khai, minh bạch hoạt động của Tòa án để nhân dân tiếp cận thông tin và giám sát tư pháp. Công khai tư pháp chính là liều thuốc hữu hiệu để phòng, chống tiêu cực.

5. Xây dựng Tòa án điện tử

Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin vừa tạo cơ hội để Tòa án làm tốt công tác xét xử, vừa đặt ra nhiều vấn đề mới đòi hỏi phải có những thay đổi mạnh mẽ. Tình hình mới nhưng vẫn hoạt động theo phương thức cũ và dựa trên công nghệ cũ sẽ không đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Vì vậy, phải nắm bắt các cơ hội do sự phát triển của công nghệ thông tin mang lại để xây dựng Tòa án điện tử theo hướng: (1) Ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường tính công khai, minh bạch; (2) Tiến hành một số hoạt động tố tụng qua mạng Internet để tiện lợi cho người dân; (3) Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để cung cấp các dịch vụ thông minh hỗ trợ Thẩm phán xử lý án chính xác và giúp giảm bớt gánh nặng công việc; (4) Xây dựng Tòa án điện tử để xử lý vi phạm, tội phạm, tranh chấp liên quan đến kinh tế số, xã hội số; (5) Ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực quản lý và giám sát trong toàn hệ thống Tòa án; (6) Ứng dụng công nghệ để giúp người dân thực hiện tốt quyền quyết định tư pháp và đoán định tư pháp; (7) Ứng dụng công nghệ xây dựng “Kho dữ liệu quốc gia về các bản án” để cập nhật và lưu trữ toàn bộ thông tin về các vụ án đã xét xử.

Những giải pháp đẩy mạnh cải cách tư pháp trong TAND nêu trên sẽ góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền tư pháp vì dân, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tạo thuận tiện và tăng năng lực giám sát hoạt động tư pháp cho nhân dân; để người dân cảm thụ được công bằng, công lý qua từng vụ án và qua đó cảm thụ được văn minh, tiến bộ của nền tư pháp nước nhà.

Theo noichinh.vn

Nguồn bài viết: https://noichinh.vn/cong-tac-tu-phap/202107/day-manh-cai-cach-tu-phap-trong-toa-an-nhan-dan-mot-nhiem-vu-quan-trong-de-hoan-thien-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-309858/

Link nội dung: https://phaply.net.vn/day-manh-cai-cach-tu-phap-trong-toa-an-nhan-dan-mot-nhiem-vu-quan-trong-de-hoan-thien-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-a252753.html