Kiến nghị tăng chế tài, xử lý nghiêm hành vi nâng giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19, hàng hóa thiết yếu.

(Pháp lý) – Trong khi cả nước đang “gồng mình”, tập trung tất cả các nguồn lực để chống chọi với những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19, thì nhiều cơ sở y tế tư nhân, đơn vị kinh doanh hàng hóa thiết yếu lại tranh thủ nâng giá dịch vụ hàng hoá nhằm thu lợi, gây nên những bức xúc trong dư luận. Theo nhận định của chúng tôi, nguyên nhân là do chế tài xử lý đối với các cá nhân tổ chức vi phạm chưa thực sự nghiêm minh, thiếu sức răn đe.

Do đó, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị, cơ quan chức năng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ. Đồng thời, cần nghiên cứu quy định pháp luật một số nước, tăng cường chế tài xử lý các hành vi vi phạm nhằm răn đe những kẻ có ý định lợi dụng tình hình dịch bệnh để nâng giá dịch vụ, hàng hoá thiết yếu nhằm thu lợi bất chính.

21-1627048913.jpg
Cách đây ít ngày, dư luận bức xúc việc nhiều cửa hàng của Bách hoá Xanh tăng giá bất thường.

Từ việc “loạn” giá xét nghiệm dịch vụ Covid-19…

Những ngày vừa qua, việc một số địa phương quy định người từ nơi khác đến phải có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính đã tạo ra “làn sóng” đổ xô đi xét nghiệm dịch vụ, khiến nhu cầu thực hiện xét nghiệm tự nguyện tại nhiều địa phương tăng đột biến.

Đáng nói, Bộ Y tế đã nhiều lần ra văn bản chấn chỉnh việc thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm COVID - 19, nhưng nhiều cơ sở y tế vẫn cố tình bằng nhiều hình thức để thu giá dịch vụ xét nghiệm dịch vụ xét nghiệm COVID -19 cao nhằm thu lợi.

Điển hình như mới đây nhất, nhiều người dân thực hiện xét nghiệm COVID – 19 tại Bệnh viện Hồng Ngọc (Hà Nội) tố Bệnh viện này lợi dụng dịch bệnh bắt chẹt người dân (?).

22-1627048943.jpg

Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc bị tố lợi dụng dịch bệnh, nâng giá, bắt chẹt người dân (?)

Theo đó, anh Ngô Văn Tú trú tại tỉnh Hưng Yên người thực hiện xét nghiệm COVID-19 tại Bênh viện đa khoa Hồng Ngọc cho biết, do bản thân làm nghề lái xe nên thường xuyên phải đi test COVID – 19 để làm giấy thông hành đi qua nhiều tỉnh, thành. Ngày 3/6/2021 anh có đến Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc tại trụ sở ở 55 Yên Ninh, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội tiến hành test COVID - 19. Sau khi trình bày nguyên vọng xong, anh Tú được nhân viên của bệnh viện yêu cầu phải khám sàng lọc hết 900.000 đồng trước khi lấy mẫu dịch mũi, họng để test COVID - 19.

Cũng theo anh Tú, điều nực cười ở chỗ mặc dù bệnh viện đã thu tiền gói khám sàng lọc nhưng không hề tiến hành khám mà gọi anh vào lấy mẫu bệnh phẩm luôn. Vô cùng bức xúc về việc này, anh Tú đã nhiều lần phản ánh đến ban lãnh đạo bệnh viện, nhưng nhiều ngày trôi qua phía bệnh viện vẫn quanh co không đưa ra câu trả lời rõ ràng.

Thời gian đầu vì quá ức chế với cách làm việc của bệnh viện, anh Tú yêu cầu bệnh viện phải công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đến giờ nghĩ lại vì sợ ảnh hưởng đến danh tiếng của bệnh viện nên anh chỉ yêu cầu phía bệnh viện xin lỗi bằng văn bản và gửi cho riêng anh. Nhưng đợi mãi phía bệnh viện vẫn im hơi lặng tiếng.

Bên cạnh việc bệnh viện không khám mà vẫn thu tiền của người bệnh, anh Tú còn thắc mắc một vấn đề nữa là giá tiền khám sàng lọc của hai hình thức xét nghiệm sinh học phân tử realtime RT-PCR và test nhanh kháng nguyên virus COVID - 19. Theo anh Tú, cũng là khám sàng lọc trước khi test Covid-19 nhưng giá tiền của test nhanh kháng nguyên virus COVID – 19 chỉ có 100.000 đồng, còn giá tiền của xét nghiệm sinh học phân tử realtime RT-PCR lại lên đến 900.000 đồng.

