Từ việc góp vốn “ chui” vào Saigon Co.op: Kiến nghị bịt loạt kẽ hở Luật Hợp tác xã, ngăn chặn tiêu cực.

(Pháp lý) – Mới đây, cơ quan điều tra Công an TP HCM đã tiếp nhận hồ sơ của UBND quận 8 và UBND quận 11 về sự việc có dấu hiệu vi phạm trong việc góp vốn của HTX Tiêu dùng phường 14, quận 8 và HTX Thương mại và Dịch vụ quận 11 vào Liên hiệp HTX Thương mại thành phố (Saigon Co.op). Theo đó, HTX Tiêu dùng phường 14 và HTX Thương mại và dịch vụ quận 11 bị cho là có dấu hiệu vi phạm khi góp “chui” gần 600 tỉ đồng vào Saigon Co.op. Vậy mục đích của hành vi này là gì ? Sai phạm pháp luật tới đâu…? Giải pháp nào để ngăn chặn các  “bản sao” Saigon Co.op…?

Nghi vấn mục đích góp vốn chui nhằm “ thôn tính” Saigon Co.op 

Kết luận thanh tra trước đó cho biết: tình hình hoạt động kinh doanh HTX Tiêu dùng trong năm 2018 và 2019 hiệu quả chưa cao (gần 17 triệu đồng và 2,6 triệu đồng), lợi nhuận sau thuế giảm. Trong năm 2018-2019, đơn vị này cũng không góp vốn vào Saigon Co.op nhưng đến tháng 1/2020, HTX Tiêu dùng phường 14 đã góp một lần hơn 283 tỉ đồng vào liên hiệp HTX, điều này đặt ra nghi vấn “không bình thường” về số tiền góp vốn “khủng” này. Trong số tiền 283 tỉ đồng thì có đến 280 tỉ đồng là phần góp của công ty Anh Tú Thy và 3,6 tỉ đồng huy động từ 6 thành viên mới vừa được kết nạp vào HTX. Sự việc xảy ra tương tự tại HTX Thương mại và dịch vụ quận 11 khi vào đầu năm 2020, HTX này đã góp đến 306 tỉ đồng vào Saigon Co.op. Trong đó khi đó có 300 tỉ là của ông L.V. P. góp vốn vào HTX quận 11 thông qua hình thức hợp tác góp vốn đầu tư. Phần còn lại được các nhà đầu tư khác chuyển cho các thành viên HTX quận 11 để góp vốn vào Saigon Co.op.

HTX Tiêu dùng phường 14 và HTX Thương mại và dịch vụ quận 11 bị cho là có dấu hiệu vi phạm khi góp “chui” gần 600 tỉ đồng vào Saigon Co.op. Nhận thấy những bất thường của các vụ góp vốn trên, UBND quận 8 và UBND quận 11 đã chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra Công an TP HCM.  

Xung quanh vụ việc này, nhiều ý kiến nghi vấn mục đích góp vốn chui nhằm “ thôn tính” Saigon Co.op.

21-1625831136.jpg
Saigon Co.op là nhà bán lẻ nội địa có mạng lưới lớn nhất Việt Nam.

Quy định của pháp luật về góp vốn, quyền chi phối đối với HTX 

Hiện nay vấn đề góp vốn vào HTX được quy định chủ yếu trong Luật HTX năm 2012, Nghị định 193/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật HTX, Thông tư 83/2015/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với HTX, Luật Quản lý thuế.... Khi HTX, liên hiệp HTX phát triển đến trình độ cao hơn thì sẽ hình thành các doanh nghiệp của HTX, liên hiệp HTX; doanh nghiệp của HTX, liên hiệp HTX hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (Điều 3 Luật HTX 2012).

Theo đó, quy định đối với HTX và vốn góp của thành viên được thực hiện theo sự thỏa thuận và theo quy định của điều lệ HTX, tuy nhiên vốn góp của thành viên không được vượt quá 20% vốn điều lệ của HTX. Tương tự, đối với liên hiệp HTX vốn góp của các HTX thành viên được thực hiện theo sự thỏa thuận và theo quy định của điều lệ và không được vượt quá 30% vốn điều lệ của liên hiệp HTX (Điều 17 Luật HTX 2012).

