Phòng, chống tham nhũng, lãng phí và phòng, chống dịch covid: Mối quan tâm đặc biệt của các Đại biểu Quốc hội

(Pháp lý) – Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khoá XV, ngày 24 và 25/7, Quốc hội đã có các phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội. Đáng chú ý, tại các phiên thảo luận, nhiều ĐBQH đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp trong công tác phòng chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Đặc biệt, Quốc hội giao cho Chính phủ được áp dụng những biện pháp chưa có Luật là rất cần thiết để tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.

11-1627211187.jpg

Các ĐBQH họp, thảo luận tại hội trường,  kì họp thứ nhất Quốc hội khóa XV

Chủ tịch Quốc hội: Lãng phí đôi khi còn lớn hơn cả tham nhũng

Tham gia ý kiến trong phiên thảo luận tổ chiều 24/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định "đôi khi thất thoát, lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng”, bởi "chỉ tính riêng các dự án treo, nếu các địa phương tiến hành rà soát và tập trung giải quyết dứt điểm sẽ tạo chuyển biến lớn, tạo được nguồn lực hết sức lớn”.

12-1627211218.jpg

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 24/7

Chủ tịch Quốc hội cũng dẫn một ví dụ về việc lãng phí các tầng thương mại của các khu nhà tái định cư, vì vướng về cơ chế, quy định về đấu thầu, đấu giá dẫn đến không thể cho thuê, không thể khai thác thương mại, bỏ không dẫn đến lãng phí lớn.

Cũng tại phiên thảo luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách (Hải Phòng) Lã Thanh Tân đề nghị, cần bổ sung đánh giá và có giải pháp đối với một số vấn đề. Cụ thể, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có 3 hệ thống định mức tiêu chuẩn chế độ làm căn cứ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính phủ cần làm rõ và đánh giá cụ thể hơn việc thể chế được những hệ thống chỉ tiêu định mức so với yêu cầu cần ban hành.

Thủ tướng Chính phủ: “có những con đường 400- 500 tỷ thôi mà 13 đời bộ trưởng vẫn chưa xong”

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận về phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm. Theo Thủ tướng, dù chính sách thể chế đã được hoàn thiện nhiều nhưng chưa có kỷ luật về tiết kiệm và vẫn còn lãng phí. Do đó, cần vừa phải giáo dục nâng cao nhận thức, xây dựng thể chế, vừa phải có kỷ luật, kỷ cương để tiết kiệm thực sự hiệu quả hơn.

Dẫn chứng thực tế tại các địa phương, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, cần chú ý đến hoạt động chi kinh tế có tính chất sự nghiệp, hay việc chi tiêu đi lại, điện nước, xe công… cũng cần siết chặt hơn.

Đề cập vấn đề lãng phí được nhiều đại biểu quan tâm, Thủ tướng chỉ ra thực tế có những dự án kéo dài, được nhận diện là chia cắt, manh mún, gây nên lãng phí. Do đó, cần phải có các giải pháp kết hợp. Thủ tướng cho biết, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới là 2,87 triệu tỷ đồng, nhưng chưa thấm đâu so với nhu cầu.

Chính vì vậy, nếu xây dựng kế hoạch dựa trên nhu cầu sẽ rất khó. “Huyện nào cũng muốn mình có công trình, nhất là hạ tầng, an sinh xã hội”, Thủ tướng cho hay, đồng thời dẫn chứng, thời kỳ ông làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, tiếp nhận tới 3.650 dự án, trong khi vốn đầu tư chỉ có 3.000 tỷ đồng, tức 1 dự án chưa được 1 tỷ đầu tư.

Đầu tư manh mún, chia cắt sẽ gây lãng phí nguồn lực. “Vừa qua, các tỉnh lên trao đổi với tôi, có những con đường 400- 500 tỷ thôi mà 13 đời bộ trưởng vẫn chưa xong”, theo Thủ tướng, phải làm từ dưới lên, kết hợp hài hòa từ trên xuống. Qua rà soát dự án đầu tư công cũng cho thấy, đang có sự mất cân đối, tạo nên sự lãng phí.

Theo Thủ tướng, phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Đồng thời, kiểm soát tiến độ công trình, rà soát dự án đầu tư, đổi mới lãnh đạo, chỉ đạo...

Chống tham nhũng đòi hỏi chúng ta có một cơ chế đặc thù

Thảo luận tại tổ ở Quốc hội chiều 24/7 về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nói hiện nay chống tham nhũng "tương đối tốt", nhưng để kéo dài sự phá sản sau vụ án là lãng phí, thất thoát. Nhiều vụ án tuyên mà không thực hiện được, không tháo gỡ vướng mắc khiến địa phương lãng phí rất lớn do đất đai, nguồn lực không đưa vào phục vụ phát triển kinh tế.

"Thực tế này đòi hỏi chúng ta có một cơ chế đặc thù, như việc Quốc hội đã ban hành nghị quyết riêng về xử lý nguồn lực đất quốc phòng cho phát triển kinh tế", ông nói.

13-1627211261.jpg

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc. 

