Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19: Chuyên gia khuyến cáo Hà Nội cần phải rút bài học kinh nghiệm từ TP HCM để tránh bị động.

(Pháp lý) –  Tình hình dịch Covid -19 tại Hà Nội mấy ngày vừa qua diễn biến khá phức tạp, số lượng ca nhiễm mới tăng nhanh, xuất hiện nhiều ổ/cụm dịch có nguồn lây khác nhau, từ khu công nghiệp; từ những người đi từ vùng dịch về (đặc biệt là TP HCM)… Đáng chú ý, một số ổ dịch không rõ nguồn lây. Theo PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc bệnh viện phổi TW, đến thời điểm hiện tại, chưa có giải trình tự gen của các ca bệnh mới. Tuy nhiên, đối với những ca bệnh có nguồn gốc từ TP HCM - chủng Delta có mức độ lây lan rất nhanh. Do đó, mức độ cảnh báo đối với Hà Nội rất là nghiêm trọng. “Nếu đa ổ, đa nguồn, đa chủng; cộng thêm với địa bàn rộng, dân số đông; sự giao lưu rất lớn… mà không kiểm soát tốt thì  nguy cơ rất cao”  - PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung nhận định. Do đó,  TP.Hà Nội cần đặc biệt rút kinh nghiệm từ TP HCM trong việc sử dụng điều phối nguồn lực y tế một cách hợp lý để tránh bị động, đồng thời nên tính toán phương án thí điểm cách ly F1, F0 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
 
 

image001-1626616531.jpg

Thêm một số điểm dân cư ở Hà Nội bị phong tỏa do liên quan ca Covid-19 (21 tầng tòa nhà Diamond Flower bị cách ly y tế tạm thời từ ngày 18.7

Tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội diễn biến phức tạp

Trưa 18/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã thông tin về 12 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 mới phát hiện. Trong đó, 2 trường hợp mới phát hiện cùng 1 gia đình tại B6 Trại Găng, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng; 10 trường hợp các trường hợp F1 liên quan đến chùm ca bệnh chung cư Sunshine, trong đó, Hai Bà Trưng 7 ca, Hoàn Kiếm 1 ca, Đống Đa 1 ca, Long Biên 1 ca.

Trước đó, sáng18/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cũng đã ghi nhận 18 người dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 16 F1 của các trường hợp xác định dương tính ngày 16-17/7, 2 F1 đã cách ly tập trung từ trước.

Như vậy, tính từ ngày 29/4 đến nay ( ngày 18.7), Hà Nội ghi nhận 420 trường hợp dương tính, trong đó số ca ghi nhận ngoài cộng đồng là 239, số ca mắc là đối tượng đã được cách ly là 181. Tính riêng từ ngày 5/7 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 160 ca, đáng chú ý là 5 ổ dịch mới phát sinh trong ngày 16-18/7 đã có 53 bệnh nhân dương tính. Cụ thể là chùm ca bệnh liên quan đến chung cư Sunshine là 30 trường hợp; Tân Mai – Hoàng Mai: 07 trường hợp; 132 Bùi Thị Xuân: 11 trường hợp; Liên quan đến Bắc Ninh: 03 trường hợp và ổ dịch mới xuất hiện tại B6 Trại Găng, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng là 02 trường hợp.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chiều 18/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký công điện khẩn chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, công điện nhấn mạnh trong những ngày gần đây, tại Hà Nội đã xuất hiện nhiều ca mắc trong cộng đồng, trong đó một số ca chưa xác định được nguồn lây. Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu áp dụng các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 kể từ 0h ngày 19/7 trên địa bàn toàn thành phố, bao gồm:

Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men và các trường hợp khẩn cấp khác như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn…

Hà Nội cũng yêu cầu người dân thực hiện nghiêm 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; khai báo y tế thường xuyên trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone khi ra ngoài. Khuyến khích mọi người dân sử dụng thương mại điện tử, giao hàng tại nhà.

"Dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được hoạt động bao gồm: nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, điện, nước, nhiên liệu, xăng, dầu...).

Các cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang về, cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển; xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... yêu cầu bắt buộc khai báo y tế bằng mã QR", chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo.

Đối với các cơ quan, công sở của TP và Trung ương đóng trên địa bàn, các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn (bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài) chủ động xây dựng phương án làm việc 50% trực tuyến, chia ca, hạn chế làm việc đông người.