Luật cũng có qui định việc HTX huy động vốn từ cá nhân tổ chức bên ngoài HTX. Cụ thể,  liên hiệp HTX ưu tiên huy động vốn từ thành viên, HTX thành viên để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trường hợp huy động vốn từ thành viên, HTX thành viên chưa đáp ứng đủ nhu cầu thì HTX, liên hiệp HTX huy động vốn từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật và điều lệ. Và HTX, liên hiệp HTX được tiếp nhận các khoản trợ cấp, hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật (Điều 44 Luật HTX 2012).

image002-1625831198.jpg
 

Với các quy định pháp luật nêu trên, có thể thấy hiện nay luật HTX mới thừa nhận việc góp vốn đối với thành viên HTX, liên hiệp HTX và đưa ra giới hạn tối đa về phần vốn góp của thành viên không được vượt quá 20% vốn điều lệ của HTX. Còn đối với cá nhân, tổ chức ngoài HTX thì luật chưa quy định rõ ràng về vấn đề này. Sự “có mặt” của các nhà đầu tư ngoài HTX hiện nay được luật công nhận ở phương thức huy động vốn là “các nguồn khác theo quy định của pháp luật và điều lệ” (khoản 1 Điều 44). 

Dễ dàng nhận thấy qui định trên là một quy định tùy nghi, do vậy có nhiều cách hiểu được đưa ra như sau: Ý kiến thứ nhất cho rằng “các nguồn khác theo quy định của pháp luật và điều lệ” là “các khoản trợ cấp, hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật” (khoản 2 Điều 44); 

Ý kiến thứ hai đưa ra quan điểm “các nguồn khác theo quy định của pháp luật và điều lệ” là nguồn mà HTX, liên hiệp HTX đi vay của cá nhân, tổ chức bên ngoài HTX thông qua hợp đồng vay vốn với tổ chức kinh tế, cá nhân cho vay theo quy định của pháp luật; Ý kiến thứ ba đánh giá “các nguồn khác theo quy định của pháp luật và điều lệ” là quy định cho phép các tổ chức, cá nhân bên ngoài góp vốn khi HTX, liên hiệp HTX gặp khó khăn nhằm bảo đảm sự “lưu thông” dòng chảy về vốn của HTX, liên hiệp HTX và đổi lại được một số lợi ích nhất định. 

Giả định đối với cách hiểu thứ 3, theo Luật HTX 2012,  khi HTX, liên hiệp HTX phát triển đến trình độ cao hơn thì tổ chức đó còn chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên dù có chịu sự điều chỉnh của Luật doanh nghiệp, thì vấn đề huy động vốn vẫn chịu sự điều chỉnh của Luật HTX để đảm bảo nguyên tắc dân chủ và đảm bảo quyền lợi xã viên. Bởi HTX vận hành hoạt động trên nguyên tắc dân chủ nên mọi xã viên đều bình đẳng trong việc tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động của hợp tác xã, không phân biệt dù người đó nhiều vốn hay ít vốn. 

Đặc biệt, theo qui định của Luật HTX, các vấn đề liên quan đến vốn đều phải thông qua Đại hội thành viên. Tuy nhiên lãnh đạo của các HTX thành viên thuộc Saigon Co.op đã cố tình bỏ qua qui định này, không thông qua ĐH thành viên, mà trực tiếp góp vốn luôn vào Saigon Co.op và Saigon Co.op cũng không thẩm tra mà tiếp nhận luôn vốn.

“Soi chiếu” với trường hợp của Saigon Co.op

Trước tiên khẳng định đây là một tổ chức kinh tế hoạt động dựa trên nguyên tắc xác lập sở hữu tập thể với chủ sở hữu vốn là UBND và Thành ủy TP HCM, do đó việc bổ nhiệm các chức danh quan trọng trong tổ chức này như Tổng giám đốc, Chủ tịch hội đồng thành viên do các cơ quan lãnh đạo địa phương quyết định. Đồng thời Saigon Co.op còn mang tính chất đặc thù, từ khi hình thành cho đến nay tổ chức luôn gắn với nhiệm vụ chính trị quan trọng của thành phố là điều tiết, bình ổn giá cả thị trường, an ninh lương thực. 

Với những sai phạm của tổ chức này được báo chí phản ánh là tăng vốn, huy động vốn có sự “bất thường” (từ HTX thành viên cho đến liên hiệp HTX). Cụ thể đã có các nhà đầu tư “khủng” đóng góp số vốn lên đến vài trăm tỉ vào liên hiệp HTX thông qua thành viên HTX nhưng lại không cung cấp được các hồ sơ liên quan. Việc tăng vốn phải có dự án được đại hội thành viên thông qua nhưng tại các HTX thành viên quy trình này đã được thực hiện một cách “siêu tốc”, “đốt cháy giai đoạn” mà không có sự đồng ý của đại hội. Phương thức huy động vốn này không nhằm mục đích phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của tổ chức mà vay vốn thông qua thỏa thuận hợp tác, góp vốn đầu tư nhưng thực tế đây chỉ là hình thức để che đi những mưu toan phía sau. Vấn đề thao túng có thể xảy ra khi bên ngoài là mang danh nghĩa các thành viên HTX đóng góp vốn vào liên hiệp HTX nhưng thực chất bên trong số tiền lại không phải của chính các thành viên mà là nhà đầu tư bên ngoài. 

