Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nêu 10 giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2021

Sáng 22-7, trình bày Báo cáo thẩm tra về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh tán thành với nhận định trong báo cáo của Chính phủ.

5-1626942683.jpg

Sáng 22/7/2021, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe trình bày Báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN).

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo đó, GDP 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 5,64%, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; công tác chuẩn bị nguồn hàng, bình ổn giá cả được triển khai hiệu quả; thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá ổn định, tín dụng dần phục hồi, tăng 5,68% so với cuối năm 2020; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề, trong đó nhấn mạnh việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ Covid-19 đã góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của nhân dân, người lao động và hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỷ lệ giải ngân thấp, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Chiến lược vaccine của nước ta gặp nhiều thách thức, tỷ lệ dân số được tiêm chủng còn thấp; nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không có đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vaccine…

Cũng trong báo cáo, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nêu 10 giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2021, trong đó nhấn mạnh: "Cần triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh".

Xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” phù hợp với tình hình thực tiễn và địa bàn cụ thể.

Thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển “quỹ vaccine”; thông tin đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng; công khai xây dựng, đẩy nhanh lộ trình mua, đa dạng hoá nguồn cung và tổ chức tốt việc tiêm vaccine; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm, cấp phép và sản xuất vaccine trong nước.

Bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm và thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Có các biện pháp điều hành xuất, nhập khẩu hợp lý, thúc đẩy, tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước và các nguyên vật liệu sản xuất; tăng cường kiểm tra, điều hành để bảo đảm cung - cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả thị trường; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tích trữ, tăng giá bất thường...

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/uy-ban-kinh-te-cua-quoc-hoi-neu-10-giai-phap-cho-6-thang-cuoi-nam-2021.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/uy-ban-kinh-te-cua-quoc-hoi-neu-10-giai-phap-cho-6-thang-cuoi-nam-2021-a252701.html