Vì đã đến Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc tiến hành test cả hai hình thức trên nên anh Tú thấy các nhân viên, bác sỹ của bệnh viện này tiến hành các bước khám chẳng khác gì nhau. Test nhanh hay xét nghiệm sinh học phân tử cũng chỉ đo huyết áp, tim mạch và phổi nhưng chẳng hiểu vì sao lại có hai mức giá khám sàng lọc khác nhau?

23-1627048990.jpg

Biên lai thu phí thể Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc thu phí xét nghiệm COVID-19 gần 2 triệu đồng/lượt

Đáng chú ý, ngoài anh Tú, một số người khác sau khi xét nghiệm sinh học phân tử realtime RT-PCR cũng rất bất ngờ trước mức giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc. Trong đó có một khách hàng xét nghiệm Covid-19 phương pháp RT-PCR tại Phòng khám đa khoa Hồng Ngọc địa chỉ 55 Yên Ninh, Núi Ba Đình, Hà Nội vào ngày 6/7 với phí khám sàng lọc hết 1.08.000 đồng và xét nghiệm bằng phương pháp PCR hết 880.800 đồng. Tổng số tiền thanh toán là 1.960.800 đồng.

Thực tế tình trạng “loạn giá” xét nghiệm COVID không chỉ xảy ra ở một số bệnh viện. Theo tìm hiểu, tại Đồng Nai, có 22 BV và trung tâm y tế (TTYT) XN bằng test nhanh kháng nguyên, trả kết quả sau 4 giờ, mức giá dao động từ 230.000 - 400.000 đồng.

Còn tại Bình Dương, CDC không thực hiện xét nghiệm dịch vụ có thu phí nhằm tập trung phòng chống dịch, chỉ xét nghiệm cho những người được chỉ định xét nghiệm tầm soát Covid-19. Theo bảng giá thông báo của trung tâm y tế thị xã Thuận An, xét nghiệm PCR là 1,8 triệu đồng, test nhanh 450.000 đồng. Còn tại Trung tâm xét nghiệm y khoa MEDI L.A.P Bình Dương, giá XN PCR 2 triệu đồng (trả kết quả trong 24 giờ), test nhanh 400.000 đồng.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu giá xét nghiệm tại các cơ sở y tế công lập như: Bệnh viện Bà Rịa, Bệnh viện Vũng Tàu... xét nghiệm nhanh đồng giá 238.000 đồng/người. Trong khi đó, các cơ sở y tế tư nhân có mức thu khác nhau. Cụ thể, tại thị xã Phú Mỹ, vào ngày 5/7 (thời điểm tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu tất cả người vào địa phương này phải có xét nghiệm âm tính) giá xét nghiệm nhanh được “đẩy” từ 500.000 - 650.000 đồng/người. Đến ngày 6.7 thì giá “hạ” xuống còn từ 300.000 - 380.000 đồng/người.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn vừa ký văn bản số 5452/BYT-KHTC gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương; các cơ sở y tế trực thuộc Bộ; Y tế các bộ, ngành và các cơ sở y tế tư nhân, đề nghị chấn chỉnh việc thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm COVID-19.

Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu, các cơ sở y tế công lập thực hiện nghiêm mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm COVID-19 theo hướng dẫn tại công văn số 4356/BYT-KHTC ngày 28/5/2021, công văn số 5378/BYT-KHTC ngày 7/7/2021 và hướng dẫn nguồn kinh phí chi trả chi phí xét nghiệm tại công văn số 5028/BYT- KHTC ngày 23/6/2021 của Bộ Y tế.

Các cơ sở y tế ngoài công lập đủ điều kiện xét nghiệm COVID-19 theo quy định: thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại công văn số 3025/VPCP-KTTH ngày 8/5/2021 của Văn phòng Chính phủ về công tác điều hành giá năm 2021 nêu trên, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19, đồng thời phải thực hiện việc quyết định mức giá, kê khai giá, niêm yết giá theo đúng quy định…

Đến… tăng giá bất thường tại nhiều cửa hàng thực phẩm

Không chỉ  bức xúc với mỗi nơi một giá trong lĩnh vực y tế, đối với lĩnh vực hàng hóa – thực phẩm, câu chuyện về giá có sự “bất thường” tại chuỗi cung ứng Bách hóa Xanh cũng là một chủ đề được dư luận quan tâm trong nhiều ngày vừa qua: 

Sự việc nổi cộm có thể thấy trong quá trình kiểm tra hệ thống cửa hàng của Công ty CP Thương mại Bách Hóa Xanh, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Cục QLTT tỉnh Sóc Trăng đã lập biên bản đối với cửa hàng Bách Hóa Xanh ở số 481 Trần Hưng Đạo, khóm 8, phường 3, TP Sóc Trăng về hành vi bán một số mặt hàng cao hơn so với giá niêm yết.