Khi một tổ chức không còn giữ được nguyên tắc hoạt động độc lập và phải chịu sự kiểm soát từ bên ngoài, rất dễ nảy sinh các hiện tượng trục lợi, trong khi đó quyền lợi của thành viên tổ chức bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Về lâu về dài tổ chức đó sẽ bị mất quyền kiểm soát, trên danh nghĩa vẫn là người trong tổ chức nhưng bên trong thực chất là do nhà đầu tư ngoài nắm quyền. 

Thanh tra TP HCM cho rằng có dấu hiệu thực hiện hành vi huy động góp vốn trái pháp luật và thâu tóm ở lần bổ sung vốn điều lệ cuối cùng của liên hiệp HTX. Cụ thể, các HTX thành viên của Saigon Co.op đạt lợi nhuận 5-6 tỉ đồng nhưng không góp vốn, trong khi nhiều HTX chỉ đạt lợi nhuận sau thuế từ 24 đến 500 triệu đồng một năm lại góp hàng trăm tỉ đồng. Thậm chí có đơn vị kinh doanh thua lỗ vẫn góp 247 tỉ đồng. Các HTX lợi nhuận ít nhưng góp vốn lớn cho biết đã huy động vốn từ các thành viên bên ngoài và có trường hợp ký hợp đồng hợp tác với các cá nhân ngoài hợp tác xã. 

Do vậy có thể đặt ra nghi vấn các HTX thành viên có sự hỗ trợ rất lớn của các cá nhân, tổ chức bên ngoài về nguồn vốn và không loại trừ khả năng các nhà đầu tư bên ngoài muốn thâu tóm, chiếm đoạt vốn, nhằm âm mưu thôn tính “con gà đẻ trứng vàng” Saigon Co.op chuyển từ tài sản tập thể sang tài sản tư nhân. Saigon Co.op không chỉ là một là một tổ chức kinh tế mà còn thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng là bình ổn an ninh lương thực trên địa bàn, nếu không giữ được nguyên tắc tổ chức hoạt động theo tôn chỉ ban đầu, kinh tế tư nhân nắm quyền chi phối thì rất dễ xảy ra hiện tượng nhũng loạn thị trường, găm hàng, đầu cơ tích trữ trong bối cảnh đại dịch Covid-19. 

Tại một số cơ sở đã lập khống hồ sơ, tự quyết định các vấn đề nhằm “hợp pháp hóa” số vốn huy động “khủng” từ bên ngoài, cụ thể: Theo quy định Điều lệ HTX và quy chế quản lý tài chính của HTX Tiêu dùng phường 14, việc huy động vốn góp trên 200 triệu bắt buộc phải xây dựng phương án và phải thông qua đại hội thành viên HTX (mục đích là bảo vệ quyền lợi thành viên sẵn có, tránh bị cá nhân hoặc tổ chức bên ngoài thâu tóm, lũng đoạn mô hình HTX). Tuy nhiên khi đoàn thanh tra xác minh, ông Đào Ngọc Duyên với vai trò là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Tiêu dùng phường 14 đã không tổ chức họp HĐQT và đại hội thành viên HTX, mà lập khống toàn bộ hồ sơ, tài liệu để hợp thức hóa việc đại hội thành viên HTX Tiêu dùng phường 14 thống nhất huy động vốn và góp vốn vào Saigon Co.op với số tiền lên đến hơn 283 tỉ đồng. Về phía Saigon Co.op, cuối tháng 1/2020, đại hội thành viên bất thường lần 1 được tổ chức để thống nhất việc huy động vốn, mặc dù trước đó hội đồng quản trị của Saigon Co.op chưa xây dựng phương án huy động vốn với mục đích cụ thể của việc tăng vốn là gì.

Saigon Co.op có tỷ suất lợi nhuận đạt được từ 26-39% trên vốn góp nên nhu cầu của các cá nhân, tổ chức ngoài muốn đầu tư vào liên hiệp HTX là hoàn toàn có cơ sở, do vậy nếu không làm rõ được dòng vốn tăng lên thì tổ chức này rất dễ bị chi phối bởi các nhà đầu tư ngoài.

