Nhiều doanh nghiệp hàng không, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải... đang “chết mòn” vì đại dịch

Đại biểu Vũ Tiến Lộc - (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng 6 tháng cuối năm và giải pháp phòng chống Covid-19, sáng 25/7.

Ngày 25/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Điều hành chính sách tiền tệ, tài chính sách linh hoạt, hợp lý, có trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp 

Đa số các đại biểu tán thành với nội dung trong Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.

21-1627263631.jpg

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc)

Trong điều kiện khó khăn, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới, các đại biểu đánh giá cao kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021, nhất là việc thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, nhiều sự kiện chính trị quan trọng được tổ chức thành công như cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2025, việc kiện toàn bộ máy Nhà nước được nhân dân đánh giá cao.

Kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, được đánh giá là đạt mức tăng trưởng cao so với kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam là quốc gia duy nhất được 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm đồng loạt nâng triển vọng kinh tế của Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.

Kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiểm soát, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỉ trọng dịch vụ và giảm tỉ trọng nông-lâm-thủy sản. Đầu tư khu vực Nhà nước tiếp tục giảm, đầu tư khu vực ngoài Nhà nước tiếp tục tăng, góp phần ổn định kinh tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại hiện nay, như việc phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công đến nay chưa hết, chi đầu tư phát triển đạt thấp bằng 28,1% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 29,02% kế hoạch... đặc biệt tỉ lệ giải ngân vốn ngoài Nhà nước rất thấp, việc cổ phần hóa sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước đạt thấp, tình trạng nợ đọng thuế tiếp tục tăng, năng lực và sức chống chọi của doanh nghiệp còn yếu, môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài...

Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp trong 6 tháng cuối năm để thúc đẩy kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc), đề nghị: Thứ nhất, cần huy động mọi nguồn lực và ưu tiên để phòng, chống dịch Covid-19, khống chế dịch lây lan ra cộng đồng, đảm bảo hiệu quả nhất;

Thứ hai, chủ động điều hành chính sách tiền tệ, tài chính sách linh hoạt, hợp lý, có trọng tâm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh;

Thứ ba, tập trung nhiên cứu, ban hành cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh giảm bớt khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh;

Thứ tư, tập trung rà soát và khắc phục những khó khăn, vướng mắc về thể chế nhằm tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo môi trường thông thoáng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài;

Thứ năm, đẩy nhanh tiến độ đầu tư giải ngân vốn đầu tư và tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ đúng và đủ đối tượng, đồng thời quản lý, kiểm soát thu chi chặt chẽ ngân sách nhà nước và mua sắm tài sản công bằng nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Nhiều doanh nghiệp đang “chết mòn” vì đại dịch

Đại biểu Vũ Tiến Lộc đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2021, cùng với quá trình chuyển giao bộ máy lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, chúng ta đã trải qua một giai đoạn gian nan bậc nhất của nền kinh tế suốt trong nhiều thập kỷ qua.

Nhưng với tinh thần “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chung tay của Quốc hội và nỗ lực của toàn dân, Chính phủ đã khá chủ động, linh hoạt, uyển chuyển trong việc đối phó với dịch Covid-19, để vừa bảo đảm thực hiện mục tiêu vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất kinh tế.

22-1627264774.jpg

  Đại biểu Vũ Tiến Lộc - (Đoàn Hà Nội) tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm

“Chúng ta vừa chăm lo sinh mệnh người dân, vừa nỗ lực bảo vệ sinh kế cho người dân, đây là mục tiêu kép, cả hai mục tiêu này đều rất hệ trọng. Và chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chăm lo, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy cải cách thể chế ngay trong bối cảnh khó khăn”, đại  biểu Vũ Tiến Lộc bày tỏ.

Về tăng trưởng kinh tế 7 tháng đầu năm 2021, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam đạt nhịp độ tăng trưởng 5,64% nhưng chưa như kỳ vọng. Tuy nhiên, nếu so với khu vực thì đây là một tỉ lệ rất cao. Kết quả chưa như kỳ vọng vì thực trạng kinh tế tại thời điểm đầu quý III/2021 đã xấu đi rất nhiều.

Đây là vấn đề chúng ta cần tính toán thận trọng trong kế hoạch phát triển ở những tháng cuối năm. Nếu chỉ căn cứ vào con số của 6 tháng đầu năm thì thấy có sự phân hóa rất lớn trong sự phát triển của các khu vực trong nền kinh tế.

Tại khu vực kinh tế đối ngoại thì phục hồi rất mạnh mẽ, với tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng hơn 30% so với năm 2020. Trong khu vực kinh tế trong nước lại rơi vào tình trạng trầm lắng do sức mua yếu.