24-1627049055.jpg

Cục quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh kiểm tra cửa hàng Bách Hóa Xanh.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 18/7, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1, Cục QLTT Đăk Lăk khi hành kiểm tra tại cửa hàng Bách Hóa Xanh (địa chỉ 259-261 Ngô Quyền, phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột) cũng phát hiện cửa hàng này bán hàng không niêm yết giá; một số chủng loại có giá bán cao hơn so với giá niêm yết. 

Chỉ sau khi Bộ Công thương yêu cầu Bách Hóa Xanh khắc phục ngay sai phạm về giá thì người đứng đầu chuỗi cửa hàng kinh doanh này, Ông Trần Kinh Doanh - Tổng giám đốc hệ thống Bách Hóa Xanh mới thừa nhận những ngày vừa qua có sự việc thực tế về tăng giá một số mặt hàng, nhưng ông cũng cho rằng đây là “do áp lực giá cả đầu vào, cung ứng, vận chuyển hàng hóa”. 

Sáng 22/7, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương đã làm việc với hệ thống Bách hóa Xanh về vấn đề cung ứng hàng hóa và việc tuân thủ các quy định trong kinh doanh. 

Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải ghi nhận những đóng góp của hệ thống Bách hóa Xanh trong việc tham gia vào các chương trình bình ổn, kết nối thị trường. Doanh nghiệp cũng rất tích cực đảm bảo cung ứng hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu trong bối cảnh các tỉnh, thành phố phía nam áp dụng Chỉ thị 16. Tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh, gần đây hệ thống Bách hóa Xanh đã có những vi phạm trong hoạt động kinh doanh và phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, cần có giải pháp khắc phục ngay…

Chế tài của Việt Nam xử lý các hành vi nâng giá dịch vụ, hàng hoá …còn bất hợp lý

Tuy khác nhau về lĩnh vực nhưng các sự việc trên đều chung một điểm chung về giá, đó là việc giá mỗi nơi cho “tấm vé thông hành” một khác, mỗi cơ sở y tế quy định về mức giá một khác. Hay câu chuyện giá tăng bất thường xảy ra ở nhiều cửa hàng trong chuỗi hệ thống Bách Hóa xanh. 

Theo tìm hiểu của Phóng viên, Khoản 1 điều 11 Luật Giá năm 2012 quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá và phải thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết theo quy định.

Đồng thời, Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn: Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá hoặc niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng sẽ bị phạt từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng; vi phạm nhiều lần, tái phạm sẽ bị phạt từ 01 - 03 triệu đồng. Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.

Đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (Điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP) 

Tại Điều 46, 47 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ về vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của ba tháng liền kề trước đó. Kèm theo đó là hình phạt bổ sung: Tịch thu tang vật; Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng hoặc đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm...

Đặc biệt nếu có căn cứ xác định hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh covid19 để mua vét hàng hóa là thuốc thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật (là danh mục mặt hàng bình ổn giá) nhằm bán lại để thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa từ 500.000.000 đồng trở lên thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức phạt tù cao nhất có thể lên đến 15 năm.

Tuy nhiên, để xử lý hình sự các đối tượng về Tội Đầu cơ là cả một vấn đề, rất khó trong việc chứng minh tội phạm. Qua 4 đợt dịch, nhưng chưa có vụ nào bị khởi tố tội danh này. Có lẽ vì lý do này mà nhiều đối tượng không biết sợ.

So với Việt Nam, nhiều nước trên thế giới có hình phạt rất nghiêm khắc

Tại Ấn Độ, Đạo luật Hàng hóa thiết yếu (Essential Commodities Act) được ban hành năm 1995, theo đó đối với những mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm, thuốc, nhiên liệu … trong bối cảnh ảnh hưởng thiên tai dịch bệnh, Chính phủ Trung ương cho rằng cần thiết để duy trì hoặc tăng nguồn cung của bất kỳ hàng hóa thiết yếu nào hoặc để đảm bảo phân phối công bằng và sẵn có ở mức giá hợp lý, Chính phủ Trung ương sẽ ra một thông báo.