Ngoài ra, ông Chu Ngọc Anh cũng yêu cầu các trung tâm thương mại, chợ... trên địa bàn TP tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Hà Nội cũng vận động người dân trong TP hạn chế đi lại, đặc biệt là di chuyển đi các tỉnh khác. Người từ các tỉnh, thành phố khác di chuyển về thủ đô thực hiện khai báo y tế ngay khi di chuyển vào địa bàn TP; lập tức thông tin và ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch với chính quyền cơ sở.

"Đối với các phương tiện vận tải hàng hóa từ các tỉnh, thành khác chỉ giao hàng tại nơi đã đăng ký, thông báo với chính quyền cơ sở, khai báo y tế bắt buộc các địa điểm di chuyển từ điểm lấy hàng, quá trình di chuyển, các trạm dừng chân, lái xe và người trên xe phải có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR không quá 3 ngày; có cam kết chỉ dừng đỗ và hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp khi giao hàng, tiếp nhiên liệu; khai báo y tế bắt buộc và đảm bảo 5K", công điện chỉ đạo rõ.

Về các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng, TP Hà Nội yêu cầu phải giảm 50% công suất hoạt động và 50% số ghế, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa.

Đồng thời, tạm thời không tổ chức đám cưới; đám tang tổ chức không quá 30 người và phải được cơ quan y tế tại nơi tổ chức giám sát nghiêm ngặt.

"Việc tổ chức các hoạt động hội họp, sự kiện chính trị quan trọng của Trung ương trên địa bàn do Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương quyết định", công điện nêu.

Trước đó, ngày 17/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký công văn số 969/TTg-KGVX gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 tại một số địa phương.

Công văn nêu rõ, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, căn cứ đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế và ý kiến thống nhất của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với các địa phương. Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đã thực hiện, bổ sung thành phố Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.

Thời gian thực hiện giãn cách xã hội là 14 ngày. Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với các tỉnh, thành phố bổ sung nêu trên do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, nhưng không muộn hơn 0 giờ 00 phút ngày 19/7/2021.

Cần đặc biệt rút kinh nghiệm từ TPHCM

Trao đổi nhanh với Phóng viên Tạp chí Pháp lý, PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, tình hình dịch Covid -19 tại Hà Nội mấy ngày vừa qua diễn biến khá phức tạp, số lượng ca nhiễm mới tăng nhanh. Xuất hiện nhiều ổ/cụm dịch có nguồn lây khác nhau, từ khu công nghiệp; từ những người đi từ vùng dịch về (đặc biệt là TP HCM)… Đáng chú ý, một số ổ dịch không rõ nguồn lây.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng Hà Nội đã có những chỉ đạo sát sao. Chỉ đạo của Lãnh đạo thành phố rất kịp thời, mạng lưới CDC từ thành phố đến các quận huyện, xã phường hoạt động quyết liệt nhanh chóng…

Cũng theo PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung, đến thời điểm hiện tại, chưa có giải trình tự gen của các ca bệnh mới. Tuy nhiên, đối với những ca bệnh có nguồn gốc từ TP HCM - chủng Delta có mức độ lây lan rất nhanh. Do đó, mức độ cảnh báo đối với Hà Nội rất là nghiêm trọng. 
“Nếu đa ổ, đa nguồn, đa chủng; cộng thêm với địa bàn rộng, dân số đông; sự giao lưu rất lớn… mà không kiểm soát tốt nguy cơ có thể tương đương TP HCM”  - PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung nhận định.

image002-1626616579.jpg

PGS TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương

PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung cho rằng, các địa phương, trong đó có Hà Nội cần phải rút bài học kinh nghiệm từ TP HCM trong việc sử dụng, điều phối nguồn lực y tế một cách hợp lý nhất để tránh bị động. 

Theo PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung, tại TP HCM vừa qua có tình trạng một số F0 có biến chứng nặng chưa được chuyển đến bệnh viện để điều trị kịp thời cho thấy sự quá tải của hệ thống bệnh viện, bị động trong việc quản lý, sử dụng nguồn lực y tế.

PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung cho rằng cần phải đặc biệt chú trọng vai trò của hệ thống tế dự phòng tức là hệ thống CDC các tuyến. Thực tiễn cho thấy có thể giao cho đội ngũ y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế tư nhân cùng chính quyền và các ban ngành đoàn thể kết hợp nguồn lực sẵn có của người dân để quản lý và theo dõi ngoài bệnh viện (tại nhà, khu cách ly tập trung, khách sạn, dã chiến,…)   khoảng 84% số người nhiễm không triệu chứng hoặc rất nhẹ. Còn hệ thống bệnh viện chỉ cần chịu trách nhiệm cho khoảng 16% bệnh nhân thực sự mức độ trung bình, nặng và nguy kịch thì mới đáp ứng được yêu cầu giảm biến chứng giảm tử vọng. Ứng dụng công nghệ thông tin, bản đồ hóa, kết nối dữ liệu điều phối trung tâm để 2 hệ thống hoạt động nhịp nhàng như bình thống nhau làm cân bằng và hiệu quả.  

Chuyên gia kiến nghị Hà Nội nên triển khai cho F1, F0 cách ly, điều trị tại nhà 

PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung kiến nghị Hà Nội nên triển khai cho F1 cách ly tại nhà theo đúng chỉ đạo của Bộ y tế. “Ngay cả đối với các ca F0 không có triệu chứng cũng cần thí điểm cách ly và theo dõi tại nhà nếu đủ điều kiện. Đây là giai đoạn có thể chủ động đánh giá mức độ an toàn, hiệu quả để rút kinh nghiệm hoàn thiện quy trình để áp dụng trong tình huống xấu, dịch lan rộng hơn nữa” - PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung nói.

Cùng quan điểm PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà là phù hợp và cần thiết với tình hình dịch bệnh tại Việt Nam hiện nay.
PGS. TS Trần Đắc Phu phân tích, hiện nay các biến chủng mới đang lây lan rất mạnh nên số lượng bệnh nhân (F0) tăng nhanh và các trường hợp F1 có thể sẽ lên đến hàng trăm nghìn người.

image003-1626616611.jpg

PGS. TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế)

"Với số lượng đông như vậy sẽ gây quá tải cho các khu cách ly tập trung, tốn kém về tài chính và gây khó khăn cho lực lượng phục vụ ăn uống, sinh hoạt. Ngoài ra, nếu khu cách ly tập trung không đảm bảo sẽ rất dễ bị lây nhiễm chéo", PGS. TS Trần Đắc Phu phân tích.
PGS. TS Trần Đắc Phu cho biết, để áp dụng hình thức cách ly các trường hợp F1 tại nhà cần phải đảm bảo các quy định và điều kiện cụ thể đã được Bộ Y tế hướng dẫn đầy đủ.

Ngày 14/7, Bộ Y tế đã có văn bản số 5599/BYT- MT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19.

Theo đó, khi cách ly F1 tại nhà, bắt buộc là nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập). Trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: "Địa điểm cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19".

Trong nhà phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Nếu nhà có nhiều tầng thì sử dụng một tầng riêng biệt để thực hiện cách ly y tế.

Cạnh phòng cách ly y tế phải có một phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện việc khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe (bố trí bàn, ghế, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn, thùng đựng chất thải lây nhiễm, thùng đựng chất thải sinh hoạt).

Đặc biệt, phòng cách ly phải bảo đảm khép kín, có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn (hay dung dịch sát khuẩn tay). Có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân trong phòng.
Ngoài ra, trong phòng cách ly có thùng đựng chất thải, có màu vàng, có nắp đậy; mở bằng đạp chân, có lót túi màu vàng đựng chất thải lây nhiễm (khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng), có dán nhãn "Chất thải có nguy cơ chứa vi rút SARS-CoV-2" (hay thùng đựng chất thải lây nhiễm); thùng đựng chất thải sinh hoạt, có nắp đậy, mở bằng đạp chân và có lót túi màu xanh (hay thùng đựng chất thải sinh hoạt).

Trong nhà không được dùng điều hòa trung tâm, bảo đảm thông thoáng khí, tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ; có máy giặt hoặc xô, chậu đựng quần áo để người cách ly tự giặt; có chổi, cây lau nhà, giẻ lau, 2 xô và dung dịch khử khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường để người cách ly tự làm vệ sinh khử khuẩn phòng. Phòng cách ly phải được vệ sinh khử khuẩn hằng ngày…

Đinh Chiến
 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/dien-bien-phuc-tap-cua-dich-covid-19-chuyen-gia-khuyen-cao-ha-noi-can-phai-rut-bai-hoc-kinh-nghiem-tu-tp-hcm-de-tranh-bi-dong-a252652.html