Để không còn những “bản sao” Saigon Co.op…

Là doanh nghiệp bán lẻ số một Việt Nam hiện nay, Saigon Co.op đang chiếm đến 43% thị phần kênh siêu thị khi xét về doanh số bán hàng, gấp khoảng 4 lần so với doanh nghiệp đứng thứ hai. Trong phân khúc đại siêu thị, doanh nghiệp này cũng là đơn vị bán lẻ nội địa duy nhất có đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các chuỗi siêu thị ngoại như BigC (Thái Lan), Lotte Mart (Hàn Quốc) và Aeon Mall (Nhật Bản). Do đó không khó để nhận thấy “tầm nhìn xa trông rộng” của nhiều nhà đầu tư “bất thường” khi rót vài trăm tỉ đồng vào liên hiệp HTX để có thể nhận lại những lời lãi vô cùng hấp dẫn. 

Sự việc đang xảy ra tại Saigon Co.op không chỉ dừng lại là câu chuyện cụ thể tại một địa phương mà nó còn phản ánh việc lạm quyền khi thực thi nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo, về vấn đề pháp luật điều chỉnh góp vốn, huy động vốn tại HTX nói chung.

Nghiên cứu các qui định liên quan, chúng tôi cho rằng việc giám sát thực hiện góp vốn, huy động vốn của các thành viên trong HTX, liên hiệp HTX hiện nay còn khá lỏng lẻo?; Thiếu các quy định của pháp luật cụ thể rõ ràng minh bạch trong việc các nhà đầu tư bên ngoài có được phép hay không được phép góp vốn và được góp khống chế bao nhiêu? Và việc thẩm tra xác minh nguồn vốn được tiếp nhận vào HTX, liên hiệp HTX được thực hiện như thế nào thì luật cũng chưa đề cập…

Do đó kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu rà soát các qui định lỏng lẻo, thiếu minh bạch, từ đó sửa đổi toàn diện Luật HTX 2012 để ngăn chặn các sự vụ tương tự như Saigon Co.op.

Luật phải quy định rõ ràng (tránh tùy nghi) nhằm trả lời cho câu hỏi: cá nhân, tổ chức bên ngoài có được phép góp vốn vào HTX, liên hiệp HTX hay không? Nếu Luật HTX cho phép quy định về việc các cá nhân, tổ chức bên ngoài được phép góp vốn thì cần đặt ra những tiêu chí về giới hạn tối đa tỉ lệ số vốn góp với số vốn điều lệ như luật đã quy định đối với các thành viên HTX để bảo đảm quyền bình đẳng và biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của HTX; 

Đồng thời cần đặt ra mức giới hạn tối đa để triệt tiêu được nguy cơ vốn càng nhiều sẽ càng được quyền thâu tóm, chi phối HTX, liên hiệp HTX. Yêu cầu và thẩm định sự minh bạch hồ sơ trước khi tiếp nhận nguồn vốn góp từ các thành viên vào HTX hoặc HTX thành viên vào liên hiệp HTX hoặc từ các nhà đầu tư ngoài vào mô hình HTX. Phải có cơ chế kiểm soát làm rõ nguồn vốn góp của các HTX thành viên, 

Bên cạnh đó cần hình thành một tổ chức với tên gọi “ban kiểm soát ngoài” để giám sát hoạt động của liên hiệp HTX. Ban kiểm soát này cần đáp ứng sự độc lập về nhân sự với thành viên của liên hiệp HTX…

Sự việc xảy ra tại Saigon Co.op cho thấy những bất cập hiện nay trong nhiều quy định pháp luật HTX và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như việc thực thi pháp luật của các những người đứng đầu tổ chức. Do đó để mô hình HTX ngày càng lớn mạnh, trở thành biểu tượng của sự thành công trong việc phát triển mô hình kinh tế tập thể trong thời kỳ mới cần có một khung pháp lý điều chỉnh hợp lý, nhưng cũng phải chặt chẽ, vừa thu hút nhà đầu tư ngoài HTX tham gia, nhưng cũng phải đảm bảo quyền lãnh đạo, quyết định các vấn đề dành cho thành viên, tránh việc tổ chức kinh tế tập thể bị chi phối bởi nguồn vốn bên ngoài và rơi vào tay cá nhân. 

Vũ Thủy
 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-viec-gop-von-chui-vao-saigon-coop-kien-nghi-bit-loat-ke-ho-luat-hop-tac-xa-ngan-chan-tieu-cuc-a252558.html