Theo Trưởng ban Nội chính Trung ương, định mức kinh tế kỹ thuật của Đức với Việt Nam "khác nhau một trời một vực". Có công trình yêu cầu sử dụng sắt phi 12, nhưng chỉ sử dụng phi 10, báo chí gọi là "rút ruột công trình". Khi Cục Giám sát chất lượng vào làm việc thì thấy chất lượng công trình đảm bảo. Điều này cho thấy định mức kinh tế kỹ thuật về xây dựng quá lớn, vượt quá dự toán.

Ông Trạc cho rằng đây là điều dễ hiểu vì chi phí nhà tư vấn ăn theo giá trị công trình, giá trị càng cao thì chi phí nhận được càng lớn. Bộ Luật hình sự bổ sung tội lãng phí, nhưng định mức kinh tế kỹ thuật không thay đổi nên khó thực hiện, chưa kể nhận thức về trách nhiệm chống lãng phí chưa cao.

"Phải xem chống lãng phí là trách nhiệm lớn", ông nói, thêm rằng ở Việt Nam, người dân bình thường cũng lãng phí so với người Đức, Nhật, Hà Lan, Thụy Điển... Những nước này phúc lợi công cộng phổ biến, nhưng người dân cực kỳ tiết kiệm, "bát súp, đĩa bí đỏ, thế là xong bữa ăn".

Quốc hội giao cho Chính phủ được áp dụng những biện pháp chưa có Luật là rất cần thiết để tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 25/7, tại Phiên thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội, Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) bày tỏ đánh giá cao kết quả kinh tế-xã hội đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021, nhất là việc thực hiện “mục tiêu kép”, tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ…

Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 đến nay, người dân và doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng lớn của đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19, do đó đại biểu cho rằng kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh là yếu tố quan trọng và là mục tiêu lớn trong thời gian tới. "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần có những biện pháp mạnh hơn nữa. Tôi cho rằng việc Quốc hội giao cho Chính phủ được áp dụng những biện pháp chưa có Luật là rất cần thiết”, Đại biểu Giang kiến nghị.

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cũng bày tỏ  thống nhất cao với việc Quốc hội cho phép Chính phủ có những quyết định chưa có trong Luật để tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới. Đại biểu nhấn mạnh điểm sáng của kế hoạch kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm với nhiều kết quả đạt và vượt kế hoạch, mặc dù hiện tại tỉ lệ tiêm vaccine của chúng ta còn thấp nhưng cử tri và người dân đều hy vọng với chiến lược vaccine của Chính phủ sẽ đạt được mục tiêu trong thời gian tới.

Trước Quốc hội, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) bày tỏ: “Tôi đồng tình với việc Quốc hội trao “thượng phương bảo kiếm” cho Chính phủ “ra trận” để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới. Với sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tôi tin tưởng cuộc chiến chống dịch sẽ thành công”.

Cho rằng việc tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế nước ta là rất ấn tượng, tuy nhiên, 6 tháng cuối năm sẽ rất khó khăn. Do vậy, để có thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng của cả năm trước hết phải khống chế dịch bệnh càng nhanh càng tốt. Nấn ná, chậm 1 ngày là mất người, mất của và khó khăn sẽ theo cấp số nhân.

Tiếp tục kiên định mục tiêu kép, đẩy nhanh chiến lược vaccine

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) chia sẻ, chưa bao giờ Bình Dương cũng như các tỉnh, thành phố khu vực phía nam bị “thương tổn” như trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay. Chúng ta phải sẵn sàng chuẩn bị cho tình hình xấu hơn nữa, ý thức tự cứu mình của mọi người dân phải nâng lên ở mức cao nhất vì nguồn lực của Nhà nước là có hạn. Tình hình sản xuất trong tâm dịch vô cùng khó khăn. Phải đảm bảo “mục tiêu kép”; sản xuất trong các khu công nghiệp cũng cần sự liên kết; trung chuyển giữa nơi này đến nơi khác vẫn phải duy trì, không để đứt gãy nền kinh tế.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhấn mạnh, với chủ trương hành động “chống dịch như chống giặc” tuy “kẻ thù” rất mạnh và lại vô hình, mọi hành động quyết sách đều phải quyết liệt, quyết tâm cao, việc Quốc hội đồng ý cho Chính phủ thực hiện những hành động mạnh mẽ là việc làm rất cần thiết. Đại biểu An đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa để đưa vaccine về Việt Nam và đồng ý cho doanh nghiệp chủ động tiếp cận nguồn vaccine cho nhân viên. Cần có vaccine “made in Vietnam” càng sớm càng tốt.

Bên cạnh đó, cần tập trung tối đa nguồn lực kinh tế của đất nước cho những nhiệm vụ cấp bách, phải loại bỏ, cắt giảm những dự án không hợp lý, xử lý dứt điểm các dự án đang thua lỗ… Phải tăng cường quản lý thuế, chống thất thu, giải ngân các gói hỗ trợ đến đúng tay người cần. Cần quan tâm đến giáo dục, nghiên cứu xây dựng trường học an toàn để đưa trẻ đến trường. Phải bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội vì dịch bệnh làm ảnh hưởng rất nhiều đến xã hội…

Văn Chiến (tổng hợp)
 
 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/phong-chong-tham-nhung-lang-phi-va-phong-chong-dich-covid-moi-quan-tam-dac-biet-cua-cac-dai-bieu-quoc-hoi-a252733.html