Theo đó cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu sẽ bán toàn bộ hoặc một phần xác định số lượng nắm giữ trong kho hoặc được sản xuất … với giá hợp lý theo quy định của Chính phủ. Trường hợp nào vi phạm sẽ bị tịch thu và bị trừng phạt với hình phạt tù có thời hạn không dưới 3 tháng, có thể kéo dài đến 7 năm. Ngoài ra, có thể bị phạt tiền, cấm kinh doanh trong một thời gian nhất định.
Còn tại Mỹ, khi thiên tai hoặc thảm họa ập tới, nếu người bán hàng lợi dụng nhu cầu tăng đột biến (thường đi cùng khan hiếm về nguồn hàng) và ra giá quá cao cho mặt hàng nhu yếu phẩm, sẽ bị coi là "nâng giá cơ hội".

Tại 34 trên tổng số 51 bang và đặc khu, hành vi nâng giá cơ hội khi chính quyền ban bố tình trạng khẩn cấp bị pháp luật coi là vi phạm Luật chống hành vi thương mại bất công hoặc lừa dối. Mức xử lý có thể là phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức giá "quá cao" hoặc "vô lương tâm" thường được xác định bằng cách so sánh mức giá trung bình tại vùng bị ảnh hưởng với mức giá trong khoảng thời gian nhất định trước khi tình trạng khẩn cấp được ban bố. Nếu giá hiện tại cao hơn 10-15% (một số bang có mức trần cao hơn), người bán sẽ bị coi là có hành vi nâng giá cơ hội.

Ví dụ, Điều 50-6,106 của luật chung bang Kansas quy định người cung cấp "hàng hóa hoặc dịch vụ thiết yếu" với giá bán cao hơn 25% so với giá trước khi tình trạng khẩn cấp được ban bố có thể bị phạt 10.000 USD với mỗi lần vi phạm. Trong đó, "tình trạng khẩn cấp" được hiểu là khoảng thời gian được quyết định dựa trên công bố của Tổng thống hoặc Thống đốc bang khi có thảm họa hoặc thiên tai như bão, lốc xoáy, động đất, bạo loạn, hoặc các tình thế cực kỳ nguy hiểm khác.

Trong các bang có luật chống nâng giá cơ hội, Oklahoma và Louisiana là hai bang có mức phạt nặng nhất. Người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt lên tới 10 năm tù, nếu hành vi nâng giá cơ hội gây hậu quả nghiêm trọng (như có người chết)…

Kiến nghị 

Có thể thấy, pháp luật Việt Nam hiện nay cũng đã có đầy đủ các quy định cũng như chế tài đối với những hành vi tăng giá dịch vụ hàng hoá bất hợp lý. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nguyên nhân của tình trạng nhiều cơ sở y tế tư nhân, đơn vị kinh doanh hàng hóa thiết yếu tranh thủ lợi dụng tình hình dịch bênh hoặc và điều kiện bất thường để nâng giá dịch vụ hàng hoá như thời gian qua là do chế tài xử lý đối với các cá nhân tổ chức vi phạm so với một số nước chưa thực sự nghiêm minh, thiếu sức răn đe.

Do đó, để ngăn chặn tình trạng các cơ sở y tế tư nhân, đơn vị kinh doanh hàng hóa thiết yếu tranh thủ lợi dụng tình hình dịch bệnh hoặc và điều kiện bất thường để nâng giá dịch vụ, hàng hoá như thời gian qua,  chúng tôi cho rằng, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị, cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá đối với các cơ sở y tế, đơn vị kinh doanh hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, nhất là các cơ sở y tế tư nhân, xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ.

Đồng thời, cần nghiên cứu học tập quy định pháp luật một số nước,  tăng cường chế tài xử lý các hành vi nâng giá dịch vụ, hàng hoá thiết yếu trong lúc dịch bệnh nhằm thu lợi bất chính. Cần thiết xử lý hình sự một số vụ để răn đe.

Vũ Thuỷ - Xuân Trường
 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/kien-nghi-tang-che-tai-xu-ly-nghiem-hanh-vi-nang-gia-dich-vu-xet-nghiem-covid-19-hang-hoa-thiet-yeu-a252712.html