Tổng mức bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm gần như đứng yên so với cùng kỳ 2 năm trước. Tốc độ tăng trưởng dịch vụ chỉ tương đương tốc độ tăng trưởng thấp ở khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, chưa bằng ½ khu vực công nghiệp, xây dựng.

“Đây là tín hiệu rất lo ngại vì chúng ta vẫn kỳ vọng vào sự tăng trưởng của khu vực dịch vụ như “ngôi sao hy vọng” của nền kinh tế Việt Nam”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Theo đại biểu, sự tương phản này là từ đại dịch Covid-19. Các biện pháp giãn cách xã hội đang được tăng cường đã khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là DNNVV, cụ thể là các doanh nghiệp dịch vụ.

Trong khu vực dịch vụ, ngoài tài chính, ngân hàng, bảo hiểm thì các lĩnh vực khác như hàng không, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải... cũng là những vùng trũng của nền kinh tế trong thời điểm hiện tại.

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải... đang “chết mòn”, thậm chí không còn khả năng vực dậy sau đại dịch, nếu không có biện pháp hỗ trợ thiết thực và mạnh mẽ.

Trong bối cảnh đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc hoàn toàn đồng tình với những định hướng lớn của Chính phủ đã và đang thực hiện.

Thứ nhất, đó là đẩy mạnh tiêm vaccine, đặc biệt tại các khu vực động lực tăng trưởng của nền kinh tế để vừa bảo vệ sinh mạng người dân, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, vừa tránh đứt, gãy nguồn cung.

Thứ hai, chuẩn bị lộ trình mở cửa nền kinh tế tương ứng với tỉ lệ tiêm vaccine của người dân.

Thứ ba, giải pháp của Chính phủ về quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư trong năm 2021, cắt giảm, thu hồi của các bộ, địa phương làm chưa tốt để bổ sung cho các cơ quan trung ương và địa phương có tốc độ giải ngân tốt.

Với bối cảnh chính sách tiền tệ không còn nhiều dự địa trong việc chống lạm phát trong tương lai, đại biểu Vũ Tiến Lộc đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất và đồng thuận với các ngân hàng thương mại trong việc cố gắng giảm lãi suất.

Với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng được Chính phủ ban hành cũng được ghi nhận khi cắt giảm được thủ tục hành chính để giải ngân nhanh.

Bên cạnh đó, chính sách tài khóa của Bộ Tài chính cũng rất tích cực, nhưng tại thời điểm hiện nay khi doanh thu của doanh nghiệp không nhiều, nên theo đại biểu việc hỗ trợ từ nhà nước sẽ hiệu quả hơn nếu tăng chi tiêu cho các đối tượng yếu thế.

Trong trường hợp này vừa tăng kích thích tiêu dùng, vừa giải quyết được vấn đề xã hội. Như vậy, một mũi tên sẽ trúng được hai đích.

Trong lĩnh vực dịch vụ, theo đại biểu, điều kiện quan trọng nhất là trợ giúp tài chính, nhưng tăng cường hộ chiếu vaccine cũng rất cần thiết. Hộ chiếu vaccine không chỉ hiểu là dành cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mà phải dành cho toàn dân Việt Nam.

“Khi chúng ta có được tỉ lệ người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine thì đây sẽ là động lực để nền kinh tế có thể quay trở lại”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Trong các giải pháp cải cách thể chế, ông Vũ Tiến Lộc cũng rất đồng tình với Chính phủ đã tập trung rà soát những thủ tục bất hợp lý, chồng chéo để kiến nghị Quốc hội sửa đổi.

“Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ thành lập các tổ công tác đặc biệt để thúc đẩy hỗ trợ các dự án sớm triển khai. Nhưng không chỉ với các dự án đầu tư công, FDI... mà các dự án của tư nhân đang gặp trở ngại về thủ tục cũng cần được hỗ trợ để đẩy nhanh giải quyết các thủ tục nhằm đưa nhanh dự án vào sản xuất kinh doanh”, đại biểu Vũ Tiến Lộc kiến nghị.

Theo kinhtedothi.vn

Nguồn bài viết: https://kinhtedothi.vn/nhieu-doanh-nghiep-hang-khong-du-lich-nha-hang-khach-san-van-tai-dang-chet-mon-vi-dai-dich-428532.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhieu-doanh-nghiep-hang-khong-du-lich-nha-hang-khach-san-van-tai-dang-chet-mon-vi-dai-dich-a252734.html